Áp-xe phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Áp-xe phổi là một dạng nhiễm trùng ở phổi. Đây là một bệnh đã có từ rất trong trong lịch sử loài người. Các triệu chứng và điều trị của bệnh được mô tả đầu tiên bởi Hippocrates (khoảng 460-375 TCN). Trước thời đại kháng sinh, một phần ba bệnh nhân áp-xe phổi sẽ chết, một phần ba hồi phục và số còn lại sẽ chuyển qua dạng mãn tính, tụ mủ màng phổi hay dãn phế quản. Thời điểm đấy phẫu thuật được xem là điều trị duy nhất có hiệu quả. Theo thời gian, kháng sinh dần thay thế vai trò đó. Bài viết này cung cấp cho các bạn những hiểu biết cơ bản về bệnh này. Bao gồm các triệu chứng, mức độ nguy hiểm, cách điều trị và phòng ngừa.
Áp-xe phổi là gì?
Áp-xe phổi là sự hoại tử của nhu mô phổi gây ra bởi nhiễm vi khuẩn. Nhiều nhất là vi khuẩn thường, ngoài ra là vi khuẩn lao, vi nấm, kí sinh trùng. Khi đó, trong phổi sẽ hình thành một khoang chứa mủ, là các mô hoại tử và dịch, bao xung quanh là mô phổi bị viêm. Thông thường các vi khuẩn từ miệng hay họng được hít vào phổi và gây nên bệnh.
Điều gì có thể dẫn tới bệnh?
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến áp-xe phổi, bao gồm:
- Mất phản xạ ho: thường gặp ở những người được gây mê, người mắc bệnh thần kinh, nghiện rượu, dùng thuốc an thần…
- Vệ sinh răng miệng không tốt như viêm nha chu.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch nói chung như HIV/AIDS, bệnh đái tháo đường, ghép tạng, sử dụng corticoid kéo dài…
- Tắc nghẽn đường thở do khối u hoặc dị vật. Khi đó chất tiết sẽ ứ đọng sau chỗ tắc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nhiễm trùng nơi khác: vi khuẩn hoặc cục máu đông từ vị trí nhiễm khuẩn khác đi tới phổi gây nhiễm trùng. Nguyên nhân này ít gặp hơn.
Do đó người mắc bệnh nha chu, động kinh, khó nuốt và người nghiện rượu là những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh.
Triệu chứng của bệnh là gì?
Các triệu chứng của áp-xe phổi khá giống với viêm phổi nhưng kéo dài hơn. Một triệu chứng khá nổi bật là ho ra đàm. Đàm có thể lẫn máu hoặc mủ, mùi hôi. Một số triệu chứng khác cũng thường gặp là:
- Hơi thở hôi.
- Sốt.
- Đau ngực.
- Khó thở.
- Chảy mồ hôi về đêm.
- Sụt cân.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
Các biến chứng của bệnh
Nếu không được chữa trị, tỉ lệ tử vong khoảng 15-20%. Ổ áp-xe có thể vỡ sau đó gây ra nhiều biến chứng như:
- Tụ mủ màng phổi: là tình trạng tích tụ một lượng lớn dịch nhiễm trùng quanh phổi. Đây là tình trạng nguy hiểm tính mạng và cần can thiệp tức thì để lấy hết dịch mủ.
- Dò phế quản-màng phổi: là sự hình thành một đường dẫn giữa phế quản và màng phổi-khoang bao quanh phổi. Cần nội soi hoặc phẫu thuật để chữa lành.
- Chảy máu từ phổi hoặc thành ngực: lượng máu có thể ít hoặc nhiều tới mức ảnh hưởng tính mạng.
- Nhiễm trùng nơi khác: ổ nhiễm trùng có thể từ phổi tạo nên những ổ áp-xe mới ở nơi khác trong cơ thể, gồm cả não.
Bệnh được chẩn đoán ra sao?
Đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám các triệu chứng. Trong đó, tiền căn về phẫu thuật cần gây mê được quan tâm trước tiên.
Các xét nghiệm về máu cho thấy tăng số lượng bạch cầu, thể hiện sự nhiễm trùng.
Nếu đã nghĩ tới áp-xe phổi, mẫu đàm hoặc mủ sẽ được đem đi xét nghiệm.
Các công cụ chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng, thường là X quang và CT scan. Chúng giúp nhận diện vị trí nhiễm trùng ở phổi. Đồng thời giúp các bác sĩ loại trừ những nguyên nhân khác như ung thư hay khí phế thủng.
Một phương tiện hữu ích khác là nội soi phế quản. Tức là bác sĩ dùng một ống nhỏ có đèn và camera ở đầu. Nhờ đó một mẫu đàm hoặc mô phổi sẽ được lấy ra ngoài. Phương tiện này được sử dụng khi điều trị thuốc kháng sinh không khỏi, nghi ngờ đường thở bị bít tắc hay hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nhìn chung áp-xe phổi không lây. Bệnh gây ra chủ yếu bởi vi khuẩn hít phải từ miệng hay họng nên những người nguy cơ cao bị lây có thể phát triển thành bệnh. Trong khi đó những người bình thường có phản xạ ho và các cơ chế bảo vệ của đường hô hấp nên dễ dàng loại bỏ nguy cơ này.
Các phương pháp điều trị bệnh hiện nay
- Kháng sinh: là điều trị phổ biến nhất hiện này. Kháng sinh được đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch khoảng 3-8 tuần. Sau đó có thể thay thế bằng thuốc uống. Điều trị được kéo dài tới khi các triệu chứng thuyên giảm và chụp X quang kiểm tra không còn tổn thương.
- Kháng nấm, kháng lao: trong số ít trường hợp hơn nếu xét nghiệm nghi ngờ những tác nhân này.
- Dẫn lưu: khi khối áp-xe có đường kính lớn hơn 6 cm. Bằng sự trợ giúp của CT scan bác sĩ sẽ đặt một ống dẫn vào phổi để dẫn lưu dịch ra ngoài.
- Phẫu thuật: ngày càng hiếm được sử dụng. Khi đó, ở những trường hợp rất nặng, một phần hay toàn bộ phổi sẽ được cắt bỏ. Ngoài ra dị vật ở đường thở cũng là một chỉ định của phẫu thuật để lấy ra.
Phòng ngừa áp-xe phổi như thế nào?
- Giữ vệ sinh răng miệng, đặc biệt lưu ý viêm nha chu, cần khám răng miệng định kỳ.
- Điều trị triệt để những bệnh nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt ở mũi-họng.
- Không lạm dụng rượu.
- Với những người nguy cơ cao hít phải chất tiết hay thức ăn từ miệng-họng nên để đầu giường cao hơn 30°.
- Khi có những triệu chứng nghi ngờ liên quan tới áp-xe phổi, đặc biệt ở những người nguy cơ cao, cần tới các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm.
Ngày nay tỉ lệ áp-xe phổi về căn bản đang giảm dần. Tiên lượng của bệnh cũng khá tốt. Trong đó 90% người bệnh được chữa khỏi chỉ bằng kháng sinh và không còn để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Tiên lượng sẽ xấu hơn ở những người nguy cơ cao. Đăc biệt là suy giảm miễn dịch, ung thư phế quản gây tắc nghẽn hay nhiễm trùng mắc phải trong thời gian nằm viện. Thậm chí một số báo cáo cho thấy tỉ lệ tử vong lên tới 2/3 ở những trường hợp như vậy. Do đó việc phòng ngừa bệnh rất quan trọng. Khi nghi ngờ bệnh cần tới gặp bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is a Lung Abscess?https://www.webmd.com/lung/lung-abscess-overview
Ngày tham khảo: 17/02/2020
-
Lung abscesshttps://www.healthline.com/health/lung-abscess
Ngày tham khảo: 17/02/2020