YouMed

Bệnh thứ năm: Ban đỏ nhiễm khuẩn, bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Bác sĩ PHAN THỊ HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Phan Thị Hoàng Yến
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Ban đỏ nhiễm khuẩn (erythema infectiosum) là bệnh phổ biến ở trẻ em do virus Parvovirus B19. Bệnh còn có tên gọi quen thuộc khác là bệnh thứ năm (fifth disease). Đây là một trong 6 bệnh phát ban da do virus phổ biến nhất được tìm thấy ở trẻ em. Triệu chứng điển hình là sốt, hai má đỏ và sau đó là ban đỏ toàn thân. Nó thường xuất hiện ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc với triệu chứng viêm đa khớp nhỏ đối xứng. Bệnh thường nhẹ, tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng như bất sản hồng cầu hay phù thai ở phụ nữ mang thai cần được chú ý.

1. Tổng quan bệnh Ban đỏ nhiễm khuẩn

Ban đỏ nhiễm khuẩn hay còn gọi là bệnh thứ năm xảy ra trên toàn thế giới. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi đi học từ 5 đến 15 tuổi. Nó có thể ảnh hưởng đến người lớn nhưng tỉ lệ ít hơn nhiều. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu vào các tháng mùa xuân và đầu mùa hè. Nguy cơ có thể bùng phát thành dịch ban đỏ nhiễm khuẩn ở các trường học là khá cao.

Ban đỏ nhiễm khuẩn lây truyền như thế nào? 

Parvovirus B19 lây lan phổ biến nhất qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, ho, cười. Sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc với máu hoặc truyền từ mẹ sang thai nhi. Tuy nhiên, bệnh thường lây qua đường hô hấp là chính. Do đó, khả năng phát triển thành dịch rất cao.

Hình dạng của Parvovirus B19
Hình dạng của Parvovirus B19

Trong vòng 5 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc có thể không có triệu chứng hoặc sẽ xuất hiện một loạt triệu chứng nhiễm siêu vi không đặc hiệu. Triệu chứng điển hình là đau khớp và thường phát ban vào ngày thứ 17. Lúc này, bệnh nhân sẽ không còn truyền virus cho người khác.

2. Ban đỏ nhiễm khuẩn biểu hiện ra sao?

Biểu hiện phổ biến và cổ điển nhất của bệnh ban đỏ là sốt nhẹ và phát ban. Các triệu chứng ban đầu của nhiễm virus không đặc hiệu bao gồm:

Sau đó, giai đoạn phát ban bắt đầu với đặc trưng là mảng đỏ, sần, phù ở 2 má (slapped-cheek). Kiểu phát ban kinh điển này có thể là phát hiện duy nhất giúp chẩn đoán trong quá trình bệnh. Tại thời điểm phát ban trên má, bệnh nhân thường cảm thấy bình thường và tình trạng nhiễm virus đã được thoái lùi. Phát ban ở 2 má có thể kéo dài 4 – 5 ngày rồi mờ dần.

Tiếp theo, ban đỏ hồng, dát sẩn sẽ lan rộng xuống thân và tứ chi. Nó có dạng lưới, có thể ngứa, thường kéo dài hơn 1 tuần. Ngoài ra, Parvovirus B19 còn gây ra hội chứng ngứa, có sẩn đỏ ở vùng tay chân mang găng vớ.

Trẻ bị ban đỏ
Trẻ bị ban đỏ

Khoảng 10% trẻ bị ban đỏ nhiễm khuẩn tiến triển thành viêm khớp. Tình trạng này ở người lớn phổ biến hơn trẻ em. Phụ nữ bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng khớp nhiều hơn nam giới. Các khớp bị viêm thường đối xứng, nhỏ như: cổ tay, bàn chân… Có thể có triệu chứng cứng khớp. Các triệu chứng khớp này thường hết sau 3 tuần khởi phát. Khi có triệu chứng khớp, người bệnh không lây virus cho người khác.

Ai có khả năng bị các biến chứng nặng của bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn?

Bệnh lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm ở người suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, người có bệnh huyết học như hồng cầu hình liềm, bệnh thiếu máu huyết tán di truyền, thiếu men màng hồng cầu… cũng có nguy cơ cao hơn.

Người bị suy giảm miễn dịch thường không có biểu hiện phát ban và các triệu chứng khớp. Nguyên nhân là do họ không có phản ứng miễn dịch thích hợp với nhiễm trùng để các triệu chứng này xuất hiện. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch bị nhiễm parvovirus B19 mạn tính có thể dẫn đến giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu hoặc ức chế tủy xương hoàn toàn.

Bệnh nhân bị bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh tán huyết mạn tính khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Nhiễm trùng do parvovirus B19 phá hủy hồng cầu lưới. Điều này gây ra sự giảm tạm thời hoặc ngưng sản xuất hồng cầu. Những bệnh nhân này có thể bị suy tuỷ cấp và dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng. Thông thường, triệu chứng ở họ sẽ nặng hơn với sốt, khó chịu. Bệnh nhân bị bất sản cấp sẽ xanh xao, nhịp tim nhanh và thở nhanh do thiếu máu nặng.

