Vỡ lách – những kiến thức cần biết
Nội dung bài viết
Vỡ lách – Ruptured spleen – Là tổn thương nghiêm trọng đối với 1 hệ cơ quan của cơ thể: Lách. Một vấn đề thường gặp do chấn thương, đặc biệt là tai nạn giao thông. Sự quan trọng của lách? Vỡ lách liệu có nguy hiểm tính mạng hay không? Làm sao để biết bệnh nhân bị vỡ lách? Điều trị vỡ lách như thế nào? Liệu sau khi cắt lách thì sức khỏe của bệnh nhân có còn được như cũ? Đó là những câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.
1. Giới thiệu
Vậy bạch huyết là gì? Đây là tên gọi của một nhóm các tế bào trong máu, mô giúp cơ thể đề kháng với vi khuẩn, sinh vật từ bên ngoài. Chúng được biết đến với cái tên chung là bạch cầu.
Ngoài ra, lách còn một số chức năng khác
Tạo máu:
Lách tham gia quá trình tạo hồng cầu (máu) của cơ thể, đây cũng là nơi dự trữ hồng cầu và tiểu cầu (tham gia đông máu) quan trọng.
Mồ chôn hồng cầu:
Lách tham gia tiêu hủy các tế bào bất thường và các hồng cầu bị hư hỏng (mất chức năng). Các tế bào sau khi bị tiêu hủy sẽ được dùng làm nguồn dinh dưỡng cũng như hình thành các hồng cầu mới khác.
Về vị trí của lách (giải phẩu):
Vị trí tương đối của lách so với các tạng xung quanh trong bụng.
Lách là một cơ quan trong ổ bụng, nằm phía sau, bên trái của dạ dày. Ở một người bình thường, lách thường sẽ không sờ được khi bác sĩ khám bụng. Ở một vài trường hợp đặc biệt (bệnh lý lách, phổi) lách có thể được sờ thấy ở bờ dưới khung xương sườn bên trái.
Xung quanh lách, như hình, ta có thể thấy:
- Trên lách là lồng ngực, cụ thể là cơ hoành, phổi.
- Bên phải lách là dạ dày, tụy.
- Dưới lách là đại tràng, thận (không thể hiện trên hình).
- Bên trái lách là xương sườn, da, cơ.
Hình dạng của lách:
- Lách có hình dạng như hạt đậu. Chiều dài (tính từ cực trên đến cực dưới lách) thường là 7 – 14cm tùy từng đối tượng. Với trọng lượng khoảng 100 – 200 gram.
- Phía trước lách có bờ răng cưa.
- Các bờ khác của lách trơn láng.
- Vị trí các động tĩnh mạch đi vào, đi ra khỏi lách được gọi là rốn lách.
Do không liên kết gì với cơ hoành (cơ phân cách bụng và ngực) nên sẽ không di động theo nhịp thở của bệnh nhân. Điều này không đúng khi lách quá to.
2. Tại sao lại vỡ lách?
Một câu hỏi tưởng chừng như kỳ lạ. Nhiều người cho rằng vỡ lách chắc hẳn phải do chấn thương. Nhưng không chỉ vậy, dưới đây là một số nguyên nhân khác:
6 nhóm nguyên nhân gây vỡ lách không do chấn thương chủ yếu là:
Bệnh lý tăng sinh (30% trường hợp):
Bao gồm các nguyên nhân là các khối u ác tính (ung thư), lành tính, bệnh lý huyết học lành tính. Các ung thư liên quan thường là ung thư máu (lymphoma, bạch cầu cấp,…). Bệnh lý máu như xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Các loại u lành tính như nang, u máu.
Bệnh nhiễm trùng (30% trường hợp):
Bao gồm cả virus, vi trùng, nấm và sinh vật đơn bào (protozoa). Virus ở Việt Nam phải nhắc đến là sốt xuất huyết. Sinh vật đơn bào ở nước ta là sốt rét. Nấm cũng là nguyên nhân có thể gây vỡ lách (aspergillus) – thường gặp ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Các nguyên nhân nhiễm trùng như lao, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, sốt thương hàn cũng là các tác nhân làm vỡ lách.
Bệnh viêm không do nhiễm trùng (15% trường hợp):
Viêm tụy cấp, viêm tụy mạn, ung thư tụy – do tụy là một cấu trúc nằm sát với lách, do đó tổn thương tụy nặng có thể gây vỡ lách. Bệnh tự miễn như amyloidosis, viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống. Các bệnh lý tổn thương mạch máu (u mạch Wengener, viêm đa động mạch dạng nốt) cũng làm tổn thương vỡ lách xuất hiện – do đây là cấu trúc nhiều mạch máu.
Rối loạn do thuốc hoặc do điều trị gây ra (10% trường hợp):
Các loại thuốc / điều trị chống cục máu đông (huyết khối) trong nhồi máu cơ tim, đột quỵ có thể làm chảy máu. Chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc (chạy thận qua màng bụng) cũng có thể gây vỡ lách.
