Virus HPV có thể gây bệnh gì ở nam giới?
Nội dung bài viết
HPV (human papillomavirus) hay còn gọi là virus gây bệnh mụn rộp. Đây là một loại virus rất phổ biến có thể lây lan từ người này sang người khác. Nữ giới thường được quan tâm hơn vì HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Nhưng nam giới cũng có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh. Vậy virus HPV có thể gây bệnh gì ở nam giới? Xin hãy xem bài viết bên dưới.
1. Virus HPV gây bệnh gì ở nam giới?
Hầu hết nhiễm virus HPV ở nam giới rất ít khi biểu hiện hoặc không bao giờ biểu hiện triệu chứng. Hiện tại, giới khoa học vẫn không hiểu tại sao. So với ở nữ giới, thì khi nhiễm HPV ở nam giới, họ dễ biểu hiện các triệu chứng hơn.
Điều này khiến nam giới trở thành nguồn lây nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng (tức là do không biết mình có bị lây nhiễm HPV hay không vì nếu có bị nhiễm, ở nam giới cũng ít hoặc không có triệu chứng nào để họ phải đi khám cả).
Vậy HPV là gì? Virus HPV gây bệnh gì ở nam giới? Thường các bệnh này chỉ biểu hiện khi bệnh nhân bị nhiễm HPV và kèm theo các vấn đề về sức khỏe khác. Nếu bạn thuộc trong những nhóm người này, khi điều trị HPV cần được khai báo cho bác sĩ điều trị để có hướng điều trị tốt và hợp lý.
Các vấn đề về sức khỏe khác thường gặp như:
- Suy giảm miễn dịch (mắc phải – do HIV) hoặc các bệnh tự miễn, dùng thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng.
- Suy dinh dưỡng nặng.
- Sau một đợt bệnh nặng. Ví dụ như bạn bị một chấn thương nặng hoặc sau phẫu thuật, sau một đợt bị nhiễm trùng nặng (viêm túi mật hoại tử, viêm não do tụ cầu…).
- Người già, sức khỏe yếu kém.
- Hút thuốc lá, rượu bia, suy gan, suy thận, đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết. Người hen suyễn nặng, dùng các thuốc kháng viêm liều cao lâu ngày.
- Người có nhiều bạn tình, người có hoạt động tình dục đồng tính và ít hoặc không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ.
Khi đó, virus HPV gây bệnh ở nam giới như miêu tả dưới đây:
1.1 Mụn cóc sinh dục
Đây có lẽ là thương tổn “nổi tiếng” nhất và được nhiều báo truyền thông tuyên truyền nhất. Một phần là những tổn thương này thường gặp hơn. Người bệnh nghĩ đây là bộ phận “thầm kín” và quan trọng nên khi phát hiện có những thay đổi ở vùng này là bệnh nhân sẽ có thái độ hối thúc hơn khi bệnh ở những vùng khác.
Mụn cóc xung sinh dục sẽ biểu hiện ở phần dương vật và tầng sinh môn. Đa phần có dạng khối sùi, trông như khối bông cải (súp lơ). Các tổn thương này được gọi là Codyloma. Các mụn cóc sinh dục này sẽ được miêu tả rõ hơn trong các mục bên dưới.
1.2 Ung thư hậu môn
Các tổn thương dạng sùi có thể xuất hiện ở cả phần da rìa hậu môn, ngay tại hậu môn hay sâu trong niêm mạc trực tràng. Do những người có hoạt động tình dục bằng đường hậu môn lây nhiễm phải.
May mắn là các tổn thương dạng sùi này hiếm khi gây bệnh ung thư ở nam giới. Nhưng nó gây mặc cảm về bệnh và ảnh hưởng tinh thần, tâm lý nặng nề cho người bệnh. Việc điều trị khá đơn giản: đó là dùng các tác nhân vật lý cắc bỏ các khối sùi và có thể chỉ định một số loại thuốc kháng virus trong một số trường hợp nặng. Tuy nhiên những khối sùi ở sâu trong lòng trực tràng lại khó điều trị triệt để.
