YouMed

Bạn đã biết cách bấm huyệt chữa huyết áp thấp?

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Trong thực tế, huyết áp là một trong các dấu hiệu sinh tồn nhằm theo dõi sức khỏe con người. Do đó, các tình trạng rối loạn huyết áp, đặc biệt là tụt huyết áp sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu, thậm chí là các biến chứng nguy hiểm. Qua nhiều nghiên cứu, y học đã ghi nhận các kết quả tích cực về việc điều trị bệnh nhân có huyết áp thấp bằng phương pháp bấm huyệt. Vậy cách bấm huyệt chữa huyết áp thấp như thế nào là hiệu quả? Mời các bạn cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp này qua bài viết dưới đây nhé!

Triệu chứng huyết áp thấp

Huyết áp là áp lực mạch máu, tạo ra từ lực co bóp cơ tim và sức cản động mạch. Điều này giúp máu được lưu thông và nuôi dưỡng khắp các cơ quan trong cơ thể. Khi người bệnh có huyết áp thấp sẽ khiến lượng máu và oxy đến các mô, tế bào bị giảm. Đồng thời, chúng gây ra dấu hiệu khó chịu như chóng mặt, mờ mắt, buồn nôn, choáng, giảm tập trung…

Người bệnh được xác định là huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg, hiệu số huyết áp thường dưới 20 mmHg.1

Huyết áp thấp có thể chỉ đơn giản là do sự thay đổi tư thế đột ngột hoặc tác dụng phụ của thuốc hạ áp. Ngoài ra, đây còn là dấu hiệu của một số bệnh lý như sốc, xuất huyết tiêu hóa cấp, suy tim, nhồi máu cơ tim, thiếu dinh dưỡng mạn, mất nước nghiêm trọng…

Huyết áp thấp thường gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh
Huyết áp thấp thường gây ra các triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Những triệu chứng huyết áp thấp mà bạn có thể nhận biết như sau:1 2

  • Chóng mặt.
  • Cảm giác lâng lâng xuất hiện.
  • Mắt mờ, không nhìn rõ mọi thứ xung quanh.
  • Cảm thấy mệt mỏi, cơ thể trở nên yếu hơn.
  • Buồn nôn.
  • Ớn lạnh.
  • Đột ngột ngất xỉu.
  • Da nhợt nhạt.
  • Choáng váng khi đột ngột đứng lên/ngồi xuống.

Lý do nên dùng phương pháp bấm huyệt để hạ huyết áp

Bấm huyệt có tên tiếng anh là Acupressure. Đây là động tác sử dụng lực của đôi bàn tay. Lực ấy có thể xuất phát từ ngón tay, lòng bàn tay, mô bàn tay,… Thông qua những phần đó, thao tác bấm huyệt sẽ tác động lên huyệt đạo trên đường kinh lạc. Từ đó giúp cân bằng âm dương, khí huyết lưu thông. Đồng thời kích thích cơ thể khỏe mạnh thông qua cơ chế tự chữa lành.

Bấm huyệt có thể điều trị hạ huyết áp được không?

Tình trạng huyết áp thấp theo Y học cổ truyền là do tình trạng khí huyết lưu thông kém. Cơ thể hư nhược lâu ngày nên sẽ xuất hiện những triệu chứng như: Hoa mắt, chóng mặt, tay chân lạnh, da niêm nhợt,… Chính vì thế, nếu một số huyệt được kích thích đúng thì khí huyết sẽ được tăng cường lưu thông. Nhờ vậy giúp các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp sẽ được cải thiện.3

Theo nhiều tài liệu, bấm huyệt chữa huyết áp thấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho bệnh nhân. Cụ thể, với việc dùng lực ở ngón tay thực hiện các thủ thuật day, ấn, bấm tại các huyệt đạo giúp:

  • Lưu thông tuần hoàn máu.
  • Ổn định huyết áp.
  • Điều hòa các cơ quan.
  • Được đánh giá có cách thực hiện không quá phức tạp.
  • Vị trí thực hiện cũng không quá cầu kỳ: tại bệnh viện, phòng khám, tại nhà…
  • Phù hợp cho nhiều đối tượng khác nhau.
  • Không xâm lấn nên bảo đảm được độ an toàn cao.
  • Không tốn quá nhiều thời gian để đạt được hiệu quả, khi mỗi lần xoa bóp chỉ mất khoảng 20-30 phút.

