Vú to ở bé trai có phải lúc nào cũng bất thường?
Nội dung bài viết
Sự phì đại tuyến vú do gia tăng mô tuyến vú ở nam giới được gọi là nữ hóa tuyến vú. Nó có thể xảy ra trong thời thơ ấu, dậy thì hoặc 60 tuổi trở lên. Đây có thể chỉ là một thay đổi bình thường. Nam giới cũng có thể bị nữ hóa tuyến vú do thay đổi nội tiết tố, hoặc tác dụng phụ của thuốc. Nó có thể xảy ra với một hoặc cả hai bên vú. Hầu hết các trường hợp nữ hóa tuyến vú không cần điều trị. Tuy nhiên, vì lý do thẩm mỹ, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một số trẻ.
1. Vú to ở bé trai là gì?
Chứng phì đại tuyến vú ở bé trai còn được gọi là nữ hóa tuyến vú. Nó phổ biến nhất khi trẻ dậy thì sớm. Ngoài ra, có thể gặp ở người lớn tuổi. Bé trai có thể sờ thấy vú của mình mềm và có một vùng mô nhỏ bên dưới núm vú. Thông thường sự thay đổi này không đáng chú ý. Nhưng đôi khi vú có thể to hơn và bắt đầu trông giống như vú ở trẻ gái.
Mặc dù ở nam giới, ngực không phát triển như nữ giới, nhưng tất cả các bé trai đều được sinh ra với một lượng nhỏ mô vú bên trong cơ thể.
2. Nguyên nhân
2.1 Sự mất cân bằng của hormone
Cơ thể nam giới có cả nội tiết tố sinh dục testosterone và estrogen. Đây là hai hormone chính giúp quyết định giới tính của một đứa trẻ. Với bé trai, thường số lượng testosterone sẽ ưu thế hơn estrogen. Hormone này giúp định hướng sự phát triển giới tính của trẻ khi đến tuổi dậy thì. Nhưng bé trai cũng tạo ra một ít estrogen nhưng không đủ thúc đẩy mô vú phát triển như ở bé gái.
2.2 Béo phì
Thừa cân (hay béo phì) là nguyên nhân phổ biến của nữ hóa tuyến vú. Bởi vì thừa cân có thể làm tăng nồng độ estrogen khiến mô vú phát triển. Nếu bạn béo phì, bạn cũng có nhiều tế bào mỡ có thể làm to mô vú. Đối với một số người, giảm cân hoặc tập thể dục nhiều hơn có thể hữu ích. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể cải thiện tình trạng bệnh.
2.3 Bé trai tuổi sơ sinh
Vú to có thể xuất hiện ở các bé trai sơ sinh. Vì estrogen có thể từ mẹ chuyển sang con thông qua nhau thai và vẫn còn trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời. Sau đó, đa số sẽ biến mất sau khi em bé được sinh ra vài tuần.
2.4 Các nguyên nhân khác
Các nguyên nhân hiếm gặp khác của nữ hóa tuyến vú bao gồm:
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị bệnh dạ dày, tim mạch, co giật hoặc bệnh trầm cảm
- Các chất gây nghiện như cần sa
- Uống quá nhiều rượu
- Suy thận hoặc bệnh gan
- Hội chứng Klinefelter (một rối loạn di truyền hiếm gặp)
- Tinh hoàn có khối u hay bị nhiễm trùng
Hãy nói với Bác sĩ của bạn về bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào mà con trai bạn đang dùng khi đến bệnh viện khám bệnh nhé.
3. Các triệu chứng của phì đại tuyến vú
Dấu hiệu đầu tiên của nữ hóa tuyến vú có thể là một khối mô mỡ dưới núm vú. Đôi khi mô vú có thể mềm, đau hay khiến trẻ cảm thấy căng tức ngực.
Điều này có thể khiến bạn lo lắng nếu như là nam giới lớn tuổi rằng có thể bị ung thư vú. Căn bệnh này xảy ra ở một số ít nam giới. Vú to không nhất thiết là dấu hiệu của ung thư. Nhưng bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm để loại trừ nó.
