YouMed

Bị mụn nhọt dùng thuốc gì? Câu trả lời của bác sĩ

bác sĩ nguyễn thị thảo
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo
Chuyên khoa: Da liễu

Mụn nhọt thường ảnh hưởng đến các vùng da tiết nhiều bã nhờn như mặt, lưng, ngực và vai. Đây là một vấn đề về da thường gặp nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lí khác. Vậy khi bị mụn nhọt uống thuốc gì? Các loại thuốc sử dụng để kiểm soát tình trạng này bao gồm những loại nào? Ưu điểm và tác dụng phụ ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Da liễu Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây ra mụn nhọt

Thông thường, mụn nhọt hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc bởi bã nhờn, tế bào chết hoặc do da bị nhiễm khuẩn. Nổi mụn nhọt cũng liên quan đến một số yếu tố rủi ro khác như: nhiễm trùng nấm men, nồng độ testosterone cao và chế độ ăn uống, dinh dưỡng của từng người.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mụn nhọt:

  • Cơ thể có hệ thống miễn dịch yếu.
  • Vệ sinh cá nhân không sạch sẽ.
  • Bệnh tiểu đường làm suy yếu sức đề kháng.
  • Ăn uống thiếu dinh dưỡng, nghiện rượu.
  • Quần áo bó sát, chất vải thấm hút mồ hôi kém.
Mụn nhọt thường hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc bởi tế bào chết và bã nhờn
Mụn nhọt thường hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc bởi tế bào chết và bã nhờn

Bị mụn nhọt dùng thuốc gì?

Bị mụn nhọt uống thuốc gì? Hay bị mụn nhọt bôi thuốc gì? là câu hỏi thường gặp phải khi gặp tình trạng mụn này. Để điều trị mụn nhọt, người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống sau:

Thuốc dùng bôi ngoài da

1. Benzoyl peroxide

Benzoyl peroxide được biết đến với công dụng chống viêm và diệt khuẩn. Các sản phẩm chứa benzoyl peroxide lưu hành hiện nay dưới dạng kem bôi hay gel. Sử dụng theo hướng dẫn, thoa lên nốt mụn từ 1 đến 2 lần trong ngày. Không nên thoa quá nhiều sẽ làm kích ứng da. Ngoài ra, lưu ý che chắn đầy đủ và thoa kem chống nắng mỗi ngày vì benzoyl peroxide sẽ làm da bạn nhạy cảm hơn dưới tác động của ánh sáng mặt trời.

Tránh để chất này dính vào tóc hoặc quần áo của bạn vì benzoyl peroxide còn có tác dụng tẩy trắng.

Các tác dụng phụ thường gặp của benzoyl peroxide bao gồm:

  • Da khô căng và bong tróc da.
  • Cảm giác nóng, ngứa hoặc châm chích.
  • Có thể nổi mẩn đỏ.

Các tác dụng phụ thường nhẹ và sẽ hết sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Để điều trị dứt điểm được tình trạng mụn cần một liệu trình kéo dài ít nhất 6 tuần. Bạn có thể được khuyên nên tiếp tục điều trị ít thường xuyên hơn để ngăn ngừa mụn quay trở lại.

Sử dụng thuốc bôi dạng kem đặc hay gel để hỗ trợ giảm mụn

2. Retinoids và các loại thuốc giống retinoid

Thuốc có chứa axit retinoic hoặc tretinoin thường hữu ích cho mụn trứng cá mức độ vừa. Bao gồm các dạng tretinoin, adapalene và tazarotene. Thoa thuốc vào buổi tối, bắt đầu với ba lần một tuần, sau đó hàng ngày khi da của bạn quen với nó. Retinoids giúp ngăn chặn sự kết dính của các nang lông. Lưu ý không bôi cùng lúc với benzoyl peroxide.

Khô da, mẫn đỏ, tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời là tác dụng phụ thường gặp. Trong các dẫn chất, Adapalene được dung nạp tốt nhất.

3. Thuốc kháng sinh

Chúng hoạt động bằng cách tiêu diệt vi khuẩn dư thừa trên da, giảm mẩn đỏ và viêm. Retinol và thuốc bôi kháng sinh có thể được kết hợp trong hai đến ba tháng đầu điều trị. Thời gian sử dụng được khuyến khích là buổi sáng với kem bôi kháng sinh và buổi tối với retinol. Để tránh tình trạng đề kháng kháng sinh, có thể kết hợp thuốc kháng sinh thường cùng với benzoyl peroxide. Các phối hợp bao gồm clindamycin với benzoyl peroxide hay erythromycin với benzoyl peroxide.