Nguyên nhân cơ học – không do chấn thương (7% trường hợp):
Do thai, thai ngoài tử cung trong lách, vỡ lách sau mổ sanh. Hoặc do lách bị ứ máu trong bệnh lý xơ gan (các nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa).
Không rõ nguyên nhân (7% trường hợp).
Từ những số liệu này, ta có thể thấy vỡ lách không chỉ do chấn thương gây ra. Tất nhiên tỷ lệ các nguyên nhân này trong số bệnh nhân bị vỡ lách khá khiêm tốn, chỉ khoảng 0.1 – 0.5%. Nói cách khác trong 1000 người bị vỡ lách, thì chỉ 1 – 5 người là không do chấn thương gây ra.
Sự hiện diện của vỡ lách:
Rất khó để nói có bao nhiêu bệnh nhân bị vỡ lách trên thế giới!!!
Vì nguyên nhân chủ yếu của vỡ lách là do chấn thương, mức độ vỡ lách tỷ lệ thuận với sự va chạm của chấn thương.
Tỷ lệ tử vong của vỡ lách cũng rất thay đổi. Tùy thuộc vào mức độ chấn thương lách, các tổn thương kèm theo, điều trị kịp thời hay không…
Một điều đáng lưu ý rằng, trong trường hợp vỡ lách không do chấn thương, thông thường vỡ lách sẽ khó được phát hiện hơn rất nhiều. Do đó, việc trì hoãn điều trị có thể xảy ra, đặc biệt khi vỡ lách do các thuốc chống hình thành máu đông. Và tử vong là kết cục khó tránh nếu máu mất quá nhiều.
3. Triệu chứng của vỡ lách:
Trong phạm vi bài viết, chỉ mô tả các triệu chứng, chẩn đoán vỡ lách do chấn thương thường gặp.
Đau bụng:
Là một triệu chứng thường gặp trong các trường hợp chấn thương bụng. Có thể không gặp trong trường hợp bệnh nhân hôn mê, mất cảm giác hoặc chấn thương lách ít.
Đối với trường hợp chấn thương bụng, bao gồm cả do vật sắc nhọn đâm vào (vết thương thấu bụng) hay chấn thương bụng do vật tù gây ra, thì đau bụng là dấu hiệu thường gặp.
Trong chấn thương tù gây ra vỡ lách, vị trí chấn thương thường là 1/3 dưới khung xương sườn trái hoặc hông trái, các chấn thương từ hông lưng bên trái cũng có thể gây ra vỡ lách.
Đau bụng có thể do nguyên nhân:
- Thành bụng (da, cơ ở bụng), gãy các xương sườn dưới cùng của khung xương sườn bên trái là các nguyên nhân chắc chắn gây ra đau bụng. Tuy nhiên cảm giác thường là đau nhói, liên tục, đau tăng khi co phần cơ tương ứng ở bụng.
- Do chấn thương tạng bên trong: Gan và lách là 2 tạng đặc dễ bị tổn thương nhất khi có chấn thương do vật tù gây ra.
Ruột non là tạng rỗng thường bị tổn thương nhất liên quan đến loại chấn thương này.
Ngoài ra, chấn thương dạ dày, chấn thương tụy cũng hoàn toàn có thể xảy ra.
Do đó, khi xác định bệnh nhân đau bụng do chấn thương thì ngoài hỏi bệnh để xác định vị trí tổn thương, thăm khám bụng thì việc đưa ra các xét nghiệm kiểm tra là vô cùng cần thiết.
Chảy máu:
Dấu hiệu trực tiếp:
Dấu Cullen. Đây là dấu hiệu tụ máu quanh, gần rốn
Chảy máu trong ổ bụng gây kích thích bụng, đau bụng. Máu nằm ở đâu có thể gây đau ở đó, sẽ gợi ý mạnh hơn khi khám bụng đau cả ở những vị trí không chấn thương!! Đặc biệt khi bác sĩ thăm khám hậu môn trực tràng có thể ghi nhận triệu chứng này (máu nằm ở túi cùng Douglas).
Triệu chứng gián tiếp:
Ngất, thiếu máu, thậm chí là sốc mất máu.
Mất máu sẽ gây ra triệu chứng xanh xao, ngất ở bệnh nhân.
Khi mất quá nhiều khi thăm khám bác sĩ có thể ghi nhận:
Dấu hiệu huyết động (mạch, huyết áp) không ổn định (theo ACLS)
- Mạch >120 lần/phút.
- Huyết áp (tâm thu) < 90 mmHg.
- Tay, chân lạnh ẩm.
- Rối loạn tri giác (bệnh nhân lừ đừ, thậm chí hôn mê).
- Thở nhanh.
4. Chẩn đoán vỡ lách:
Thật ra, để cụ thể và chính xác hơn cho bạn đọc dễ tưởng tượng, thì đây sẽ là phương hướng chẩn đoán của một y bác sĩ khi gặp một bệnh nhân có đau bụng sau chấn thương bụng.
Huyết động bệnh nhân (mạch, huyết áp) có ổn định hay không?
