YouMed

Người bị sởi tắm lá gì để hỗ trợ điều trị bệnh?

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Khi thời tiết vào thời điểm giao mùa cũng là lúc dễ mắc những bệnh do virus gây ra. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị bệnh tật tấn công, trong đó, sởi là bệnh lý thường gặp. Có nhiều tranh cãi về việc tắm cho trẻ bệnh sởi trong nhiều hội nhóm khác nhau. Vậy bị sởi có nên tắm hay không? Bị sởi thì tắm lá gì để hỗ trợ điều trị bệnh? Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Một vài điều cơ bản về bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm chỉ xảy ra ở người. Trong đông y, sởi được gọi là ma chẩn và xếp vào nhóm ôn bệnh.

Bệnh gây ra bởi một loại virus thuộc họ Paramyxovirus, chi Morbillivirus. Chúng xâm nhập vào cơ thể, phát triển trong các tế bào biểu mô của hầu họng và phổi.1

Phương thức lây bệnh chủ yếu là từ người sang người thông qua những giọt bắn li ti trong không khí. Khi virus ở trong không khí hoặc trên bề mặt đồ vật, nó vẫn hoạt động và gây bệnh trong thời gian lên đến hai giờ. Người bệnh có thể lây virus cho người khác trong thời gian ủ bệnh và cả sau khi hết phát ban 4 ngày.1

Một số biểu hiện thường gặp của bệnh sởi

Bệnh sởi có các biểu hiện sau:1

  • Bệnh sởi giai đoạn ủ bệnh từ 7 đến 18 ngày. Người bệnh bắt đầu phát sốt, viêm long đường hô hấp trên, ho khan, viêm kết mạc.
  • Các hạt Koplik là dấu chứng đặc trưng của bệnh. Thường xuất hiện trong giai đoạn sớm, trước cả khi mọc ban. Hạt Koplik thường xuất hiện ở niêm mạc miệng, giống hạt cát trắng được bao quanh bởi quầng đỏ. Chúng có thể lan rộng, tạo ra đốm đỏ lan toả gây đau họng.
  • Phát ban xuất hiện từ 3 – 5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, khoảng sau 2 – 3 ngày từ khi xuất hiện các hạt đốm Koplik. Phát ban lan dần bắt đầu sau tai, dọc theo đường cấy tóc lan xuống mặt, thân và tứ chi. Chấm xuất huyết hoặc vết bầm tím có thể xuất hiện khi phát ban nghiêm trọng.
  • Người bệnh có thể sốt cao vượt quá 40°C, sưng phù quanh ổ mắt, viêm kết mạc, cảm thấy sợ ánh sáng, ho khan, mệt mỏi và ngứa. Sau 3 – 5 ngày, khi sốt giảm, bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Vết phát ban mờ dần để lại vết thâm màu nâu đồng và sau đó là bong da.
Các hạt Koplik là dấu hiệu đặc trưng của sởi
Các hạt Koplik là dấu hiệu đặc trưng của sởi

Quan niệm bệnh sởi nên kiêng tắm: Đúng hay sai?

Không nên kiêng tắm, kiêng nước khi bị sởi.2 Khi bị bệnh sởi, người bệnh thường nóng sốt, đổ mồ hôi, phát ban ngứa ngáy. Việc kiêng tắm, vệ sinh kém khiến trẻ càng khó chịu hơn. Trẻ có thể gãi gây trầy xước, bong tróc da, thậm chí có thể nhiễm trùng da.

Ngoài ra, tắm là một trong những phương pháp giúp trẻ hạ bớt thân nhiệt khi trẻ bị sốt. Do đó, tắm giúp trẻ dễ chịu hơn và giữ gìn vệ sinh thân thể khi bị mắc sởi.

Không nên kiêng tắm, kiêng nước khi bị sởi
Không nên kiêng tắm, kiêng nước khi bị sởi

Bị sởi tắm lá gì để hỗ trợ điều trị bệnh?

Nhiều người quan niệm sử dụng các loại lá trong tự nhiên để tắm với mục đích hỗ trợ các vết sởi mau lặn và bệnh mau khỏi. Vậy, những loại lá này có công dụng là gì? Dưới đây là một số loại lá đã được ghi nhận là có công dụng hỗ trợ bệnh sởi hoặc hỗ trợ các triệu chứng của bạn. Bạn đọc có thể tham khảo nhé!

1. Rau mùi (ngò rí)3 4

Ở Trung Quốc, quả và cây rau mùi đều được dùng để chữa sởi. Có thể kết hợp dùng ngoài da và nước thuốc sắc uống.

Dùng một nắm lá rau mùi cắt nhỏ, sắc với rượu trắng cho sôi lên. Tắt bếp chờ cho nguội dần đến mức ấm, dùng phần vỏ mềm của cây gai hoặc khăn xô mềm để thấm nước lá lau lên đầu mặt tay chân.

