Bệnh trĩ ở trẻ em: Bố mẹ không nên chủ quan
Nội dung bài viết
Bệnh trĩ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi giai đoạn trong cuộc đời mỗi người, ngay cả khi còn bé. Nghe đến đây, nhiều người không khỏi bất ngờ. Trên thực tế, trẻ em hoàn toàn có thể mắc bệnh như người lớn. Vậy, bệnh trĩ ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách chữa bệnh và phòng bệnh như thế nào cho hiệu quả? Tất cả sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh hé lộ ngay sau đây!
Bệnh trĩ ở trẻ em
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là tình trạng sưng các tĩnh mạch trực tràng dưới và hậu môn.
Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, gây ứ máu liên tục dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ nhô vào lòng ống hậu môn. Đồng thời, ở bệnh nhân lớn tuổi, cấu trúc mô liên kết nâng đỡ càng suy yếu hơn khiến các búi trĩ ban đầu là trĩ nội tụt dần ra khỏi hậu môn (trĩ nội sa).
Theo Mayo Clinic, có khoảng 75% người lớn bị trĩ định kỳ.
Phân loại bệnh trĩ
Về phân loại, bệnh trĩ được phân thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp:
- Trĩ nội: búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược (đường giữa hậu môn – trực tràng), được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.
- Trĩ ngoại: búi trĩ xuất hiện phía dưới đường lược, được bao phủ bởi biểu mô vảy và nằm dưới lớp da quanh hậu môn.
- Trĩ hỗn hợp: vừa có trĩ nội vừa có trĩ ngoại cùng một lúc, triệu chứng khá nghiêm trọng.
Phân độ bệnh trĩ
Phân độ bệnh trĩ: bệnh được phân thành 4 độ:
- Độ I: búi trĩ nằm hoàn toàn 100% trong ống hậu môn.
- Độ II: lúc bình thường trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn. Khi rặn hoặc đi cầu búi trĩ thập thò ra ngoài. Nhưng búi trĩ sẽ tự thụt vào trong khi đi cầu xong đứng dậy.
- Độ III: xảy ra lúc mới đi cầu hoặc khi đi lại nhiều, khi ngồi xổm hay làm việc nặng như khuân vác. Khi ấy búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này cần nghỉ ngơi một thời gian búi trĩ mới tụt vào trong. Đôi khi bệnh nhân phải dùng tay đẩy vào.
- Độ IV: búi trĩ gần như thường xuyên nằm bên ngoài ống hậu môn.
Bệnh trĩ ở trẻ em xảy ra khi trẻ thường xuyên lặp lại các thói quen xấu, làm tăng áp lực tĩnh mạch hậu môn liên tục trong một thời gian dài.
Nguyên nhân trẻ mắc bệnh trĩ
Trẻ bị táo bón kéo dài lâu ngày
Táo bón thường xuyên do không nạp đủ chất xơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở trẻ em. Thông thường, bé không thích ăn rau củ, và quý phụ huynh cũng không quan tâm nhiều đến điều đó. Hậu quả là bé bị thiếu chất xơ trong một thời gian dài, táo bón lâu ngày dẫn đến bệnh.
Trẻ ngồi bô quá lâu
Quý phụ huynh hãy lưu ý thời gian bé đi đại tiện. Trẻ ngồi bô quá lâu làm tăng áp lực lên các đám tĩnh mạch hậu môn, cản trở hồi lưu tĩnh mạch. Từ đó hình thành nên các búi trĩ.
Thể trạng của trẻ
Do trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện dần các bộ phận cơ thể. Các cơ hậu môn còn khá yếu, các tổ chức hoạt động lỏng lẻo. Dây chằng vùng hậu môn trực tràng chưa hoạt động thật sự hiệu quả. Thêm vào đó do cấu trúc xương cùng và trực tràng của trẻ nằm trên cùng một đường thẳng, trực tràng rất dễ bị đẩy lên cao gây bệnh trĩ ở trẻ em.
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân thường gặp kể trên, có một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh trĩ của trẻ:
- Trẻ phải ngồi trên bề mặt cứng quá lâu.
- Trẻ uống không đủ nước.
- Quấy khóc dữ dội và thường xuyên: nguyên nhân là vì khi trẻ quấy khóc làm tăng áp lực ổ bụng. Đồng thời máu dồn về vùng chậu. Khi đó gây nên tình trạng ứ đọng máu tại trực tràng.
- Di truyền: đối với trường hợp này, triệu chứng bệnh xuất hiện ngay tuần đầu tiên sau sinh.
- Viêm ruột (IBD): cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh trĩ.
Triệu chứng bệnh trĩ ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh không có khả năng diễn đat chính xác điều làm chúng khó chịu. Vì vậy đòi hỏi quý phụ huynh hãy quan tâm trẻ nhiều hơn. Hãy theo dõi cẩn thận và lưu ý một số triệu chứng nhất định sau:
Đại tiện khó khăn
Đây là dấu hiệu điển hình nhất mà hầu hết trẻ mắc bệnh trĩ đều gặp phải. Biểu hiện thường gặp ở trẻ là đi đại tiện rất lâu, nhăn mặt, quấy khóc, sợ đi đại tiện. Ngoài khả năng trẻ bị táo bón và bệnh trĩ còn có khả năng mắc bệnh đường tiêu hóa khác. Cha mẹ hãy lưu ý quan sát phân của trẻ để tìm dấu hiệu bất thường nếu có.