Phụ nữ mang thai

Nhiễm Parvovirus B19 ở phụ nữ mang thai có thể dẫn tới biến chứng nặng cho thai nhi. Những biến chứng này bao gồm:  

  • Sảy thai
  • Thai lưu (thai tử vong trong bụng)
  • Phù thai (bào thai chứa nhiều nước)
Phụ nữ mang thai nếu mắc phải sẽ gây ảnh hưởng cho thai nhi
Phụ nữ mang thai nếu mắc phải sẽ gây ảnh hưởng cho thai nhi

Nguy cơ tử vong thai sau nhiễm virus là khoảng 5%. Các bà mẹ trong tam các nguyệt thứ 2 của thai kỳ có nguy cơ biến chứng cao nhất từ ​​parvovirus B19. Dù vậy, bệnh có thể xảy ra ở tất cả các thời điểm của thai kỳ.

3. Làm sao để chẩn đoán bệnh? 

Bệnh thứ năm được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Chẩn đoán xác định thường được không làm do tiến triển tự giới hạn và triệu chứng nhẹ điển hình.

Ngoài ra, có các xét nghiệm sau giúp khẳng định chẩn đoán.

3.1. Xét nghiệm huyết thanh IgM, IgG

  • Xét nghiệm tìm kháng thể IgM parvovirus B19 có thể xác định nhiễm trùng cấp tính. Kháng thể IgM thường được tìm thấy trong vòng 7 đến 10 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus và kéo dài trong 2 đến 3 tháng.
  • Kháng thể IgG sẽ bắt đầu tăng khoảng 2 tuần sau khi tiếp xúc với virus. Bệnh nhân sẽ có được khả năng miễn dịch vì IgG tồn tại suốt đời.

Các xét nghiệm này hữu ích ở những đối tượng nghi ngờ thiếu máu bất sản do bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn hay ở phụ nữ mang thai nghi nhiễm Parvovirus B19.

3.2. PCR chẩn đoán Parvovirus B19

Xét nghiệm này có độ nhạy cao hơn. Các mẫu vật khác nhau bao gồm huyết thanh hoặc huyết tương, nước ối, mô nhau thai hoặc mô bào thai hoặc tủy xương. Đây được coi là xét nghiệm lựa chọn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch và để xác nhận nhiễm virus ở thai nhi. PCR nên được sử dụng cùng với IgM và IgG ở bệnh nhân mang thai.

3.3. Chẩn đoán phân biệt ban đỏ nhiễm khuẩn với các bệnh khác?

Nhiều loại virus khác cũng gây phát ban tương tự. Chẩn đoán phân biệt ban đỏ nhiễm khuẩn bao gồm sởi, rubella, bệnh hồng ban (roseola) và sốt tinh hồng nhiệt (scarlet fever). Ở người lớn, khi đau khớp phổ biến hơn, chẩn đoán khác có thể bao gồm cúm và bạch cầu đơn nhân.

4. Điều trị Ban đỏ nhiễm khuẩn

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân nhiễm parvovirus B19. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thường lành tính và không cần điều trị. Sử dụng acetaminophen và/hoặc NSAID để giảm mệt mỏi, khó chịu, ngứa và đau khớp có thể cần thiết. Bệnh thiếu máu mãn do nhiễm B19 mãn có thể được điều trị thành công bằng kháng thể kháng B19 (immunoglobulin IV). Bất sản hồng cầu cấp có thể đe dọa tính mạng, cần thiết điều trị bằng oxy và truyền máu.

Nếu thai phụ phát hiện nhiễm parvovirus B19 cấp tính trong thai kỳ thì cần được theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm nhiều lần và theo dõi các biến chứng của thai như phù thai.

5. Làm sao để phòng bệnh? 

Trẻ mắc phải bệnh này rất dễ lây lan cho trẻ khác, đặc biệt là khi đang trong giai đoạn có những triệu chứng giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, đến khi phát ban, trẻ sẽ không lây nhiễm cho người khác nữa. Có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh và hạn chế bệnh lây lan như:

  • Cho trẻ rửa tay sạch sẽ thường xuyên.
  • Giảm thiểu tiếp xúc với những trẻ đang bị ho, hắt hơi hoặc sổ mũi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, đối tượng nguy cơ nặng.

>> Bạn hoàn toàn có thể tự làm nước rửa tay tại nhà, tham khảo bài viết: Mẹo làm nước rửa tay khô đơn giản tại nhà theo đúng chuẩn chuyên gia

Nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên
Nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên

Phụ nữ mang thai, những người suy giảm miễn dịch hay dùng thuốc ức chế miễn dịch nếu nghi ngờ tiếp xúc với nguồn bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn thì cần đi xét nghiệm và cần theo dõi chặt chẽ nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc. Phụ nữ có thai cần phải theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Không có vắc xin để phòng ngừa bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn cấp. Một khi đã nhiễm bệnh, gần như bạn sẽ miễn dịch cả đời.

Ban đỏ nhiễm khuẩn là một bệnh lành tính thường gặp ở trẻ em và có thể bùng phát thành dịch. Những đối tượng nguy cơ có biến chứng cần đề phòng và theo dõi sát. Trẻ ở giai đoạn phát ban vẫn có thể tới trường vì giai đoạn này bệnh không lây nữa. Việc điều trị bệnh chủ yếu là theo triệu chứng giống các bệnh phát ban do virus khác. Có thể dùng khăn lạnh chườm vào má để giảm cảm giác nóng, rát cho trẻ. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là rửa tay và tránh tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK513309/
  2. https://accessmedicine.mhmedical.com/content.aspx?sectionid=210438904&bookid=2570

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người