Xét nghiệm Triple test là gì? Quy trình xét nghiệm diễn ra như thế nào?
Nội dung bài viết
Các xét nghiệm sàng lọc dị tật trước khi sinh là một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo rằng sức khoẻ người mẹ và thai nhi có bình thường hay không. Nhưng không phải ai cũng biết đến và hiểu rõ những xét nghiệm cần thiết này. Do vậy, trong quá trình mang thai, mẹ bầu sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh để kiểm tra tình trạng sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Một trong những xét nghiệm cần thiết nhất đó là xét nghiệm Triple test. Vậy, xét nghiệm Triple test là gì? Cần lưu ý những gì khi thực hiện? Trong bài viết này, hãy cùng Bác sĩ Trần Thế Minh tìm hiểu nhé!
Xét nghiệm Triple test là gì?
Xét nghiệm Triple test là xét nghiệm máu thường được thực hiện từ tuần 16 đến tuần 18 của thai kỳ. Xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Mục đích chính của Triple test chính là để xét nghiệm sàng lọc ba dị tật thai nhi trước khi sinh: dị tật ống thần kinh, bệnh Down (Trisomy 21) và hội chứng Edwards (Trisomy 18). Việc thực hiện xét nghiệm Triple test không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.1
Kết quả Triple test được xác định dựa trên nồng độ của ba chỉ số sau trong cơ thể: Alpha-fetoprotein (AFP), Human Chorionic Gonadotropin (HCG), Estriol.
Triple test chỉ là xét nghiệm sàng lọc để xác định một thai nhi có nguy cơ bị dị tật cao hay thấp chứ không dùng để khẳng định. Khi thực hiện Triple test cho kết quả dương tính, tùy vào mức độ nguy cơ dị tật nào mà bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm hoặc chọc ối làm xét nghiệm nhiễm sắc thể.1
Vì sao cần làm xét nghiệm Triple test?
Xét nghiệm Triple test là xét nghiệm cần thực hiện đối với mẹ bầu. Nó mang lại nhiều lợi ích như:
- Giúp bác sĩ sàng lọc ba dị tật thai nhi bao gồm: dị tất ống thần kinh, bệnh Down (Trisomy 21) và hội chứng Edwards (Trisomy 18) sớm nhất có thể, từ đó có biện pháp phù hợp để điều trị.
- Giúp cha mẹ của thai nhi chuẩn bị tốt hơn.
Ai nên làm xét nghiệm sàng lọc Triple test? Thời điểm làm xét nghiệm triple test
Tất cả phụ nữ mang thai đều nên làm xét nghiệm sàng lọc Triple test. Có một số trường hợp phụ nữ có rủi ro cao cần phải xét nghiệm là:2
- Có người thân trong gia đình từng mang thai bị dị tật.
- Mắc bệnh tiểu đường, các bệnh truyền nhiễm như HIV, COVID-19,… trong khi mang thai.
- Trên 35 tuổi.
- Đã từng tiếp xúc với phóng xạ liều cao.
- Trước hoặc trong khi mang thai có uống thuốc hoặc chất gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Thời điểm làm xét nghiệm triple test cho kết quả chính xác nhất là từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 18 của thai kỳ, mặc dù mẹ bầu có thể thực hiện từ tuần thứ 15 đến tuần thứ 20.2 3
Xét nghiệm Triple test có cần nhịn ăn không?
Trước khi làm xét nghiệm thì nhiều mẹ bầu có thắc mắc là: “Xét nghiệm triple test có cần nhịn ăn không?”. Trước khi xét nghiệm Triple test, mẹ bầu không cần phải kiêng hay nhịn ăn uống.2
Quy trình xét nghiệm sàng lọc trước sinh Triple test
Gia đình mẹ bầu khi được chỉ định xét nghiệm sàng lọc Triple test thường hay hỏi bác sĩ rằng “Xét nghiệm triple test gồm những gì?”. Việc xét nghiệm sàng lọc trước sinh Triple test sẽ được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hay bất kỳ cơ sở y tế nào có đủ điều kiện. Các bước thực hiện xét nghiệm sàng lọc Triple test lần lượt như sau:
- Bác sĩ hoặc nhân viên y tế sẽ làm sạch vùng da sẽ tiêm để lấy máu.
- Nhân viên y tế đưa kim tiêm vào để lấy máu. Nếu cần thiết, bạn sẽ được cột sợi dây vào cánh tay trước đó để dễ lấy máu tĩnh mạch hơn.
