Xét nghiệm PCR là gì? Quy trình và nơi xét nghiệm
Nội dung bài viết
Xét nghiệm PCR là một thủ thuật y tế dùng để xác định nhiều vấn đề về sức khỏe. Một bệnh “HOT” và trở thành đại dịch trong thời gian qua chính là COVID-19 cũng được xác định bởi xét nghiệm này. Vậy ngoài coronavirus, xét nghiệm này còn dùng để chẩn đoán những bệnh gì? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh sẽ cung cấp các thông tin về xét nghiệm PCR.
Xét nghiệm PCR là gì?
PCR (Polymerase Chain Reaction) là phản ứng chuỗi polymerase. Xét nghiệm PCR là bài kiểm tra để phát hiện vật chất di truyền từ một sinh vật, trong đó có virus (Coronavirus là một điển hình). Xét nghiệm này ngoài khả năng “chỉ mặt đặt tên” các virus hiện diện ngay thời điểm tiến hành, nó còn giúp tìm ra các đoạn virus tồn tại sau khi bạn không còn nhiễm.1
Xét nghiệm này thường đề cập đến thủ thuật chẩn đoán nhanh chóng, chính xác cho các dấu hiệu ban đầu của bệnh truyền nhiễm.2
Không giống nhiều xét nghiệm khác, xét nghiệm PCR có thể tìm thấy bằng chứng của bệnh trong giai đoạn nhiễm trùng sớm nhất. Dù lúc này cơ thể chỉ có một lượng nhỏ mầm bệnh. Những thủ thuật y tế khác có thể bỏ sót các dấu hiệu ban đầu của bệnh vì không có đủ thời gian để phát triển phản ứng kháng thể.3
Xét nghiệm PCR chẩn đoán những bệnh gì?
Trong mùa đại dịch vừa qua, xét nghiệm PCR giúp phát hiện COVID-19 tỷ lệ chính xác cao. Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán COVID-19.1
Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn dùng để chẩn đoán nhiều bệnh khác. Nhiều chuyên gia y tế cũng có thể sử dụng xét nghiệm này để phát hiện một lượng nhỏ tế bào ung thư và những thay đổi về mặt di truyền – tác nhân gây bệnh.2
Xét nghiệm còn giúp chẩn đoán một số bệnh truyền nhiễm, bệnh do virus gây ra:3 4 5
- Lao.
- Giang mai.
- Viêm phổi không điển hình, Streptococcal pharyngitis.
- HIV, HTLV-1, HTLV-2, Papillomavirus, Coronavirus, Cytomegalovirus, HPV-6, Adenovirus, virus Epstein – Barr, rotavirus, virus Parvovirus, HSV, VZV, HHV, JC virus, sởi, virus viêm gan.
- Sốt rét do ký sinh trùng, nhiễm Chlamydia.
- Nhiễm trùng niệu sinh dục loét Haemophilus ducreyi, T. pallidum, HSV.
Xác định một thay đổi di truyền có thể gây ra bệnh:3 5
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
- Bệnh beta-thalassemia.
- Bệnh xơ nang.
Xét nghiệm còn hữu ích trong chẩn đoán trước khi sinh, pháp y…
Khi nào cần xét nghiệm PCR?
Xét nghiệm này có thể kiểm tra sự hiện diện của mầm bệnh, chẳng hạn như virus, tế bào ung thư hoặc các thay đổi di truyền.6
Trong thời gian đại dịch COVID-19 đang diễn ra, làm xét nghiệm PCR để kiểm tra sự hiện diện của vi rút cơ bản, SARS-CoV-2. Bạn có thể thực hiện nếu:6
- Có các triệu chứng của COVID-19, ngay cả sau khi tiêm chủng;
- Khi tiếp xúc một người có kết quả xét nghiệm dương tính;
- Khi bác sĩ yêu cầu thực hiện.
Quy trình xét nghiệm PCR
1. Các loại xét nghiệm
Các loại xét nghiệm khác nhau dựa trên cách thức lấy mẫu của nó. Các loại phổ biến bao gồm:6
- Ngoáy mũi: Nhân viên y tế sẽ ngoáy mũi để lấy mẫu từ phía sau mũi và cổ họng.
- Ngoáy tại NMT: Nhân viên y tế lấy mẫu từ sâu bên trong lỗ mũi.
- Nước bọt: Lấy nước bọt vào một ống để thực hiện xét nghiệm.
- Máu: Một số loại xét nghiệm PCR yêu cầu mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch.
2. Các hoạt động để thực hiện xét nghiệm PCR3
- Lấy mẫu máu, nước bọt, chất nhầy hoặc mô.
- Mẫu sẽ chứa ADN của người bệnh và có thể có cả ADN của mầm bệnh hoặc tế bào ung thư.
- Mẫu được đưa vào máy chuyên dụng để tiến hành kiểm tra. Nhân viên y tế sẽ thêm một loại enzyme polymerase vào mẫu. Điều này giúp tạo ra nhiều bản sao cho mẫu bệnh phẩm.
- Quá trình sao chép được lặp lại nhiều lần. Sau khoảng một giờ, hàng tỷ bản sao được tạo ra. Nếu virus hay mầm bệnh tồn tại, nó sẽ được chỉ định trên máy.
