Bổ sung kẽm cho bà bầu: Lợi ích gì và bổ sung khi nào?
Nội dung bài viết
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên. Kẽm đóng vai trò quan trọng với các chức năng cơ thể hằng ngày và rất cần thiết trong quá trình mang thai. Đối với các bà mẹ đang hoặc chuẩn bị mang thai, việc hiểu được những ảnh hưởng của kẽm và dinh dưỡng trước khi sinh là rất quan trọng. Hãy bổ sung kẽm cho bà bầu đúng cách để thai kỳ luôn khỏe mạnh.
Tại sao cần bổ sung kẽm cho bà bầu?
Kẽm thường được biết đến là chất giúp duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể bình thường. Ngoài ra, kẽm còn giúp chuyển hóa ADN và chữa lành vết thương nhanh chóng.
Vai trò của kẽm trong thai kỳ đối với bà bầu và thai nhi
Lợi ích của kẽm với bà bầu
- Kẽm giúp duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng trong tử cung.
- Giúp cân bằng nội tiết tố.
- Hỗ trợ sản xuất nhau thai.
Kẽm có lợi cho sự phát triển em bé
- Thúc đẩy tăng trưởng tế bào.
- Tăng cường sản xuất và hoạt động DNA.
- Cung cấp hỗ trợ cấu trúc cho các protein tạo nên các tế bào.
- Giúp chức năng não phát triển bình thường, góp phần vào khả năng học hỏi và phát triển trong tương lai của trẻ.
Hiệu quả của kẽm trong ngăn ngừa một số bệnh và biến chứng thai kỳ
Việc sử dụng kẽm trong thai kỳ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số bệnh lý và biến chứng sau.
Bệnh tiêu chảy
Thiếu kẽm nghiêm trọng ở trẻ em là tình trạng phổ biến tại các nước đang phát triển. Việc cung cấp kẽm cho phụ nữ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ và trong một tháng sau khi sinh là rất quan trọng. Điều này giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh trong năm đầu đời.
Cảm lạnh
Khi mang thai, cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm và dễ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh. Vì hạn chế sử dụng thuốc trong thai kỳ nên các mẹ có thể sử dụng viên ngậm kẽm thay thế. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy: thuốc ngậm có chứa kẽm gluconate hoặc kẽm acetate giúp giảm thời gian bị cảm lạnh ở người lớn. Tuy nhiên, tác dụng phụ như mùi vị và buồn nôn có thể hạn chế việc sử dụng ở mẹ bầu.
Trầm cảm
Khi mang thai, mẹ bầu có nhiều thay đổi về mặt tâm lý, dễ bị áp lực và lo lắng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong quá trình mang thai là hạn chế. Nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ kẽm thấp hơn ở những người bị trầm cảm. Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm có liên quan đến việc ít nguy cơ trầm cảm.
Một số nghiên cứu cho thấy dùng kẽm cùng với thuốc chống trầm cảm giúp cải thiện tình trạng ở những người bị trầm cảm nặng. Tuy nhiên, nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả cải thiện trầm cảm chỉ ở những người không đáp ứng với điều trị bằng thuốc chống trầm cảm đơn thuần.
Sinh non
Sử dụng viên kẽm uống khi mang thai dường như làm giảm nguy cơ sinh non. Nhưng việc bổ sung kẽm không làm giảm nguy cơ thai chết lưu, sảy thai hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh.
Thiếu vitamin A
Uống kẽm cùng với vitamin A cải thiện mức vitamin A tốt hơn uống vitamin A hoặc kẽm đơn thuần.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kẽm có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số vấn đề.
Biến chứng thai kỳ ở phụ nữ nhiễm HIV/AIDS
Uống kẽm khi mang thai không làm giảm nguy cơ truyền HIV cho trẻ sơ sinh.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh
Cung cấp kẽm cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có nguy cơ bị thiếu kẽm không cải thiện sự phát triển tinh thần hoặc vận động. Nhưng cung cấp kẽm cho phụ nữ khi mang thai có thể làm tăng sự phát triển của đứa trẻ trong năm đầu đời.
Tiền sản giật
Uống kẽm không làm giảm nguy cơ huyết áp cao trong thai kỳ.
Hàm lượng sắt thấp ở phụ nữ mang thai
Sử dụng kẽm không giúp cải thiện mức độ sắt ở phụ nữ dùng chất bổ sung sắt và axit folic.
Nhẹ cân ở trẻ sơ sinh
Uống kẽm khi mang thai không làm giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân. Cung cấp kẽm cho trẻ sơ sinh thiếu cân ở các nước đang phát triển dường như làm giảm nguy cơ tử vong, ngăn ngừa các biến chứng nhất định và cải thiện tinh thần. Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh nhẹ cân ở các nước đang phát triển cũng giúp ngăn ngừa một số biến chứng và tử vong. Nhưng kẽm dường như không cải thiện sự tăng trưởng ở trẻ sơ sinh nhẹ cân ở các nước phát triển.