- Sau khi đã lấy máu, nhân viên y tế sẽ làm sạch vùng lấy máu và dán băng keo cá nhân kín vùng kim tiêm đâm vào.
- Mẫu máu được gửi vào phòng thí nghiệm và sẽ được trả kết quả trong vòng 48-96 giờ.4
Cách đọc kết quả và ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm Triple test
Trong vòng 48-96 giờ sau khi làm xét nghiệm, bạn sẽ nhận được phiếu kết quả xét nghiệm Triple test có mẫu gần giống như bảng dưới đây. Phiếu thường sẽ có hai phần chính cần quan tâm:
- Kết quả định lượng: ghi chỉ số trong xét nghiệm triple test thu được từ máy xét nghiệm (cột nồng độ), sau đó sẽ được phần mềm tính toán chỉ số (MoM) theo số tuổi của người mẹ, số tuổi của thai và cân nặng của người mẹ để trả được kết quả về nguy cơ thai.6
- Phân tích nguy cơ: từ chỉ số của kết quả định lượng, máy tính sẽ tính và trả kết quả cho biết xét nghiệm triple test nguy cơ thấp hay xét nghiệm triple test nguy cơ cao.5 6
Diễn giải kết quả
1. Kết quả định lượng AFP, hCG, uE3
Bảng dưới đây là mẫu kết quả định lượng mẹ bầu có thể tham khảo:
Tên chỉ số | Đơn vị | Nồng độ | MoM |
AFP | ng/mL | 80.30 | 1.40 |
hCG Total | mIU//mL | 196248 | 5.45 |
uE3 | ng/mL | 0.481 | 0.25 |
Trong kết quả định lượng sẽ có ba chỉ số chính về nồng độ trong xét nghiệm triple test là:
- AFP (alpha fetoprotein).
- hCG (beta-human chorionic gonadotropin).
- Estriol không liên hợp (uE3-unconjugated estriol).
Mẹ bầu không cần quan tâm đến các chỉ số trong phần Kết quả định lượng này mà xem tiếp phần Phân tích nguy cơ để đọc và hiểu được kết quả xét nghiệm.
2. Phân tích nguy cơ
Tên hội chứng | Nguy cơ | Ngưỡng phân biệt | Kết luận |
Hội chứng Down | >1/10 | 1/250 | Nguy cơ cao |
Hội chứng Down theo tuổi mẹ | 1/808 | 1/350 | Nguy cơ thấp |
Hội chứng Edwards | 1/1497 | 1/350 | Nguy cơ thấp |
Dị tật ống thần kinh | MoM AFP 1.40 | MoM AFP 2.5 | Nguy cơ thấp |
Dựa theo mẫu phiếu kết quả phần trên, trong bảng ở phần này có 2 cột số liệu cần chú ý:5 6
- Nguy cơ: là chỉ số phản ánh nguy cơ của thai nhi mà phần mềm đã tính được.
- Ngưỡng phân biệt: là chỉ số giúp phân biệt giữa nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Nếu chỉ số ở cột “Nguy cơ” cao hơn chỉ số ở cột “Ngưỡng phân biệt” thì kết luận “Nguy cơ cao”. Ngược lại, nếu chỉ số ở cột “Nguy cơ” thấp hơn chỉ số ở cột “Ngưỡng phân biệt” thì kết luận “Nguy cơ thấp”.
Với kết quả xét nghiệm trên, xét về nguy cơ mắc hội chứng Down thì chỉ số cột “Nguy cơ” là khoảng 1/10 thì sẽ lớn hơn chỉ số ở cột “Ngưỡng phân biệt” là 1/250, vì vậy kết luận thai nhi này có kết quả xét nghiệm triple test nguy cơ thấp.
Chỉ số “Nguy cơ” còn cho người mẹ biết thêm về xác suất đứa con sinh ra bị mắc dị tật. Ví dụ với nguy cơ của hội chứng Edwards là 1/1497 có nghĩa là cứ 1497 thai phụ giống bạn thì sẽ có 1496 thai phụ sinh con không bị mắc bệnh Edwards, còn 1 thai phụ sinh con bị mắc hội chứng Edwards.
Xét nghiệm Triple test có chính xác không?