Tuy nhiên, cần nắm rõ rằng, liệu pháp bấm huyệt này hầu như chỉ hỗ trợ triệu chứng ở người bệnh nhẹ, còn tỉnh táo; giúp họ dễ chịu trong khoảng thời gian tạm thời… Vì vậy, thầy thuốc cần theo dõi người bệnh chặt chẽ, đồng thời tìm nguyên nhân gây bệnh nếu có. Nếu tình trạng bệnh nhân không cải thiện nên phối hợp với các phương pháp khác như thuốc, truyền dịch… để tăng hiệu quả điều trị.

Các vị trí cần bấm huyệt chữa huyết áp thấp và hướng dẫn chi tiết cách thực hiện

Chỉ định liệu pháp bấm huyệt chữa tụt huyết áp

Người có huyết áp thấp được xác định khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg, hiệu số huyết áp thường dưới 20 mmHg.

Cách bấm huyệt chữa tụt huyết áp hiệu quả

Người bệnh nằm ngửa

Thực hiện: Sau khi xoa, xát toàn bộ vùng ngực và bụng, thầy thuốc dùng thủ thuật ấn vào các huyệt Nội quan, Đản trung, Túc tam lý, Khí hải, Tam âm giao…3

Người bệnh nằm sấp

Thực hiện: Sau khi xoa, xát vùng gáy và thắt lưng của người bệnh, thầy thuốc dùng lực ngón tay ấn vào các huyệt đạo Tâm du, Thận du, Mệnh môn…4

Ngoài ra có thể bấm một số huyệt đạo khác như Bách hội, Thái dương, Phong trì, Dũng tuyền, Huyết hải… để giảm các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu…

Liệu trình bấm huyệt thường kéo dài 30 phút/lần/ngày, trong vòng 10 – 15 ngày. Tiếp đó, tùy sự phục hồi và diễn tiến bệnh, ta có thể tiến hành 2 – 3 liệu trình liên tục.4

Vị trí một số huyệt thường dùng

Nội quan

Vị trí: Từ giữa nếp gấp mặt trong cổ tay (Đại lăng) đo lên 2 thốn, giữa gân cơ gan bàn tay lớn và gan bàn tay.

Thực hiện:

  • Tư thế thả lỏng người, dùng ngón trỏ hoặc cái của tay bấm, ấn, day tròn vào vị trí huyệt Nội quan (bên đối diện),  cho đến khi có cảm giác tức nặng hoặc trong vòng khoảng 10 giây.
  • Sau đó, đổi sang huyệt Nội quan ở tay còn lại;
  • Có thể lặp lại 3-5 lần nếu thấy triệu chứng chưa cải thiện rõ rệt.

Đản trung

Vị trí: Thuộc điểm giao của đường thẳng chính giữa ngực với khoang liên sườn 4 – 5.

Hình ảnh vị trí huyệt Đản trung
Hình ảnh vị trí huyệt Đản trung

Thực hiện:

  • Tư thế thả lỏng người, sử dụng 2 ngón tay ấn, day tròn tại ví trí huyệt Đản trung, cho đến khi cảm nhận được sự ấm nóng lên.
  • Mỗi lần thực hiện kéo dài khoảng 5-10 giây;
  • Có thể lặp lại 3-5 lần nếu thấy triệu chứng chưa cải thiện rõ rệt.

Túc tam lý

Vị trí: Chỗ lõm dưới ngoài xương đầu gối đo thẳng xuống 3 thốn, cách mào chày 1 thốn.

Thực hiện:

  • Tư thế thả lỏng người, dùng ngón trỏ hoặc cái của tay bấm, ấn, day tròn vào vị trí huyệt Túc tam lý,  cho đến khi có cảm giác ấm nóng hay tức nặng.
  • Sau khoảng 10 giây có thể đổi sang huyệt Túc tam lý ở chân còn lại;
  • Có thể lặp lại 3-5 lần nếu thấy triệu chứng chưa cải thiện rõ rệt.

Khí hải

Vị trí: Đo thẳng xuống dưới 1,5 thốn từ lỗ rốn, huyệt nằm trên đường thẳng giữa bụng.

Thực hiện: tương tự như huyệt Đản trung.