Quả mùi tán nhỏ 160 gam, đun với nước lọc. Đậy nắp đun sôi, chờ nguội, dần dần, lọc bỏ bã rồi thấm khăn lau hoặc xịt trên người.

Rau mùi là dược liệu có thể chữa sởi
Rau mùi là dược liệu có thể chữa sởi

2. Bạc hà5

Bạc hà có vị cay thơm, tính ấm. Bạc hà có tác dụng trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt không ra mồ hôi, giảm ngứa, giảm nhức đầu, nghẹt mũi,… Tinh dầu trong bạc hà có tính sát khuẩn cao. Do đó, bạc hà cũng được sử dụng nhiều trong các sản phẩm tắm gội thương mại.

Bạc hà giúp giảm ngứa, giảm nhức đầu, ngạt mũi,...
Bạc hà giúp giảm ngứa, giảm nhức đầu, ngạt mũi,…

3. Bạc thau6

Bạc thau có vị hơi chua, đắng, nhạt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, giảm viêm. Lá bạc thau nấu lên lấy nước tắm rửa giúp giảm ngứa ngáy, làm sạch da.

Giải độc, sát trùng, giảm viêm,... là công dụng của bạc thau đối với bệnh sởi
Giải độc, sát trùng, giảm viêm,… là công dụng của bạc thau đối với bệnh sởi

4. Lá dâu (tang diệp)7

Lá dâu (tang diệp) giúp giảm các biểu hiện của sởi như phong nhiệt nóng sốt, ho, phát ban, đỏ mắt, nhức đầu, … Lá dâu còn giúp ra mồ hôi và làm dịu tinh thần.

Lá dâu giúp hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của sởi
Lá dâu giúp hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của sởi

5. Lá ổi8

Lá ổi có vị chát tính mát, được nấu nước để tắm trị ban ngứa, rôm sảy, lở, … Vị chát của lá ổi giúp nhanh lành các vết thương.

Tắm lá ổi có thể trị ban ngứa, rôm sẩy, lở,...
Tắm lá ổi có thể trị ban ngứa, rôm sẩy, lở,…

Ngoài ra, trong y học cổ truyền cũng có những cây thuốc, bài thuốc sắc uống giúp hỗ trợ điều trị bệnh sởi. Bài thuốc được ghi nhận hiệu quả từ thời của danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông. Mỗi bài thuốc tùy theo từng giai đoạn khác nhau của bệnh. Bạn đọc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

Những lưu ý khi tắm lá để hỗ trợ điều trị sởi

Bạn cần nhớ rằng tắm nước lá không phải là cách điều trị chính trong bệnh sởi. Tắm lá giúp hỗ trợ giảm các biểu hiện gây khó chịu của bệnh như giảm ngứa, làm sạch da. Khi tắm lá để hỗ trợ điều trị sởi, bạn cần lưu ý những điểm như sau:

  • Làn da của trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thường rất nhạy cảm. Do đó, hạn chế sử dụng phương pháp tắm lá ở nhóm trẻ này.
  • Không tắm nước lá đậm đặc mà hãy pha loãng nước lá trong xô, chậu nước lớn

Ngoài ra, trong việc tắm cho bệnh nhân sởi nói chung, bạn đọc cần chú ý:2

  • Nên tắm bằng nước ấm. Không quá nóng để tránh bỏng và không hạ sốt. Không quá lạnh để tránh bị hạ thân nhiệt đột ngột.
  • Nơi tắm cần tránh gió lạnh, gió lùa.
  • Nên tắm nhanh, tránh ngâm nước quá lâu.
  • Mặc quần áo thoáng khí, không kích ứng, không gây ngứa.

Trên đây là một số thông tin về thắc mắc “Bị sởi tắm lá gì?” mà Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh muốn đem đến cho bạn đọc. Sởi là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Phương pháp tắm lá giúp hỗ trợ điều trị sởi, giảm bớt các biểu hiện khó chịu. Để phòng ngừa bệnh sởi, bạn đọc hãy cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Rubeola (Measles)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557716/

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  2. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SỞI TẠI NHÀ VÀ TẠI BỆNH VIÊNhttps://moh.gov.vn/web/dich-benh/thong-tin-chung/-/asset_publisher/3hfjhpWJ5jW5/content/huong-dan-cham-soc-benh-nhan-soi-tai-nha-va-tai-benh-vien

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  3. Tuệ tĩnh toàn tập. NXB Y học. Trang 311.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2023/04/tue-tinh-toan-tap.pdf#page=306

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  4. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 597.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=595

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  5. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 110.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=109

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  6. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 115 - 116.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=114

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  7. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 617.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=616

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

  8. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 503.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=501

    Ngày tham khảo: 18/04/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người