Thông qua bắt mạch, đo huyết áp, thăm khám nhiệt vùng tay chân, xác định tri giác của bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ trả lời câu hỏi này.
Ở một bệnh nhân có huyết động không ổn định, bắt buộc bác sĩ sẽ phải khảo sát toàn diện cho bệnh nhân. Nhằm trả lời câu hỏi: Đâu là nguyên nhân?
Trong chấn thương:
- Sốc mất máu là nguyên nhân gây sốc thường gặp nhất.
- Sốc tim (chấn thương tim). Làm cho tim không co bóp được.
- Sốc tắc nghẽn (do chèn ép tim). Cũng làm tim không co bóp được.
- Sốc thần kinh (chấn thương cột sống cổ, cột sống ngực, gây giãn mạch).
Do đó, siêu âm EFSAT là bắt buộc để hỗ trợ chẩn đoán.
Kết quả của việc siêu âm cấp cứu nhằm phát hiện có dịch trong bụng hay không.
Các nguyên nhân gây ra dịch trong bụng là:
- Máu do vỡ các tạng đặc, thường là gan, lách.
- Nước tiểu do vỡ bàng quang.
- Dịch ruột do vỡ dạ dày hoặc ruột non.
- Dịch báng gặp ở bệnh nhân xơ gan.
Khi có các dấu hiệu xuất huyết trực tiếp như dấu Cullen, dấu Grey Turner thì việc khẳng định xuất huyết trong bụng là chắc chắn.
Ngoài ra, siêu âm EFAST còn giúp xác định có tràn máu màng tim hay không để loại trừ sốc tắc nghẽn…
Đôi khi, siêu âm EFAST cũng có thể phát hiện vỡ gan, lách. Việc này còn tùy thuộc tay nghề của bác sĩ.
CT scan có thuốc cản quang:
Chỉ thực hiện khi tình trạng bệnh nhân ổn định.
Chẩn đoán giai đoạn vỡ lách:
Để phân độ vỡ lách, cần thực hiện CT scan cản quang bụng để đánh giá, và dựa vào phân độ chấn thương lách của AAST.
5. Điều trị vỡ lách:
Cấp cứu:
Xác định tình trạng bệnh nhân có sốc hay không. Bù dịch, bù máu khi cần thiết.
Cầm máu, băng ép những vị trí đang chảy máu nếu có thể.
Xác định tất cả các nguồn gốc chảy máu của bệnh nhân.
Ưu tiên điều trị các nguyên nhân có thể gây tử vong tức thì: Chèn ép tim, tràn khí màng phổi, tụ máu não sau chấn thương, sốc mất máu do vỡ gan, lách…
Phẩu thuật cắt lách:
Khi bệnh nhân có dấu hiệu sốc mất máu.
Tổn thương lách độ 4, 5. Cụ thể là có tổn thương mạch máu nuôi lách.
Có tổn thương vùng bụng khác cần phải phẩu thuật kèm theo.
Tắc mạch lách:
Khi tổn thương lách độ 4 và chỉ tổn thương động mạch lách. Khi tổn thương tĩnh mạch thì phẩu thuật là bắt buộc.
Điều trị trì hoãn:
Cho bệnh nhân nằm yên tại giường, tiêu tiểu tại chỗ, không vận động. Thăm khám, hỏi bệnh thường xuyên, xét nghiệm máu mỗi 6 tiếng trong 24 giờ đầu để đánh giá xem máu có tiếp tục chảy vào bụng hay không.
Thời gian chờ theo dõi tùy thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân, tùy mức độ tổn thương lách.
Những bệnh nhân chảy máu tiếp tục hoặc diễn tiến vỡ lách nặng hơn cần thực hiện cắt lách hoặc tắc mạch lách.
6. Những vấn đề có thể gặp sau cắt lách:
Tăng tiểu cầu.
Có thể làm gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Cần điều trị khi có bằng chứng gây tắc mạch kèm tăng tiểu cầu.
Chủng ngừa.
Do lách là cơ quan miễn dịch quan trọng nên việc chủng ngừa một số vi khuẩn (các vi khuẩn có vỏ bao) là cần thiết.
Các biến chứng khác liên quan đến phẩu thuật như chảy máu, nhiễm trùng… có thể xảy ra.
7. Kết luận:
Vỡ lách là một tổn thương nặng. Có thể xảy ra sau chấn thương ngực thấp hoặc bụng, một ít trường hợp có thể vỡ lách không liên quan đến chấn thương.
Để chẩn đoán vỡ lách, thì siêu âm EFSAT, CT scan là cần thiết. Đôi khi có thể thực hiện chọc dò dịch bụng. Do thường liên quan đến chấn thương nên việc tìm các tổn thương đi kèm vô cùng quan trọng.
Điều trị vỡ lách có thể đi từ cắt lách, cho đến chỉ theo dõi bệnh nhân. Lách là cơ quan miễn dịch quan trọng, do đó việc chủng ngừa vi khuẩn sau cắt lách là cần thiết.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.