Phì đại vú có thể xảy ra không đồng đều. Nó có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai vú. Vú bên này có thể lớn hơn hoặc bằng vú bên còn lại.
4. Làm sao để chẩn đoán vú to ở trẻ?
Hơn nữa, bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về tiền sử bệnh, bao gồm:
- Trẻ đã từng mắc các bệnh về thận hay gan chưa?
- Trẻ đang hay đã dùng thuốc gì trước đây?
Bác sĩ sẽ khám cho con bạn và kiểm tra các tình trạng khác có thể là lý do cho sự phát triển của vú. Trong một số trường hợp, con bạn có thể phải xét nghiệm máu hay nước tiểu để kiểm tra nồng độ hormone. Ngoài ra, có thể cần chụp X-quang vú, siêu âm tuyến vú hoặc sinh thiết để tìm dấu hiệu ung thư.
5. Vú to có cần điều trị không?
Trong hầu hết các trường hợp, trẻ không cần phải điều trị. Cơn đau thường chỉ kéo dài trong vài tháng và sau đó biến mất. Ngực thường nhỏ lại phù hợp theo lứa tuổi. Tình trạng này hiếm khi kéo dài hơn 2 năm. Ngoài ra, chúng cũng hiếm khi thay đổi đến mức khiến con trai bạn xấu hổ về ngoại hình của mình.
Nếu vú của trẻ phát triển quá to (đường kính lớn hơn 5 cm), các phương pháp điều trị có thể cần cân nhắc. Bao gồm thay đổi những loại thuốc có tác dụng phụ này, liệu pháp bổ sung hormone hoặc phẫu thuật. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng về sự phát triển của mô vú. Các bác sĩ có thể thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn.
Ban đầu, dùng thuốc để điều chỉnh lại các nội tiết tố trong cơ thể trẻ có thể được áp dụng nhiều nhất. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục trong một thời gian dài và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hay khiến bạn gặp nhiều khó khăn hoặc đau đớn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để thảo luận về khả năng phẫu thuật.
6. Bạn có thể chăm sóc trẻ bằng cách nào?
Trước hết, lựa chọn trang phục là việc cần chú ý. Quần áo rộng rãi sẽ giúp trẻ thoải mái hơn so với áo sơ mi hay quần jean bó sát.
Đưa trẻ đến bệnh viện nếu:
- Gần đây trẻ bị sưng, đau hoặc to ra ở một hoặc cả hai bên vú
- Có dịch tiết bất thường hoặc có máu chảy ra từ núm vú
- Xuất hiện vết loét trên da hoặc vú
- Sờ thấy một khối u vú có cảm giác cứng hoặc chắc
Nếu con trai của bạn có vú phát triển nhưng chưa đến tuổi dậy thì, hãy đến bác sĩ kiểm tra. Tùy vào từng mức độ sưng vú, mà diễn tiến bệnh của từng trẻ sẽ khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi bác sĩ của trẻ về những thông tin dưới đây để theo dõi trẻ kĩ hơn:
- Con bạn sẽ mất bao lâu để hồi phục tình trạng này
- Bạn nên theo dõi những triệu chứng nào và phải làm gì nếu con bạn mắc phải chúng
Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng sưng to tuyến vú có thể gây ra lo lắng, trầm cảm, giảm lòng tự trọng hoặc rối loạn ăn uống. Đặc biệt là ở các bé trai đang trong độ tuổi dậy thì. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu vú trẻ sưng đau hoặc sờ thấy có khối u rõ ràng. Đôi khi, khối u có thể cần được loại bỏ. Vú to ở trẻ nhỏ thường không liên quan đến ung thư vú, nhưng đi khám bác sĩ là cần thiết nếu bạn lo lắng về tình trạng sưng vú. Hãy chắc chắn rằng bạn biết khi nào bạn nên đưa con mình tái khám trở lại để kiểm tra sức khỏe.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.