YouMed

Bệnh đồi mồi: Những điều cần biết

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Bệnh đồi mồi là một bệnh lí về da rất thường gặp. Nó thường xuất hiện ở những vùng da hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh thường gặp ở người sau 40 tuổi, tuy nhiên cũng có thể bắt gặp ở người trẻ tuổi. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu những kiến thức cơ bản về căn bệnh này nhé.

1. Bệnh đồi mồi là gì?

Bệnh đồi mồi là những đốm phẳng so với bề mặt da, hình bầu dục, màu nâu, xám. Kích thước chúng thường không đều nhau, dao động từ 0,5 – 2,5 cm. Người bệnh hiếm khi cảm thấy chỗ sạm da đau hay khó chịu ngoại trừ việc thẩm mỹ.

Có thể thấy đồi mồi có thể xuất hiện trên da ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy vậy, chúng thường xuất hiện nhất là ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, ngực, bàn tay,…

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đồi mồi

Đồi mồi là hệ quả của sự sản sinh melanin quá mức, hoặc sắc tố da. Đến nay bác sĩ cũng không hiểu quá rõ cơ chế hình thành đốm đồi mồi. Nhưng nhìn chung là do sự lão hóa da, hay sự tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Tương tự vậy, sự phơi nhiễm tia UV quá mức, cũng như là sử dụng các liệu trình tạo màu da bằng tia UV, đều có thể là những nguyên nhân gây ra đốm đồi mồi.

2.1 Vị trí thường xuất hiện đồi mồi

Vì những lí do trên, bạn thường sẽ nhận thấy đốm đồi mồi xuất hiện ở những vùng da hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, bao gồm mặt, vùng mu bàn tay, vai, lưng trên và cẳng tay.

2.2 Đối tượng dễ bị bệnh đồi mồi

Mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính hay chủng tộc đều có thể có đồi mồi. Tuy vậy, đồi mồi có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở những người có một số yếu tố nguy cơ sau:

  • Trên 40 tuổi.
  • Người có làn da sáng màu dễ mắc đồi mồi hơn.
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời.
  • Từng dùng các liệu pháp làm sạm màu da bằng tia UV (tanning bed).
Tiếp xúc ánh mặt trời tăng nguy cơ mắc bệnh đồi mồi.
Tiếp xúc ánh mặt trời tăng nguy cơ mắc bệnh đồi mồi

3. Chẩn đoán bệnh đồi mồi

Thông thường, bác sĩ chỉ cần quan sát những đốm trên da bạn đã có thể kết luận đây có thực sự là đốm đồi mồi không. Tuy nhiên, đôi khi nếu những đốm sậm màu đó không điển hình hay bác sĩ còn cân nhắc liệu rằng có phải do nguyên nhân nào khác không.

4. Khi nghi ngờ ung thư da, bác sĩ sẽ làm gì?

Khi nghi ngờ bạn mắc ung thư da, bác sĩ có thể sinh thiết da để làm xét nghiệm kiểm tra. Sinh thiết da là quy trình lấy một mẫu da nhỏ gửi phòng xét nghiệm. Từ đó, bác sĩ sẽ xác định xem sang thương này liệu có phải là ung thư hay bệnh lí nào khác.

Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo ung thư da

5. Điều trị bệnh đồi mồi

Những đốm đồi  mồi thường không gây nguy hại cho sức khỏe người mắc. Chúng ta không cần phải điều trị chúng. Tuy vậy, một số người cảm thấy việc xóa bỏ những đốm đồi mồi này là cần thiết.

5.1 Một số thuốc có thể dùng để điều trị bệnh đồi mồi

Bác sĩ thường sẽ kê cho bạn một số loại kem làm nhạt màu những đốm đồi mồi dần. Thành phần kem bao gồm hydroquinone, có thể kèm theo retinoids như tretinoin. Bạn cần dùng kem bôi liên tục vài tháng để có thể làm nhạt màu những đốm đồi mồi.

5.2 Những lưu ý khi sử dụng các loại thuốc trên

Những loại kem mờ vết sậm màu và chứa tretinoin thường làm da bạn trở nên nhạy cảm quá mức với tia UV. Bạn nên dùng kem chống nắng cùng khi tiếp xúc với ánh mặt trời, ngay cả những ngày trời râm mát.

5.3 Các phương pháp khác

Ngoài việc dùng các loại kem như trên, bác sĩ có thể thực hiện một số thủ thuật. Những thủ thuật y khoa này sẽ giúp bạn xóa bỏ những đốm đồi mồi đó. Mỗi liệu trình điều trị đều có những tác dụng phụ và biến chứng.

