Viêm tuyến mồ hôi và những thông tin bạn cần biết
Nội dung bài viết
Vào những ngày hè, thời tiết nóng nực khiến nhiều người dễ đổ nhiều mồ hôi. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, đây sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và gây nên tình trạng viêm tuyến mồ hôi. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh lý này cũng như cách xử trí phù hợp.
Viêm tuyến mồ hôi là gì?
Viêm tuyến mồ hôi là bệnh viêm da mãn tính, thường xảy ra do vi khuẩn phát triển và gây tổn thương tuyến mồ hôi. Bệnh xảy ra nhiều hơn vào mùa nóng và thường xuất hiện ở những người vận động hoặc lao động nặng nhưng không chú ý vệ sinh thân thể. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn, lây lan sang các vùng khác và dẫn tới thiếu máu do nhiễm khuẩn mãn tính.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chủ yếu gây viêm tuyến mồ hôi là do tuyến dầu hoặc lỗ nang lông bị bít bởi các chất dịch hay tế bào chết. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và sinh sản. Mồ hôi là nhân tố chính khiến bệnh tiến triển nặng và tái phát thường xuyên.
Các triệu chứng lâm sàng
Viêm tuyến mồ hôi xảy ra ở những nơi có nhiều nang lông như nách, háng hoặc vùng hậu môn. Những bộ phận có da chạm với nhau như đùi trong, dưới vú hoặc giữa mông cũng có nguy cơ cao xảy ra tình trạng này. Biểu hiện đầu tiên thường là tiết mùi khó chịu ở những vùng này. Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng được quan sát bao gồm:
- Vùng hốc nhỏ của cơ thể thường có mụn đầu đen.
- Xuất hiện u mềm, màu đỏ ở các vùng bị tổn thương.
- Cục u có thể lớn lên, vỡ ra và có mùi.
- Có cục u cứng hình thành dưới da, kích thước hạt đậu, có thể gây đau.
- Vết thương hở thường lâu lành, dễ để lại sẹo và rãnh dưới da.
Các dấu hiệu của tổn thương tuyến mồ hôi khá giống với nhọt. Song nhọt có loét nông hơn và các triệu chứng cũng rầm rộ hơn.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Bất kì độ tuổi hoặc giới tính nào đều có thể bị viêm tuyến mồ hôi. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây có khả năng mắc bệnh cao hơn bình thường:
- Trẻ em đến tuổi dậy thì.
- Người thừa cân, béo phì hoặc hút thuốc lá.
- Người bị căng thẳng, stress trong thời gian dài.
- Người đổ mồ hôi quá nhiều hoặc phải vận động, lao động nặng.
- Người có ba mẹ hoặc người thân bị tôn thương tuyến mồ hôi.
Theo nghiên cứu, các bệnh lý như bệnh Crohn, Graves,… cũng có thể làm tăng khả năng bị viêm tuyến mồ hôi. Do đó, những đối tượng trên cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh để các chất bẩn tích tụ trong thời gian dài. Những vùng như nách, bẹn hoặc háng cần được đặc biệt chú ý.
Viêm tuyến mồ hôi có nguy hiểm không?
Viêm tuyến mồ hôi có nguy hiểm không là thắc mắc hàng đầu của rất nhiều người. Theo các bác sĩ, bạn không cần quá lo lắng do căn bệnh này hoàn toàn không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh lại ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý người bệnh.
Ban đầu, bạn sẽ có dấu hiệu đau nhức ở nơi viêm và những vùng lân cận. Viêm tuyến mồ hôi ở nách hoặc bẹn khiến bệnh nhân khó khăn trong sinh hoạt vì đau đớn.
Khi tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng hơn, mủ có thể xuất hiện và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và lây lan nhanh chóng nếu không được điều trị đúng cách. Một số trường hợp có thể bị nhiễm trùng lan tỏa hoặc thiếu máu do nhiễm khuẩn lạnh.
Dù bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, viêm tuyến mồ hôi mưng mủ vẫn để lại một số tác hại. Những vùng bị tổn thương có thể để lại sẹo dày hoặc các mảng da sẫm màu hơn bình thường. Do đó, bệnh nhân thường mang tâm lý tự ti do những khiếm khuyết trên cơ thể.
Cần làm gì khi bị viêm tuyến mồ hôi?
Cách điều trị
Theo các chuyên gia y tế, viêm tuyến mồ hôi có thể tự khỏi sau mỗi đợt. Bệnh ít tái phát ở người từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, để phòng ngừa các biến chứng, bạn vẫn nên điều trị càng sớm càng tốt.
Với những trường hợp nhẹ, bệnh có thể được cải thiện khi bạn chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
- Dùng xà phòng thông thường.
- Dùng thêm các chất sát khuẩn.
- Cân nhắc sử dụng các sản phẩm trị mụn để giảm lượng vi khuẩn trên da.
Với những trường hợp nặng, bạn có thể tham khảo các phương pháp sau:
- Đắp gạc ấm có dung dịch sodium chloride (muối).
- Sử dụng các thuốc giảm đau NSAID.
Tuy nhiên, nếu các biện pháp tại nhà không cho kết quả tốt sau 1 -2 tuần, bạn nên đến phòng khám để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Cách phòng ngừa
Ngoài ra, các bác sĩ cũng đưa ra một số lời khuyên để đề phòng viêm tuyến mồ hôi.
Giảm cân
Bạn không cần giảm quá nhiều, chỉ cần giảm 10% so với cân nặng cũ là đủ.
Ngưng hút thuốc
Hút thuốc không làm bít tắc các nang lông nhưng lại làm da bị kích ứng. Việc ngưng thuốc sẽ làm giảm tần suất các cơn đau do nhiễm trùng.
Mặc quần áo rộng
Quần áo quá chật tạo ma sát và gây kích ứng da. Do đó, bạn nên lựa chọn quần áo thoải mái, đặc biệt là đồ lót. Bạn cũng nên ưu tiên chất liệu vải tự nhiên như cotton thay vì các loại vải nhân tạo như polyester hoặc ni-lông.
Luôn giữ thân nhiệt mát mẻ
Tình trạng đổ mồ hôi quá mức có thể làm bí tắc nang lông. Bạn có thể dùng các chất chống mồ hôi để giữ cơ thể khô thoáng. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn các sản phẩm nhẹ nhàng và không có mùi hóa học.
Hạn chế cạo lông
Đặc biệt là vùng nách hoặc nơi có tổn thương.
Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và ngủ đủ giấc. Bạn nên tập thể dục đều đặn và cắt giảm stress khỏi cuộc sống.
Viêm tuyến mồ hôi là tình trạng khá phổ biến ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, bệnh có thể cản trở sinh hoạt của người bệnh do thường gây đau đớn. Do đó, bạn nên chú ý giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là các vùng như nách, bẹn hoặc hậu môn. Nếu có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Những người dễ bị viêm tuyến mồ hôihttps://suckhoedoisong.vn/nhung-nguoi-de-bi-viem-tuyen-mo-hoi-n116392.html
Ngày tham khảo: 08/06/2021
-
Blocked hair follicles: what you can do at home https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/blocked-sweat-glands-self-care
Ngày tham khảo: 08/06/2021