Vitamin E và tất cả những điều bạn cần phải biết!
Nội dung bài viết
Vitamin E là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe. Nó là chìa khóa để có hệ miễn dịch, làn da, đôi mắt khỏe mạnh. Trong những năm gần đây, bổ sung vitamin E đã trở nên phổ biến như chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, những rủi ro và lợi ích của việc bổ sung vẫn chưa rõ ràng. Do đó, hãy đọc ngay bài viết này từ Chuyên gia dinh dưỡng Đào Phương Anh để tìm hiểu tất tần tật về loại chất dinh dưỡng này bạn nhé!
Vitamin E là gì?
Vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong một số thực phẩm và các chất bổ sung. Nó là tên gọi chung của một nhóm các hợp chất hòa tan trong chất béo. Chúng có các hoạt động chống oxy hóa đặc biệt.
Vitamin E tự nhiên tồn tại ở 8 dạng hóa học: alpha-, beta-, gamma-, delta-tocopherol và alpha-, beta-, gamma-, delta-tocotrienol. Chúng có mức độ hoạt động sinh học khác nhau. Alpha-tocopherol là hình thức duy nhất được công nhận đáp ứng yêu cầu của con người.
Nồng độ alpha-tocopherol trong huyết thanh phụ thuộc vào gan. Chất này được chuyển thành chất dinh dưỡng sau khi được hấp thụ từ ruột non. Gan ưu tiên chỉ phục hồi alpha-tocopherol thông qua protein ở gan. Gan chuyển hóa và bài tiết các dạng khác. Kết quả, nồng độ trong máu và tế bào của các dạng khác thấp hơn.1
Vitamin E và các vấn đề sức khỏe
Nhiều tuyên bố đưa ra về tiềm năng vitamin E trong tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa, điều trị bệnh. Chúng hoạt động như một chất chống oxy hóa. Nó có vai trò trong các quá trình chống viêm, ức chế kết tập tiểu cầu và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay các bằng chứng nghiên cứu về vai trò của nó đối với một số bệnh lý vẫn chưa rõ ràng.
Bệnh tim, mạch vành1
Vitamin E có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tim mạch vành. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã phát hiện ra rằng: chất dinh dưỡng ức chế quá trình oxy hóa cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL). Đó được cho là một bước khởi đầu quan trọng cho điều trị xơ vữa động mạch. Vitamin E cũng có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông dẫn đến đau tim hoặc huyết khối tĩnh mạch.
Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đặt ra nghi ngờ về hiệu quả của việc bổ sung vitamin E để ngăn ngừa bệnh tim mạch vành. Các thử nghiệm HOPE và HOPE-QUA cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng: bổ sung vitamin E liều cao vừa phải không làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng ở nam và nữ > 50 tuổi mắc bệnh tim hoặc tiểu đường.
Nhìn chung, các thử nghiệm lâm sàng không cung cấp bằng chứng cho thấy việc sử dụng bổ sung vitamin E thường xuyên ngăn ngừa bệnh tim mạch hoặc làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong. Những người tham gia trong các nghiên cứu này phần lớn là trung niên, cao tuổi mắc bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim.
Ung thư1
Các chất chống oxy hóa bảo vệ các thành phần tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Nếu không được kiểm soát, các gốc tự do có thể góp phần vào sự phát triển ung thư. Vitamin E cũng có thể ngăn chặn sự hình thành các nitrosamine. Chúng hình thành ở dạ dày từ nitrit trong thực phẩm.
Ngoài ra, loại vitamin này còn giúp chống ung thư bằng cách tăng cường chức năng miễn dịch. Thật không may, các thử nghiệm và khảo sát ở người đã cố gắng liên kết nồng độ vitamin này với tỉ lệ mắc ung thư đã phát hiện ra rằng: vitamin E không có lợi trong hầu hết các trường hợp.
Cả hai thử nghiệm của HOPE và Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ, đã đánh giá: liệu bổ sung vitamin E có thể bảo vệ con người khỏi ung thư hay không? HOPE theo dõi nam và nữ ≥ 55 tuổi bị bệnh tim hoặc tiểu đường trong 7 năm. Không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về số ca ung thư mới hoặc tử vong do ung thư giữa các cá nhân được chỉ định ngẫu nhiên dùng 400 IU/ngày vitamin E hoặc giả dược.
Bằng chứng cho đến nay không đủ để hỗ trợ việc uống vitamin E ngăn ngừa ung thư. Trên thực tế, sử dụng hằng ngày các chất bổ sung vitamin E liều lớn (400 IU vitamin E tổng hợp) có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Rối loạn mắt1
Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD) và đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây giảm thị lực đáng kể ở người lớn tuổi. Nguyên nhân của chúng thường không được biết. Nhưng các tác động tích lũy của stress, oxy hóa đã được đặt ra. Nếu vậy, các chất chống oxy hóa có thể được sử dụng để ngăn ngừa những tình trạng này.
