5 dấu hiệu để dễ dàng nhận biết con bạn đã bị nhiễm giun kim
Nội dung bài viết
Nhiễm giun sán là một rào cản phiền toái đối với sự phát triển của trẻ. Trong các loại giun sán ở người, giun kim là phổ biến và dễ nhận biết hơn cả. Trong bài viết này, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu về đặc tính của giun kim, cách lây nhiễm của chúng và cách để nhận biết bé nhà mình có bị nhiễm giun hay không.
Nhiễm giun kim là gì?
Nhiễm giun kim là một trong những loại nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất ở người. Giun kim là những con giun nhỏ, hẹp. Chúng có màu trắng và dài chưa đến 2cm.
Giun kim ở trẻ em có thể lây lan dễ dàng. Chúng phổ biến nhất ở trẻ em 5 đến 10 tuổi và những người sống trong khu tập thể.
Dùng thuốc sổ giun là phương pháp điều trị hiệu quả. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều khả năng người bệnh bị tái nhiễm sau khi đã sổ giun. Bên cạnh đó, rất hiếm trường hợp gặp phải biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
>> Khám phá 5 dấu hiệu nhận biết giun kim ở trẻ em, để phát hiện và có phương án điều trị phù hợp nhé!
Hình ảnh của giun kim
Bằng mắt thường có thể thấy giun bò ra và đẻ trứng quanh lỗ hậu môn. Tuy nhiên, cần đến kính hiển vi mới có thể thấy được cấu trúc trên người giun và trứng giun. Bạn có thể bắt giun kim bằng cách vệ sinh sạch vùng hậu môn.
Điểm qua 5 triệu chứng dễ nhận biết của nhiễm giun kim
Một số người bị nhiễm giun kim không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu bị giun bạn có thể quan sát và phát hiện.
- Ngứa thường xuyên và dữ dội quanh khu vực hậu môn
- Giấc ngủ không yên do ngứa và khó chịu ở hậu môn
- Đau, phát ban hoặc kích ứng da xung quanh hậu môn
- Sự hiện diện của giun kim trong khu vực hậu môn của con bạn
- Sự hiện diện của giun kim trong phân
Quá trình xâm nhập của giun kim như thế nào?
Nhiễm giun kim rất dễ lây lan. Bạn bị nhiễm giun kim do vô tình ăn hoặc hít phải trứng giun.
Bắt xâm nhập và phát triển
Một khi trứng xâm nhập vào cơ thể bạn, chúng sẽ ở trong ruột cho đến khi nở và trưởng thành. Khi trưởng thành, giun kim cái di chuyển xuống đại tràng (đoạn ruột cuối) và sống ở đây. Ban đêm, giun chui ra ngoài để đẻ trứng trong các nếp gấp da xung quanh lỗ hậu môn. Sự hiện diện của những quả trứng này thường gây ngứa và kích thích hậu môn.
Giai đoạn gieo rắc
Khi người bệnh gãi vào vùng này, trứng giun kim sẽ chuyển sang ngón tay. Những quả trứng có thể tồn tại trong vài giờ trên tay của bạn.Nếu tay người nhiễm chạm vào các đồ vật trong gia đình như giường, quần áo, bệ toilet hoặc đồ chơi, trứng sẽ chuyển sang những đồ vật này. Trứng giun kim có thể tồn tại trên các bề mặt bị ô nhiễm này trong tối đa ba tuần.
Giai đoạn nhiễm vào cơ thể mới
Người khác khi chạm vào đồ vật rồi cầm nắm đồ ăn hay chạm vào môi miệng. Trẻ em dễ dàng bị nhiễm trứng giun vì chúng có thể đưa đồ chơi hoặc các đồ vật khác trực tiếp vào miệng. Trứng cũng có thể chuyển từ ngón tay bị ô nhiễm trực tiếp sang thực phẩm hoặc đồ uống.
Mặc dù không phổ biến, người lớn cũng có thể hít trứng giun trong không khí khi lắc giường, giũ khăn hoặc quần áo bị nhiễm.
Tái nhiễm vô thời hạn
Giun kim thường sống tới 13 tuần. Khi đến khu vực bị nhiễm trứng có thể dẫn đến nuốt phải vô ý, gây tái nhiễm giun. Trứng giun lại được một dịp vào trong ruột, phát triển thành giun mới và bắt đầu chu trình sống mới.
Đôi khi, trứng trên hậu môn có thể nở. Ấu trùng giun kim có thể bò ngược trở lại ruột và bắt đầu sinh sống ở đó. Điều này có thể gây nhiễm trùng vô thời hạn nếu không được điều trị.
Ai có nguy cơ bị nhiễm giun kim?
Ai ở lứa tuổi nào và ở bất kỳ đâu đều có thể nhiễm giun kim. Vì trứng giun kim có kích thước hiển vi nên không thể tránh khỏi bị nhiễm bệnh một cách vô tình.
Tuy nhiên, các nhóm sau dễ mắc bệnh hơn:
- Giun kim ở trẻ em học tại nhà trẻ, mẫu giáo hoặc tiểu học
- Thành viên gia đình hoặc người chăm sóc người bị nhiễm bệnh
- Các cá nhân sống trong các tổ chức hoặc nơi ở đông đúc khác, chẳng hạn như ký túc xá
- Trẻ em hoặc người lớn không tập rửa tay thường xuyên và cẩn thận trước khi ăn
- Những đứa trẻ có thói quen mút ngón tay
Có thể bị nhiễm giun kim từ vật nuôi của tôi không? Con người là vật chủ duy nhất của giun kim. Mèo hoặc chó của bạn không thể bị nhiễm giun kim và vì vậy không thể lây nhiễm cho bạn.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm giun kim?
Xét nghiệm băng dính là phương pháp đáng tin cậy nhất để chẩn đoán nhiễm giun kim. Người nhà bệnh nhân lấy một miếng băng keo trong và ấn mặt dính vào vùng da xung quanh hậu môn. Thời điểm thực hiện xét nghiệm là vào buổi sáng vì giun kim thường đẻ vào ban đêm. Mang miếng băng dính này đến cho bác sĩ của bạn kiểm tra nó dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ xem nó có chứa trứng giun kim hay không.
Các hoạt động thường ngày vào buổi sáng, chẳng hạn như tắm hoặc sử dụng nhà vệ sinh, có thể loại bỏ trứng khỏi da của bạn. Do đó, kết quả kiểm tra bằng là chính xác nhất nếu bạn thực hiện kiểm tra khi mới thức dậy. Bạn nên tiến hành kiểm tra bằng ít nhất ba lần, vào ba buổi sáng liên tiếp, để tăng khả năng tìm thấy trứng giun kim.
Giun kim là loại giun đường ruột phổ biến nhất ở con người. Triệu chứng nhiễm giun rất rõ ràng nhưng con đường lây truyền của giun rất khó nhận biết.
Bạn cần có được những hiểu biết về cách thức lây truyền và hoạt động của giun kim để có thể kịp thời phát hiện bé nhà mình đang bị nhiễm giun. Việc phát hiện sớm, thực hiện xét nghiệm bằng dính có thể giúp bác sĩ điều trị sớm và hướng dẫn bạn cách phòng ngừa hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pinworms infectionhttps://www.healthline.com/health/pinworms#risk-factors
Ngày tham khảo: 22/10/2019