Aibezym là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Aibezym có tác dụng gì và sử dụng như thế nào? Thuốc có những tác dụng phụ gì? Bạn cần lưu ý điều gì khi sử dụng thuốc Aibezym? Hãy cùng Dược sĩ Phan Tiểu Long phân tích chi tiết ở bài viết dưới đây.
Hoạt chất: Lactobacillus acidophilus, Bacillus subtilis, kẽm gluconat.
Thuốc chứa thành phần tương tự: Biolac Biopharco, Multibio.
Aibezym là thuốc gì?
Aibezym là thuốc do Công ty TNHH Liên Doanh Hasan – Dermapharm sản xuất. Thuốc ở dạng bột, vị ngọt, mùi thơm, có thành phần chính là Lactobacillus acidophilus, Bacillus subtilis và kẽm gluconat. Thuốc được sử dụng để bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch.
Thành phần của thuốc Aibezym
Gói 2 g thuốc bột chứa:
- Lactobacillus acidophilus: 10^8 CFU.
- Bacillus subtilis: 10^8 CFU.
- Kẽm gluconat: 21 mg (tương đương 5 g kẽm).
- Tá dược vừa đủ (gồm lactose, saccharose, aerosil, bột hương vị dâu, magnesi stearat).
Công dụng của từng thành phần
Lactobacillus acidophilus
Lactobacillus acidophilus là lợi khuẩn đường ruột. Trong quá trình lên men, vi khuẩn này sản sinh acid lactic làm acid hóa đường ruột. Từ đó giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, tiết các chất diệt khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
Bacillus subtilis
Bacillus subtilis là lợi khuẩn có khả năng sản sinh nhiều enzyme tiêu hóa giúp xúc tác thủy phân tinh bột, tiêu hóa đạm, mỡ trong thức ăn, tăng nhu động ruột. Bacillus subtilis còn có khả năng sinh tổng hợp một số chất kháng sinh làm ức chế hoặc tiêu diệt vi sinh vật và nấm gây bệnh.
Kẽm gluconat
Kẽm là yếu tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển cơ thể và hệ miễn dịch của người lớn lẫn trẻ em.
Trong điều trị tiêu chảy, kẽm có tác dụng:
- Cải thiện sự hấp thu nước và chất điện giải tại niêm mạc ruột.
- Phục hồi enzym đường ruột.
- Tăng miễn dịch tế bào và dịch thể giúp nhanh chóng phục hồi.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cho những đợt sau.
Aibezym có tác dụng gì?
Thuốc Aibezym được chỉ định dùng để bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch trong các trường hợp:
- Tiêu chảy do nhiễm khuẩn, do sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc hóa trị liệu.
- Viêm ruột.
- Rối loạn tiêu hóa (chướng bụng, đầy hơi, táo bón).
- Rối loạn cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do rượu, stress, du lịch.
- Dự phòng các biến chứng đường tiêu hóa.
Cách dùng và liều dùng thuốc Aibezym
Cách dùng
- Thuốc được dùng đường uống.
- Có thể pha bột thuốc trong nước đun sôi để nguội, sữa hoặc nước hoa quả.
- Tốt nhất là uống lúc bụng đói hoặc trước bữa ăn.
Liều dùng cho từng đối tượng
Liều thông thường
- Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1 gói.
- Trẻ em 11 – 15 tuổi: Uống 2 lần/ngày, mỗi lần 1 gói.
- Trẻ em 8 – 11 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/2 gói.
- Trẻ em 5 – 8 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/3 gói.
- Trẻ em 3 – 5 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/4 gói.
- Trẻ em 1 – 3 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/5 gói.
- Trẻ em 3 tháng – 1 tuổi: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 1/10 gói.
Người bị tiêu chảy
4 – 8 gói/ngày.
Người bị táo bón
6 gói/ngày.
Rối loạn tiêu hóa do uống kháng sinh
- Liều dự phòng: Uống mỗi ngày 2 gói.
- Liều điều trị: Uống mỗi ngày 4 – 8 gói cho đến khi hết triệu chứng bệnh.
Thuốc Aibezym giá bao nhiêu?
Trên thị trường hiện nay thuốc Aibezym được bán với giá tham khảo 60.000 – 70.000 VNĐ cho hộp 20 gói x 2 g. Giá thành của thuốc có thể chênh lệch tùy thuộc vào thời điểm mua thuốc và các nhà thuốc, cửa hàng khác nhau.
Tác dụng phụ của thuốc Aibezym
Trong thời gian sử dụng thuốc Aibezym, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau:
- Hiện tượng sinh hơi trong ruột khi bắt đầu dùng thuốc, giảm dần trong quá trình điều trị.
- Nhiễm acid lactic chuyển hóa, đôi khi xảy ra táo bón.
- Nhiễm trùng huyết.
Nếu có bất thường khi sử dụng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Tương tác thuốc
Aibezym gây giảm hấp thu tetracyclin khi sử dụng đồng thời 2 thuốc.
Để tránh tương tác thuốc, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ các thuốc bạn đang dùng hoặc đã dùng gần đây, kể các thuốc không kê đơn.
Đối tượng chống chỉ định dùng Aibezym
Chống chỉ định thuốc Aibezym với các đối tượng quá mẫn với thành phần của thuốc.
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Aibezym hay không?
Chưa ghi nhận tác dụng phụ.
Đối tượng thận trọng khi dùng thuốc Aibezym
Người sốt cao chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Xử lý khi quá liều thuốc Aibezym
Các triệu chứng có thể gặp khi dùng quá liều thuốc Aibezym là:
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Suy giảm chức năng miễn dịch, thiếu máu, suy hô hấp.
- Sốt, hạ huyết áp, vàng mắt, vàng da, phù phổi (đau ngực, khó thở).
- Ăn mòn và viêm màng nhầy miệng và dạ dày, loét dạ dày.
Biện pháp xử trí khi quá liều:
- Tránh dùng các chất gây nôn hoặc rửa dạ dày.
- Nên sử dụng chất làm dịu triệu chứng viêm như sữa, các chất carbonat kiềm, than hoạt và các chất tạo phức chelat.
Trường hợp quên liều
Nếu bạn quên uống thuốc, hãy bổ sung liều càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với thời gian uống liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không nên dùng gấp đôi liều đã quy định để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Lưu ý gì khi sử dụng thuốc Aibezym
Khi sử dụng thuốc Aibezym bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
- Cần đi khám lại nếu vẫn bị tiêu chảy sau 2 ngày điều trị.
Cách bảo quản
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30 °C.
- Để thuốc trong bao bì kín, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
- Để xa tầm tay trẻ em.
Qua bài viết này, Dược sĩ Phan Tiểu Long đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi Aibezym là thuốc gì, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc nếu có bất thường, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia y tế để được tư vấn hướng xử trí kịp thời bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Aibezymhttps://drugbank.vn/thuoc/Aibezym&QL%C4%90B-367-13
Ngày tham khảo: 15/09/2022