YouMed

Bàn chân rớt: dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục

Bác sĩ NGUYỄN HUỲNH THANH THIÊN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên
Chuyên khoa: Cơ xương khớp

Bàn chân rớt là dấu hiệu của các tổn thương tiềm ẩn của thần kinh, cơ. Tình trạng này ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống con người. Ngoài việc gây khó khăn trong đi lại, bàn chân rớt còn làm người bệnh cảm thấy tự ti và gây ra nhiều tác hại không mong muốn. Hãy cùng nhau tìm hiểu để biết rõ hơn về dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm này nhé!

1. TỔNG QUÁT VỀ BÀN CHÂN RỚT

Bàn chân rớt (foot drop) là tình trạng yếu hoặc mất khả năng gập lưng bàn chân. Các cơ có tác dụng gập lưng bàn chân bao gồm cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi ngón chân cái dài. Nguyên nhân làm yếu nhóm cơ này là do tổn thương cơ và thần kinh chi phối cho chúng. Do nhiều tác động như chấn thương, tai biến phẫu thuật, đột quị, bệnh lý thần kinh cơ, ngộ độc thuốc hoặc tiểu đường. Gây khó khăn cho việc đi lại như ngón chân thường bị kéo lê trên đường khi bước đi. Do đó, người bệnh thường phải gấp gối và háng cao hơn bình thường khi đi lại.

Ngoài ra còn phải sử dụng một số loại nẹp nâng đỡ cổ chân để bước đi. Lâu dần, có sự mất cân bằng phần mềm do co rút của nhóm cơ cẳng chân sau. Từ đó, sẽ gây ra lỏng khớp cổ chân và biến dạng gập lòng bàn chân. Điều trị tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Tuy không khôi phục hoàn toàn dáng đi bình thường nhưng có thể giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn đáng kể.

Tổn thương thần kinh mác là bệnh lý thần kinh phổ biến nhất ở chi dưới. Trong đó bàn chân rớt là triệu chứng đáng chú ý nhất của tổn thương này. Đây cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis). Bàn chân rớt thường ảnh hưởng đến 1 bàn chân, nhưng cũng có thể cả 2 bàn chân. Tình trạng có thể xảy ra tạm thời hoặc vĩnh viễn, ở mọi lứa tuổi. Nam giới phổ biến hơn với tỷ lệ nam / nữ là 2.8 / 1.

2. NGUYÊN NHÂN

Bàn chân rớt là do yếu hoặc liệt các cơ gập lưng của bàn chân. Nguyên nhân bao gồm:

  • Chấn thương trực tiếp lên cơ:

Các chấn thương trực tiếp gây đụng giập hoặc rách các cơ gấp lưng bàn chân.

  • Tổn thương thần kinh: 

Nguyên nhân phổ biến nhất của bàn chân rớt là do chèn ép dây thần kinh mác. Dây thần kinh này có thể bị tổn thương trong phẫu thuật thay khớp háng hoặc thay khớp gối. Các u bướu vùng cột sống hay vùng đầu gối phát triển quá mức chèn ép lên dây thần kinh cũng có thể gây ra chứng bàn chân rớt. Bệnh tiểu đường hay ngộ độc thuốc dễ gây rối loạn thần kinh, cũng có liên quan đến bàn chân rớt.

  • Bệnh lý thần kinh cơ:

Loạn dưỡng cơ, một bệnh di truyền gây ra yếu cơ tiến triển, có thể gây ra bàn chân rớt. Ngoài ra, các bệnh như bại liệt hoặc bệnh Charcot – Marie – Tooth cũng là nguyên nhân.

  • Bệnh lý tủy não:

Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), đa xơ cứng hoặc đột quỵ có thể gây bàn chân rớt.

  • Hội chứng chèn ép khoang

Hội chứng chèn ép khoang cũng có thể gây bàn chân rớt. Đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa cần được phẫu thuật để cứu chi. Chèn ép khoang trước cẳng chân thường gặp nhất gây nên bàn chân rớt.

