Sự thật về bấm huyệt chữa bệnh tai biến
Nội dung bài viết
Tai biến là tình trạng y tế nguy hiểm để lại nhiều di chứng hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học mà nhiều phương pháp tây y lẫn đông y, có khả năng làm phục hồi nhanh chóng tổn thương do bệnh lý này gây ra. Trong đó, bấm huyệt là liệu pháp không dùng thuốc được ghi nhận mang đến nhiều kết quả tích cực. Sau đây, mời các bạn tham khảo qua bài viết của Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai; để tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp bấm huyệt chữa bệnh tai biến này nhé!
Tổng quan về bệnh tai biến và các di chứng
Tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương do lượng máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến não bị gián đoạn đột ngột. Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Có thể gồm một hoặc nhiều triệu chứng như hôn mê, liệt vận động, rối loạn cảm giác, nói khó, rối loạn tiểu tiện, méo miệng, chóng mặt, đau đầu… Tùy theo giai đoạn bệnh mà hướng xử trí sẽ linh hoạt thay đổi.
Ở giai đoạn cấp, đặc biệt là “thời gian vàng”, 3 – 4 giờ đầu tiên, bệnh thuộc cấp cứu nội khoa. Điều này có nghĩa là cần ưu tiên dùng phương tiện y học hiện đại để xử trí kịp thời; giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương và biến chứng tiềm ẩn.1
Ở giai đoạn sau, với nhiều trường hợp, bệnh sẽ để lại di chứng kéo dài, ảnh hưởng cuộc sống. Thông thường, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân phải kiên trì theo hai mục tiêu chính là phục hồi vận động, tâm thần; và kiểm soát nguyên nhân cũng như bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu…Thực tế, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận khi phối hợp điều trị giữa tây y và đông y, đặc biệt là phương pháp bấm huyệt chữa bệnh tai biến.1
Mối liên hệ giữa huyết áp và bấm huyệt
Huyết áp là áp lực tác động lên thành động mạch, đưa máu từ tim đến mô và cơ quan. Còn bấm huyệt là thao tác kích hoạt các điểm cụ thể trên cơ thể gọi là huyệt đạo. Phương pháp này giúp tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận lợi ích của bấm huyệt đối với huyết áp của con người. Chúng giúp điều hòa tuần hoàn lưu thông, thư giãn thần kinh, ổn định chỉ số huyết áp, nhịp tim… Nhờ đó mà các triệu chứng khó chịu khi huyết áp rối loạn được cải thiện.
Bấm huyệt chữa bệnh tai biến có thật sự hiệu quả?
Từ xa xưa, phục hồi chức năng sau tai biến bằng liệu pháp Y học cổ truyền đã nhận được nhiều sự công nhận và ứng dụng rộng rãi. Trong đó, bấm huyệt chữa bệnh tai biến mang đến những ưu điểm sau:
- Điều hòa huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu lưu thông, ổn định nhịp tim,…
- Thư giãn thần kinh, cải thiện giấc ngủ, trí nhớ và tinh thần,…
- Kích thích gân cơ, nuôi dưỡng tế bào và cơ quan, giảm đau xương khớp,…
- Phòng ngừa tái phát, nâng cao sức đề kháng,…
- Bổ khí huyết, dưỡng âm, cân bằng rối loạn chức năng tạng phủ đặc biệt là Can, Thận…
- Thông kinh lạc, tăng cường vận hành khí huyết, khử ứ trệ…
Cách bấm huyệt điều trị bệnh tai biến
Chỉ định, chống chỉ định
Chỉ định
Bấm huyệt thường được cân nhắc áp dụng trên các bệnh nhân có các triệu chứng, di chứng tai biến mạch máu não, với tình trạng tri giác tỉnh táo, sinh hiệu ổn định.2
Chống chỉ định
Người bệnh tri giác không tỉnh táo, hôn mê, chỉ số sinh hiệu chưa ổn định, bệnh ngoại khoa… cần phải cấp cứu bằng phương pháp y học hiện đại.2
Những vùng da lở loét, không lành lặn do tỳ đè, bệnh da liễu, viêm nhiễm…2
Quy trình điều trị bấm huyệt chữa bệnh tai biến
Thầy thuốc thường ưu tiên lựa chọn huyệt trên đường kinh Dương minh (Đại trường, Vị) của bên liệt. Bởi theo tài liệu, Dương minh là nơi hội tụ và chứa đựng dồi dào nguồn khí huyết, cân mạch. Điều này sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi rối loạn chức năng sau tai biến nhanh chóng hơn.1
Ngoài ra, phác đồ điều trị sẽ phối hợp thêm với các huyệt đạo ở xa khác theo đường tuần hoàn kinh mạch, huyệt đặc hiệu cho triệu chứng… với cường độ và phương pháp kích thích phù hợp tình trạng từng đối tượng. Bên cạnh đó, phương pháp cải tiến hơn như chọn huyệt theo nguyên ủy – bám tận của cơ yếu cũng dần ghi nhận kết quả khả quan.
