YouMed

Bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không?

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Bệnh Basedow là một bệnh cường giáp tự miễn thường gặp trên thế giới nói chung. Dù vậy đa phần người dân Việt Nam vẫn cảm thấy lạ lẫm với căn bệnh này. Bản chất của nó là gì? Và bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không?  Cùng xem những thông tin cần thiết thông qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh Basedow là gì?

Bệnh Basedow là một trong nhiều các bệnh lý nội tiết liên quan đến tuyến giáp. Đặc trưng của bệnh bao gồm:

  • Tăng vượt mức chức năng tuyến giáp (cường giáp).
  • Liên quan đến sự rối loạn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.

Hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ mắc căn bệnh này tại Việt Nam. Tuy nhiên số người được phát hiện và chẩn đoán có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Một phần là do sự phát triển của công nghệ y khoa cho phép tìm ra ngày càng nhiều các dấu chứng sớm của bệnh.

Vì tính chất tự miễn (một rối loạn của hệ thống miễn dịch) mà hiện nay việc điều trị cho các bệnh nhân vẫn là quá trình dài hơi. Hiểu biết đúng và đủ về bệnh sẽ giúp bệnh nhân có được chất lượng cuộc sống tốt và ổn định. 

Bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đến những bức tranh chi tiết hơn thông qua các phần tiếp theo.

Dấu hiệu nhận biết bệnh Basedow

Bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không? Theo đó, nhận biết dấu hiệu bệnh basedow là cách kịp thời phát hiện bệnh để hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Tuyến giáp đảm nhiệm khá nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Vì vậy, khi cường chức năng tuyến giáp quá mức sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng đa dạng. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:

Bướu cổ: 

  • Hầu hết các trường hợp Basedow có tình trạng tăng kích thước tuyến giáp.
  • Bệnh nhân và người thân có thể nhận biết khối phòng (bướu) ở cổ sưng to tăng dần.
  • Thường đều 2 bên, mềm và không đau, không đỏ da.
Tuyến giáp phình to là triệu chứng thường gặp của bệnh Basedow
Tuyến giáp phình to là triệu chứng thường gặp của bệnh Basedow

Các triệu chứng liên quan đến hệ tim mạch như:

  • Tăng nhịp tim hay rối loạn nhịp tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Người bệnh có thể cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hụt hơi do tim không đều.

Các thay đổi tâm thần kinh:

  • Tính tình thất thường, dễ cáu gắt nóng nảy. Thường xuyên mất tập trung, khó ngủ, bứt rứt.
  • Giảm chức năng sinh dục: Rối loạn cương dương, rối loạn kinh nguyệt

Biểu hiện ở mắt:

  • Bệnh nhân cường giáp Basedow có thể bị lồi mắt, sợ ánh sáng, giảm thị lực…

Các triệu chứng tiêu hóa:

  • Thường xuyên có các đợt tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn…
  • Sụt cân nhanh chóng dù không áp dụng các chế độ ăn kiêng giảm cân.

Những bất thường khác:

  • Sợ nóng.
  • Tắm nhiều.
  • Khát nhiều.
  • Run tay.
  • Da ẩm và ấm.
  • Thường xuyên mất sức mệt mỏi…
Những dấu hiệu của bệnh bướu cổ Basedow cần chú ý
Những dấu hiệu của bệnh bướu cổ Basedow cần chú ý

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh Basedow

Yếu tố nguy cơ

Sau đây là một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Basedow thường gặp:

  • Tiền căn trong gia đình: Những người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột từng có chẩn đoán Basedow sẽ tăng nguy cơ mắc hơn người bình thường.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh Basedow hơn nam giới.
  • Tuổi tác: Căn bệnh này thường khởi phát ở những người trẻ dưới 40 tuổi.
  • Đã từng có các rối loạn tự miễn khác: Những người có các rối loạn khác của hệ thống miễn dịch. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường type 1 hoặc viêm khớp dạng thấp. Đây là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cường giáp Basedow.
  • Căng thẳng quá độ cả về cảm xúc hoặc thể chất: Sự căng thẳng kéo dài có khả năng gây khởi phát bệnh ở những người có sẵn các yếu tố nguy cơ. Căng thẳng lo âu có thể đến từ áp lực tinh thần hoặc các bệnh lý khác. Đặc biệt là người có các bệnh lý mạn tính.
  • Thai kỳ: Phụ nữ có thai hoặc mới sinh gần đây có thể tăng nguy cơ mắc căn bệnh này. Đặc biệt với thai phụ có sẵn tiền sử mắc trong gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác.
  • Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch. Làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ gia tăng ở cả người hút chủ động và bị động (hít phải khói thuốc).

Trên đây là những yếu tố nguy cơ quan trọng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân không phát hiện bất kì yếu tố nguy cơ nào trước đó.

Nguyên nhân gây bệnh Basedow

Nguyên nhân quan trọng nhất mà y học ghi nhận về Basedow là sự rối loạn của hệ thống miễn dịch. Hiện tại vẫn chưa có cách thức ngăn ngừa những biến đổi gây bệnh này. Y khoa hiện nay chỉ có thể nỗ lực giảm khả năng khởi phát bệnh trên những bệnh nhân có nguy cơ.