Vị trí huyệt Khí hải
Vị trí huyệt Khí hải

Tam âm giao

Vị trí: Đo lên 3 thốn tính từ đỉnh của mắt cá trong 2 bên, huyệt nằm ở bờ sau trong xương chày.

Thực hiện: tương tự như huyệt Túc tam lý;

Hình vị trí huyệt Túc tam lý và Tam âm giao
Hình vị trí huyệt Túc tam lý và Tam âm giao

Tâm du

Vị trí: Đo ra 2 bên, từ giữa đốt sống lưng D5 – D6, mỗi bên 1,5 thốn.

Thực hiện:

  • Tư thế thả lỏng người, dùng ngón trỏ hoặc cái của tay bấm, ấn, day tròn vào vị trí huyệt Tâm du,  cho đến khi có cảm giác ấm nóng hay tức nặng vùng thắt lưng thực hiện thao tác.
  • Có thể lặp lại 3-5 lần nếu thấy triệu chứng chưa cải thiện rõ rệt.

Thận du

Vị trí: Đo ra 2 bên, từ giữa đốt sống lưng L2 – L3, mỗi bên 1,5 thốn.

Thực hiện: tương tự huyệt Tâm du.

Mệnh môn

Vị trí: Trung điểm của Thận du 2 bên, giữa đốt sống lưng L2 – L3.

Hình ảnh vị trí huyệt Mệnh môn
Hình ảnh vị trí huyệt Mệnh môn

Thực hiện:

  • Thả lỏng cơ thể, sử dụng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn trực tiếp lên vị trí huyệt Mệnh Môn với lực vừa phải.
  • Thực hiện cho đến khi có cảm giác ấm nóng hay tức nặng vùng thắt lưng thực hiện thao tác.
  • Có thể lặp lại 3-5 lần nếu thấy triệu chứng chưa cải thiện rõ rệt.

“Với 01 thốn được quy ước bằng chiều dài của đốt giữa ngón tay thứ 3, khoảng 2,11 cm (theo trung bình người Việt Nam).”

Lưu ý khi bấm huyệt chữa tụt huyết áp

Có thể tự bấm huyệt tại nhà không?

Từ lâu, dân gian đã áp dụng thủ thuật bấm huyệt chữa huyết áp thấp để điều trị tại nhà. Bởi liệu pháp này khá đơn giản, tương đối an toàn, cũng như ít rủi ro khi thực hiện…Tuy nhiên, ta chỉ nên bấm vài huyệt cơ bản tại nhà với tình trạng tụt huyết áp nhẹ. Tốt nhất là nên có sự hướng dẫn kỹ càng từ người có chuyên môn để tránh các tình huống sai huyệt; hay dùng lực mạnh làm tổn thương cơ thể… Đặc biệt, nếu tình trạng nặng hoặc không cải thiện, hãy đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Kiêng cử khi bấm huyệt

Các đối tượng sau không nên thực hiện bấm huyệt chữa huyết áp thấp:

  • Người bệnh đang có bệnh lý cần cấp cứu ngay như ngoại khoa, chấn thương, xuất huyết, sốt cao…
  • Nếu các vùng da thực hiện thủ thuật đang có bệnh da liễu, sang thương, lở loét… không nên bấm huyệt.
  • Phụ nữ có thai khi bấm huyệt chữa tụt huyết áp cần phải thận trọng.
  • Bên cạnh đó, không nên dùng lực quá mạnh ở các vị trí huyệt nhạy cảm bởi sẽ dễ gây bầm tím, đỏ da, xuất huyết dưới da,…

Mức độ đáp ứng của từng người sau khi thực hiện liệu pháp này có thể không giống nhau. Khi bấm huyệt chữa huyết áp thấp tại nhà, bạn cũng cần lưu ý những bệnh lý chống chỉ định, mức độ hiệu quả của phương pháp này,… Ở bài viết Những lưu ý khi bấm huyệt chữa hạ huyết áp tại nhà, Bác sĩ đã có những thông tin về vấn đề này để bạn có thể theo dõi và an tâm thực hiện.

Những phương pháp đông y khác trị tụt huyết áp

Châm cứu

Ngoài bấm huyệt chữa huyết áp thấp, châm cứu cũng là phương pháp Y học cổ truyền được đánh giá là có tác dụng tương tự.

