Những nguyên nhân hạ đường huyết: Chia sẻ từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Hạ đường huyết là vấn đề thường gặp không chỉ ở người mắc đái tháo đường mà còn là bất cứ ai. Tình trạng này là nỗi lo của y học do có thể đe dọa đến tính mạng. Vậy, đâu là nguyên nhân hạ đường huyết? Làm thế nào để xử trí kịp thời? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Hạ đường huyết là gì?
Đường huyết hay glucose đến từ thức ăn và là nguồn năng lượng cho cơ thể. Các thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai tây, bánh mì là những nguồn cung cấp glucose chủ yếu.
Sau khi ăn, glucose được hấp thu vào máu và đi đến các cơ quan khác. Insulin – một hormone tiết ra từ tuyến tụy giúp các tế bào chuyển hóa glucose thành năng lượng. Lượng glucose dư sẽ được dự trữ ở gan và cơ để giải phóng năng lượng khi cần.
Thông thường, nồng độ đường huyết sẽ thay đổi tùy theo thời điểm trong ngày. Tuy nhiên lượng glucose luôn được duy trì ở giới hạn cho phép. Khi lượng đường máu tụt xuống thấp (<70 mg/dL), cơ thể sẽ không thể thực hiện các chức năng và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Hạ đường huyết là tình trạng tương đối nguy hiểm, cần các biện pháp xử trí tức thời. Song để điều trị lâu dài, bạn cần xác định rõ những nguyên nhân hạ đường huyết.
Những biểu hiện lâm sàng
Các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra khá đột ngột, bao gồm:
- Da nhạt màu.
- Mắt mờ.
- Nhức đầu, chóng mặt.
- Tim đập nhanh.
- Cảm xúc thất thường.
- Dễ lo lắng, bồn chồn, bứt rứt.
- Mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng.
- Luôn cảm thấy đói bụng.
- Run rẩy, đổ nhiều mồ hôi.
- Khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu.
- Ngứa ngáy ở đầu ngón chân, ngón tay, má hoặc lưỡi.
- Khó tập trung.
- Mất ý thức, co giật hoặc hôn mê.
Nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm đường huyết. Ở vài trường hợp, người bệnh có thể bị hạ đường huyết đột ngột dù không có dấu hiệu cụ thể. Do đó, để phòng tránh biến chứng, hãy theo dõi đường huyết thường xuyên, đặc biệt là người mắc tiểu đường lâu năm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh nhân cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Có các dấu hiệu hạ đường huyết dù không mắc đái tháo đường.
- Chóng mặt hoặc ngất.
- Đã được điều trị nhưng tình trạng hạ đường huyết vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân hạ đường huyết
Do đái tháo đường
Nguyên nhân hạ đường huyết khá đa dạng, xảy ra chủ yếu do sử dụng thuốc điều trị tiểu đường. Khi dùng thuốc quá liều, đặc biệt là insulin hay sulfunylurea, insulin sẽ được tạo ra nhiều và gây tụt glucose máu. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng nồng độ đường huyết bị rối loạn:
- Bỏ bữa hoặc khoảng cách giữa các bữa ăn quá lâu.
- Không ăn đủ lượng tinh bột trong bữa ăn.
- Tập luyện quá mức.
- Uống đồ uống có cồn khi đang dùng thuốc trị tiểu đường, nhất là khi bỏ bữa để uống rượu.
Không do đái tháo đường
Hạ đường huyết vẫn xảy ra ở những trường hợp không mắc tiểu đường. Một số nguyên nhân bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc như quinine,…
- Mắc các bệnh nền như viêm gan hoặc rối loạn chức năng thận.
- Có khối u, kích thích tuyến tụy tiết nhiều insulin.
- Rối loạn nội tiết như thiếu hụt tuyến thượng thận.
Hạ đường huyết có nguy hiểm không?
