Bấm huyệt chữa bí tiểu và những điều bạn chưa biết
Nội dung bài viết
Bí tiểu là rối loạn tiểu tiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây khó chịu với người bệnh. Ngày nay, việc điều trị triệu chứng này trở nên dễ dàng hơn với sự kết hợp giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền. Trong đó, bấm huyệt được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực và dễ thực hiện. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu cách thức bấm huyệt chữa bí tiểu đơn giản mà vẫn mang đến nhiều lợi ích.
Bí tiểu dưới góc nhìn Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo tài liệu Đông y, bí tiểu cơ năng thường được mô tả trong chứng “long bế” hay “lung bế”. Trong đó:1
- Long (lung): Nghĩa là tiểu dắt, khó khăn, nước tiểu nhỏ giọt, ít, ngắn…
- Bế: Là có cảm giác mắc đi tiểu nhưng không ra được, thường là thể cấp.
Bên cạnh đó, bệnh cảnh còn có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu như người mệt mỏi, đau lưng, bụng dưới căng tức, đau rát niệu đạo…
Nguyên nhân
Dựa vào tình trạng người bệnh mà Đông y chia bí tiểu thành 2 nhóm thường gặp:1
- Thực chứng gồm tổn thương mới và triệu chứng rầm rộ. Nguyên nhân thường do ẩm thực không hợp lý hay ngoại tà xâm phạm mà sinh thấp nhiệt (viêm, nhiễm…), ứ huyết (sỏi, chấn thương…). Tất cả những điều này đều làm trở ngại sự vận hành của khí cơ bàng quang.
- Hư chứng gồm những tổn thương lâu ngày và triệu chứng kéo dài. Thường do rối loạn chức năng của Thận khí, không ôn ấm, khí hóa được bàng quang dẫn đến rối loạn tiểu tiện. Ngoài ra, Thận âm hư sinh nội nhiệt, thiêu đốt dịch nên phần nước ở bàng quang giảm sút.
Bên cạnh đó, Đông y còn ghi nhận một số nguyên do khác như phế nhiệt, can khí uất trệ, sau mổ, sau sinh… Làm ảnh hưởng đến công năng điều hòa thủy đạo, khí uất trệ, lưu thông kém…
Bấm huyệt chữa bí tiểu có hiệu quả?
Từ xa xưa, bấm huyệt chữa bí tiểu mang đến nhiều ưu điểm và hiệu quả.2 Bởi chúng đáp ứng được các nguyên tắc điều trị của chứng bệnh này như:
- Điều tiết, cân bằng sự vận hành ở vùng hạ tiêu, đặc biệt là bàng quang.
- Lợi tiểu, hỗ trợ cơ vùng bàng quang co thắt thuận lợi hơn, giảm sự căng cứng…
- Trừ thấp nhiệt, thông suốt thủy đạo, điều hòa khí cơ, hành khí hoạt huyết…
- Tăng cường chức năng tạng phủ, nhất là tạng Thận và Bàng quang, ích khí, tán kết…
Những lợi ích trên cho thấy, bấm huyệt nên được ưu tiên trong điều trị rối loạn tiểu tiện.
Xem thêm: Dứa dại: Vị thuốc dân gian trị bí tiểu, sỏi thận
Cách bấm huyệt chữa bí tiểu
Chỉ định, chống chỉ định
Phương pháp phù hợp với hầu hết đối tượng rối loạn tiểu tiện do cơ năng ở mọi lứa tuổi.3
Ngược lại, một số trường hợp không nên áp dụng liệu pháp này như:
- Các trường hợp bí tiểu do nguyên nhân cấp tính, đột ngột, đe dọa tính mạn, cần phải giải phóng nước tiểu trong bàng quang ngay.3
- Có các vết thương lở loét, vùng da không lành lặn ở vị trị bấm huyệt.3
- Tình trạng người bệnh không tỉnh táo, mệt mỏi, đang say xỉn, quá đói bụng…
- Phụ nữ có thai muốn bấm huyệt chữa bí tiểu tại vùng lưng và bụng cần phải tham khảo ý kiến của người có chuyên môn kỹ càng.
Quy trình bấm huyệt điều trị bí tiểu
Lần lượt tiến hành các động tác bấm huyệt tại các vị trí:3
- Trung quản: Nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng lên 4 thốn.
- Hạ quản: Nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng lên 2 thốn.
- Thiên khu (Thiên xu): Từ vị trí rốn đo sang ngang 2 bên, mỗi bên 2 thốn.
- Đại hoành: Giao điểm của đường thẳng ngang qua rốn và đường thẳng dọc qua vú 2 bên.
- Khí hải: Nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 1,5 thốn.
- Quan nguyên: Nằm trên đường giữa bụng, từ rốn đo thẳng xuống 3 thốn.
- Trung cực: Trên đường giữa bụng, từ rốn đo xuống 4 thốn, hoặc từ bờ trên xương mu đo lên 1 thốn.
- Khúc cốt: Nằm ngay chính giữa bờ trên xương mu, hoặc xác định dưới huyệt Trung cực 1 thốn.
- Quy lai: Từ dưới rốn 4 thốn (huyệt Trung cực), rồi đo ngang ra 2 bên, mỗi bên 2 thốn.
