YouMed

Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh nhân nôn ói ra máu (10 – 30%). Ở bệnh nhân vỡ giãn tĩnh mạch thực quản lần đầu, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30%. Khoảng 70% trong số bệnh nhân còn lại sẽ vỡ tái phát trong 1 năm. Ở bệnh nhân xơ gan, đây vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu về tình trạng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nhé.

Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản là sự giãn tĩnh mạch ở đoạn dưới thực quản gần chỗ nối với dạ dày. Khi quá to sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ.

Do tĩnh mạch thực quản sẽ dẫn máu về tĩnh mạch cửa. Nên tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ làm giãn tĩnh mạch thực quản.

Hệ thống gan bị xơ hóa, tĩnh mạch cửa giãn và giãn tĩnh mạch thực quản
Hệ thống gan bị xơ hóa, tĩnh mạch cửa giãn và giãn tĩnh mạch thực quản

Nhìn vào hình ta thấy tĩnh mạch cửa sẽ vận chuyển máu về gan để gan hấp thụ dinh dưỡng, loại bỏ chất độc. Và nguyên nhân chủ yếu của tăng áp lực tĩnh mạch cửa cũng  là do xơ gan.

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác nhưng ít gặp hơn. Phân chia nhóm nguyên nhân lệ thuộc vào vị trí nguyên nhân nền tảng. Bao gồm:

  • Trước gan: Hội chứng Budd – Chiari…
  • Tại gan: Xơ gan, Ung thư gan lan toả.
  • Sau gan: Huyết khối tĩnh mạch cửa.

Sự xơ hóa của gan làm biến đổi cấu trúc trong gan. Điều này làm cản trở, ứ đọng máu lại trong tĩnh mạch cửa.

Xơ gan bị gây ra chủ yếu bởi viêm gan B, C mạn tính, do uống rượu nhiều và kéo dài, và do bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH – bệnh lý thường liên quan đến đái tháo đường type 2).

Hậu quả của giãn tĩnh mạch thực quản

Dãn tĩnh mạch thực quản do áp lực trong mạch máu tăng cao. Điều này kéo dài và nặng dần sẽ dẫn đến vỡ.

Khi đó máu sẽ thoát khỏi mạch và đi vào thực quản, dạ dày. Bệnh nhân sẽ ói ra máu hoặc tiêu phân đen nhầy tanh hôi.

Triệu chứng kèm theo gồm:

  • Chóng mặt.
  • Khó thở.
  • Tụt huyết áp, ngất.
  • Thậm chí là đột ngột tử vong.

Mức độ mất máu càng nhiều, triệu chứng của bệnh nhân càng nặng.

Khi nào cần tầm soát giãn tĩnh mạch thực quản?

Giãn tĩnh mạch thực quản được phát hiện ở 30 – 60% bệnh nhân vừa được chẩn đoán xơ gan. Khả năng này cao hay thấp tùy thuộc độ nặng và thời gian mắc bệnh. Phát hiện giãn thông qua việc nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng.

Vì lý do ở trên nên ở mọi bệnh nhân xơ gan ta đều nên thực hiện  nội soi  mỗi 1 – 3 năm. Tần suất tùy vào mức độ bệnh nặng nhẹ của bệnh nhân. Một nguyên nhân khác để tầm soát là khi giãn tĩnh mạch thực quản được phát hiện ở bệnh nhân xơ gan thì khả năng vỡ lên đến khoảng 30%.

Xem thêm: Xơ gan: Cách phòng bệnh và điều trị

Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản như thế nào?

Do bản chất của hiện tượng giãn tĩnh mạch thực quản là do cản trở máu lưu thông ở tĩnh mạch cửa. Nên ta cần phải điều trị nguyên nhân gốc thì tĩnh mạch thực quản sẽ có thể giảm áp lực, giảm độ giãn.

Phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản được hay không?

Bệnh nhân cần phòng ngừa:

  • Tĩnh mạch thực quản: Để phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản ta cần ngăn sự tăng kích thước quá mức của tĩnh mạch thực quản.
  • Xơ gan: Do xơ gan là bệnh mạn tính, thay đổi vĩnh viễn cấu trúc của gan nên không thể hồi phục trở lại bình thường được.

Chính vì những lý do trên mà ở những bệnh nhân có giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan sẽ khá phức tạp. Việc phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản được đặt lên song song với việc quản lý gan xơ.

Để giảm tốc độ tiến triển của xơ gan, ta cần: Ngưng rượu tuyệt đối, giảm cân (ở bệnh nhân béo phì), sử dụng thuốc điều trị theo y lệnh của bác sĩ.