Đại tiện ra máu
Máu có thể đi ra theo phân, bắn thành tia hoặc dính giấy vệ sinh. Nguyên nhân là do trẻ cố gắng rặn, làm tăng áp lực lên vùng hậu môn. Ngoài ra cũng có thể là biến chứng nứt hậu môn nếu trẻ bị táo bón lâu ngày phải rặn mỗi lần đi đại tiện.
Sa búi trĩ
Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất không chỉ ở trẻ em mà còn cả người lớn. Trong thời gian đầu, búi trĩ chỉ sa xuống khi trẻ cố rặn và tự thụt lại khi trẻ thôi không rặn nữa. Lâu dần búi trĩ càng phình to và không thể thụt ngược vào trong. Nguy hiểm hơn là tình trạng thuyên tắc hoặc nghẹt búi trĩ sa, làm trẻ đau đớn và cần sự can thiệp của bác sĩ.
Cách chữa bệnh trĩ ở trẻ em
Cách chữa bệnh trĩ cho trẻ em giai đoạn đầu
Cách điều trị bệnh trĩ ở trẻ phụ thuộc vào bệnh cảnh tại thời điểm phát hiện bệnh.
Táo bón là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh trĩ ở trẻ em. Vì thế, việc đầu tiên quý phụ huynh cần làm là theo dõi và thay đổi chế độ ăn cho trẻ.
Khi trẻ còn bú sữa mẹ, khả năng bị trĩ là rất thấp, nếu trẻ mắc bệnh thường là do di truyền. Khi lớn hơn, trẻ bắt đầu ăn dặm và uống sữa công thức. Bệnh trĩ từ đó cũng có khả năng xảy ra cao hơn.
Đối với trẻ lớn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chất xơ, uống không đủ nước và ít vận động.
Việc bổ sung chất xơ vào chế độ ăn cho trẻ là rất cần thiết. Tăng cường thêm trái cây, rau xay nhuyễn, ngũ cốc xay nhuyễn vào bữa ăn của trẻ. Đồng thời theo dõi trẻ nạp đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
Hỗ trợ trẻ hình thành thói quen đi đại tiện đúng giờ. Mỗi ngày đi một lần, vào một khoảng thời gian nhất định.
Một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác
Giữ gìn vệ sinh khu vực hậu môn, rửa sạch bằng nước ấm sau khi đại tiện và trước khi đi ngủ. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc xông hơi từ cây kinh giới làm tăng tuần hoàn vùng hậu môn…
Sử dụng khăn mềm, ướt, không chứa hương liệu để làm vệ sinh cho trẻ.
Di chuyển nhẹ nhàng tay chân đối với trẻ nhỏ. Khuyến khích trẻ lớn vận động thường xuyên để tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa.
Xoa bụng cho trẻ thường xuyên để kích thích hệ tiêu hóa. Đặt trẻ nằm ngửa, tay xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ. Mỗi lần thực hiện kéo dài 15 phút, lặp lại 2-3 lần/ngày.
Nếu trong thời gian 1-2 tuần mà triệu chứng bệnh không thuyên giảm, hoặc trẻ có dấu hiệu sưng đau vùng hậu môn, sốt cao, quấy khóc dữ dội, quý phụ huynh cần cấp tốc đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa bệnh trĩ ở trẻ em
Nguyên nhân chính của bệnh trĩ là do táo bón, nên thay đổi chế độ ăn và lối sống là việc đầu tiên và vô cùng cần thiết.
- Tăng cường chất xơ cho trẻ bằng cách bổ sung rau và trái cây tương mỗi ngày.
- Nhắc nhở và theo dõi lượng nước trẻ uống mỗi ngày.
- Bổ sung chút mật ong vào thực phẩm giúp nhuận tràng.
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ bằng nước ấm sau khi trẻ đi vệ sinh xong.
- Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
- Không cho trẻ ngồi quá lâu như xem tivi hay thiết bị điện tử.
- Khuyến khích trẻ vận động tay chân thường xuyên.
Bệnh trĩ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, bao gồm cả trẻ em. Xây dựng cho trẻ thực đơn ăn uống đủ chất xơ, khuyến khích trẻ vận động. Giữ gìn vệ sinh tốt vùng hậu môn cho trẻ. Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả hoặc trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường báo động, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất!
Ths. Bs. CKI. Trần Quốc Phong
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemorrhoids in Babieshttps://www.healthline.com/health/baby-hemorrhoids
Ngày tham khảo: 20/06/2021
-
Hemorrhoidshttps://www.choc.org/programs-services/gastroenterology/hemorrhoids/
Ngày tham khảo: 20/06/2021