YouMed

Vông vang: Người bạn tuyệt vời của hệ tiết niệu

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Vông vang là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm đau… rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Vông vang

  • Tên gọi khác: Bông vang, Bụp vang, Bông vàng, Hoàng quỳ
  • Tên khoa học: Abelmoschus moschatus (L.) Medic.
  • Họ khoa học: Bông/ Cẩm quỳ (Malvaceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Vông vang có nguồn gốc ở Ấn Độ. Đến nay loài thực vật này đã được di thực vào nhiều quốc gia (Malaysia, Trung Quốc, Phillipin). Ở Việt Nam, cây mọc hoang khắp nơi ở sông suốt, gần hồ đập và trên những đồng cỏ, nương rẫy… nhiều nhất ở các tỉnh Tây Bắc nước ta, ở đồng bằng ít gặp hơn.

Loài cây ưa sáng, hay mọc lẫn với các cây cỏ khác. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa hè, đến cuối mùa thu thì có quả. Quả Vông vang già cho hạt phát tán ra xung quanh, sau đó toàn cây tàn lụi. Cây được nhân giống bằng hạt.

Chủ yếu người ta dùng hạt làm thuốc hay để chế tinh dầu dùng trong nước hoa. Chất nhầy trong rễ được dùng làm chất dính trong nghề giấy hay làm tinh bột.

Bộ phận dùng: Rễ, lá, hoa – Radix, Folium et Flos Abelmoschi Moschati. Hạt cũng được dùng.

Thu hái toàn cây Vông vang quanh năm:

  • Rễ đào về, rửa sạch, thái nhỏ, dùng tươi hay phơi khô.
  • Lá có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. 
  • Hoa nên hái vào mùa hè.
  • Hạt lấy từ quả chín vào mùa thu, có thể dùng tươi hoặc phơi khô tùy vào mục đích sử dụng.

Mùa hoa quả tháng 5 – 9.

cay-vong-vang
Vông vang có thể được thu hái hạt làm thuốc hay để chế tinh dầu.

1.2. Mô tả toàn cây

Vông vang thuộc cây thảo sống hằng năm hay hai năm, cao tới 2m. Phía gốc hơi thành gỗ và thân hơi có lông.

Lá hình tim mọc so le có cuống dài. Phiến lá chia thành 5 – 6 thùy khá sâu, cả hai mặt đều phủ nhiều lông, mép có răng cưa, trên có 3 – 5 gân chính. Lá kèm rất hẹp, nhỏ, hình dùi.

Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở nách lá phía trên, cuống hoa phủ lông và phía sát hoa hơi phình lên.  Tiểu đài có 10 răng nhọn, rất hẹp. Đài có răng rộng hơn. Tràng 5 cánh rộng, nhị nhiều, bầu có lông. Khi nở, hoa màu vàng, kích thước lớn, có khi hoa dài  tới 6cm, nhìn rất đẹp.

Quả nang hình chóp nhọn, có lông trắng cứng, dài 4 – 5cm, chia làm 5 ô, hình bầu dục, đỉnh nhọn. Hạt nhỏ, hình thận, dẹt, dài 3 – 44mm, rộng 1 – 2mm, màu nâu. Trên mặt có những đường nhăn đồng tâm xung quanh rốn hạt.

1.3. Bảo quản

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thông thoáng, tránh mối mọt, tránh ánh sáng mặt trời.

Ngoài cây Vông vang, Trúc diệp cũng là vị thuốc lợi tiểu hiệu quả: Xem thêm bài viết Tại đây

2. Thành phần hóa học và tác dụng 

2.1. Thành phần hóa học

Vông vang có thành phần hóa học sau:

  • Hạt chứa tinh dầu cố định màu vàng nhạt, mà thành phần chính là các terpen, alcol (farnesol) ether, acid (acid linoleic 18,9% acid palmitic 4,20%). Tinh dầu này có mùi xạ hương rất đậm nét, bền mùi, được dùng làm hương liệu, làm xà phòng thơm.
  • Hoa chứa các flavonoid, myricetin và canabistrin.
  • Rễ có chứa chất nhày như rễ sâm bố chính.
Hạt Vông vang chứa tinh dầu có mùi xạ hương, thường dùng làm hương liệu.
Hạt Vông vang chứa tinh dầu có mùi xạ hương, thường dùng làm hương liệu.

2.2. Tác dụng

Theo Y học cổ truyền Vông vang có:

  • Vị hơi ngọt, nhạt nhiều nhớt, tính mát.
  • Quy kinh Can, Tỳ, Phế.

Tác dụng: Hạ sốt, lợi tiểu, chống co thắt, nhuận tràng, sát trùng, giảm đau

Chủ trị:

  • Lá: nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng.
  • Hạt: hạ sốt, chống co thắt, kích thích và lợi tiểu, trấn kinh.  Tinh dầu thường được dùng để sản xuất hương liệu, nước hoa…chủ yếu ở đông Ấn Độ.
  • Hoa được dùng để chữa bỏng.
  • Rễ có chất nhầy được dùng để hồ giấy, hoặc chế tinh bột. Có khi được dùng làm thuốc bổ, thuốc mát thay sâm bố chính.

>> Xem thêm bài viết: Bán biên liên: Vị thuốc với tác dụng lợi tiểu hiệu quả

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Cây Vông vang có thể được dùng ngoài (giã nát, đắp) hoặc sắc uống.

Liều dùng:

  • Rễ: 10 – 15g/ ngày
  • Hạt 10 – 12g/ ngày 
  • Lá 20 – 40g/ ngày.

Kiêng kỵ:

  • Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ không nên tùy tiện dùng bài thuốc từ dược liệu này.
  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Cơ thể suy nhược, tiêu chảy, đái đêm nhiều cần sử dụng thận trọng.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Lợi tiểu, hỗ trợ tiểu đục

Rễ Vông vang 1 nắm, giã nát đổ nước sắc lấy 1/3, phơi sương 1 đêm, uống vào lúc đói.

4.2. Chữa đại tiện không thông, bụng chướng

Hạt Vông vang 20g, sắc uống 3 thang liền.

Hoặc Hạt Vông vang, Mộc thông, Hoạt thạch lượng bằng nhau. Tán bột, mỗi lần lấy 8 – 12g. Ngày 3 lần

4.3. Hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật

Lá, rễ, hạt 40g, rễ Cỏ tranh, bông Mã đề mỗi vị 20g. Sắc uống mỗi ngày một thang

r
Dược liệu Vông vang hỗ trợ điêu trị sỏi thận, sỏi mật hiệu quả.

 4.4. Hỗ trợ trị mụn

Thân, lá khô 40g sắc uống thay nước hàng ngày.

Ngoài ra khi bị mụn lấy lá tươi giã nát thoa lên mặt hoặc các vùng da bị mụn sẽ giúp giảm mụn, tiêu viêm lỗ trân lông, tiêu viêm những vết nặn mụn rất nhanh.

Vông vang là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. 

Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
  • Shejuty Shareen Lithy, Shahnaz Fatema Lisa, F. M. Safiul Azam, Shahnaz Rahman, FarjanaAkter Noor, Mariz Sintaha, Alok Kumar Paul, Mohammed Rahmatullah. In vitro  Propagation from Cotyledonary Nodes of Germinated Seedlings of  Abelmoschus moschatus. American-Eurasian Journal of Sustainable Agriculture, 5(3): 364-370, 2011
  •  

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người