Xương trụ: Vị trí, chức năng và bệnh lí thường gặp
Nội dung bài viết
Xương trụ là một xương dài ở cẳng tay. Nó nằm ở giữa và song song với xương quay – là xương thứ hai thuộc cẳng tay. Xương trụ nằm ở phía ngón út và xương quay ở phía ngón cái của bạn. Xương trụ nằm cố định như cột vững chắc để xương quay xoay tạo ra chuyển động. Bao gồm ngửa hoặc sấp bàn tay lên xuống. Trong bài viết này, mời bạn cùng Bác sĩ Hồ Đức Việt tìm hiểu những thông tin cơ bản liên quan đến xương trụ nhé.
Cấu trúc và vị trí xương trụ
Xương trụ và khớp gần
Đầu gần của xương trụ ăn khớp với ròng rọc của xương cánh tay. Vị trí này cho phép chuyển động ở khớp khuỷu tay. Ngoài ra, xương được thiết kế có cấu trúc chuyên biệt, với các điểm nổi bật là xương để gắn cơ.
Xương trụ và khớp xa
Đầu xa của xương trụ có đường kính nhỏ hơn nhiều so với đầu gần. Nó hầu như không có gì đáng chú ý, có những sợi dây chằng nối với xương cổ tay.
Dây chằng
Dây chằng chéo ở giữa của khuỷu tay giúp 2 xương cẳng tay phối hợp cử động với nhau khi xoay.
Ngoài ra, đầu gần và xa cũng có dây chằng để gắn với các xương khác như xương cánh tay hay xương cổ tay.

Các bệnh lý liên quan đến xương trụ
Gãy xương trụ
Triệu chứng
Gãy xương trụ có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau tùy thuộc vào vị trí gần xương cổ tay, đoạn ở giữa xương trụ hoặc gần phía khuỷu tay. Chúng có thể xảy ra thông qua một lực trực tiếp vào cẳng tay hoặc chấn thương gián tiếp do lực từ cánh tay.
Gãy xương trụ có thể xảy ra như một vết gãy đơn lẻ hoặc kết hợp gãy thêm xương quay. Ngoài ra, có thể trật khớp cổ tay hoặc khớp khuỷu tay. Khi cả hai xương bị gãy kèm theo chấn thương khớp ở cổ tay hoặc khuỷu tay, chúng được mô tả là gãy xương Galeazzi hoặc Monteggia.
Gãy xương khiến cẳng tay bị đau và sưng tấy và có xu hướng biến dạng. Bạn sẽ không thể sử dụng cánh tay và cẳng tay sẽ có xu hướng gập xuống. Bạn có thể cảm thấy các mảnh xương di chuyển khi cố gắng sử dụng cánh tay. Ngoài ra, có thể chảy máu từ chỗ gãy vào các mô của cẳng tay gây sưng đáng kể.
Xem thêm: Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lí?
Phương pháp điều trị
Đánh giá gãy xương bằng cách chụp X-quang cẳng tay bao gồm khớp khuỷu tay và khớp cổ tay. Bác sĩ sẽ tìm bằng chứng tổn thương đối với dây thần kinh và mạch máu ảnh hưởng đến cẳng tay để nhanh chóng điều trị.
Có thể điều trị gãy xương bằng cách cố định xương trụ thông qua bó bột trong khoảng 4 đến 6 tuần. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình của bạn bằng chụp X-quang để đảm bảo xương không bị gãy thêm hay di lệch. Trong thời gian này, không được phép dùng tay để nâng và mang vật nặng.