4. Axit azelaic và axit salicylic

Axit azelaic là một axit tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn. Kem hoặc gel axit azelaic 20% dường như có hiệu quả tương đương với nhiều phương pháp điều trị mụn thông thường khi được sử dụng hai lần một ngày. Axit azelaic là một lựa chọn trong khi mang thai và cho con bú. Mẩn đỏ da và kích ứng da nhẹ là tác dụng phụ thường gặp.

Axit salicylic có thể giúp ngăn ngừa các nang lông bị bịt tắc và có sẵn dưới dạng cả sản phẩm gội đầu và tẩy trang. Đổi màu da và kích ứng da nhẹ cũng có thể gặp phải khi sử dụng acid salicylic.

Thuốc uống

1. Thuốc kháng sinh

Kháng sinh đường uống có thể sử dụng trong trường hợp tình trạng mụn từ trung bình đến nặng. Thông thường, lựa chọn đầu tiên để điều trị mụn trứng cá là tetracycline (minocycline, doxycycline) hoặc macrolide (erythromycin, azithromycin). Macrolide có thể là một lựa chọn cho những người không thể dùng tetracycline, bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi.

Để giảm nguy cơ kháng kháng sinh, sử dụng kháng sinh đường trong thời gian ngắn nhất có thể và nên được kết hợp với các loại thuốc khác, chẳng hạn như benzoyl peroxide.

Các loại thuốc uống có ưu và nhược điểm riêng

2. Thuốc tránh thai phối hợp

Một số loại thuốc tránh thai kết hợp có thể được sử dụng điều trị mụn trứng cá. Thành phần của chúng gồm progestin và estrogen đơn lẻ hoặc dưới dạng phối hợp. Trong vài tháng đầu có thể bạn sẽ không nhận ra hiệu quả rõ rệt của thuốc. Kiên nhẫn sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hay có thể kết hợp với các phương pháp điều trị hỗ trợ để có được kết quả tốt hơn.

Tăng cân, căng tức ngực và buồn nôn là những tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc tránh thai. Những loại thuốc này cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, ung thư vúung thư cổ tử cung.

3. Các tác nhân đối kháng androgen

Thuốc spironolactone (Aldactone) có thể được cân nhắc cho phụ nữ và trẻ vị thành niên nếu thuốc kháng sinh uống không có tác dụng. Nó hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của nội tiết tố androgen lên các tuyến sản xuất dầu. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm căng ngực và đau kinh nguyệt.

4. Isotretinoin

Isotretinoin là một dẫn xuất của vitamin A. Nó có thể được kê đơn cho những người bị mụn trứng cá vừa hoặc nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Hoạt chất này tác động lên cơ chế bệnh sinh gây ra mụn, giúp giảm tiết bã nhờn, giảm viêm, tăng tái tạo tế bào mới.

Bệnh viêm ruột, trầm cảm và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng là tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng isotretionin. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc lợi ích và tác hại trước khi quyết định sử dụng.

Lưu ý khi sử dụng thuốc để điều trị mụn

Thuốc trị mụn hoạt động bằng cách giảm sản xuất dầu và sưng tấy hoặc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Với hầu hết các loại thuốc trị mụn theo toa, bạn có thể không thấy kết quả trong vòng bốn đến tám tuần. Có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để mụn của bạn hết hoàn toàn.

Chế độ điều trị mà bác sĩ đề xuất tùy thuộc vào độ tuổi, loại và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và sự tuân thủ dùng thuốc của bạn. Kết hợp thuốc bôi, thuốc uống cùng lộ trình chăm sóc da phù hợp. Cần cân nhắc lựa chọn thuốc kĩ càng khi đang mang thai hoặc có ý định mang thai.

Trao đổi với bác sĩ để tìm ra được phương pháp điều trị thích hợp với từng cá nhân. Tái khám đúng lịch hẹn để được bác sĩ theo dõi sát sao mức độ đáp ứng của bạn với điều trị hiện tại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo hy vọng bài viết trên đã giải đáp được câu hỏi “Bị mụn nhọt uống thuốc gì?” cho độc giả. Đồng thời, bài viết giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về các loại thuốc phổ biến dùng để điều trị mụn hiện nay. Đến gặp bác sĩ để có thêm lời khuyên về việc sử dụng thuốc hiệu quả hơn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Acnehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/diagnosis-treatment/drc-20368048

    Ngày tham khảo: 07/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người