YouMed

Acid uric trong máu có vai trò như thế nào?

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Acid uric trong máu là một trong những sản phẩm chuyển hóa tự nhiên xảy ra trong cơ thể người. Sự tăng acid uric máu có thể dẫn đến một số bệnh nhất định, đặc biệt là bệnh thuộc hệ cơ xương khớp. Vậy chất này từ đâu mà có? Việc xét nghiệm nồng độ của nó có ý nghĩa như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang.

Acid uric trong máu là gì?

Acid uric trong cơ thể của chúng ta có nguồn gốc nội sinh và ngoại sinh. Nguồn gốc nội sinh là khi các tế bào trong cơ thể bị chết đi. Nhân của những tế bào ấy sẽ bị phân hủy và chuyển hóa thành Acid uric.

Trong khi đó, những Acid uric có nguồn gốc từ thức ăn như thịt, cá hoặc những đường chuyển hóa khác thì nó đó là Acid uric ngoại sinh. Hàng ngày, lượng Acid uric dư thừa sẽ được thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu khoảng 80%. 20% còn lại được thải qua phân và mồ hôi.

Công thức cấu tạo acid uric
Công thức cấu tạo acid uric

Nồng độ Acid uric trong máu bình thường vào khoảng 420 μmol/lít ở nam giới và 360 μmol/lít ở nữ giới. Nếu như nồng độ Acid uric máu vượt quá chỉ số cho phép này thì sẽ xảy ra tình trạng tăng Acid uric máu.

Sự tăng Acid uric trong máu sẽ dẫn đến các bệnh lý nào?

Khi Acid uric trong máu tăng cao, vượt quá ngưỡng an toàn, nó sẽ dễ dàng kết tinh thành các tinh thể urat. Những tinh thể này lắng đọng ở khớp gây ra bệnh Gout. Hoặc chúng cũng có thể lắng đọng tại da, mô mềm tạo nên các hạt tophi, hoặc hình thành sỏi urat ở thận.

Acid uric
Acid uric trong máu cao có thể gây bệnh Gout

Tăng acid uric máu có thể gây ra những triệu chứng rõ rệt. Nhiều trường hợp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tăng acid uric máu có triệu chứng sẽ gây nên những cơn đau do bệnh Gout cấp tính.

Những bệnh lý được xem là hậu quả của tình trạng tăng Acid uric máu bao gồm:

  • Viêm khớp Gout cấp tính và mãn tính.
  • Sỏi thận, bệnh thận mãn, suy thận.
  • Xơ vữa động mạch.
  • Viêm cơ tim.
Sỏi urat ở thận
Sỏi urat ở thận

Nguyên nhân của sự tăng Acid uric máu

Tăng Acid uric trong máu có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Do di truyền

Hội chứng Lesch-Nyhan được các chuyên gia y tế cho là nguyên nhân di truyền của sự tăng Acid uric máu. Khi không có enzyme HPRT1 di truyền, cơ thể sẽ bị tăng Acid uric trong máu. Đây cũng chính là nguyên nhân gây khởi phát bệnh Gout cấp tính.

Tăng cung cấp

Tăng Acid uric máu cũng có thể là nguyên nhân của việc tăng cung cấp những thực phẩm giàu purin. Một số thực phẩm giàu purin như phủ tạng động vật, thịt đỏ, cá cơm, nấm men,…

Những thực phẩm giàu purin
Những thực phẩm giàu purin

Tăng chuyển hóa purin

Một số trường hợp khối u phát triển nhanh sẽ làm tăng chuyển hóa purin. Từ đó dẫn đến tăng Acid uric máu. Chẳng hạn như: Ung thư di căn, u xơ đa bào, bệnh bạch cầu cấp và mãn tính.

Xem thêm: Người bị bệnh gout nên ăn gì và tránh ăn gì?

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc bệnh ung thư khi hóa trị cũng làm tăng Acid uric trong máu, Nguyên nhân là do hội chứng phân tách khối u. Ở những bệnh nhân hóa trị, sự giải phóng nội chất tế bào sẽ dẫn đến Acid uric máu tăng cao.

Giảm thải trừ Acid uric

Sự giảm thải trừ cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp của tình trạng tăng Acid uric máu. Ở những người mắc bệnh thận, chẳng hạn như suy thận, khả năng đào thải Acid uric sẽ bị suy giảm. Bên cạnh đó, những người ăn kiêng và vận động nặng thường xuyên cũng có thể bị tăng Acid uric máu vì giảm thải trừ.

Một số nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân ít gặp hơn có thể gây ra tình trạng tăng Acid uric máu bao gồm:

Thừa cân béo phì có thể làm tăng Acid uric trong máu
Thừa cân béo phì có thể làm tăng Acid uric trong máu

Triệu chứng tăng Acid uric máu

Theo thống kê chung, chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp tăng Acid uric máu không có triệu chứng. Mặc dù sự tăng Acid uric không phải là bệnh nhưng nếu kéo dài thì nó có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau.