Sau khi tháo băng bột, bạn sẽ bắt đầu vật lý trị liệu với các bài tập cụ thể để tập chuyển động của khuỷu tay, cổ tay và cách xoay của cẳng tay. Tùy theo tình trạng vết thương đang lành mà các bài tập mang vật nặng khác nhau sẽ được thực hiện.
Phẫu thuật được thực hiện trong hầu hết các trường hợp gãy xương ở cẳng tay. Nếu gãy hở thì cần phải phẫu thuật ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Gãy hở xảy ra khi có một vết rách trên da tại vị trí gãy. Điều này có thể do hai đầu của vết gãy đâm ra ngoài da hoặc do một vật đâm thủng da từ bên ngoài. Các xương gãy sẽ được cố định với nẹp và vít. Bạn thường không nên vận động trong thời gian đầu sau phẫu thuật, có thể khoảng 6 tuần tùy vào mức độ nghiêm trọng của vết thương.
Đau cổ tay trụ
Thuật ngữ “cổ tay” được sử dụng để mô tả khớp nơi bàn tay được nối với cẳng tay. Giải phẫu thực tế của cổ tay không đơn giản như vậy. Có tám xương nhỏ kết nối năm xương ở bàn tay với hai xương cẳng tay (xương quay và xương trụ). Đau cổ tay trụ (đau ở phía ngón út của cổ tay) rất phổ biến. Nó có thể do chấn thương xương, sụn hoặc dây chằng. Khi xương trụ dài hơn xương quay, có thể gây đau cổ tay trụ.

Nguyên nhân
Do có nhiều thành phần ở bên phía “ngón út” của cổ tay, việc xác định nguyên nhân gây đau cổ tay có thể rất khó khăn. Bác sĩ bàn tay sẽ khám cổ tay của bạn để xem vị trí đau ở đâu và cách cổ tay cử động. Chụp X-quang có thể được thực hiện. Đôi khi có thể cần chụp CT hoặc MRI.
Một số nguyên nhân gây ra đau cổ tay bao gồm:
- Gãy xương cổ tay.
- Viêm các khớp giữa các xương.
- Hội chứng xương trụ chèn ép (khi xương trụ dài hơn xương quay, có thể khiến nó “va vào” các xương cổ tay).
- Viêm dây chằng làm mất khả năng gập hay ngửa cổ tay.
- Tổn thương phức tạp sụn hình tam giác (TFCC) (khi dây chằng kết nối giữa xương trụ và các cấu trúc khác ở cổ tay bị rách do chấn thương hoặc mòn theo thời gian).
- Tổn thương hoặc chèn ép dây thần kinh.
- Khối u, phổ biến nhất là u nang hạch, lành tính.
Triệu chứng
Có thể cảm thấy đau khi nghỉ ngơi hoặc khi cử động. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau ở bên “ngón út” của cổ tay khi cử động.
- Giảm hoặc hạn chế chuyển động.
Việc điều trị đau cổ tay trụ phụ thuộc vào chẩn đoán. Nó có thể bao gồm một số sự kết hợp của điều chỉnh hoạt động, nẹp hoặc bó bột, thuốc chống viêm. Nếu không làm giảm các triệu chứng, phẫu thuật có thể được xem xét.
Tê liệt hoặc tổn thương dây thần kinh liên quan đến gãy xương trụ hiếm gặp, thường xảy ra khi gãy xương lộ ra ngoài với tổn thương mô mềm lớn. Do đó, những vết rách và dây thần kinh tại vị trí gãy xương luôn cần được lưu ý. Điều này trở nên quan trọng hơn khi tình trạng mất hoặc giới hạn vận động ở tay xuất hiện. Vậy nên, nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào liên quan đến xương cẳng tay và bàn tay, hãy liên hệ với Bác sĩ để được điều trị kịp thời nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ulna and Radius Fractures (Forearm Fractures)https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/ulna-and-radius-fractures-forearm-fractures
Ngày tham khảo: 24/08/2020
-
A Patient's Guide to Adult Forearm Fractures
https://www.eorthopod.com/eorthopodV3/index.php?ID=57dd4157f9f946ff9d8c512ba8a92e6b&disp_type=topic_detail&area=47&topic_id=34857ee6e5e248055b714e7077a732b6
Ngày tham khảo: 24/08/2020
-
Ulnar Wrist Painhttps://www.assh.org/handcare/condition/ulnar-wrist-pain
Ngày tham khảo: 24/08/2020
-
Gymnastic Wrist Injurieshttps://journals.lww.com/acsm-csmr/Fulltext/2008/09000/Gymnastic_Wrist_Injuries.13.aspx
Ngày tham khảo: 04/12/2022
-
Hand and Wrist Injuries: Part I. Nonemergent Evaluationhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2004/0415/p1941.html
Ngày tham khảo: 04/12/2022