BelafCap là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
BelafCap là thuốc gì? Có tác dụng như thế nào? Liều dùng ra sao? Có cần lưu ý gì khi sử dụng hay không? Hãy cùng Dược sĩ Trần Việt Linh tìm hiểu về thuốc Belaf trong bài viết ngày hôm nay nhé.
Hoạt chất: beta-caroten, selen, DL-alpha-tocopherol, acid ascorbic.
Belaf là thuốc gì?
Belaf, hay còn gọi là BelafCap được sản xuất bởi công ty Phil Inter Pharma, Mỹ. Thuốc có chứa các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tập cũng như phối hợp trong điều trị các bệnh khác nhau. Thuốc được sản xuất dưới dạng viên nang mềm, mỗi hộp Belaf có chứa 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên. Belaf là một thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Thành phần và công dụng của từng thành phần
Mỗi viên nang mềm Belaf có chứa:
- Hỗn dịch beta-caroten 30% (vitamin A): 50 mg – tương đương 15 mg beta-caroten. Beta caroten khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành vitamin A. Vitamin A được biết đến như nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho đôi mắt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tế bào cũng như duy trì hoạt động khỏe mạnh của các cơ quan trong cơ thể.1
- Men khô chứa selen: 33,3 mg – tương đương 50 microgam selen. Selen là một chất khoáng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Ngoài ra, selen còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào của có thể khỏi sự tấn công của các tác nhân bên ngoài.2
- DL-alpha-tocopherol (vitamin E): 400 IU. Vitamin E là một vitamin tan trong dầu, cần thiết cho sự hoạt động bình thường của nhiều cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra nó còn là tác nhân chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào không bị tổn thương.3
- Acid ascorbic (vitamin C): 500 mg. Đây là vitamin cần thiết cho sự phát triển và sửa chữa các tổn thương của tế bào. Vitamin C tham gia vào nhiều chức năng sống của cơ thể, bao gồm sự hình thành collagen, hấp thu sắt, tăng cường hệ miễn dịch,…4
- Tá dược vừa đủ 1 viên: D-sorbitol,dầu đậu nàng, dầu cọ, sáp ong trắng, lecithin, gelatin, glycerin đậm đặc, ethyl vanillin, methylparaben, propylparaben, titan dioxyd, màu xanh số 1, màu vàng số 4, màu đỏ số 40, oxyd sắt đỏ, nước tinh khiết.
Tác dụng và chỉ định của BelafCap
Belaf có chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau, được chỉ định trong:
- Cung cấp các chất chống oxy hóa, giúp chống lão hóa cho cơ thể.
- Tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống lại bệnh tật.
- Giúp phục hồi sức khỏe cho học sinh/sinh viên trong thời gian ôn thi, vận động viên, người hoạt động trí óc căng thẳng, bị stress hoặc mới ốm khỏi.
- Phòng ngừa và phối hợp trong điều trị các bệnh về mắt, thần kinh (suy giảm trí nhớ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson), các bệnh lý tim mạch, ung thư.
Cách dùng và liều dùng thuốc
Viên nang mềm Belaf được khuyến cáo sử dụng 1 lần mỗi ngày, sau khi ăn trong 4-6 tuần đối với người trưởng thành.
Tác dụng phụ của Belaf
Khi sử dụng Belaf, người dùng có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn của thuốc. Một số tác dụng phụ của thuốc có thể kể đến như: buồn nôn và nôn, tiêu chảy,… Nếu trong quá trình sử dụng, bệnh nhân gặp phải các phản ứng bất thường nghiêm trọng trên cơ thể, cần ngừng sử dụng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tương tác thuốc
Khi sử dụng thuốc Belaf chung với các thuốc khác có thể gây nên tình trạng tương tác thuốc, làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc.
- Thành phần vitamin E có trong thuốc có thể làm tăng sự hấp thu, sử dụng và dự trữ vitamin A trong cơ thể.
- Vitamin E khi sử dụng liều cao có thể gây cản trở tác dụng và khả năng hấp thu của vitamin K.
- Sử dụng đồng thời các thuốc chứa sắt có thể làm giảm tác dụng của vitamin E.
- Cholestyramin và paraffin lỏng làm giảm hấp thu của các vitamin tan trong dầu.
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ về các thuốc/dược liệu đang hoặc đã sử dụng trong thời gian gần đây nhằm tránh các tương tác thuốc không đáng có.
