Bổ sung Canxi cho trẻ sơ sinh: Cần thiết hay không?
Nội dung bài viết
Có lẽ bạn đã từng nghe việc phải bổ sung nguồn canxi ngoài sữa mẹ cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đa số trẻ không phải bổ sung chất này, chỉ cần bú sữa mẹ là đủ. Tại sao lại như vậy? Nguyên nhân gì khiến bác sĩ phải dùng canxi bổ sung cho con của bạn? Cũng như những dấu hiệu giúp bạn nhận ra bé có thể bị thiếu canxi là gì? Những trẻ như thế nào sẽ dễ bị thiếu canxi? Vai trò của canxi với trẻ là gì? Tất cả những câu hỏi này sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.
1. Ý kiến của bác sĩ về hạ canxi ở trẻ sơ sinh
Hạ canxi máu là một vấn đề rối loạn chuyển hóa, điện giải phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hạ canxi máu ở trẻ có thể gây ra triệu chứng hoặc không.
Vai trò của canxi:
Canxi tham gia vào nhiều tiến trình sinh học, hóa học của cơ thể. Chẳng hạn như:
- Đông máu (khả năng cầm máu, tạo cục máu đông).
- Tạo nên sự gắn kết chặt chẽ bên trong mỗi tế bào.
- Dẫn truyền tín hiệu điện – thần kinh cơ. Việc này giúp cơ bắp của chúng ta hoạt động.
- Ngoài ra còn gắn kết các tế bào nhỏ lẻ lại với nhau.
- Giúp các tế bào phân chia, nhân đôi làm cơ thể có thể phát triển.
- Tạo nên sự chắc khỏe của xương.
2. Sự thay đổi bình thường của hàm lượng Canxi trong cơ thể trẻ sơ sinh.
Khoảng 99% hàm lượng canxi của cơ thể nằm trong xương. 1% còn lại chủ yếu nằm trong máu, mô… Trong số 1% ít ỏi này thì có phân nửa (0.5%) là dạng canxi tự do, phần còn lại là canxi gắn kết với các chất khác.
Ở trẻ sơ sinh, hầu hết lượng canxi trong cơ thể trẻ là do mẹ cung cấp từ khi mang thai. Thông thường, Canxi sẽ đi từ máu mẹ đến thai chủ yếu vào 3 tháng cuối cùng của thai kỳ. Do đó, sau khi sinh, trẻ sẽ không được mẹ tiếp tục chu cấp canxi qua dây rốn nữa.
Nồng độ của canxi trong cơ thể trẻ liên quan đến rất nhiều yếu tố, bao gồm:
- Khả năng tiết ra hormone cận giáp (PTH) của cơ thể trẻ. Đây là một loại hormone do tuyến cận giáp (nằm gần tuyến giáp ở cổ của trẻ) tiết ra. Hormone này giúp trẻ hấp thụ calci từ thực phẩm ở đường ruột và tiết niệu tốt hơn.
- Lượng canxi trẻ bú. Thông thường, sữa mẹ chứa đầy đủ canxi cho trẻ.
- Chức năng của thận. Thận hoạt động tốt sẽ ít đào thải canxi ra nước tiểu.
- Chức năng của xương khớp. Xương bình thường sẽ có khả năng dự trữ nhiều canxi.
- Vitamin D. Một vitamin rất quan trọng đối với trẻ. Canxi giúp xương chắc khỏe là đúng, tuy nhiên nếu không có vitamin D thì xương trẻ sẽ không hấp thụ được canxi.
Hạ canxi “sinh lý”
Như đã nói, canxi vào máu của trẻ sơ sinh chủ yếu là do cơ thể của mẹ cung cấp từ trong bào thai vào những tháng cuối cùng. Do đó, sau khi sinh ra, trẻ sẽ rơi vào trạng thái thiếu canxi “sinh lý” (không do bệnh lý gây ra) trong 2 ngày đầu. Điều này xảy ra ở phần lớn trẻ sơ sinh, nhưng hầu như không gây triệu chứng, đây cũng là nguyên nhân của đa số trường hợp canxi máu thấp ở trẻ.
Trong 2 ngày đầu này, hormone PTH sẽ được tiết ra dần dần. Khi hàm lượng đủ nhiều sẽ giúp ruột hấp thu canxi tốt hơn, thận ít đào thải canxi ra ngoài hơn. Tiến trình này sẽ kéo dài suốt 4 tuần đầu. Do đó, lúc trẻ bước ra khỏi giai đoạn sơ sinh (>1 tháng tuổi) thì khả năng hấp thu canxi của ruột và giảm thải canxi của thận sẽ trưởng thành, giúp nồng độ canxi trong máu trẻ ổn định.
