Dấu hiệu Barrett thực quản là gì? Tại sao lại mắc bệnh?
Nội dung bài viết
Barrett thực quản là tình trạng tế bào thực quản bị biến đổi thành tế bào giống như tế bào ruột non, thường được chẩn đoán ở bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) lâu năm. Liệu bệnh có thành ung thư? Cần làm gì để phòng ngừa Barrett thực quản cũng như trào ngược dạ dày – thực quản? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu về bệnh Barrett thực quản qua bài viết sau nhé.
Triệu chứng Barret thực quản
Sự thay đổi lớp tế bào niêm mạc thực quản thường không gây ra triệu chứng gì. Những khó chịu mà bệnh nhân gặp phải thường liên quan đến trào ngược dạ dày – thực quản. Những triệu chứng này là:
- Ợ hơi, ơ nóng thường xuyên.
- Khó nuốt khi ăn.
- Thỉnh thoảng bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, nhất là vùng giữa ngực sau xương ức.
Cần chú ý là có rất nhiều bệnh nhân bị Barrett thực quản mà không hề có triệu chứng gì.
Tại sao tôi lại mắc bệnh Barrett thực quản?
Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện vẫn chưa được hiểu rõ. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán sau thời gian dài bị trào ngược dạ dày – thực quản.
Đối với trào ngược dạ dày – thực quản, dịch acid từ dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản, phá hủy lớp tế nào niêm mạc ở đây. Thực quản phải tự thích nghi bằng cách biến đổi thành những tế bào Barrett.
Tuy vậy, nhiều bệnh nhân Barrett thực quản chưa từng có cảm giác ợ hơi hay trào ngược. Nguyên nhân mắc bệnh ở những bệnh nhân này vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ Barrett thực quản bao gồm:
- Ợ nóng lâu ngày hay trào ngược acid.
- Tuổi tác. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở người lớn tuổi.
- Nam giới thường bị nhiều hơn nữ giới.
- Người da trắng có nguy cơ cao hơn.
- Béo phì và thừa cân.
- Hút thuốc lá.
Bệnh có nguy hiểm không?
Những người mắc Barrett thực quản có nguy cơ bị ung thư thực quản cao hơn. Tỉ lệ này khá nhỏ, ngay cả với những người có tế bào tiền ung thư. Hầu hết những người Barrett thực quản được điều trị đúng thời điểm sẽ không diễn tiến thành ung thư.
Tuy vậy, ung thư thực quản thường khó phát hiện, nếu được chẩn đoán trễ thì tiên lượng không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, bệnh nhân cần phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên để được điều trị ngay khi có thể.
Khi nào tôi nên gặp bác sĩ?
Nếu bạn hay người thân có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến trào ngược hay ợ nóng hơn 5 năm, hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ mắc Barrett thực quản.
Hãy khám ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau ngực, triệu chứng có thể giống như cơn đau tim.
- Khó nuốt, nuốt đau, nuốt nghẹn.
- Nôn ra máu đỏ tươi hoặc máu nâu bầm như bã cà phê.
- Đi tiêu phân đen.
Để cuộc thăm khám thuận lợi và đỡ mất thời gian, hãy chuẩn bị những vấn đề thắc mắc về bệnh cũng như các triệu chứng bạn trải qua. Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi sau:
- Triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Mức độ nặng của triệu chứng?
- Triệu chứng diễn tiến thường xuyên hay từng lúc?
- Có thuốc hay cách nào làm giảm triệu chứng hay khiến chúng nặng lên không?
- Bạn có những triệu chứng của trào ngược dạ dày – thực quản không?
- Trước giờ bạn đã được nội soi thực quản – dạ dày chưa? Nếu có, đừng quên đem kết quả cũ theo.
- Bạn đã từng điều trị gì chưa?
- Bạn có sụt cân không? Nếu có, bạn sụt bao nhiêu cân trong bao lâu?
- Bạn có nuốt khó hay nuốt nghẹn không?
Phòng ngừa như thế nào?
Trào ngược dạ dày – thực quản không chỉ gây khó chịu đến bữa ăn mà còn gây nhiều biến chứng. Những biến chứng này bao gồm viêm hô hấp trên thường xuyên, Barrett thực quản, hẹp thực quản và ung thư thực quản. Do đó, tầm soát để điều trị Barrett thực quản chính là cách phòng ngừa ung thư thực quản.
Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát Barrett thực quản cho nam giới bị trào ngược dạ dày thực quản mà không đáp ứng với điều trị sau 1 tuần, hoặc có hơn 2 yếu tố nguy cơ sau đây:
- Trên 50 tuổi.
- Người da trắng.
- Có nhiều mỡ bụng.
- Hút thuốc lá gần đây hay trong quá khứ.
- Tiền căn gia đình có Barrett hay ung thư thực quản.
Mặc dù phụ nữ dường như ít có nguy cơ hơn, họ vẫn nên tầm soát nếu có triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản khó kiểm soát/kéo dài hay có những yếu tố nguy cơ như trên.
Thay đổi thói quen sinh hoạt có thể làm giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày – thực quản, từ đó giúp giảm nguy cơ Barrett thực quản. Hãy chú ý:
- Giữ cân nặng ở mức hợp lý.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Bữa ăn cuối nên cách giấc ngủ từ 2 đến 3 giờ.
- Hạn chế những thức ăn hay đồ uống làm bạn dễ bị trào ngược, như socola, cà phê, rượu bia và các đồ nhiều dầu mỡ.
- Ngừng hút thuốc lá.
- Kê gối cao khi ngủ để tránh trào ngược.
Barrett thực quảnlà bệnh thường gặp ở những người bị trào ngược dạ dày trong thời gian dài. Những kích thích này dẫn đến biến đổi các tế bào niêm mạc thực quản. Sau nhiều năm, có tỷ lệ nhỏ Barrett thực quản tiến triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản. Phát hiện và điều trị sớm trào ngược dạ dày thực quản góp phần làm giảm nguy cơ mắc Barrett thực quản. Do đó, đừng chủ quan với những triệu chứng ợ hơi ơ nóng tưởng chừng như vô hại nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Barrett’s Esophagus (Symtoms and Causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/barretts-esophagus/symptoms-causes/syc-20352841
Ngày tham khảo: 05/11/2019