Triệu chứng của bệnh Gout

Bệnh Gout là một bệnh xảy ra ở khớp, xuất hiện ở khoảng 1/5 số người bị tăng Acid uric trong máu. Những vị trí thường xuất hiện triệu chứng của bệnh Gout bao gồm: Ngón chân cái, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay.

Triệu chứng cơn Gout cấp
Triệu chứng cơn Gout cấp

Các cơn đau do bệnh Gout thường xảy ra vào ban đêm và đạt đỉnh điểm trong khoảng 12 đến 24 giờ. Cơn đau sẽ giảm dần trong vòng 14 ngày mặc dù không được điều trị.

Một số triệu chứng kèm theo của bệnh Gout bao gồm:

  • Khớp bị cứng, sưng.
  • Khó di chuyển khớp bị bệnh Gout ảnh hưởng.
  • Tình trạng đỏ tại vị trí tinh thể urat lắng đọng trong khớp.

Triệu chứng của bệnh sỏi đường tiểu

Các tinh thể urat giảm đào thải sẽ rất dễ lắng đọng, Hậu quả là gây nên bệnh sỏi thận và sỏi đường niệu. Triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Sỏi kẹt đường niệu gây đau dữ dội vùng bụng dưới rốn. Đau thường lan ra sau lưng.
  • Có thể sốt, ớn lạnh, buồn nôn nếu có nhiễm trùng thận kèm theo.
  • Nước tiểu đổi màu, có máu trong nước tiểu.
Tiểu ra máu
Tiểu ra máu

Một số triệu chứng khác

Nếu tình trạng tăng Acid uric máu gây ra bệnh lý ở những cơ quan khác thì triệu chứng có thể xuất hiện là:

  • Rối loạn nhịp tim.
  • Đau ngực.
  • Khó thở.
  • Tiểu ít.
  • Mệt mỏi thường xuyên.
Mệt mỏi do tăng Acid uric máu
Mệt mỏi do tăng Acid uric máu

Chẩn đoán tăng Acid uric máu như thế nào?

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Những triệu chứng của cơ thể rất khó cho việc chẩn đoán tăng Acid uric trong máu. Chính vì vậy, để xác định tăng Acid uric máu, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm định lượng Acid uric trong máu và nước tiểu.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh có những triệu chứng của bệnh Gout thì bác sĩ sẽ xét nghiệm dịch tích tụ trong khớp của người bệnh. Phương pháp thực hiện là rút dịch từ khớp nhằm kiểm tra sự tồn tại của tinh thể Acid uric. Sự xuất hiện của tinh thể Acid uric trong dịch khớp chính là dấu hiệu của bệnh Gout.

Xét nghiệm dịch khớp
Xét nghiệm dịch khớp

Ngoài ra, một số cận lâm sàng khác có thể được chỉ định để phát hiện những bệnh lý khác. Những bệnh lý ấy là hậu quả của sự tăng Acid uric máu, bao gồm:

  • Siêu âm thận.
  • Định lượng Urê, Creatinin trong máu để đánh giá chức năng thận.
  • Đo điện tim, siêu âm tim.
  • Định lượng Glucose máu, Lipid máu.
  • Tổng phân tích tế bào máu.
  • Chụp X Quang khớp bị đau để xác định tổn thương khớp.
X Quang khớp
X-quang khớp

Chẩn đoán xác định

Việc chẩn đoán tăng Acid uric máu chỉ được xác định nhờ xét nghiệm định lượng Acid uric. Trị số Acid uric bình thường trong máu đó là:

  • Nam giới: 202 – 416 µmol/l.
  • Nữ giới: 143 – 399 µmol/l.
  • Bất kỳ một trị số nào cao hơn ngưỡng cao nhất ở cả hai giới đều sẽ được chẩn đoán là tăng Acid uric trong máu.
Xét nghiệm định lượng Acid uric máu
Xét nghiệm định lượng Acid uric máu

Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm Acid uric

Để kết quả cho ra là chính xác nhất có thể, người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Trong vòng 8 – 10 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh nên nhịn ăn.
  • Không sử dụng thuốc hoặc bất kỳ thực phẩm chức năng nào không được các bác sĩ chỉ định
  • Không sử dụng các thực uống có cồn. Đồng thời không sử dụng các chất kích thích trước khi thực hiện xét nghiệm.

Xem thêm: Tế bào gốc: Tiềm năng điều trị cho ngành Y học

Những đối tượng có nguy cơ cao bị tăng Acid uric máu

Những đối tượng sau đây được cho là có nguy cơ cao bị tăng Acid uric trong máu:

  • Thường xuyên uống nhiều rượu bia hoặc các thức uống có cồn, người nghiện rượu.
  • Chế độ ăn giàu chất protein như: Hải sản, phủ tạng động vật.
  • Thừa cân béo phì.
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực.
  • Suy tuyến giáp.
  • Mắc bệnh thận mạn.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm corticoid kéo dài
  • Sử dụng lâu dài các thuốc điều trị những bệnh lý tim mạch: Aspirin, các thuốc lợi tiểu.
  • Bị các bệnh lý ác tính (ung thư).
Chế độ ăn nhiều hải sản làm tăng Acid uric máu
Chế độ ăn nhiều hải sản làm tăng Acid uric máu