Tuy nhiên, các bằng chứng sẵn có không nhất quán về việc bổ sung vitamin E một mình hay kết hợp với các chất chống oxy hóa khác, có thể làm giảm nguy cơ phát triển AMD hoặc đục thủy tinh thể. Các công thức kết hợp vitamin này và các chất chống oxy hóa khác như: kẽm và đồng, được sử dụng hứa hẹn sẽ làm chậm sự tiến triển của AMD ở những người có nguy cơ cao.
Suy giảm nhận thức1
Não có tỉ lệ tiêu thụ oxy và axit béo không bão hòa dồi dào trong màng tế bào thần kinh cao. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng: nếu tổn thương do tích lũy gốc tự do đối với các tế bào thần kinh theo thời gian sẽ góp phần làm suy giảm nhận thức. Đồng thời, nó gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, như bệnh Alzheimer. Việc ăn hoặc bổ sung các chất chống oxy hóa có thể cung cấp sự bảo vệ. Tiêu thụ vitamin E từ thực phẩm hoặc chất bổ sung có liên quan đến việc giảm nhận thức ít hơn 3 năm.
Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng ở những phụ nữ lớn tuổi khỏe mạnh chủ yếu được chỉ định ngẫu nhiên sử dụng 600 IU (402 mg) d-alpha-tocopherol mỗi ngày hoặc giả dược trong ≤ 4 năm cho thấy: các chất bổ sung không mang lại lợi ích nhận thức rõ ràng.
Chúng ta cần bao nhiêu vitamin E?
Mức khuyến nghị cho vitamin E là:1
- Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: 4 mg;
- Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi: 5 mg;
- Từ 1 đến 3 tuổi, 4 đến 8 tuổi và 9 đến 13 tuổi: lần lượt là: 6 mg, 7 mg và 11 mg;
- Người trên 14 tuổi: 15 mg;
- Phụ nữ đang cho con bú: 19 mg.
Hầu hết mọi người có thể nhận đủ vitamin này từ chế độ ăn uống lành mạnh. Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc.
Nguồn bổ sung vitamin E
Thực phẩm
Nhiều loại thực phẩm cung cấp vitamin E. Các loại hạt và dầu thực vật là một trong những nguồn cung cấp tốt nhất. Ngoài ra, vitamin E cũng có sẵn trong các loại rau lá xanh và ngũ cốc. Hầu hết chúng trong chế độ ăn uống đều ở dạng gamma-tocopherol. Chúng chứa trong: đậu tương, cải dầu, ngô và các loại dầu thực vật.1
Viên bổ sung vitamin E
Các chất bổ sung vitamin E thường chỉ cung cấp alpha-tocopherol. Mặc dù các sản phẩm hỗn hợp trên có thể chứa các tocopherol khác và thậm chí là tocotrienols cũng có sẵn. Alpha-tocopherol xuất hiện tự nhiên tồn tại ở một dạng stereoisomeric.
Ngược lại, alpha-tocopherol được sản xuất tổng hợp có chứa một lượng bằng nhau của 8 đồng phân lập thể có thể có của nó. Huyết thanh và mô chỉ duy trì 4 trong số này. Do đó, alpha-tocopherol tổng hợp chỉ hoạt động bằng một nửa so với cùng một lượng tự nhiên.
Hầu hết các chất bổ sung chỉ cung cấp ≥ 67 mg vitamin E. Mức này cao hơn đáng kể so với mức liều khuyến cáo.
Alpha-tocopherol được bổ sung vào chế độ ăn uống và thực phẩm tăng cường thường được este hóa. Mục đích nhằm kéo dài thời hạn sử dụng, bảo vệ các đặc tính chống oxy hóa. Cơ thể thủy phân và hấp thụ các este này hiệu quả như alpha-tocopherol.1
Thiếu hụt vitamin E
Thiếu vitamin E rất hiếm. Các triệu chứng thiếu hụt quá mức ít tìm thấy ở những người khỏe mạnh có chế độ ăn uống ít vitamin E. Trẻ sinh non nhẹ cân (<1500 g) có thể bị thiếu vitamin E. Bổ sung vitamin E ở những trẻ này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số biến chứng. Chẳng hạn như ảnh hưởng đến võng mạc. Nhưng chúng cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.1
Vì đường tiêu hóa đòi hỏi chất béo để hấp thụ vitamin E, những người bị rối loạn hấp thu chất béo có nhiều khả năng bị thiếu hơn những người bình thường.
Các triệu chứng thiếu hụt bao gồm:1
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Bệnh cơ xương.