3. YẾU TỐ NGUY CƠ

Dây thần kinh mác chi phối cho các cơ gấp lưng bàn chân. Dây thần kinh này chạy gần bề mặt da ở chỏm xương mác. Các hoạt động chèn ép dây thần kinh này có thể làm tăng nguy cơ gây bàn chân rớt. Chẳng hạn như:

  • Bắt chéo chân: Những người có thói quen bắt chéo chân có thể gây chèn ép thần kinh mác ở chỏm xương mác.
  • Quỳ gối kéo dài: Các nghề nghiệp liên quan đến việc ngồi xổm hoặc quỳ kéo dài, chẳng hạn như hái dâu tây hoặc đặt gạch lát sàn có thể dẫn đến bàn chân rớt.
  • Bó bột: Việc bó bột cẳng bàn chân quá chặt có thể chèn ép lên thần kinh này.
bàn chân rớt
Nghề lát sàn nhà làm tăng nguy cơ bàn chân rớt

4. CHẨN ĐOÁN CÁC BỆNH LÝ GÂY NÊN BÀN CHÂN RỚT

Bàn chân rớt thường được chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ theo dõi việc đi bộ và kiểm tra sức cơ ở cẳng chân. Bác sĩ cũng sẽ khám cảm giác vùng da ở bàn chân để xác định thần kinh bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể hỗ trợ cho chấn đoán bao gồm:

4.1 Cận lâm sàng hình ảnh

  • X – quang: 

Nếu bàn chân rớt xảy ra sau chấn thương. X quang nhằm xác định các chấn thương ở xương chày, xương mác hoặc cổ chân. Ngoài ra X – quang còn giúp xác định các rối loạn chức năng giải phẫu như bệnh khớp Charcot.

  • Siêu âm: 

Siêu âm có thể kiểm tra các u nang chèn ép thần kinh. Nếu nghi ngờ có chảy máu sau mổ thay khớp háng, gối thì siêu âm sẽ hữu ích.

  • Chụp CT: 

Đánh giá tốt hơn hình ảnh của các khối u, với các hình ảnh mặt cắt ba chiều.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): 

MRI cho thấy hình ảnh với độ phân giải cao của các mô thần kinh và cấu trúc xung quanh. Giúp dễ dàng khảo sát các tổn thương thần kinh hơn các phương tiện hình ảnh khác. Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ (MRI) có hại cho cơ thể không?

4.2 Đo điện cơ (EMG)

EMG giúp đo hoạt động điện trong cơ và dây thần kinh. Từ đó, giúp chẩn đoán phân biệt các bệnh lý thần kinh cơ gây bàn chân rớt. Chẳng hạn như liệt cứng, loạn trưng lực cơ, bệnh lý thần kinh vận động, bệnh rễ thần kinh L5, liệt dây thần kinh ngồi, chèn ép thần kinh mác hay bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Điện cơ còn giúp xác định vị trí, ước tính mức độ tổn thương thần kinh và đưa ra tiên lượng. Nó cũng rất hữu ích để theo dõi phục hồi ở bệnh nhân bị tổn thương thần kinh cấp tính.

4.3 Xét nghiệm máu 

Cần xét nghiệm máu để tìm các nguyên nhân chuyển hóa như tiểu đường, lạm dụng rượu và độc chất. Các xét nghiệm sau đây có thể hữu ích:

  • Đường huyết
  • HbA1c
  • Tốc độ lắng máu (VS)
  • CRP
  • Điện di protein huyết thanh
  • BUN
  • Creatinine
  • Định lượng vitamin B12

5. ĐIỀU TRỊ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG BÀN CHÂN RỚT

Điều trị bàn chân rớt còn tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Nếu nguyên nhân được điều trị, chứng bàn chân rớt có thể cải thiện hoặc thậm chí biến mất. Nếu nguyên nhân không được điều trị, bàn chân rớt có thể tồn tại vĩnh viễn.

Các phương pháp điều trị bao gồm

5.1 Thuốc

Các bệnh nhân có chứng bàn chân rớt thường kèm theo các triệu chứng tê di cảm. Các thuốc điều trị tê dị cảm như amitriptyline, nortriptyline, duloxextine, pregabalin và gabapentin. Điều trị tại chỗ qua da bằng capsaicin hoặc diclofenac cũng có thể làm giảm triệu chứng.

