Beta Carotene là gì? Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ
Nội dung bài viết
Beta carotene được biết đến là một chất tự nhiên mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời cho cơ thể. Vậy sử dụng các sản phẩm chứa beta carotene như thế nào là an toàn. Dược sĩ Phan Tiểu Long sẽ giải đáp cho bạn trong bài viết dưới đây.
Beta Carotene là gì?
Beta carotene là một hợp chất tạo màu vàng, cam và đỏ sống động cho rau củ. Cơ thể chuyển đổi chất này thành vitamin A (retinol). Vitamin A được biết đến như một chất dinh dưỡng quan trọng cho thị lực. Nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tế bào và duy trì các cơ quan khỏe mạnh như tim, phổi và thận.1
Tác dụng của Beta Carotene
Một số lợi ích sức khỏe của beta carotene bao gồm:1
Tăng cường sức khoẻ của mắt
Chế độ ăn giàu carotenoid, bao gồm cả beta carotene, giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt và ngăn ngừa các bệnh về mắt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lượng carotenoid trong máu cao có thể giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng lên đến 35%.

Cải thiện nhận thức
Các chất chống oxy hóa như beta carotene có thể cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung chất này trong thời gian dài có tác động tích cực đến chức năng nhận thức và trí nhớ.
Bảo vệ da
Các chất chống oxy hóa có thể giúp duy trì sức khỏe và vẻ ngoài của da. Đồng thời bảo vệ da chống lại bức xạ của tia cực tím từ mặt trời.
Ngăn ngừa ung thư
Chế độ ăn giàu beta carotene và các chất chống oxy hóa khác có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Gồm có ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tuyến tụy.
Khi nào nên sử dụng Beta Carotene?
Bổ sung vào chế độ ăn uống để tăng cường vitamin A khi chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng.2
Được sử dụng ở những bệnh nhân mắc bệnh erythropoietic protoporphyria (EPP) để làm giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng nhạy cảm với ánh sáng.3
Được sử dụng ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị thoái hoá điểm vàng do tuổi tác như một chất bổ sung trong các chế phẩm chống oxy hóa liều cao có chứa acid ascorbic, vitamin E và kẽm.3
Được sử dụng để kiểm soát các tình trạng nhạy cảm với ánh sáng do các bệnh khác EPP gây ra.3
Cách dùng và liều dùng
Để sử dụng như một chất bổ sung chế độ ăn uống:4
- Người lớn và thanh thiếu niên: 6 đến 15 mg (tương đương với 10.000 đến 25.000 đơn vị vitamin A hoạt động ) mỗi ngày.
- Trẻ em: 3 đến 6 mg (tương đương với 5.000 đến 10.000 đơn vị vitamin A hoạt động) mỗi ngày.
Liều điều trị bệnh erythropoietic protoporphyria:3
- Liều đường uống cho người lớn được khuyến cáo là 30 – 300 mg/ngày. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi là 30 – 150 mg/ngày.3
- Sử dụng liều duy nhất hoặc chia làm nhiều lần, tốt nhất là dùng trong bữa ăn.
- Có thể trộn bột thuốc trong viên nang với nước cà chua hoặc nước cam.
- Nên điều chỉnh liều dùng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và đáp ứng của bệnh nhân. Cần điều trị 2 đến 6 tuần để tích lũy đủ beta carotene trong da và phát huy tác dụng bảo vệ.
- Có thể kết luận rằng beta carotene sẽ không có lợi cho bệnh nhân nếu liều 180 mg/ngày trong 3 tháng không mang lại đáp ứng lâm sàng.
- Nếu bệnh nhân có hiện tượng da đổi màu, bệnh nhân nên được hướng dẫn để tăng dần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đến khi thiết lập được giới hạn tiếp xúc của mình.
Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác: 15 mg kết hợp với acid ascorbic 500 mg, vitamin E 400 IU, kẽm (dưới dạng oxit kẽm) 80 mg và đồng (dưới dạng oxit đồng) 2 mg mỗi ngày.3
Đối tượng dùng Beta Carotene
Người bị thiếu vitamin A khi chế độ ăn uống không đủ chất.
Bệnh nhân mắc bệnh erythropoietic protoporphyria (EPP).
Bệnh nhân có nguy cơ cao bị thoái hoá điểm vàng do tuổi tác.
Bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng.
Đối tượng không sử dụng
Không dùng thuốc cho người bệnh có tiền sử quá mẫn.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng chất này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng sản phẩm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tác dụng phụ Beta Carotene
Việc sử dụng liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến hiện tượng da đổi màu vàng cam (carotenodermia). Hiện tượng này biết mất khi lượng beta carotene trong cơ thể giảm xuống hoặc ngừng sử dụng.3

Tương tác với thuốc khác
Một số tương tác có thể xảy ra:5
- Statin – hiệu quả của simvastatin và niacin (vitamin B3) có thể bị giảm nếu bệnh nhân đang dùng beta carotene với selen, vitamin E và vitamin C.
- Một số loại thuốc giảm cholesterol – cholestyramine và colestipol có thể làm giảm nồng độ beta carotene trong máu từ 30-40%.
- Orlistat – đây là một loại thuốc kiểm soát cân nặng. Nó có thể làm giảm hấp thụ beta carotene tới 30%. Từ đó, dẫn đến giảm nồng độ beta caroten trong máu. Nên uống cách xa ít nhất 2 giờ.
- Dầu khoáng – được sử dụng để điều trị táo bón có thể làm giảm nồng độ beta carotene trong máu.
Những lưu ý quan trọng
Cảnh báo
Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng lên sau khi bổ sung beta carotene ở những người trưởng thành hút thuốc và những người tiếp xúc với amiăng đã được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng.6
Có thể làm tăng nguy cơ tim mạch (ví dụ, bệnh mạch vành, tử vong do tim mạch). Đặc biệt là ở những người hút thuốc hiện nay.
Một số thực phẩm giàu beta carotene
Beta caroten thường có trong các loại rau có màu vàng, cam, đỏ rực rỡ và một số loại rau xanh. Ví dụ như cà rốt, khoai lang, bí đao, bí đỏ, cà chua, bông cải xanh, măng tây, cải thảo, bưởi, hẹ, hành, ớt, các loại bơ thực vật,…5
Một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng có thể cung cấp đầy đủ nhu cầu beta carotene của một người.

Bài viết đã nêu rõ các thông tin về beta carotene. Các thông tin bên trên chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Health Benefits of Beta Carotenehttps://www.webmd.com/diet/health-benefits-beta-carotene
Ngày tham khảo: 18/03/2022
-
Beta carotenhttps://go.drugbank.com/drugs/DB06755
Ngày tham khảo: 18/03/2022
-
Beta Carotenhttps://www.drugs.com/monograph/beta-carotene.html
Ngày tham khảo: 18/03/2022
-
Beta Carotene (Oral Route)https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/beta-carotene-oral-route/proper-use/drg-20066795
Ngày tham khảo: 18/03/2022
-
All you need to know about beta carotenehttps://www.medicalnewstoday.com/articles/252758
Ngày tham khảo: 18/03/2022
-
Dual Association of β-Carotene With Risk of Tobacco-Related Cancers in a Cohort of French Women https://academic.oup.com/jnci/article/97/18/1338/2521382
Ngày tham khảo: 18/03/2022