Đối tượng chống chỉ định dùng BelafCap
Không sử dụng Belaf cho người bị mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc hoặc người bị thừa vitamin A. Ngoài ra, liều cao vitamin C (quá 1 g/ngày) chống chỉ định sử dụng cho người bị thiếu hụt men G6PD, có tiền sử sỏi thận, tăng oxalat niệu và chuyển hóa oxalat hoặc người bị thalassemia.
Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có uống được Belaf?
Chỉ sử dụng thuốc Belaf cho phụ nữ có thai và mẹ cho con bú khi thật sự cần thiết và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Với phụ nữ có thai, cần thận trọng khi sử dụng Belaf chung với các sản phẩm khác để tránh trường hợp liều vitamin A vượt quá 8.000 IU/ngày (tương đương 4,41 mg beta-caroten). Ngoài ra, sử dụng liều cao vitamin C (3 g/ngày) lúc mang thai có thể dẫn đến nguy cơ bệnh Scorbut ở trẻ sơ sinh.
Đối tượng thận trọng khi dùng Belaf
Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Belaf cho các đối tượng sau:
- Người đang sử dụng thuốc khác có thành phần tương tự.
- Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai.
- Phụ nữ đang cho con bú
Xử lý khi quá liều thuốc
Việc sử dụng beta-caroten liều quá cao sẽ dần đến sự tích lũy chất ban đầu trong cơ thể. Các tác dụng không mong muốn do beta-caroten quá cao được gọi là “carotenemia”. Đây là tình trạng da chuyển màu hơi vàng do tích lũy caroten nhưng sẽ biến mất khi ngưng sử dụng thuốc.5
Selen sử dụng liều cao có thể gây rụng tóc, móng tay dày bất thường, viêm da, tiêu chảy, vị giác kim loại trong miệng,…2
Liều quá cao vitamin E (> 1200 IU/ngày) có thể gây các triệu chứng: tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa,…3
Ngoài ra, khi sử dụng quá liều vitamin C có thể gặp các triệu chứng: buồn nôn, viêm dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận,…4
Vì vậy, để tránh các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra, người dùng nên uống thuốc với liều đúng theo hướng dẫn, tránh việc sử dụng thuốc quá liều. Trong trường hợp gặp phải các triệu chứng quá liều thuốc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Trường hợp quên liều Belaf
Để thuốc có thể đạt được hiệu quả tối ưu, cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ, tránh uống bỏ liều.
Trong trường hợp quên liều, uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian nhớ ra việc quên uống thuốc gần với thời gian uống liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đúng theo thời gian đã định trước. Lưu ý không uống gấp đôi liều để bổ sung cho liều đã quên do có thể dẫn đến tình trạng quá liều.
Lưu ý gì khi sử dụng Belaf?
Khi sử dụng viên nang mềm Belaf, người dùng cần lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ liều dùng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không dùng quá 200 microgam selen/ngày do có thể bị ngộ độc thuốc.
- Dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể gây nhờn thuốc, dẫn đến thiếu vitamin C khi giảm liều.
- Đây là thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc có hạn sử dụng 36 tháng kể từ ngày sản xuất. Lưu ý không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.
Cách bảo quản
Bảo quản thuốc nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C.
BelafCap giá bao nhiêu?
Hiện giá bán của viên nang mềm Belaf trên thị trường 3.000 – 3.500 đồng/viên hoặc 299.000- 350.000 đồng/hộp x 10 vỉ. Lưu ý giá bán có thể thay đổi tùy theo số lượng, nơi bán và thời điểm mua. Người mua nên mua thuốc ở những địa chỉ uy tín để tránh mua nhầm hàng giả.
Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin về thuốc Belaf. Nếu còn thắc mắc gì khác, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn kỹ hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Health Benefits of Beta Carotenehttps://www.webmd.com/diet/health-benefits-beta-carotene
Ngày tham khảo: 09/07/2023
-
Seleniumhttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/supplement-guide-selenium
Ngày tham khảo: 09/07/2023
-
Vitamin E - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-954/vitamin-e
Ngày tham khảo: 09/07/2023
-
The Benefits of Vitamin Chttps://www.webmd.com/diet/features/the-benefits-of-vitamin-c
Ngày tham khảo: 09/07/2023
-
Carotenemiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534878/#:~:text=First%20described%20in%201919%20by,content%20is%20often%20the%20culprit.
Ngày tham khảo: 09/07/2023