Việc dự phòng vỡ giãn tĩnh mạch thực quản sẽ tùy thuộc vào 3 yếu tố:

  • Mức độ nặng của xơ gan (dựa theo thang điểm Child – pugh).
  • Bệnh nhân đã từng có vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hay chưa.
  • Tình trạng bệnh nhân hiện tại.

Có 2 lựa chọn dự phòng hiện nay:

  • Thuốc uống (beta blocker): Nadolol, Propanolol.
  • Thủ thuật – phẫu thuật (thắt tĩnh mạch thực quản – Band ligament; Tạo thông nối tĩnh mạch cửa – chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh – TIPS; Tạo luồng thông tĩnh mạch cửa chủ – Portosystemic shunting; thậm chí là ghép gan).

Cụ thể hơn về cách phòng ngừa

Cơ chế của việc dự phòng giãn tĩnh mạch thực quản qua thuốc là nhờ co thắt hệ mạch máu nội tạng. Điều này dẫn đến giảm lượng máu cũng như áp lực về hệ tĩnh mạch cửa. Nhờ đó tĩnh mạch thực quản sẽ dẫn máu về dễ dàng hơn, giảm áp lực nhiều hơn dẫn đến giảm kích thước, giảm khả năng vỡ.

Vị trí ảnh hưởng của thuốc.
Vị trí ảnh hưởng của thuốc
Thông nối cửa chủ qua tĩnh mạch cảnh
Thông nối cửa chủ qua tĩnh mạch cảnh

Hãy cảnh giác trước vỡ giãn tĩnh mạch thực quản

Khi có người thân được chẩn đoán xơ gan, hoặc phát hiện có giãn tĩnh mạch thực quản, bạn hãy cẩn thận 2 nhóm triệu chứng:

  • Nôn ra máu.
  • Tính chất phân của bệnh nhân mỗi ngày: phân đi kèm theo máu đỏ tươi, hoặc phân đen, nhầy, tanh hôi.

Xem thêm: Triệu chứng trên có thể là biểu hiện của Chảy máu tiêu hóa dưới

Khi đó, ngay lập tức, bạn phải đưa bệnh nhân vào khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất.

Điều trị vỡ giãn tĩnh mạch thực quản

Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những tình trạng cấp cứu nặng nề, do đó có thể dẫn đến tử vong nếu không can thiệp đúng và kịp thời.

Tùy tình trạng xuất huyết mà bệnh nhân sẽ được truyền dịch, máu, thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa, được can thiệp qua nội soi như thắt hoặc chích xơ tĩnh mạch thực quản. Hoặc nặng hơn là đặt bóng chèn qua miệng vào thực quản để giảm lượng máu chảy.

Xem thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đi nội soi dạ dày, thực quản?

Do 70% bệnh nhân sẽ vỡ dãn tĩnh mạch thực quản tái phát lần thứ 2 trong năm đầu. Đặc biệt là trong 6 tuần kể từ lần vỡ giãn đầu tiên. Dẫn đến việc phòng chống lần vỡ giãn đầu tiên cực kỳ quan trọng.

Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản về bản chất không phải một căn bệnh. Nó là biến chứng của một bệnh lý khác, và thường gặp nhất ở bệnh nhân xơ gan. Đối với vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nói riêng và xơ gan nói chung thì việc điều trị là cực kỳ khó khăn, tỷ lệ tử vong cao. Nên điều bạn cần nhớ là hãy cố gắng phòng tránh xơ gan và tích cực tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tất cả là để bạn và người thân đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Review article Medical Progress GASTROESOPHAGEAL VARICEAL HEMORRHAGE N Engl J Med, Vol. 345, No. 9 · August 30, 2001.

  2. Clinical Pharmacology of Portal Hypertensionhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0889855310000579

    Ngày tham khảo: 21/05/2020

  3. The global epidemiology of NAFLD and NASH in patients with type 2 diabetes: A systematic review and meta-analysishttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31279902/

    Ngày tham khảo: 21/05/2020

  4. Textbook of Clinical Gastroenterology and Hepatology, Second Editionhttps://onlinelibrary.wiley.com/doi/book/10.1002/9781118321386

    Ngày tham khảo: 21/05/2020

  5. Update on the management of gastrointestinal varices Boregowda U,  Umapathy C, Halim N, Desai M, Nanjappa A, Arekapudi S, Theethira T, Wong H, Roytman M, Saligram S World J Gastrointest Pharmacol Ther 2019 January 21; 10(1): 1-34.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người