Các nguyên nhân hạ đường huyết khá phổ biến và dễ xảy ra trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, hậu quả thì lại khá nghiêm trọng. Các biến chứng tình trạng này để lại bao gồm co giật, mất ý thức và đe dọa tính mạng người bệnh. Ngoài ra, đây cũng là yếu tố dẫn đến sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
Cách xử trí và phòng ngừa hạ đường huyết quá mức
Cách xử trí
Khi có những dấu hiệu hạ đường huyết, bạn nên thực hiện theo các bước sau:
- Bổ sung nước ngọt hoặc đồ ăn nhẹ – 1 ly nước ngọt có ga (loại không dành cho ăn kiêng) hoặc nước trái cây, 1 muỗng cà phê đường, 3 – 6 viên glucose.
- Đo đường huyết sau 10 – 15 phút – nếu đường huyết > 70 mg/dL thì qua bước tiếp theo. Nếu vẫn chưa đạt, lặp lại quy trình từ đầu.
- Cần ăn bữa chính có chứa tinh bột chuyển hóa chậm nếu tới giờ ăn. Hoặc bạn có thể thay bằng 1 lát bánh mì, vài cái bánh quy hoặc ly sữa bò.
Thông thường, bệnh nhân hạ đường huyết có thể tự xử trí được mà không cần sự can thiệp của nhân viên y tế. Song bạn nên thông báo với bác sĩ nếu bạn thường xuyên gặp phải các dấu hiệu bất thường.
Với các trường hợp nặng
Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc hôn mê, bác sĩ đưa ra lời khuyên như sau:
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm thẳng, không cho người bệnh ăn hoặc uống do rất dễ bị nghẹn.
- Gọi cấp cứu nếu không có sẵn bút tiêm glucagon, hoặc nếu bệnh nhân có uống rượu trước khi bị hạ đường huyết.
- Nếu có sẵn bút tiêm glucagon, người nhà cần tiêm cho bệnh nhân ngay lập tức.
- Nếu người bệnh dần tỉnh lại sau 10 phút và cảm thấy khỏe hơn, chuyển qua bước 5. Nếu tình trạng bệnh nhân không cải thiện, cần gọi cấp cứu.
- Khi bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể ăn uống bình thường, hãy cho họ thức ăn nhẹ có tinh bột.
Trong trường hợp có co giật
Người nhà cần tuân theo các bước sau:
- Đặt bệnh nhân nằm trên một vật mềm, cách xa khỏi những đồ vật nguy hiểm.
- Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 5 phút.
- Sau khi hết co giật, hãy cho họ ăn đồ ăn nhẹ có đường.
Cách phòng ngừa
Hạ đường huyết vẫn có thể xử trí được và ít khi để lại biến chứng. Song việc trang bị kiến thức để phòng bệnh vẫn là điều cần thiết. Dưới đây là một số lưu ý được bác sĩ khuyến khích áp dụng:
- Hiểu rõ các nguyên nhân hạ đường huyết để xây dựng lối sống phù hợp: không bỏ bữa, không ăn quá ít tinh bột, không tập thể dục quá mức.
- Tự đo đường huyết đều đặn, nhất là các trường hợp mắc đái tháo đường lâu năm.
- Luôn đem theo vài viên kẹo hoặc chai nước ngọt để đề phòng hạ đường huyết đột ngột.
- Không uống lượng lớn đồ uống có cồn, nếu có thì cần ăn đồ ăn nhẹ có đường ngay sau đó.
- Nên ăn nhẹ trước khi tập thể thao.
- Thông báo cho người nhà biết về tình trạng của mình để kịp thời xử lý.
Hạ đường huyết đột ngột là vấn đề khá phổ biến với người mắc đái tháo đường. Tình trạng này không quá nguy hiểm nhưng lại đòi hỏi người bệnh có kiến thức tốt về nguyên nhân hạ đường huyết cũng như cách xử trí phù hợp. Do đó, bạn nên chú ý theo dõi sức khỏe của mình, đo đường huyết đều đặn để kịp thời nhờ hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Low blood sugar (hypoglycaemia)https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-sugar-hypoglycaemia/
Ngày tham khảo: 17/08/2021
-
Hypoglycemia Symptomshttps://www.healthline.com/health/hypoglycemia#causes
Ngày tham khảo: 17/08/2021