- Suy giảm đáp ứng miễn dịch.
- Bệnh võng mạc.
Ví dụ: những người mắc bệnh Crohn, xơ nang hoặc không có khả năng tiết mật từ gan vào đường tiêu hóa. Họ thường cần dạng vitamin E tan trong nước. Chẳng hạn như tocopheryl polyethylen glycol-1000 succinate.
Một số người mắc bệnh abephipoproteinemia, một rối loạn di truyền hiếm gặp dẫn đến việc hấp thụ chất béo trong chế độ ăn uống kém. Họ cần một lượng lớn vitamin E bổ sung (khoảng 100 mg/kg). Thiếu vitamin E thứ phát sau abephipoprotein huyết gây ra các vấn đề như: truyền xung thần kinh kém, yếu cơ và thoái hóa võng mạc dẫn đến mù lòa.1
Quá liều vitamin E
Khi dùng với liều thích hợp, việc sử dụng vitamin E qua đường uống thường được coi là an toàn. Liều dưới 1000 mg dường như an toàn cho hầu hết người lớn. Dù hiếm gặp nhưng sử dụng bằng đường uống có thể gây ra:2
- Buồn nôn.
- Bệnh tiêu chảy.
- Đau quặn ruột.
- Mệt mỏi.
- Yếu đuối.
- Đau đầu.
- Nhìn mờ.
- Phát ban.
- Rối loạn chức năng tuyến sinh dục.
- Tăng nồng độ creatine trong nước tiểu (creatin niệu).
Dùng vitamin E liều cao hơn có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Ngoài ra, có mối lo ngại rằng: những người có sức khỏe kém sử dụng vitamin E liều cao có nguy cơ tử vong cao.
Sử dụng vitamin E có thể tương tác với nhiều điều kiện. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng: sử dụng vitamin E bằng đường uống có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu khác cho thấy: sử dụng nó có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người có tiền sử bệnh tim. Chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ.2
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn ở trong những tình trạng sau:2
- Thiếu vitamin K;
- Viêm sắc tố võng mạc;
- Rối loạn chảy máu;
- Bệnh tiểu đường;
- Tiền sử đau tim hoặc đột quỵ trước đó;
- Ung thư đầu cổ;
- Bệnh gan.
Việc bổ sung có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu dự định phẫu thuật, hãy ngừng dùng vitamin E trước 2 tuần. Ngoài ra, hãy nói với bác sĩ về việc sử dụng vitamin E nếu bạn sắp có hoặc vừa làm thủ thuật nong mạch vành.2
Tương tác của vitamin E với thuốc
Vitamin E có khả năng tương tác với một số loại thuốc. Những người dùng các loại thuốc này thường xuyên nên thảo luận với bác sĩ trước:1
1. Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Vitamin E có thể ức chế kết tập tiểu cầu và đối kháng các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Do đó, dùng liều lớn với thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu, như warfarin (Coumadin), có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Đặc biệt là kết hợp với lượng vitamin K thấp. Lượng bổ sung cần thiết để tạo ra các tác dụng đáng kể về mặt lâm sàng chưa được biết, nhưng có thể vượt quá 400 IU/ngày.
2. Simvastatin và niacin
Một số người bổ sung vitamin E cùng với các chất chống oxy hóa khác chẳng hạn như vitamin C, selen và beta-carotene. Nhóm các thành phần chống oxy hóa này đã làm giảm mức tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), đặc biệt là mức HDL2. Đây là thành phần HDL tốt cho tim mạch nhất. Nhất là nếu được điều trị kết hợp với simvastatin và niacin.
3. Hóa trị và xạ trị
Các bác sĩ thường khuyên không nên sử dụng những chất bổ sung chống oxy hóa trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị. Chúng có thể làm giảm hiệu quả của các liệu pháp này bằng cách ức chế tổn thương oxy hóa tế bào ung thư.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để đánh giá rủi ro và lợi ích tiềm năng của việc bổ sung chất chống oxy hóa đồng thời với các liệu pháp thông thường cho bệnh ung thư.
Vitamin E là chất đóng vai trò quan trọng đối với nhiều vấn đề sức khỏe. Dù vậy, vai trò của nó vẫn còn đang được kiểm chứng thêm. Với hoạt động tương tự chất chống oxy hóa, nó hỗ trợ cho hệ miễn dịch, tim mạch, da… Việc bổ sung vitamin E cần có sự kiểm soát để tránh tình trạng quá liều.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vitamin Ehttps://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminE-HealthProfessional/
Ngày tham khảo: 19/04/2021
-
Vitamin Ehttps://www.mayoclinic.org/drugs-supplements-vitamin-e/art-20364144
Ngày tham khảo: 19/04/2021