Viêm màng não mô cầu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm màng não mô cầu là một tình trạng bệnh nguy hiểm và cần được điều trị từ sớm. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ ai vô tình nhiễm khuẩn. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bệnh lý này nhé!
Viêm màng não mô cầu là gì?
Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn hiếm gặp nhưng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Nó làm cho các màng bao phủ não và tủy sống bị viêm. Đây là một trong các loại viêm màng não. Tình trạng này chỉ khác các loại viêm màng não khác về nguyên nhân gây bệnh.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn Neisseria meningitidis. Thông thường, cứ 10 người thì sẽ có 1 người tồn tại loại vi khuẩn này ở sau mũi và cổ họng, nhưng chúng không gây bệnh. Đây là trường hợp người mang mầm bệnh và khả năng cao sẽ “vận chuyển” sang cho người khác. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể thì nó sẽ gây ra viêm màng não mô cầu.1
Trong đó, vi khuẩn Neisseria meningitidis có đến 6 nhóm huyết thanh là A, B, C, W, X, Y. Chúng gây ra hầu hết các bệnh viêm màng não mô cầu trên toàn thế giới.1
Dấu hiệu
Triệu chứng nhận biết bệnh khác nhau tùy theo từng trường hợp. Các dấu hiệu phổ biến của bệnh bao gồm:2
- Sốt cao đột ngột.
- Nhức đầu dữ dội, dai dẳng.
- Cứng cổ.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Nhạy cảm và khó chịu với ánh sáng.
- Buồn ngủ, ngủ say khó đánh thức.
- Đau khớp.
- Lú lẫn hoặc tinh thần bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, triệu chứng phát ban da màu đỏ hoặc tím (còn gọi là đốm xuất huyết) là một dấu hiệu rất quan trọng và cần theo dõi. Nếu những nốt ban chuyển sang màu trắng khi ấn một chiếc cốc vào thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn trong máu gây ra. Khi đó người bệnh cần được cấp cứu để xử lý.2
Các triệu chứng khác của viêm màng não mô cầu có thể xuất hiện, bao gồm:2
- Thóp trước căn phồng lên (ở trẻ sơ sinh).
- Trẻ phát ra tiếng khóc the thé hoặc rên rỉ (trẻ sơ sinh).
- Chuyển động cứng, giật hoặc yếu (ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi).
- Cáu gắt.
- Thở nhanh.
- Thờ ơ hoặc buồn ngủ quá mức.
- Da có vết loang lổ, chuyển sang trạng thái nhợt nhạt hoặc xanh xao.
- Run rẩy hoặc lạnh tay chân.
- Co giật.
Viêm màng não mô cầu có nguy hiểm không?
Đây là một bệnh lý nguy hiểm. Nó có thể gây tử vong hoặc biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như: tổn thương não, liệt, hoại tử chi hoặc điếc.2 Đặc biệt, ngay cả khi được điều trị bằng kháng sinh nhưng vẫn có khoảng 10 – 15 người trong số 100 người mắc bệnh sẽ tử vong. Hơn nữa, cứ 5 người sống sót thì có tới 1 người bị khuyết tật lâu dài.
Bệnh viêm màng não mô cầu có lây không?
Bệnh lý này có thể lây lan từ người bệnh hoặc người mang vi khuẩn sang người khỏe mạnh. Vi khuẩn này lây lan khi chúng ta tiếp xúc dịch tiết đường hô hấp hoặc từ hầu họng (nước bọt hoặc khạc nhổ). Do đó, khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc lâu thì chúng ta dễ bị nhiễm bệnh này. May mắn thay, vi khuẩn gây bệnh này không dễ lây lan như virus cúm thông thường. Việc lây lan không xảy ra nếu chỉ tiếp xúc thông thường hoặc hít thở không khi nơi có người mắc bệnh.1
Những đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu
Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường bao gồm:1
- Những người sống chung một nhà, chung phòng.
- Bất cứ ai tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ miệng, mũi của người bệnh.
Tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi là dễ nhiễm bệnh nhất. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể khiến một người dễ mắc bệnh, như:3
- Thanh thiếu niên và thanh niên (16 đến 20 tuổi).