Mẹ bầu thường thắc mắc kết quả xét nghiệm triple test có chính xác không. Kết quả xét nghiệm Triple test chỉ được dùng để bác sĩ sàng lọc dị tật thai nhi chứ không được dùng để khẳng định. Nên trong trường hợp có kết quả xét nghiệm triple test nguy cơ cao, thì sẽ được bác sĩ tư vấn xét nghiệm sâu hơn để khẳng định.1
Phân biệt xét nghiệm Double test và Triple test
Hiện nay có đến bốn phương pháp xét nghiệm phổ biến: Double test, Triple test, NIPT và chọc ối để xét nghiệm nhiễm sắc thể. Với Double test và Triple test thì cả hai đều có khả năng phát hiện được bệnh Down và hội chứng Edwards. Tuy nhiên Double test lại phát hiện được thêm hội chứng Patau còn Triple test thì có khả năng phát hiện dị tật ống thần kinh. Chi tiết sự khác biệt có trong bảng dưới đây:
Tiêu chí | Triple test | Doublet test6 |
Thời gian thực hiện | Tốt nhất là vào tuần thứ 16 đến 18 của thai kỳ. Hoặc từ tuần thứ 15 đến 22 của thai kỳ. | Tốt nhất là vào tuần thứ 11 đến 13 của thai kỳ. Hoặc từ tuần thứ 12 của thai kỳ. |
Dị tật phát hiện |
|
|
Chỉ số |
|
|
Thời gian trả kết quả | 3-5 ngày | 1-3 ngày |
Trước hai phương pháp xét nghiệm là Double test và Triple test, mẹ bầu thường không biết nên thực hiện xét nghiệm nào. Bác sĩ sẽ khuyến cáo mẹ bầu làm cả hai xét nghiệm để phát hiện thêm các bệnh mà nếu chỉ làm 1 trong 2 phương pháp sẽ không phát hiện được.
Tuy nhiên, hiện nay còn có phương pháp tiên tiến hơn là xét nghiệm sàng lọc NIPT, với phương pháp xét nghiệm NIPT thì có thể cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ dị tật của thai nhi với mức độ chính xác đạt đến 99.9% mà vẫn an toàn và không xâm lấn.7
Xét nghiệm Triple test ở đâu? Xét nghiệm Triple test bao nhiêu tiền?
Triple test là một trong những xét nghiệm phổ biến trong thai kỳ. Hiện nay, các bệnh viện, phòng khám, trung tâm xét nghiệm, đặc biệt là những cơ sở chuyên môn sản phụ khoa đều có thực hiện xét nghiệm này. Số lượng đơn vị xét nghiệm lớn tuy giúp các mẹ bầu sẽ có nhiều lựa chọn hơn nhưng đôi khi lại bâng khuâng, không biết nên thực hiện Triple test ở đâu? Đơn vị nào là uy tín? Bảng giá Triple test tại các đơn vị là bao nhiêu? Có chênh lệch nhiều hay không?
Các mẹ bầu dù thực hiện bất kỳ xét nghiệm nào cũng nên đến các đơn vị xét nghiệm uy tín. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự an toàn trong quá trình xét nghiệm và độ chính xác của kết quả. Trong bài viết Triple Test – Xét nghiệm sàng lọc trước sinh giá bao nhiêu?, YouMed đã nêu rõ những tiêu chí xem xét thế nào là đơn vị xét nghiệm uy tín, cũng như thống kê một số cơ sở thực hiện Triple test kèm theo bảng giá. Bạn đọc, nhất là các mẹ bầu có thể tham khảo thêm nhé!
Qua bài viết trên, Bác sĩ Trần Thế Minh hy vọng đã giải đáp được câu hỏi xét nghiệm Triple test là gì và cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho độc giả. Để đảm bảo sức khỏe của người mẹ và thai nhi, các mẹ bầu nên thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh theo yêu cầu của bác sĩ. Và nên lựa chọn những đơn vị xét nghiệm uy tín để thực hiện xét nghiệm nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Triple Screening in Pregnancy—What It Is and What to Expecthttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2002/0301/p922.html
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
Triple Marker Screen Testhttps://www.healthline.com/health/triple-marker-screen-test
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
Triple Screen Testhttps://americanpregnancy.org/prenatal-testing/triple-screen-test/
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
Understanding the Triple Testhttps://www.sonoraquest.com/patient/knowledge-center/understanding-the-triple-test/
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
Screening for Down's syndrome, Edwards' syndrome and Patau's syndromehttps://www.nhs.uk/pregnancy/your-pregnancy-care/screening-for-downs-edwards-pataus-syndrome/
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
What Is a Double Marker Test in Pregnancy?https://www.healthline.com/health/pregnancy/double-marker-test
Ngày tham khảo: 14/11/2022
-
Accuracy of non-invasive prenatal testing using cell-free DNA for detection of Down, Edwards and Patau syndromes: a systematic review and meta-analysishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4735304/
Ngày tham khảo: 14/11/2022