Do đó, việc tham khảo bác sĩ chuyên khoa thực sự rất quan trọng. Những lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định sẽ điều trị bằng liệu pháp phù hợp.

Các liệu trình điều trị đốm đồi mồi bạn có thể cân nhắc gồm:

  • Đầu tiên là liệu pháp điều trị ánh sáng cao tần. Bác sĩ dùng ánh sáng dạng xung cường độ mạnh, xuyên qua các cấu trúc da và lớp melanin sâu trong da nhằm phá hủy nốt đồi mồi.
  • Thứ hai là liệu pháp hóa học. Đây là phương pháp xóa bỏ lớp trên của da cũ. Từ đó lớp da mới sẽ được hình thành và thay thế.
  • Thứ ba là liệu pháp bào mòn lớp trên của da. Nhờ liệu pháp này, lớp da mới được tạo điều kiện để phát triển và thay thế lớp cũ
  • Cuối cùng là liệu pháp áp lạnh. Liệu pháp này nhằm đóng băng và tiêu diệt các đốm đồi mồi bằng nitơ lỏng.

Và bạn nhớ nhé, dù điều trị bằng liệu pháp nào, việc dùng kem chống nắng thực sự rất cần thiết. Kem chống nắng sẽ giúp lớp da mới hình thành không bị tổn thương bởi tia UV. Nhờ vậy, chúng ta sẽ hạn chế sự xuất hiện trở lại của các nốt đồi mồi.

6. Có thể điều trị đồi mồi tại nhà không?

Hiện nay, trên thị trường có một số loại kem không cần bác sĩ kê toa giúp bạn xóa bỏ các đốm đồi mồi. Tuy nhiên, những loại kem này có thể không mang lại hiệu quả điều trị rõ rệt.

Nhưng nếu bạn thực sự chỉ muốn tự mua một số loại kem để điều trị đồi mồi, bạn nên chọn những loại kem chứa hydroquinone, deoxyarbutin, glycolic acid, alpha hydroxy acid hoặc kojic acid.

Tác dụng của mỹ phẩm lên đốm đồi mồi

Mỹ phẩm không thể làm xóa bỏ các đốm đồi mồi mà chỉ thể làm che mờ vết sạm da. Bạn nên hỏi bác sĩ chuyên khoa để biết thêm một số sản phẩm thực sự có thể giúp che mờ đốm đồi mồi.

7. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh đồi mồi?

Thực sự bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn đồi mồi. Tuy vậy, chúng ta cũng có rất nhiều phương pháp giúp bạn phòng tránh bệnh đồi mồi. Sau đây là một số gợi ý cho bạn, bao gồm:

  • Tránh hoặc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khoảng 10h sáng đến 3h chiều. Đây là lúc tia mặt trời có cường độ UV mạnh nhất trong ngày và nó sẽ làm tổn thương làn da bạn.
  • Bạn nên dùng kem chống nắng mỗi ngày kể cả những hôm trời râm mát. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm có chỉ số SPF hơn 30. Với mức SPF như vậy mới có thể giúp bảo vệ làn da bạn khỏi tia UVA và UVB.
  • Khi dùng kem chống nắng, bạn nên thoa chúng 30 phút trước khi ra ngoài trời và tiếp xúc với ánh mặt trời. Thêm nữa, luôn lặp lại việc bôi kem mỗi 2 giờ. Nếu bạn tham gia bơi lội hay các hoạt động đổ nhiều mồ hôi, bạn nên lặp lại việc bôi kem thường xuyên hơn
  • Luôn lưu ý việc che chắn bản thân bạn khỏi ánh nắng mặt trời. Việc mặc những bộ quần áo dài tay thực sự rất cần. Chúng sẽ giúp bảo vệ làn da bạn khỏi tia cực tím. Nếu có thể, bạn nên ưu tiên chọn những bộ quần áo có độ chống tia UV (UPF) hơn 40.
Khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời, bạn nên mặc quần áo tay dài có chỉ số UPF hơn 40
Khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời, bạn nên mặc quần áo tay dài có chỉ số UPF hơn 40.

Tóm lại

Bệnh đồi mồi không phải là một bệnh lý gây hại đến làn da hay sức khỏe của bạn cũng như không hề gây đau đớn cho bạn. Tuy nhiên, đôi lúc, những nốt sạm da không phải chỉ đơn giản là những đốm đồi mồi mà có thể là bệnh ung thư da. Ngoài ra, vì một số lí do về thẩm mỹ, bạn cũng có thể loại bỏ chúng bằng những liệu pháp kể trên, và bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để chọn lựa liệu pháp nào là thích hợp nhất cho bạn nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.healthline.com/health/age-spots#outlook

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người