Theo Bộ Y tế, thời gian mỗi liệu trình châm cứu khoảng 20 – 30 phút. Trong đó phác đồ huyệt gồm:

  • Châm cứu các huyệt Phong trì, Bách hội, Thái dương, Đản trung, Thần khuyết, Khí hải, Quan nguyên, Trung cực, Tam âm giao, Dũng tuyền, Túc tam lý, Huyết hải…3
  • Nhĩ châm: Châm tả Tuyến nội tiết và châm bổ vùng Giao cảm, Nội quan, Tâm, Thần môn.3
Châm cứu là một phương pháp đông y có thể hỗ trợ chữa trị huyết áp thấp
Châm cứu là một phương pháp đông y có thể hỗ trợ chữa trị huyết áp thấp

Dược liệu

Trong tự nhiên có nhiều dược liệu giúp ổn định huyết áp, đặc biệt là tình trạng huyết áp thấp. Trong số các vị thuốc đó, nổi bật và quen thuộc chính là gừng, thường dùng dưới dạng trà. Ngoài ra, dân gian còn đem gừng pha với nước ấm, rồi thêm chút mật ong. Đây là vị thuốc đa năng với nhiều tác dụng như ôn trung tán hàn, hỗ trợ tiêu hóa, hô hấp, điều hòa huyết áp…

Ngoài ra, tùy trường hợp mà thầy thuốc đông y còn dùng thêm bài thuốc bổ khí huyết, tạng phủ…Điều này nâng cao thể trạng, cải thiện triệu chứng của người bệnh như:

  • “Kỷ cúc địa hoàng hoàn” công dụng bổ Can Thận âm.
  • “Quy tỳ thang” công dụng dưỡng Tâm, kiện Tỳ, ích khí, bổ huyết.1
  • “Phù chính tăng áp thang” công dụng bổ khí thăng dương, hỗ trợ tình trạng huyết áp thấp.

Xem thêm: Người bị huyết áp thấp nên ăn gì: liệu bạn đã biết?

Dinh dưỡng và chế độ tập luyện

Một chế độ sinh hoạt khoa học và ăn uống điều độ có thể vừa phòng ngừa vừa điều trị hiệu quả huyết áp thấp.

Đầu tiên, thực phẩm có ảnh hưởng lớn đến huyết áp chính là muối. Lượng muối theo khuyến cáo WHO mỗi người nên sử dụng không quá 5g/ngày. Dù dùng quá nhiều muối từ thực phẩm, thức uống… cũng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch; nhưng chúng ta cũng không nên vì thế mà cắt giảm hoàn toàn lượng muối nạp vào.

Bên cạnh đó, uống đủ nước hàng ngày cũng rất quan trọng để cải thiện huyết áp thấp.

Hơn nữa, các bài tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, yoga… giúp hỗ trợ lưu thông khí huyết, cải thiện sức bền, ổn định tinh thần… Lưu ý, trong lúc vận động, ta nên thay đổi các tư thế từ từ, không nên quá đột ngột. Điều này, giúp tránh các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ngất… do huyết áp thấp bơm máu không kịp lên não bộ.

Tập luyện dưỡng sinh nhẹ nhàng giúp ổn định tinh thần cải thiện huyết áp thấp
Tập luyện dưỡng sinh nhẹ nhàng giúp ổn định tinh thần cải thiện huyết áp thấp

Có thể nói rằng, bấm huyệt chữa huyết áp thấp ngày càng được ứng dụng rộng rãi ngày nay. Thế nhưng, cần phải hiểu rõ rằng phương pháp này hầu như chỉ hỗ trợ tạm thời với triệu chứng nhẹ, tạo sự dễ chịu cho người bệnh. Chính vì vậy, với các đối tượng đang bị tình trạng huyết áp thấp cần được thăm khám và theo dõi kỹ lưỡng từ y bác sĩ có chuyên môn để đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích về phương pháp này. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Understanding Low Blood Pressure -- Symptomshttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-symptoms

    Ngày tham khảo: 26/10/2022

  2. Low blood pressure (hypotension)https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-pressure-hypotension/

    Ngày tham khảo: 26/10/2022

  3. Bấm huyệt chữa huyết áp thấphttps://khoahocdoisong.vn/bam-huyet-chua-huyet-ap-thap-143100.html

    Ngày tham khảo: 28/09/2021

  4. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền

    Ngày tham khảo: 28/09/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người