- Quân ngũ.
- Sinh viên đại học sinh sống trong ký túc xá.
- Những người đi đến những nơi mà bệnh viêm màng não cầu là phổ biến (ví dụ, một số quốc gia ở Châu Phi và Ả-rập Xê-út).
- Những người bị cắt lách hoặc thiếu hụt bổ thể.
- Những người sống chung với HIV.
- Người được điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch.
- Các nhà vi sinh vật học tiến hành phân lập với N. meningitidis.
- Tiếp xúc gần với bệnh nhân bị bệnh não mô cầu.
Chẩn đoán viêm màng não mô cầu như thế nào?
Việc chẩn đoán bệnh không dễ dàng vì có triệu chứng khá giống những bệnh khác. Nếu bác sĩ nghi ngờ một người mắc bệnh viêm màng não mô cầu, họ sẽ xét nghiệm máu, sang thương da hoặc dịch não tủy. Sau đó, những mẫu xét nghiệm này sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích tìm ra nguyên nhân gây bệnh.4
Điều trị
Để ngăn chặn những biến chứng tổn hại đến sức khỏe người bệnh, việc điều trị cần được thực hiện nhanh chóng. Người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:2
- Xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
- Các triệu chứng không cải thiện khi được điều trị.
- Có nguy cơ đã tiếp xúc với người bệnh.
Bác sĩ bắt đầu bằng việc dùng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như: penicillin hoặc ceftriaxone bằng đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, nếu bạn hay người thân tiếp xúc gần (với nước bọt, dịch tiết ra từ miệng) với người bị viêm màng não mô cầu thì cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, những người mắc bệnh này có thể cần các phương pháp điều trị khác, bao gồm:
- Hỗ trợ thở.
- Thuốc điều trị huyết áp thấp.
- Phẫu thuật loại bỏ mô chết.
- Chăm sóc vết thương cho các bộ phận của cơ thể với da bị tổn thương.
Phòng ngừa
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tiêm ngừa vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin nên được tiến hành ở trẻ sơ sinh, trẻ em và cả người lớn nếu trước đó chưa tiêm. Hiện tại có 2 loại vắc-xin được cấp phép tại Mỹ, bao gồm:5
- Thuốc chủng ngừa não mô cầu liên hợp (Men ACWY).
- Vắc xin viêm não mô cầu nhóm huyết thanh B (Men B).
Giống như những loại vắc-xin khác, vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu không hiệu quả 100%. Một người vẫn có thể mắc bệnh sau khi chủng ngừa. Bạn nên nắm các triệu chứng của bệnh vì việc nhận biết sớm và chăm sóc y tế nhanh chóng là vô cùng quan trọng.5
Ngoài ra, bạn nên tự giác không tiếp xúc gần hoặc lâu với người đang mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Nếu vô tình tiếp xúc với mầm bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để được chỉ định kháng sinh giúp ngăn ngừa khỏi bệnh.5
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức về bệnh viêm màng não mô cầu. Bạn cần nhớ những biểu hiện của bệnh để nhận ra kịp thời khi bản thân và người thân mắc phải. Đồng thời, việc tiêm vắc-xin cũng quan trọng không kém, nó bảo vệ loài người khỏi chủng vi khuẩn gây bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Meningococcal Disease - Causes and How It Spreadshttps://www.cdc.gov/meningococcal/about/causes-transmission.html
Ngày tham khảo: 17/03/2023
-
An Overview of Meningococcal Meningitishttps://www.webmd.com/children/meningococcal-meningitis-symptoms-causes-treatments-and-vaccines
Ngày tham khảo: 17/03/2023
-
Meningococcal Diseaseshttps://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-negative-cocci-and-coccobacilli/meningococcal-diseases
Ngày tham khảo: 17/03/2023
-
Meningococcal Disease - Diagnosis, Treatment, and Complicationshttps://www.cdc.gov/meningococcal/about/diagnosis-treatment.html
Ngày tham khảo: 17/03/2023
-
Meningococcal Disease - Preventionhttps://www.cdc.gov/meningococcal/about/prevention.html
Ngày tham khảo: 17/03/2023