Vì vậy, đối với một số luồng ý kiến thì đáp án cho câu hỏi “Bệnh bướu cổ basedow có nguy hiểm không?” gần như chắc chắn có khi không thể phòng ngừa căn nguyên của bệnh. Tuy nhiên, những thông tin tiếp theo sẽ chỉ ra cho chúng ta những góc nhìn tích cực hơn.

Những tác hại của bệnh Basedow

Bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không? Câu trả lời còn phụ thuộc nhiều vào cách hiểu về sự “nguy hiểm”. Nếu như nguy hiểm nghĩa là ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thì câu trả lời là hoàn toàn có. Tuy nhiên nếu “nguy hiểm” nghĩa là không thể phục hồi sức khỏe của bệnh nhân thì đáp án là không. Trong phần này, chúng ra sẽ đi vào cụ thể những tác hại về mặt sức khỏe của bệnh cường giáp Basedow.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Basedow không được điều trị sẽ gây ra nhiều rối loạn nặng nề trên nhiều cơ quan:

  • Những cơn loạn nhịp cấp tính (tim không đều), suy giảm chức năng tim (suy tim).
  • Cơn bão giáp đe dọa tính mạng bệnh nhân trong thời gian ngắn. Đây là tình trạng rối loạn nặng nề cùng lúc trên nhiều chức năng khác nhau của hormone giáp. Người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, mê sảng, loạn nhịp tim, suy hô hấp…
  • Nguy cơ tàn phế:

Trong bệnh Basedow có tình trạng rối loạn chuyển hóa canxi. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của hệ cơ xương. Bệnh nhân có nguy cơ loãng xương, yếu cơ tăng dần. Các yếu tố loãng xương quan trọng khác là tuổi tác và mãn kinh. Phụ nữ cao tuổi mắc bệnh Basedow là đối tượng có nguy cơ loãng xương rất cao. Xương giòn, sức bền kém nên dễ gãy và tăng nguy cơ tàn phế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người bệnh.

Bệnh Basedow có nguy hiểm không? Bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
Bệnh Basedow có nguy hiểm không? Bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ loãng xương
  • Các biến chứng nặng của hệ thần kinh: Bệnh nhân Basedow có khả năng đối mặt với các rối loạn tâm thần trầm trọng như: Lo âu kéo dài, hoang tưởng,…

Những biến chứng trong quá trình điều trị

Đặc trưng của bệnh cường giáp Basedow là chức năng hormone giáp vượt quá mức cần thiết. Vì vậy điều trị chủ yếu là đi ngược lại tình trạng này. Việc làm này có khả năng gây thiếu hụt hormone giáp và suy giảm chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên đây là vấn đề có thể khắc phục được. Vậy nên tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là rất cần thiết với người bệnh Basedow.

Hầu hết các biến chứng này xảy ra trên các bệnh nhân phát hiện trễ, không điều trị hay tự ý bỏ trị. Y khoa hiện nay đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng với căn bệnh này. Bằng cách tuân thủ điều trị đúng và đủ, câu hỏi Bệnh bướu cổ Basedow có nguy hiểm không? hoàn toàn có thể có 1 đáp án tích cực hơn rất nhiều.

Các phương pháp điều trị bệnh

Sau đây là ba phương pháp điều trị bệnh Basedow phổ biến hiện nay:

Thuốc kháng giáp tổng hợp

Thuốc kháng giáp tổng hợp làm nhiệm vụ ngăn chặn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Từ đó giảm các rối loạn gây ra do thừa hormone. Hiện nay có hai nhóm thuốc chính được lựa chọn.

Tuy nhiên mỗi loại có những chống chỉ định khác nhau. Vì vậy việc kê toa phải được thực hiện bởi bác sĩ. Người bệnh cần khai rõ tình trạng sức khỏe, các bệnh đã và đang điều trị khác. 

Liệu pháp iod phóng xạ (RAI)

Phương pháp này có tác dụng hủy đi các tế bào tuyến giáp hoạt động vượt mức. Tuy nhiên liệu pháp phóng xạ không được chỉ định đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Các bệnh nhân cường giáp Basedow có biến chứng mắt cũng cần được đánh giá kỹ trước khi tiến hành RAI.

Điều trị bằng phẫu thuật tuyến giáp 

Cắt bỏ tuyến giáp gần như là phương án điều trị cuối cùng hiện nay. Chỉ định rất hạn chế, chỉ cân nhắc trên các nhóm đối tượng sau:

  • Không đáp ứng với những phương pháp khác dù bệnh nhân đã hợp tác điều trị.
  • Cơ địa bệnh nhân không thể dùng thuốc kháng giáp và liệu pháp iod phóng xạ.

Sau khi áp dụng biện pháp phẫu thuật, bệnh nhân phải bổ sung hormone giáp suốt đời và tái khám định kỳ đầy đủ.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn đọc về bệnh bướu cổ  Basedow có nguy hiểm không. Theo đó, y khoa hiện nay vẫn đang trên đà phát triển những hiểu biết mới, những phương pháp mới trong việc điều trị căn bệnh này. Người bệnh Basedow hoàn toàn có thể có một cuộc sống tốt nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị và tái khám đầy đủ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Graves' Diseasehttps://www.niddk.nih.gov/health-information/endocrine-diseases/graves-disease

    Ngày tham khảo: 05/06/2021

  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/graves-disease/symptoms-causes/syc-20356240

    Ngày tham khảo: 05/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người