3. Hạ canxi máu gây ra vấn đề gì?
Định nghĩa của hạ canxi máu ở trẻ dựa vào nồng độ canxi đo được trong máu. Tuy nhiên, con số này sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng nhóm trẻ khác nhau.
- Ở trẻ đủ tháng và trẻ non tháng nhưng nặng hơn 1.500g lúc sinh: Hạ canxi khi tổng lượng canxi trong cơ thể trẻ <8 mg/dL hoặc lượng canxi tự do <4.4 mg/dL.
- Ở trẻ sinh non và nhẹ cân (<1.500g lúc sinh): Hạ canxi khi tổng lượng canxi < 7 mg/dL hoặc canxi tự do < 4mg/dL.
Các biểu hiện bất thường ở trẻ do hạ canxi máu gây ra là:
- Có những cơn ngưng thở (đang thở đều thì có 1 khoảng thời gian ngưng thở, sau đó thở lại), tím tái.
- Bú kém, nôn trớ.
- Tim trẻ đập nhanh, tim bị suy.
- Trẻ kích thích, quấy khóc.
- Run tay.
- Co thắt đường thở (nghe tiếng rít, khò khè khi thở).
- Gồng cứng người, thậm chí là co giật.
- Sợ hãi tiếng ồn. Giật cơ khi gặp nghe tiếng ồn.
Tuy nhiên, đa số trường hợp trẻ bị hạ canxi máu sẽ không có biểu hiện gì.
4. Nguyên nhân gây ra hạ canxi máu ở trẻ là gì?
Thực tế, nguyên nhân của hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh được phân chia tùy thuộc vào thời gian phát hiện hạ canxi máu.
Hạ canxi máu sớm:
Gọi là sớm khi hạ canxi máu xuất hiện trong 2 – 3 ngày đầu sau sinh. Và như đã nói thì hiện tượng này thường là sinh lý vốn có của trẻ. Và hạ canxi máu như thế này thường không cần phải điều trị đặc biệt gì.
Những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ dàng bị hạ canxi máu:
1/3 các trẻ non tháng bị hạ canxi máu sớm. Điều này do nhiều yếu tố kết hợp khác ngoài “sinh lý”, bao gồm:
- Thiếu albumin (đạm) trong máu của trẻ. Trong số các chất kết hợp với canxi trong máu là albumin. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu, thường gặp nhất gây ra hạ canxi máu ở trẻ.
- Bú ít, bú kém. Điều này làm trẻ không thể hấp thụ lượng canxi trong sữa của mẹ.
- Suy chức năng tuyến cận giáp. Giảm nồng độ hormone PTH sẽ làm cơ thể trẻ kém hấp thu canxi cũng như đào thải nhiều canxi hơn qua thận.
- Chức năng thận bất thường. Việc thận đào thải quá nhiều canxi dễ dàng làm trẻ hạ canxi máu.
Trẻ bị “chậm phát triển trong tử cung”:
Thông thường, các trẻ khi còn là thai nhi sẽ có một kích thước, cân nặng và đặc biệt là một tốc độ phát triển khá tương tự nhau. Tuy nhiên, một số trẻ bị bệnh trong thời gian này, dẫn đến nhỏ và yếu hơn một trẻ khác cùng tuổi thai rất nhiều. Hiện tượng như vậy được gọi chung là “chậm phát triển trong tử cung” (IUGR).
Trẻ bị IUGR dễ bị hạ canxi, có lẽ vì bệnh lý nào đó ở bánh nhau mẹ làm giảm lượng canxi từ máu mẹ truyền sang con.
Mẹ lúc mang thai bị đái tháo đường:
Thai phụ trước lúc sinh trẻ bị đái tháo đường càng nặng và càng lâu năm từ trước thì trẻ càng có nguy cơ bị hạ canxi máu. Nguyên nhân của hiện tượng này đến nay vẫn còn bàn cãi.
Xem thêm Đái tháo đường thai kì: Liệu có nguy hiểm không?
Trẻ bị ngạt lúc sanh:
Những trẻ không tự thở được sau khi sinh ra thường xuyên bị hạ canxi máu. Người ta nghĩ rằng nguyên nhân chủ yếu do:
- Thiếu oxy dẫn đến tổn thương tế bào, tổn thương thận.
- Trẻ được cho ăn chậm trễ (do cần tốn thời gian giúp hồi sức cho trẻ tự thở).
Nhược tuyến cận giáp bẩm sinh:
Như đã biết, đây là cơ quan tiết ra hormone PTH của cơ thể trẻ. Khi tuyến này bị suy thì sẽ giảm tiết PTH, làm giảm canxi máu.
Ngoài ra còn một số yếu tố khác nữa.