Mỗi ngày nên tiến hành xoa bóp bấm huyệt trong khoảng 30 phút, kéo dài 15 – 30 ngày/liệu trình, nên xen kẽ vị trí huyệt linh hoạt. Sau đó, thầy thuốc sẽ đánh giá lại toàn trạng người bệnh và chỉ định thêm các đợt tiếp theo.2
Các huyệt đạo thường sử dụng
Phục hồi chức năng của chi sau tai biến
Chi trên: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc, Bát tà,…
Chi dưới: Lương khâu, Huyết hải, Túc tam lý, Phong long, Giải khê, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Bát phong… Xen kẽ với các huyệt như Hoàn khiêu, Ân môn, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn, Phong thị, Côn lôn,…
Các vấn đề khác
Bổ thận, bổ âm: Thái khê, Thận du, Quan nguyên, Khí hải, Tam âm giao,…
Nói khó: Á môn, Liêm tuyền, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch…
Mặt bên liệt: Nghinh hương, Nhân trung, Quyền liêu, Hạ quan, Địa thương, Giáp xa, Thừa tương,…
Rối loạn tiểu tiện: Trung cực, Khí hải, Quan nguyên,…2 3
Vị trí một số huyệt đạo thường dùng
Kiên ngung: Khi dang cánh tay, huyệt nằm tại hõm phía trước ngoài khớp mỏm cùng – xương đòn.
Tý nhu: Trên đường thẳng nối huyệt Kiên ngung – Khúc trì, huyệt nằm ở đầu dưới cơ delta cánh tay.
Khúc trì: Xác định bằng cách gấp cẳng tay, huyệt nằm ở cuối nếp gấp ngoài của khuỷu tay.
Thủ tam lý: Trên đường nối huyệt Khúc trì – Dương khê, từ Khúc trì đo xuống 2 thốn.
Hợp cốc: Khi khép 2 ngón cái và trỏ lại, huyệt nằm tại nơi nhô lên cao nhất.
Lương khâu: Từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo thẳng lên 2 thốn rồi ra ngoài 1 thốn.
Huyết hải: Từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên 1 thốn rồi vào trong 2 thốn.
Dương lăng tuyền: Huyệt nằm ở hõm trước và dưới đầu trên xương mác.
Túc tam lý: Nằm tại lõm dưới ngoài xương bánh chè đo xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.
Giải khê: Chỗ lõm giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và cơ duỗi dài ngón chân cái, trên nếp gấp trước khớp cổ chân.
Bát tà: Gồm 8 huyệt đạo ở giữa khe ngón tay, tiếp giáp vùng da gan và mu bàn tay.
Bát phong: Gồm 8 huyệt đạo ở giữa khe ngón chân, tiếp giáp vùng da gan và mu bàn chân.
Trong đó, 01 thốn được quy ước bằng độ dài của đốt giữa ngón tay thứ 3.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa bệnh tai biến
Khả năng phục hồi khi bấm huyệt điều trị tai biến phụ thuộc nhiều vào mức độ, tình trạng bệnh lý và sự kiên trì của người bệnh. Cần cố gắng động viên, an ủi đối tượng và thân nhân nên tin tưởng, thường xuyên áp dụng các phương pháp phục hồi, từng bước chắc chắn, để đạt kết quả khả quan.
Thủ thuật cần được thực hiện với áp lực vừa phải, điều chỉnh tùy theo tình trạng. Tốt nhất là nên thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Mặt khác, nếu muốn tiến hành tại nhà cần phải có hướng dẫn kỹ càng của thầy thuốc để xác định đúng huyệt đạo và lực tác động, phòng tránh những rủi ro.
Xu hướng điều trị hiện này là đông – tây y kết hợp. Vì vậy, bên cạnh xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh tai biến, người bệnh cần tích cực trị liệu càng sớm càng tốt theo chỉ định của y bác sĩ. Một vài liệu pháp có ích lợi với bệnh lý này như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thuốc, châm cứu, dưỡng sinh…
Bên cạnh đó, dinh dưỡng cần được đảm bảo phù hợp với trạng thái hiện tại và bệnh nền kèm theo. Kiểm soát bệnh lý nền ổn định là một trong các chìa khóa ngăn ngừa, điều trị và tránh tái phát bệnh mạch máu não.
Những phương pháp đông y khác hỗ trợ bệnh nhân tai biến
Xoa bóp
Thông thường, trước khi bấm huyệt người bệnh sẽ được thực hiện thủ thuật xoa bóp, trọng tâm bên liệt. Sau đó, lần lượt tiến hành các động tác xoa, xát, miết, day, bóp, lăn,… tại từng bộ phận rồi day, ấn huyệt đạo tương ứng… Cách thức này sẽ tăng cường hiệu quả điều trị và khả năng phục hồi của đối tượng hơn.
Châm cứu
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp châm cứu phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não. Liệu pháp này kích thích huyệt đạo bằng cách dùng kim châm, vì vậy không nên tự ý thực hiện. Thầy thuốc có thể lựa chọn một trong các hình thức như: thể châm, điện châm, đầu châm, nhĩ châm,…
Ngoài ra, y học cổ truyền còn nhiều cách trị liệu khác có thể tham khảo như cấy chỉ, dưỡng sinh, dược liệu… đều có nhiều ưu điểm và lợi ích trong phục hồi tai biến.
Xem thêm: Người bị tai biến có nên châm cứu hay không?
Quả thực, nền y học phát triển tiến bộ đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh lý mạch máu não. Trong đó, xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh tai biến đóng vai trò như một trị liệu bổ sung an toàn và hiệu quả trong phục hồi chức năng sau tai biến. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã có thêm nhiều thông tin về liệu pháp này. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh theo phương pháp Y học cổ truyền, các bạn hãy đến các cơ sở uy tín để được điều trị đúng cách nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
PGS.TS Nguyễn Thị Bay (2007). Bệnh học và điều trị nội khoa kết hợp Đông-Tây y, NXB Y học, Hà Nội.
Ngày tham khảo: 20/11/2021
-
Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền
Ngày tham khảo: 20/11/2021
-
Trường đại học Y Hà Nội (2004). Xoa bóp bấm huyệt, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Ngày tham khảo: 20/11/2021