Một số ít trường hợp có ghi nhận chuyển sản hoặc loạn sản tế bào, chuyển thành ung thư hậu môn. Các trường hợp này là khá hiếm.
1.3 Ung thư dương vật
Ở nam sẽ có các tổn thương từ nhẹ đến nặng. Từ những đốm nhỏ đến những khối sùi nhìn như mào gà hay bông cải súp lơ. Có lẽ vì đặc trưng như thế nên nó có cái tên rất ấn tượng và dễ nhớ là sùi mào gà hay sùi bông cải hay codyloma dương vật.
Những tổn thương dạng sùi xuất hiện ở trên da quanh dương vật, quanh rìa quy đầu, quy đầu, phần da bìu hay hai bên bẹn. Các tổn thương lúc mới xuất hiện sẽ có màu hồng, đỏ. Nếu bị viêm sẽ có hiện tượng bội nhiễm, chảy mủ và sưng tấy. Chúng thường không gây đau đớn (nếu không bị viêm nhiễm khác), nhưng có thể gây chảy máu nếu bị xây xát hay va chạm.
Nhưng biểu hiện nguy hiểm nhất của HPV là gây ung thư dương vật. HPV có thể làm chuyển sản tế bào dương vật, khiến chúng ung thư hóa.
Xem thêm: Bị sùi mào gà có tiêm vacxin hpv được không?
1.4 Mụn cóc ở da.
Mụn cóc ở da là do một chủng của HPV gây nên. Bệnh gây khó chịu do có thể nổi ở một số vị trí không mong muốn hay “nhạy cảm”. Một số vị trí cơ thể có mụn cóc, lộ ra ngoài khi mặc đồ như ngón tay, bàn tay hay gương mặt gây ảnh hưởng ngoại hình cho người mắc bệnh. Một số mụn cóc mọc ở lòng bàn chân thì gây đau đớn cho người bệnh sau mỗi bước đi.
Bệnh có thể chỉ có một nốt đơn độc hoặc nhiều nốt hoặc một sẩn lớn trên da. Có nhiều biện pháp để điều trị vấn đề này, tuy nhiên, khi không điều trị đúng cách, bệnh rất dễ lây lan ra vùng da xung quanh. Cách tốt nhất là bạn đến khám và điều trị tại cơ sở y tế uy tín để cắt lọc phần tổn thương.
Không nên tự ý điều trị. Việc tự ý điều trị có thể làm lây lan các mụn cóc này hoặc gây nhiễm trùng, hoại tử phần da.
1.5. Đốm nâu trên mặt
Một số chủng HPV lại ưa thích một vùng da nhất định trên cơ thể để biểu hiện bệnh. Trong đó có hơn 10 chủng gây nên các tổn thương da ở vùng mặt.
Đáng lo ngại là các chủng ở vùng da mặt lại phát tán nhanh và dễ lan rộng thành những đốm chi chít, rất mất thẩm mỹ.
Liệu pháp laser có thể giúp các bệnh nhân cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, điều khó chịu thường không dừng ở đó. Các chủng này cũng thường hay tái phát khi sức khỏe bạn suy giảm. Sau một cơn bệnh, nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, ghép tạng, dị ứng,… đều có thể khởi nguồn để chúng tái phát và lan rộng.
Nhiễm HPV ở nam giới chủng này sẽ cảm thấy may mắn hơn so với phụ nữ. Đa phần nam giới có làn da sẫm màu hơn. Tuy nhiên những bất tiện và tính thẩm mỹ chúng đem lại thật khó chịu.
1.6 Nốt sùi quanh miệng
Chủng này thường lây lan ở những người có hoạt động tình dục qua đường miệng, các kiểu kích thích tình dục bằng đường miệng. Đôi khi đơn giản là hôn nhau hay dùng chung dao cạo cũng là một nguy cơ gây lây nhiễm.
