Y học thường thức: U sao bào (Astrocytoma)
Nội dung bài viết
U sao bào (Astrocytoma) là một trong bốn loại u tế bào thần kinh đệm thường gặp nhất ở não. Nó có nguồn gốc từ tế bào hình sao, là loại tế bào chiếm đa số trong mô kẽ nhu mô não. U sao bào có phân độ đa dạng từ tương đối lành tính đến độ ác tính cao. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này.
1. U sao bào là gì?
Đây là một dạng u não. Các u não hình thành khi những tế bào não tăng trưởng một cách bất thường thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể. U não được gọi tên dựa vào tên loại tế bào tăng trưởng bất thường. U sao bào (astrocytoma) là loại u não xuất phát từ các tế bào hình sao (astrocytes).
Có nhiều dạng khác nhau của bệnh. Một vài loại u sao bào tăng trưởng chậm, nhưng cũng có những dạng tăng trưởng rất nhanh. Nhóm tăng trưởng nhanh là một dạng của ung thư não. Những u sao bào tăng trưởng chậm vẫn có khả năng biến đổi thành dạng tăng trưởng nhanh.
Khi một u sao bào tăng trưởng, chúng lan rộng, chiếm chỗ và đè ép vào những vùng não bình thường xung quanh. Ngoài ra, chúng có thể gây ra hiện tượng phù não. Cả hai hiện tượng này gây ra những triệu chứng của một bệnh nhân u sao bào.
>> U não là một nhóm tế bào phát triển bất thường trong não, có thể gây ra bệnh lý nguy hiểm. Tìm hiểu thêm: U não: Liệu có thật sự là căn bệnh nan y?
2. Triệu chứng
Triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau đầu. Triệu chứng đau thường nặng lên vào ban đêm, thậm chí có thể đánh thức bệnh nhân giữa đêm. Đôi khi, những bệnh nhân u sao bào (astrocytoma) đau đầu tăng lên khi họ cúi đầu hoặc các động tác thay đổi vị trí đầu. Một vài bệnh nhân triệu chứng đau đầu kéo dài liên tục.
- Động kinh. Những bệnh nhân có triệu chứng động kinh như co cứng, co giật tay hoặc chân, ngất hoặc yếu cơ.
- Giảm trí nhớ hoặc giảm khả năng tư duy.
- Yêu hoặc tê tay hoặc chân.
- Ảnh hưởng thị giác như song thị hoặc giảm thị lực.
- Gặp khó khăn trong phát âm hoặc sử dụng ngôn ngữ.
Nhiều bệnh lý khác cũng gây ra những triệu chứng tương tự. Do đó, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh lý nếu có.
3. Bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm – cận lâm sàng nào?
Bác sĩ sẽ cần thăm khám và chỉ định những phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Những phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp ích trong bệnh lý này như cộng hưởng từ MRI hoặc cắt lớp vi tính CT. Đây là những phương tiện cung cấp hình ảnh về não bộ, qua đó giúp bác sĩ chẩn đoán được u sao bào hoặc các bệnh lý khác kèm theo nếu có.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm sinh thiết. Sinh thiết là quá trình bác sĩ tiếp cận khối u não để lấy một mẫu mô nhỏ. Mẫu mô này sẽ được gửi đến các bác sĩ chuyên khoa giải phẫu bệnh để xem xét dưới kính hiển vi và tìm những bằng chứng của bệnh lý.
Nếu có chỉ định phẫu thuật khối u, các bác sĩ cũng sẽ đồng thời sinh thiết để gửi mẫu mô làm giải phẫu bệnh. Mẫu mô lấy được thông qua cuộc phẫu thuật sẽ cung cấp nhiều thông tin thêm về khối u sao bào, kể cả khả năng lan rộng của khối u sau phẫu thuật.
4. U sao bào được điều trị như thế nào?
Điều trị u sao bào có thể bao gồm các phương pháp như:
- Phẫu thuật. Trong cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cố gắng lấy nhiều tế bào u nhất có thể. Cuộc phẫu thuật có thể loại bỏ hoàn toàn u sao bào dạng lông (pilocytic astrocytoma). Những dạng còn lại của thường không thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật giúp bệnh nhân giảm triệu chứng và tăng thời gian sống. Một cuộc phẫu thuật cũng có những rủi ro gây ra những triệu chứng khác hoặc biến chứng ở bệnh nhân.
- Xạ trị. Tia xạ có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Do vậy, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp này cho những bệnh nhân sau phẫu thuật như một phương pháp kết hợp hoặc dùng độc lập xạ trị ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật được.
- Hóa trị. Hóa trị là thuật ngữ dùng thuốc để tiêu diệt hoặc ức chế sự tăng trưởng của khối u. Bác sĩ có thể dùng hóa trị kết hợp với xạ trị để điều trị, đặc biệt là đối với những khối u sao bào tái phát.
- Điều trị bảo tồn. Việc theo dõi thường xuyên và điều trị nâng đỡ thể trạng được lựa chọn khi u sao bào có kích thước nhỏ và không gây ra triệu chứng gì cho người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ theo dõi sát sự phát triển hay lan rộng của khối u để lựa chọn các biện pháp phù hợp sau đó. Trong lúc theo dõi, những thuốc được dùng để điều trị các triệu chứng là chính hoặc dự phòng động kinh.
5. Theo dõi sau điều trị
Sau khi điều trị phẫu thuật hoặc các phương pháp khác, bệnh nhân cần tái khám theo dõi thường xuyên để phòng trường hợp khối u tái phát hoặc lan rộng thêm. Việc theo dõi thường được thực hiện nhờ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
Bệnh nhân nên chủ động theo dõi các triệu chứng được liệt kê ở trên. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện cần thông báo với bác sĩ. Những triệu chứng này có thể liên quan đến sự tái phát của khối u sao bào.
6. Làm gì nếu u sao bào tái phát?
Nếu u sao bào tái phát hoặc lan rộng thêm sau điều trị, việc điều trị có thể được tiếp tục. Có thể bệnh nhân cần thêm cuộc phẫu thuật, các liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị. Hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá và lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ung thư não nói chung hay u sao bào nói riêng là bệnh lý nặng. Bệnh nhân còn chưa có nhiều thông tin về nhóm bệnh lý này. Mong rằng bài viết sẽ cung cấp những thông tin cơ bản giúp người đọc bước đầu tìm hiểu về u sao bào.
Bác sĩ Ngô Minh Quân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Patient education: Astrocytoma (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate, This topic retrieved from UpToDate on: Aug 28, 2019.