Hạ canxi máu trễ:
Trễ khi hạ canxi xuất hiện khi trẻ 3 ngày tuổi trở lên và thường là vào những ngày cuối của tuần tuổi đầu tiên. Những trẻ bị hạ canxi máu trễ thường gặp phải triệu chứng của hạ canxi máu. Nguyên nhân có thể bao gồm:
Trẻ hấp thụ quá nhiều phosphor
Phosphor là một chất khoáng trong cơ thể. Ở nồng độ thông thường, phosphor không gây hại gì. Tuy nhiên trong trường hợp Phosphor trong máu quá cao, nó sẽ ức chế tuyến cận giáp tiết PTH, làm giảm nồng độ canxi trong máu.
Hiện tượng này thường gặp ở những trẻ sử dụng sữa bò nguyên chất làm thức ăn.
Trẻ có thể bị gồng cứng người hoặc co giật vào khoảng 5 – 10 ngày sau sinh.
Trẻ sinh non, và đặc biệt là những trẻ rất non tháng (<28 tuần)
Thường liên quan đến việc trẻ có ít vitamin D trong cơ thể. Tuy nhiên việc vitamin D thiếu thốn tại sao lại gây ra giảm canxi máu thì vẫn chưa rõ ràng.
Mẹ thiếu vitamin D
Tương tự như nguyên nhân ở trên. Việc mẹ thiếu vitamin D trầm trọng dẫn đến thiếu vitamin D ở trẻ. Và điều này cũng liên quan đến việc trẻ bị hạ canxi máu. Thông thường biểu hiện triệu chứng của hạ canxi máu sẽ xuất hiện ở tuần thứ 2 sau sinh.
Những nguyên nhân khác
- Do truyền máu, dung dịch có tính kiềm (pH cao) hoặc lipid… sẽ làm giảm canxi tự do trong máu.
- Trẻ được chiếu đèn do bị vàng da sơ sinh. Cơ thế có thể do ánh sáng làm xương hấp thụ nhiều canxi hơn.
5. Tầm soát hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh
Như đã nói, hầu hết trường hợp hạ canxi máu sớm là do sinh lý gây ra. Đồng nghĩa với việc sẽ hiếm khi hạ canxi máu gây biểu hiện triệu chứng. Do đó, chỉ những trẻ có nguy cơ cao hạ canxi máu nặng mới được xét nghiệm máu kiểm tra.
Việc kiểm tra hàng loạt mọi trẻ sơ sinh là không cần thiết, có thể gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh.
Kể cả khi có yếu tố nguy cơ, bác sĩ sẽ không tầm soát canxi máu ở các đối tượng trẻ:
- Đủ tháng khỏe mạnh hoặc sinh non nhưng cân nặng > 1.500g .
- Trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nhưng khỏe mạnh + được cho bú ở ngày đầu sau sinh.
6. Điều trị cho trẻ bị hạ canxi máu
Hầu hết trường hợp trẻ bị hạ canxi máu sớm không có triệu chứng và không cần phải dùng thuốc. Chỉ cần cho trẻ bổ sung sữa, dinh dưỡng chứa canxi là được. Trong trường hợp trẻ không bú được, bú kém hoặc thiếu canxi rất nặng, có triệu chứng hạ canxi thì sẽ truyền canxi vào máu bổ sung.
Ở những trẻ hạ canxi máu trễ thường có triệu chứng rõ ràng hơn. Lúc này trẻ sẽ được truyền khẩn canxi bổ sung. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được tầm soát các nguyên nhân gây hạ canxi máu. Việc điều trị nguyên nhân gây bệnh là đặc biệt quan trọng.
7. Kết luận:
Hạ canxi máu là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên hầu hết chúng đều là do trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể gây ra. Do đó, việc xét nghiệm tầm soát hoặc bổ sung canxi bằng thuốc thường quy là không cần thiết.
Hạ canxi máu sinh lý chỉ gặp ở 2 – 3 ngày đầu sau sinh và trẻ sẽ không có biểu hiện bất thường. Trái ngược với trạng thái sinh lý, các nguyên nhân bệnh lý gây ra hạ canxi máu thường có biểu hiện, và thường xuất hiện ở trẻ vào cuối tuần đầu tiên sau sinh.
Các biểu hiện của hạ canxi máu ở trẻ rất dễ dàng nhận biết, cũng như tương đối cấp tính. Do đó, khi phát hiện các biểu hiện trên, các bậc phụ huynh nên mang trẻ đến trung tâm nhi khoa gần nhất. Bổ sung canxi cho trẻ thường quy là không cần thiết. Lượng canxi trong sữa mẹ, sữa công thức thường đã rất đầy đủ cho trẻ rồi.
Bác sĩ Nguyễn Đoàn Thiện Nhân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.