Bạn biết gì về căn bệnh Basedow?
Nội dung bài viết
Bệnh Basedow là bệnh lý liên quan đến hội chứng cường giáp. Bệnh có nhiều tên gọi khác như bệnh Grave, bệnh Parry, bệnh cường giáp tự miễn… Nữ giới thường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. Độ tuổi 20 – 40 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hiện nay vẫn chưa có lời giải thích hợp lý cho nguyên nhân của bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể lý giải là do cơ thể sản sinh ra kháng thể tự chống lại tế bào giáp. Cùng YouMed tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh Basedow thông qua bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành nhé.
Bệnh Basedow là bệnh gì?
Đây là căn bệnh xuất hiện do tuyến giáp phát triển quá mức, kết hợp với phì đại bướu giáp lan toả. Khi cơ thể có những biến đổi bất thường làm rối loạn nội tiết tố, hormone giáp tiết ra quá nhiều gây ra bệnh này.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn xuất hiện ở độ tuổi 20 – 40. Nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so với nam giới. Hiện nay, bệnh được xếp vào nhóm bệnh tự miễn.
Nguyên nhân gây ra bệnh Basedow
Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bệnh Basedow bắt nguồn là căn bệnh tự miễn. Cơ thể người tự tiết ra kháng thể chống lại chính nó. Cụ thể, trong bệnh Basedow, các kháng thể này tấn công và phá hủy tế bào tuyến giáp. Một số nguyên nhân được liệt kê như sau:
- Yếu tố di truyền: Họ hàng của người mắc bệnh có nguy cơ và trong máu của họ tồn tại kháng thể kháng tế bào tuyến giáp.
- Yếu tố giới tính: Nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh Basedow cao hơn nam giới.
- Độ tuổi: Thống kê cho thấy những người mắc bệnh thường nằm trong độ tuổi 20 – 40.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác gây khởi phát đáp ứng miễn dịch của bệnh Basedow là:
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là thời kỳ sau khi sinh.
- Điều trị bằng thuốc lithium vì thuốc này làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
- Ngừng điều trị corticoid.
- Nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
- Do căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Triệu chứng của bệnh Basedow
Triệu chứng cơ năng của bệnh Basedow bao gồm:
- Người bệnh vẫn ăn uống bình thường tuy nhiên lại sút cân nhanh chóng. Một vài trường hợp tăng cân do ăn quá nhiều.
- Tính tình thất thường: Thường có cảm giác lo âu, dễ xúc động, cáu gắt, khó tập trung, mệt mỏi, rất khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
- Thân nhiệt tăng: Cơ thể luôn cảm thấy nóng bừng, ra nhiều mồ hôi ở vùng ngực và bàn tay.
- Tim: Đánh trống ngực, cảm giác nghẹt thở, đau nhói tim, hay lo âu hồi hộp.
- Tiêu hoá: Đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Ngoài ra, theo vị trí ảnh hưởng, triệu chứng bệnh Basedow còn được chia thành 2 nhóm lớn.
1. Biểu hiện tại tuyến giáp
Bướu giáp
Bướu giáp lớn, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng. Nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận. Một vài bệnh nhân có thể không có bướu giáp lớn. Vùng cổ đỏ, nóng, tăng tiết mồ hôi.
Hội chứng nhiễm độc giáp
Trên tim mạch: Nhịp tim nhanh, khó thở, loạn nhịp ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Các mạch máu đập mạnh, có thể sờ hoặc nhìn thấy các mạch máu lớn ở tay, bụng, đùi đập rất mạnh, phù phổi, gan to.
Trên thần kinh – cơ: Chân tay người mắc bệnh thường bị run rẩy; yếu cơ, mệt mỏi, đi lại khó khăn, nhất là khi lên cầu thang hoặc mỗi lần đứng lên ngồi xuống.
2. Biểu hiện ngoài tuyến giáp
- Tổn thương mắt: Lồi mắt, tổn thương kết mạc, loét giác mạc, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, luôn cảm giác có vật cản trong mắt, thị lực suy giảm trầm trọng…
- Phù niêm mạc: Vị trí tổn thương thường ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối, có tính chất đối xứng. Vùng thương tổn dày, da hồng, bóng, lỗ chân lông nổi lên, mọc thưa, bài tiết nhiều mồ hôi.
- To các đầu chi: Đầu các ngón tay và ngón chân biến dạng thành hình dùi trống. Ngoài ra, có dấu hiệu tiêu móng tay, móng tay ngắn lại, giường móng tay dài ra.
Điều trị bệnh Basedow
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh Basedow. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, kinh nghiệm của bác sĩ và mức độ tuân thủ của bệnh nhân mà sẽ có các phương án điều trị khác nhau được cân nhắc phù hợp.
- Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Đây là phương án bảo tồn, tương đối tốn kém và đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối của bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân đều đáp ứng với phương án dùng thuốc. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc thì bệnh rất dễ tái lại.
- Điều trị bằng iod phóng xạ: Dùng iod 131 tập trung tại tuyến giáp để phá hủy nhu mô tuyến giáp tại chỗ. Đây là phương pháp điều trị được chọn lựa do hiệu quả cao, kinh tế và không có phản ứng phụ nghiêm trọng.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp gần toàn phần: Phẫu thuật được tiến hành trong các trường hợp: bệnh tái phát sau nhiều lần điều trị, tuyến giáp quá lớn hoặc cường giáp ở phụ nữ có thai đáp ứng kém với điều trị bằng thuốc.
Bệnh Basedow là căn bệnh có triệu chứng phức tạp và ảnh hưởng lên nhiều cơ quan của cơ thể. Các phương án điều trị bệnh hiện nay bao gồm: dùng thuốc, điều trị iod phóng xạ và phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để có phương án điều trị phù hợp. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về căn bệnh này.