A.t Zinc là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
Thuốc A.t Zinc là thuốc gì và có gì đặc biệt? Người bệnh nên sử dụng thuốc khi nào và cần lưu ý gì? Thuốc này có chống chỉ định hay thận trọng trên những đối tượng nào? Thông qua bài viết dưới đây, Dược sĩ Trần Việt Linh cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc này.
Hoạt chất trong A.t Zinc: Kẽm (dưới dạng kẽm gluconat).
Thuốc chứa thành phần tương tự: Farzincol, Zinc, Zinc Gluconate, ZicumGSV, Tozinax,…
A.t Zinc là thuốc gì?
Thuốc A.t Zinc là một sản phẩm của công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên. Đây là chế phẩm bổ sung kẽm hàng ngày và cần được bác sĩ kê toa trước khi sử dụng. Thuốc được đóng gói trong hộp với số lượng 2 vỉ, 3 vỉ, 5 vỉ hay 10 vỉ x 10 viên nén.
Thành phần và công dụng của từng thành phần
Thành phần chính của thuốc A.t Zinc là kẽm (dưới dạng kẽm gluconat). Đây là nguyên tố vi lượng thiết yếu thường được tìm thấy trong thịt đỏ, thịt gia cầm và cá. Chỉ cần một lượng nhỏ, kẽm đã mang lại lợi ích cho sức khỏe, sự phát triển thể chất và cảm xúc của con người. Kẽm được tìm thấy trong khắp cơ thể nhưng cơ thể không dự trữ kẽm dư thừa. Do đó, thức ăn chính là nguồn bổ sung kẽm quan trọng nhất.1
Kẽm cần thiết cho chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, đông máu, chức năng tuyến giáp và nhiều hơn nữa. Ngoài ra, nguyên tố này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực và có thể chống lại sự tấn công của virus.1
Tác dụng A.t Zinc
Thuốc có hiệu quả điều trị tiêu chảy khi uống kết hợp với các dung dịch bù nước và điện giải trong phác đồ điều trị tiêu chảy kéo dài (khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO). Ngoài ra, thuốc có tác dụng bổ sung kẽm cho những người bị thiếu kẽm nhưng không thể hấp thu từ thức ăn. Tuy nhiên, với chỉ định này, bạn cần được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng.
Cách dùng và liều dùng A.t Zinc
Cách dùng
Thuốc A.t Zinc được sử dụng đường uống.
Liều dùng2
Đối với chỉ định tiêu chảy, liều thuốc từ 10 – 20 mg/ngày x 14 ngày sẽ giúp làm giảm đáng kể thời gian và mức độ tiêu chảy.
A.t Zinc giá bao nhiêu?
Giá thuốc A.t Zinc sẽ dao động khác nhau tùy vào thời điểm hoặc cơ sở bán lẻ. Mức giá tham khảo của thuốc này là 500 đồng/viên nén.
Tác dụng phụ của A.t Zinc
Những tác dụng phụ của thuốc thường gặp khi uống kẽm gluconat là đau bụng, buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, kích ứng dạ dày hay viêm dạ dày. Có thể giảm bớt phần nào những tác dụng không mong muốn này bằng cách uống viên kẽm gluconat trong bữa ăn.
Tương tác thuốc
Các tương tác thuốc của A.t Zinc bao gồm:
- Khi dùng chung với sắt, penicillamin, chế phẩm chứa photpho và tetracyclin sẽ làm giảm sự hấp thu kẽm.
- Những thuốc như đồng, fluoroquinolon, sắt, penicillamin và tetracyclin sẽ bị giảm hấp thu khi dùng chung với kẽm gluconat.
Đối tượng chống chỉ định dùng A.t Zinc
Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc A.t Zinc cho người quá mẫn với các thành phần của thuốc, bệnh nhân đang loét dạ dày – tá tràng, suy thận, suy gan, nôn ói cấp tính, suy tuyến thượng thận và tiền căn sỏi thận.
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được A.t Zinc?
Thuốc này dùng được cho phụ nữ mang thai. Đối với phụ nữ đang cho con bú, hãy sử dụng thận trọng vì chưa đủ dữ liệu an toàn.
Xử lý khi quá liều A.t Zinc
Nếu người bệnh uống kẽm ở nồng độ cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu đồng (vì làm giảm hấp thu). Điều này liên quan đến thiếu máu nguyên bào sắt và giảm bạch cầu trung tính. Cách xử trí là có thể dùng các thuốc tạo chelate để thải trừ kẽm trong huyết thanh.
Nếu bị ngộ độc thuốc cấp tính, muối của kẽm có tính ăn mòn do hình thành kẽm clorid từ acid dạ dày. Bác sĩ sẽ xử trí bằng cách cho người bệnh uống sữa, carbonat kiềm hoặc than hoạt tính. Khi xử trí quá liều thuốc, nên tránh biện pháp gây nôn hay rửa dạ dày.
Trường hợp quên liều A.t Zinc
Nếu bạn quên uống thuốc, hãy cân nhắc việc có nên uống bổ sung liều đã quên hay không dựa vào thời gian quên. Bạn vừa quên thuốc thì hãy uống ngay liều đó lúc nhớ ra. Ngược lại, nếu bạn đã quên lâu và sắp tới liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên.
Lưu ý gì khi sử dụng
Khi sử dụng thuốc A.t Zinc, bạn cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu dùng thuốc mà có biểu hiện dị ứng, hãy báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc A.t Zinc nơi khô ráo, tránh ánh sáng, nhiệt độ không quá 30°C. Ngoài ra, người lớn cần để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Bài viết trên đã cung cấp thuốc nhiều thông tin về thuốc A.t Zinc cũng như các lưu ý khi sử dụng. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận bên dưới để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Zinc - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-982/zinc
Ngày tham khảo: 26/09/2022
-
Tờ HDSD thuốc A.t Zinchttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/01/hdsd-a.t-zinc.jpg
Ngày tham khảo: 26/09/2022