Bệnh chốc lây và những điều bác sĩ muốn bạn biết
Nội dung bài viết
Chốc lây là một bệnh lý nhiễm khuẩn ở da thường gặp. Khi đó người bệnh bị nổi mụn nước, bóng nước trên da, sau đó vỡ ra và đóng vảy màu vàng mật ong. Như tên gọi của bệnh, chốc rất lây và có thể lan truyền từ người này sang người khác nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết rỉ ra từ các mụn nước hay bóng nước.
1. Bệnh chốc có lây lan qua đâu?
Bệnh chốc có khả năng lây lan cao trong gia đình, tập thể khi không có các biện pháp dự phòng mắc bệnh cho những người xung quanh. Chốc lây nhiễm từ người này sang người khác. Chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch rỉ từ mụn nước, bóng nước hay vết trợt da của người bệnh.
Cụ thể là:
Dùng chung đồ dùng cá nhân: Các dịch tiết từ mụn nước hay bóng nước có thể dính lại trên áo quần, khăn lau hay ra giường. Vì thế dùng chung các vật dụng này với người bệnh có thể bị lây lan bệnh do tiếp xúc với các dịch tiết.
Đối với trường hợp chốc đầu, lược là vật dụng trung gian truyền bệnh. Các răng lược dễ dàng dính các dịch tiết từ mụn nước của người bệnh, từ đó lây lan sang các thành viên khác trong gia đình.
Cào gãi: Mụn nước, mụn mủ hay bóng nước sau khi vỡ để lại vết trợt đóng vảy và ngứa. Người bệnh thường cào gãi và làm các dịch tiết lây lan sang các vùng khác của cơ thể.
2. Bệnh chốc có dễ chữa?
Bệnh chốc là một bệnh nhiễm khuẩn nông ở ngoài da lành tính và không nguy hiểm. Có thể điều trị khỏi bệnh một cách dễ dàng mà không để lại hậu quả nào sau đó. Điều quan trọng là cần lưu ý trong chăm sóc các mụn nước, bóng nước để không bị nhiễm trùng nặng thêm và không để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.
Nguyên tắc điều trị
- Kháng sinh là lựa chọn chính trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn.
- Chăm sóc các tổn thương tại chỗ.
- Có những biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh trong gia đình và tập thể.
Điều trị cụ thể
- Thuốc: Bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc uống kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn cho người bệnh. Các kháng sinh thường được lựa chọn là Amoxicillin, Cephalexin, Azithromycin…
- Chăm sóc da: Rửa sạch các mụn nước, bóng nước và nhẹ nhàng loại bỏ các vảy tiết trên da. Dùng các thuốc sát trùng Povidone iodine, hydrogen peroxide, chlorhexidine… để làm sạch các tổn thương trên da.
- Có thể bôi mỡ kháng sinh acid fusidic, mupirocin trực tiếp lên các tổn thương. Che chắn vùng da bị mụn nước, bóng nước để tránh bị tổn thương thêm và hạn chế lây nhiễm. Tuyệt đối không cào gãi các vết mụn nước, bóng nước để tránh nhiễm trùng nặng thêm và tránh lây lan cho người xung quanh.
- Dự phòng lây lan: Bệnh chốc rất dễ lây, vì vậy cần có những biện pháp để hạn chế lây lan cho người trong gia đình và tập thể.
3. Thời gian điều trị bệnh chốc là bao lâu?
Bệnh chốc là bệnh lành tính, có thể tự khỏi trong vòng 3-6 tuần nếu không được điều trị. Tuy nhiên, cần điều trị khi mắc bệnh để bệnh mau khỏi, không diễn tiến nặng hơn, không để lại sẹo và phòng ngừa lây nhiễm.
4. Dự phòng bệnh chốc lây lan như thế nào?
Các biện pháp có thể cắt đứt nguồn lây và dự phòng bệnh lây nhiễm một cách hiệu quả bao gồm:
Cho trẻ nghỉ học
– Bệnh chốc thường xảy ra ở trẻ em ở độ tuổi còn đi học. Vì vậy bệnh có thể lây lan trong lớp học, trường học khi các bé chơi đùa với nhau.
– Trẻ bị bệnh chốc nên được nghỉ ở nhà cho đến khi các vảy tiết đã khô, không còn tiết dịch để không lây lan bệnh cho các bạn cùng lớp.
Tránh tiếp xúc gần gũi
– Dịch tiết có thể dây dính sang người khác khi tiếp xúc gần gũi. Vì vậy, tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh hay nghi ngờ bị mắc bệnh chốc để không bị lây nhiễm.
Không sử dụng chung vật dụng cá nhân
– Tránh sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh như quần áo, khăn mặt, lược chải đầu…vì có thể dính dịch tiết.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
– Vệ sinh da sạch sẽ, che chắn mụn nước, bóng nước hay các vết trợt rỉ dịch bằng gạc vô khuẩn để ngăn ngừa dây dính dịch tiết trong quá trình sinh hoạt.
– Cắt gọn gàng móng tay để không cào gãi làm vỡ mụn nước, bóng nước và gây lây lan bệnh sang vùng khác của cơ thể.
Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
– Yếu tố thuận lợi làm bệnh chốc dễ khởi phát là sống trong môi trường đông đúc, chật chội, vệ sinh kém. Vì vậy cần đảm bảo môi trường xung quanh bạn sạch sẽ để hạn chế mắc bệnh và giảm khả năng lây lan bệnh cho mọi người.
Bệnh chốc là một bệnh lý nhiễm khuẩn ở da lành tính và không nguy hiểm. Điều trị bệnh tương đối đơn giản. Quan trọng là cách chăm sóc để hạn chế bị nhiễm trùng da nặng hơn. Không để lại sẹo và dự phòng lây nhiễm cho những người xung quanh trong gia đình, tập thể.
Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nổi mụn nước, bóng nước: Báo hiệu bạn đã mắc bệnh gì? Tìm hiểu ngay!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
– Bệnh chốc lây, Phác đồ Bệnh viện Da Liễu TPHCM