Đặc trưng của chúng là: dễ lây lan. Mọc thành từng nốt đơn độc hoặc cụm (thường ít hơn 6 tổn thương). Xuất hiện quanh vùng miệng và niêm mạc ở môi. Vết có thể sưng gồ hoặc lở loét, gây nhiễm trùng và đau đớn cho người bệnh.
Không có cách điều trị đặc hiệu cho vùng này. Thường các thương tổn sẽ tự động biến mất sau 2-4 tuần.
Các thuốc hay các phương pháp điều trị thường là điều trị hỗ trợ, làm giảm triệu chứng. Các thuốc giảm đau, giảm viêm, giảm sưng nề và đôi khi kháng sinh có thể được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị các nhiễm trùng bội nhiễm.
1.7 Sùi trong vòm miệng, niêm mạc miệng, họng và ung thư vòm họng
Bệnh thường lây nhiễm do các hoạt động tình dục qua đường miệng hay dùng chung các dụng cụ vùng hầu họng như cạo lưỡi, bàn chải đánh răng… Chủng gây bệnh vùng hầu họng thường được xếp vào nhóm có nguy cơ cao.
Các báo cáo y khoa cho thấy chúng có liên quan đến ung thư vòm họng. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian và bằng chứng hơn nữa để chứng minh điều đó trong tương lai.
Triệu chứng thường rõ ràng và rầm rộ: Khó nuốt, đau tai liên tục, ho ra máu, giảm cân không giải thích được, hạch bạch huyết vùng hầu họng to, đau, đau họng liên tục, cục u trên má phát triển hoặc cục u trên cổ, khàn tiếng.
2. Cách giảm nguy cơ lây nhiễm virus HPV ở nam giới
2.1 Xét nghiệm HPV ở nam giới
Xét nghiệm HPV là một cách để biết mình có bị nhiễm HPV hay không. Tuy nhiên các xét nghiệm HPV ở nam giới không được khuyến cáo (theo CDC Hoa Kì).
Khi biết được mình có nhiễm HPV, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa lây truyền sang cho người khác.
2.2 Quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục an toàn là cách để giảm nguy cơ mắc bệnh. Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV. Sử dụng bao cao su không thể bảo vệ bạn tránh khỏi hoàn toàn virus khi quan hệ tình dục.
Lí do là những dịch tiết và tổn thương trong quá trình cọ xát da- da sẽ làm lây nhiễm HPV. Mặc dù bao cao su có thể bảo vệ tốt vùng dương vật hay âm hộ. Tuy nhiên, nếu các nốt sùi ở phần rìa da xung quanh bị kích thích, chúng có thể lây nhiễm.
2.3 Thay đổi lối sống
Hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá thường xuyên. Việc uống rượu hay hút thuốc lá không làm lây nhiễm HPV. Nhưng rượu và thuốc lá làm bỏng rát vùng niêm mạc miệng. Khi bị tổn thương, chúng dễ dàng bị lây nhiễm bởi nguồn lây HPV qua tiếp xúc hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, việc dùng rượu bia cũng làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều đó, cùng với HPV làm tăng nguy cơ chuyển thành ung thư vòm họng ở người đã nhiễm HPV.
Thường xuyên tập thể dục, kiểm soát cân nặng, nâng cao sức đề kháng. Kiểm soát stress trong cuộc sống. Ăn uống đầy đủ các nhóm chất và vitamin.
HPV là chủng virus gây bệnh phổ biến ở người. Có nhiều chủng virus HPV khác nhau, mỗi chủng lại có những biểu hiện riêng ở những vùng da, niêm mạc riêng biệt. Tổn thương nổi tiếng nhất của HPV là tổn thương mụn cóc sinh dục. Có những nhóm cơ địa đặc biệt có thể khởi phát ung thư khi nhiễm HPV. Những nhóm bệnh nhân này cần khai báo với bác sĩ để có hướng điều trị và theo dõi tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.