Erythropoietin điều trị bệnh thiếu máu nhưng cũng có đặc tính bảo vệ thần kinh. Cơ chế tác dụng của thuốc là kháng viêm, chống nhiễm trùng và thúc đẩy sự sống của tế bào. Erythropoietin được tiêm ba liều 5000 đơn vị/kg sau tổn thương thần kinh. Nó có tác dụng phụ tối thiểu. Nghiên cứu cho thấy erythropoietin tăng khả năng phục hồi chức năng sau tổn thương dây thần kinh ngoại biên.

5.2 Nẹp chỉnh hình cẳng bàn chân

Giúp giữ bàn chân ở vị trí bình thường và cải thiện việc đi bộ.

Nẹp chỉnh hình cẳng bàn chân

5.3 Vật lý trị liệu

Bài tập tăng cường sức cơ cẳng chân giúp cải thiện dáng đi của bàn chân rớt.

Các bài tập kéo dãn, căng cơ là rất quan trọng để ngăn ngừa cứng khớp.

Các bài tập vật lý trị liệu có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh Bàn chân rớt

5.4 Kích thích điện thần kinh

Kích thích điện giúp cải thiện khả năng đi bộ. Nó có thể giúp đi bộ nhanh hơn, tự tin hơn mà không phải nổ lực quá nhiều

Hai miếng dán điện cực được đặt trên da. Một cực đặt ở cơ yếu và cực còn lại đặt gần dây thần kinh chi phối cho cơ đó. Thiết bị sẽ tạo ra các xung điện kích thích các dây thần kinh làm cho cơ co lại. Bộ kích thích được kích hoạt bởi một cảm biến trong giày. Nó hoạt động mỗi khi gót chân nhấc lên khỏi mặt đất khi đi bộ.

Hình mô tả kích thích điện thần kinh cơ

5.5 Phẫu thuật

Có nhiều phương pháp phẫu thuật tùy theo nguy nhân và mức độ nặng của bệnh

  • Chuyển thần kinh: Thường sử dụng chuyển thần kinh tự thân. Việc này nên được tiến hành trong vòng 72 giờ sau chấn thương.
  • Chuyển gân: Có thể thực hiện nếu không có sự phục hồi thần kinh sau 1 năm. Gân cơ chày sau có thể được sử dụng để tăng sức mạnh cho nhóm cơ khoang trước cẳng chân.
  • Phẫu thuật hàn khớp cổ chân. Tuy nhiên phương pháp này làm mất đi sự linh hoạt của cổ chân.
  • Phẫu thuật giải áp thần kinh:
    • Cắt bỏ khối thoát vị đĩa đệm để giải áp thần kinh thắt lưng cùng.
    • Giải áp thần kinh tọa trong tụ máu sau phẫu thuật thay khớp háng.
    • Giải áp thần kinh hông khoeo ngoài (thần kinh mác) bị chèn ép sau phẫu thuật thay khớp gối, hay các khối u đè vào vùng gối.

Sau phẫu thuật cần được tập vật lý trị liệu để cải thiện dáng đi và ngăn ngừa cứng khớp.

5.6 Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác

Điều trị tâm lý cho những bệnh nhân bị bàn chân rớt cũng rất quan trọng. 

Kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường.

Bổ sung vitamin B1, B6 hoặc B12 cũng có thể hữu ích.

Bàn chân rớt xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện dáng đi tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bàn chân rớt cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị sớm giúp cải thiện nhanh triệu chứng và ngăn các di chứng đáng tiếc xảy ra.

 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • James W Pritchett, MD (2020), “Foot Drop”, truy cập ngày 12-04-2020 tại website https://emedicine.medscape.com/article/1234607-treatment#showall
  • NHS (2019), “Foot Drop”, truy cập ngày 12-04-2020 tại website https://www.nhs.uk/conditions/foot-drop/
  • Mayo Clinic (2017), “Foot Drop”, truy cập ngày 12-04-2020 tại website https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/foot-drop/symptoms-causes/syc-20372628 https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/foot-drop/diagnosis-treatment/drc-20372633
  •  

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người