Trong một số trường hợp đặc biệt, virus được tạo thành từ ARN chứ không phải ADN (coronavirus là một ví dụ điển hình). Các chuyên gia sẽ thay đổi ARN thành ADN trước khi sao chép. Quá trình này được gọi là PCR phiên mã ngược (rt PCR). PCR và rtPCR là xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của mầm bệnh. Một loại PCR khác được gọi là PCR định lượng (qPCR) đo lượng mầm bệnh trong mẫu. qPCR có thể được thực hiện cùng lúc với rtPCR hoặc PCR.
Kết quả dương tính có thể cho thấy sự hiện diện của mầm bệnh, tế bào ung thư hay rối loạn di truyền và ngược lại.
Xét nghiệm PCR bao lâu có kết quả?
Kết quả xét nghiệm sẽ được nhận sớm nhất là 24 giờ sau khi lấy mẫu. Nhưng đôi khi có thể mất vài ngày, tùy thuộc vào thời gian mẫu đến phòng thí nghiệm.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm
Bạn không cần phải lo lắng hay chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm này.
Trong quá trình lấy mẫu, bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại nơi kim tiêm được đưa vào. Việc ngoáy mũi có thể làm ngứa cổ họng, khiến bạn bị ho hay chảy mũi, nôn khan. Nhưng đừng lo, các triệu chứng này chỉ là tạm thời và sẽ hết nhanh chóng.
Ưu – nhược điểm của xét nghiệm PCR
Ưu điểm của xét nghiệm:
- Nhận được kết quả xét nghiệm nhanh.
- Phát hiện và định danh được vi sinh vật gây bệnh mà phòng thí nghiệm lâm sàng không có khả năng phát hiện.
- Định lượng tốt.
- Phát hiện và phòng ngừa các bênh liên quan tới đột biến gen gây ung thư và các bệnh di truyền khác…
Tuy nhiên, xét nghiệm cũng tồn tại những nhược điểm sai:
- Yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn của người thực hiện cao.
- Giá thành khá cao.
- Máy móc hiện đại
Xét nghiệm Real-Time PCR là gì? Phân biệt với xét nghiệm PCR như thế nào?
Cột mốc quan trọng nhất trong quá trình phát triển PCR là sự ra đời của xét nghiệm Real-time PCR thông qua đánh dấu huỳnh quang. Real-time PCR hay với tên khác là PCR định lượng (qPCR). Chất đánh dấu huỳnh quang được đo sau mỗi chu kỳ và cường độ của tín hiệu huỳnh quang phản ánh lượng DNA bản sao tạm thời có trong mẫu tại thời điểm cụ thể đó.
Trong các chu kỳ ban đầu, huỳnh quang quá thấp để có thể phân biệt được với nền. Tuy nhiên, điểm mà cường độ huỳnh quang tăng trên mức có thể phát hiện được tương ứng tỷ lệ với số lượng phân tử DNA khuôn mẫu ban đầu trong mẫu. Điểm này được gọi là chu kỳ định và cho phép xác định số lượng tuyệt đối của DNA đích trong mẫu theo đường chuẩn được xây dựng của các mẫu chuẩn được pha loãng nối tiếp với các nồng độ đã biết hoặc số bản sao.7
Xét nghiệm PCR ở đâu? Giá xét nghiệm PCR là bao nhiêu?
Hiện nay, “xét nghiệm PCR ở đâu?”, hay “giá xét nghiệm là bao nhiêu?” là những thắc mắc đang được nhiều bạn đọc quan tâm. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người mong muốn tìm được nơi xét nghiệm uy tín, trả kết quả chính xác, đáng tin cậy; nhằm xác định và điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, xét nghiệm PCR tại nhà là vấn đề cũng được đông đảo quý độc giả quan tâm.
Vậy nên dựa vào những tiêu chí nào để lựa chọn được nơi xét nghiệm uy tín? YouMed đã giúp bạn tổng hợp những tiêu chí, cũng như gợi ý một số cơ sở xét nghiệm, và giá xét nghiệm qua bài viết Giá xét nghiệm PCR là bao nhiêu? Nên xét nghiệm PCR ở đâu? Mời bạn đọc tham khảo để có được những lựa chọn phù hợp cho mình nhé.
Trên đây là những thông tin và địa chỉ xét nghiệm PCR. Xét nghiệm PCR có nhiều ưu điểm trong việc xác định bệnh tật, đặc biệt là ung thư và bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn sớm. Bạn nên đến các trung tâm y tế uy tín để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
COVID-19 and PCR Testinghttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/21462-covid-19-and-pcr-testing
Ngày tham khảo: 12/08/2022
-
What to know about PCR testshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-pcr-test
Ngày tham khảo: 12/08/2022
-
PCR Testshttps://medlineplus.gov/lab-tests/pcr-tests/
Ngày tham khảo: 12/08/2022
-
POLYMERASE CHAIN REACTION AND ADVANCES IN INFECTIOUS DISEASE DIAGNOSIShttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5531883/
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
POLYMERASE CHAIN REACTIONhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B0123693977004751
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
What to know about PCR testshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-pcr-test#who-may-need-a-test
Ngày tham khảo: 20/11/2022
-
A Basic Guide to Real Time PCR in Microbial Diagnostics: Definitions, Parameters, and Everythinghttps://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmicb.2017.00108/full
Ngày tham khảo: 20/11/2022