Ngoài ra, thầy thuốc còn có thể gia thêm các huyệt đạo như:
- Day huyệt: Đản trung, Túc tam lý, Dương lăng tuyền…
- Bổ Thận, tăng khí hóa, điều tiết bàng quang: Thái khê, Thận du, Mệnh môn, Bàng quang du, Ủy dương…
- Trừ thấp nhiệt: Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Trung cực…
Một số thể bệnh thường gặp
Thể phế nhiệt: Rối loạn đi tiểu kèm họng khô, phiền khát, rêu lưỡi vàng mỏng… Bấm huyệt Khúc cốt, Trung cực, Quy lai, Hợp cốc, Phế du, Khúc trì, Đản trung…
Thể khí trệ huyết ứ: Sau phẫu thuật hoặc sau khi tình chí uất giận thì đột ngột tiểu tiện khó khăn, đau bụng, đầy trướng, dễ buồn phiền, cáu giận,… Bấm huyệt Khúc cốt, Trật biên, Trung cực, Côn lôn, Bàng quang du…
Thể thận hư: Người bệnh thường lớn tuổi, triệu chứng lâu ngày, tiểu ít, khó khăn, kèm đau mỏi lưng gối, tóc bạc,… Bấm huyệt Trung cực, Khúc cốt, Quan nguyên, Dương lăng tuyền, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao…1
Liệu trình bấm huyệt chữa bí tiểu thường dao động khoảng 15 – 20 ngày, tùy trường hợp. Thực hiện từng vị trí huyệt 2 – 5 phút, sao cho vùng da ấm lên, rồi đổi sang nơi khác. Tổng thời gian mỗi lần khoảng 30 phút, nên kết hợp thêm với xoa bóp để có hiệu quả cao.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa bí tiểu
Quan trọng là phải xem xét kỹ càng chỉ định và chống chỉ định của bấm huyệt chữa bí tiểu. Hơn nữa, trị liệu này hầu như chỉ hỗ trợ đối với các trường hợp rối loạn tiểu tiện. Đối với tình trạng nhẹ có thể được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu người bệnh không cải thiện mà tình trạng ngày càng nặng thì nên suy xét kết hợp phương pháp điều trị khác như thuốc, đặt sonde tiểu, phẫu thuật…
Nếu là nguyên nhân cụ thể như viêm nhiễm, sỏi tiết niệu… bệnh nhân cần được điều trị nguyên nhân tích cực bởi các liệu pháp như thuốc kháng sinh, giảm kích thước sỏi…
Bên cạnh thực hiện bấm huyệt điều trị, người bệnh cần có thói quen và chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý; như uống đủ nước, tránh rượu bia, thư giãn, vận động phù hợp…
Khi thực hiện thao tác phải dựa vào đáp ứng của đối tượng. Không nên quá thô bạo hay quá nhẹ nhàng, xác định sai huyệt… Điều này vừa không mang đến lợi ích mà còn gây ra các rủi ro không mong muốn.2
Những phương pháp đông y khác điều trị bí tiểu
Xoa bóp
Nhiều kết quả tuyệt vời được chứng minh khi kết hợp giữa thủ thuật xoa bóp và bấm huyệt chữa bí tiểu. Đầu tiên, để toàn thân người bệnh thư giãn, rồi xoa ấm lòng bàn tay bằng tinh dầu. Lần lượt tiến hành thao tác xoa, xát, miết, day, bóp,… vùng bụng rồi miết dọc đường giữa bụng đến bờ trên xương mu 10 – 20 lần. Liệu trình xoa bóp khoảng 30 phút/lần/ngày, kéo dài 20 ngày, tùy mức độ đáp ứng.4
Châm cứu
Châm cứu là một trong trị liệu đông y được cân nhắc khi người bệnh có rối loạn tiểu tiện. Mỗi ngày nên châm cứu 30 phút/lần với phương huyệt tương tự như khi bấm huyệt. Lưu ý nên kích thích vừa phải, vê kim liên tục để tăng lưu thông khí huyết, kích thích khí cơ vùng bàng quang, lợi niệu…
Xem thêm: Châm cứu chữa bí tiểu và những thông tin bạn cần biết
Dược liệu
Từ lâu đời, xung quanh ta có rất nhiều vị thuốc thảo dược gần gũi có tác dụng thông tiểu, trừ thấp nhiệt, giảm sỏi… Có thể kể đến như:
Có thể thấy, những đóng góp của nền Y học cổ truyền trong việc điều trị tình trạng rối loạn tiểu tiện là rất to lớn. Trong đó, bấm huyệt chữa bí tiểu ngày càng nhận được nhiều sự tin tưởng và vận dụng nhiều hơn. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về phương pháp này. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh theo phương pháp đông y, bạn hãy lựa chọn những cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả điều trị nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền tập 2. NXB Y học, Hà Nội.
- Trường Đại học Y Hà Nội (2004). Xoa bóp bấm huyệt, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền.
-
Xoa bóp, bấp huyệt chữa bí tiểu sau sinhhttps://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-bap-huyet-chua-bi-tieu-sau-sinh-169181556.htm
Ngày tham khảo: 01/11/2021