Những biến chứng của tình trạng tăng Acid uric máu kéo dài

Những biến chứng của tình trạng tăng Acid uric máu kéo dài bao gồm:

  • Rối loạn chức năng thận, về lâu dài có thể gây nên tình trạng suy thận mãn tính.
  • Sỏi đường niệu tái đi tái lại.
  • Viêm khớp Gout mãn tính có thể dẫn đến biến dạng khớp. Từ đó làm cho khớp giảm khả năng vận động, thúc đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp.
  • Nhiễm trùng huyết xảy ra trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Chẳng hạn như HIV/AIDS, nghiện rượu, đái tháo đường, sử dụng Corticoide kéo dài.
  • Viêm tĩnh mạch nông chi dưới.
Biến chứng viêm tĩnh mạch nông chi dưới
Biến chứng viêm tĩnh mạch nông chi dưới

Tình hình bệnh Gout – hậu quả của tăng Acid uric trong máu

Hiện nay, bệnh Gout không còn là bệnh của riêng phái nam. Đồng thời cũng không phải là bệnh của nhà giàu. Những số liệu thống kê gần đây cho thấy số người dưới 30 tuổi bị Gout ngày càng tăng. Những nước phát triển có xu hướng mắc bệnh Gout cao hơn những nước đang phát triển. Người có gốc châu Á có tần suất mắc bệnh cao hơn những châu lục khác.

Hình ảnh người mắc bệnh Gout
Hình ảnh người mắc bệnh Gout

Tỷ lệ mắc bệnh Gout trong những năm 2000 đến 2005 là 1,4% và ở Hoa Kỳ vào năm 1996 là 0,94% dân số chung. Ở Việt Nam, từ năm 2007 đến năm 2012, trên cả nước có 22.000 trường hợp mắc bệnh Gout. Nghiên cứu cho thấy những người bị Gout có nguy cơ tử vong sớm hơn 255 so với người không bệnh.

Điều trị tăng Acid uric máu như thế nào?

Điều trị dùng thuốc

Nếu tăng Acid uric trong máu không có triệu chứng thì không nhất thiết phải điều trị. Nếu Acid uric tăng trên 480 μmol/l và có kèm theo những bệnh lý chuyển hóa thì cần uống thuốc hạ Acid uric máu. Trường hợp Acid uric máu tăng do các bệnh lý ác tính thì cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc hạ Acid uric máu
Thuốc hạ Acid uric máu

Nếu người bệnh rơi vào cơn Gout cấp thì có thể được chỉ định một số thuốc như:

  • Colchicin.
  • Thuốc giảm đau Non Steroid hoặc Corticoid (thận trọng với những bệnh nhân có bệnh dạ dày kèm theo).
  • Thuốc giảm đau Paracetamol.
  • Khi người bệnh đang ở trong giai đoạn Gout mãn tính thì một số thuốc sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Bao gồm thuốc ức chế tổng hợp Acid uric và thuốc tăng thải Acid uric.
Thuốc Colchicin điều trị cơn Gout cấp
Thuốc Colchicin điều trị cơn Gout cấp

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc chính là chế độ ăn uống khoa học. Để hạn chế tình trạng tăng Acid uric trong máu, chúng ta nên hạn chế các thực phẩm:

  • Thịt có màu đỏ như: thịt trâu, thịt bò, thịt dê,…
  • Nội tạng động vật: gan, tim, thận, phổi,…
  • Các loại hải sản: tôm, cua, sò, cá biển,…
  • Thức ăn có nhiều dầu mỡ.
  • Các loại củ quả chứa nhiều axit uric như: măng, đậu Hà Lan, giá đỗ,…
  • Hạn chế uống rượu bia và các thức uống có cồn.
Hạn chế uống rượu bia
Hạn chế uống rượu bia

Chúng ta nên tăng cường các loại thực phẩm như:

  • Thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây.
  • Tăng cường rau củ quả giàu chất xơ.
  • Không cần kiêng cử tinh bột vì những thực phẩm giàu tinh bột sẽ chứa một lượng purin an toàn. Chẳng hạn như: Cơm, bún, mì, phở,…
  • Ưu tiên chế biến các loại thức ăn theo cách luộc, hấp, hạn chế chiên xào.

Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Acid uric trong máu. Từ đó, các bạn sẽ hình thành cho mình một thói quen ăn uống khoa học hơn. Hạn chế tình trạng tăng Acid uric máu có thể gây ra nhiều bệnh lý phức tạp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Natural Ways to Reduce Uric Acid in the Bodyhttps://www.healthline.com/health/how-to-reduce-uric-acid

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

  2. Uric Acid Test (Blood Analysis)https://www.healthline.com/health/uric-acid-blood

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

  3. Symptoms high uric acid levelhttps://www.mayoclinic.org/symptoms/high-uric-acid-level/basics/causes/sym-20050607

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

  4. Uric Acid (Blood)https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=167&contentid=uric_acid_blood

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

  5. How to lower uric acid levels naturallyhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/325317

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

  6. Gouthttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gout/symptoms-causes/syc-20372897

    Ngày tham khảo: 11/03/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người