Thiếu hụt kẽm trong thai kỳ
Nhu cầu kẽm cao hơn trong khi mang thai và cho con bú. Những bà mẹ mới sinh và đang mang thai có nguy cơ bị thiếu kẽm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy:
- Thiếu hụt kẽm ở mẹ làm suy giảm sự phát triển của thai nhi.
- Thiếu kẽm ở mẹ ảnh hưởng đến hình thái nhau thai.
- Vận chuyển sắt qua nhau thai bị giảm do thiếu kẽm.
- Thiếu kẽm có thể ảnh hưởng đến oxy hóa ở nhau thai.
- Thiếu kẽm làm thay đổi huyết áp của mẹ khi mang thai và cho con bú.
- Mẹ thiếu kẽm làm thay đổi miễn dịch ở giai đoạn cuối thai kỳ.
Mẹ bầu nên sử dụng kẽm khi nào?
Những lợi ích trên của kẽm với bà bầu và thai nhi cho thấy: Việc bổ sung kẽm trong quá trình mang thai là rất quan trọng. Thậm chí, việc bổ sung kẽm cần kéo dài cho đến khi cho con bú. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến lượng kẽm trong dinh dưỡng của trẻ sơ sinh.
Việc bổ sung kẽm cũng tương tự như axit folic, một trong các chất dinh dưỡng được kê đơn trước khi mang thai. Nó góp phần đảm bảo chất lượng của trứng. Kẽm thúc đẩy lập trình ADN của tế bào trứng hoặc tế bào trứng chưa trưởng thành. Do đó, việc bổ sung kẽm cũng rất cần thiết trước khi thụ thai.
Cần bổ sung kẽm cho bà bầu bao nhiêu là đủ?
Kẽm hầu như an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai và cho con bú khi được sử dụng với lượng khuyến cáo hằng ngày (RDA). Tuy nhiên, không được sử dụng liều cao ở phụ nữ cho con bú và không an toàn cho phụ nữ mang thai.
Phụ nữ 14 đến 18 tuổi:
- Mang thai: 13 mg/ngày.
- Cho con bú: 14mg/ngày.
Phụ nữ 19 tuổi trở lên:
- Mang thai : 11 mg/ngày.
- Cho con bú: 12 mg/ngày.
Mức dung nạp kẽm (UL) trên cho phép đối với những người không được giám sát y tế:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú trên 18 tuổi không nên dùng quá 40 mg kẽm/ngày.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú từ 14 đến 18 tuổi không nên dùng quá 34 mg/ngày.
Điều gì xảy ra nếu bà bầu tiêu thụ quá nhiều kẽm trong thai kỳ?
Lượng kẽm trong cơ thể cần phải được kiểm soát. Như người ta nói, thứ gì quá nhiều đều gây độc hại. Việc bổ sung kẽm cũng vậy. Dư thừa kẽm ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến: nôn mửa, buồn nôn, tiêu chảy hoặc thậm chí đau dạ dày. Trên thực tế, các nghiên cứu cho rằng một người trưởng thành không nên nhận quá 40 mg lượng kẽm/ngày.
Những dấu hiệu thiếu kẽm khi mang thai là gì?
Các dấu hiệu thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai bao gồm:
- Giảm thèm ăn.
- Giảm khả năng miễn dịch với dị ứng và nhiễm trùng.
- Sự phát triển của thai nhi bị suy giảm.
- Cảm giác mùi vị kém.
Xem thêm: Làm sao để giải quyết lo lắng khi miệng có vị kim loại? (Phần 2)
Nguồn thực phẩm cung cấp kẽm
Sô cô la đen
Sô cô la là món được tất cả mọi người yêu thích. Không ai có thể cưỡng lại hương vị ngọt ngào của nó. Nhưng chúng chứa lượng đường cao có thể gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, sô cô la đen khá khác biệt vì nó chứa lượng đường thấp và nhiều kẽm rất cần thiết.
Đậu lăng
Đậu lăng luôn là một nguồn vitamin và khoáng chất phong phú. Một khoáng chất có thể dễ dàng tìm thấy trong đậu lăng là kẽm. Đậu lăng cũng rất giàu protein và chất xơ. Do đó, nên đưa đậu lăng vào chế độ ăn hằng ngày.
Hạt bí ngô
Hạt bí ngô không chỉ là một nguồn kẽm tốt mà còn được tìm thấy có nhiều chất béo omega-3 và magiê. Bạn có thể thêm hạt bí ngô vào món salad hoặc sử dụng hạt bí rang cũng rất ngon.
Đậu xanh
Đậu xanh là một nguồn protein và chất xơ tốt. Do đó, đây là một lựa chọn được khuyến nghị cho người ăn chay. Một lợi thế bổ sung của đậu xanh là chúng giúp cải thiện tiêu hóa .Do đó, đậu xanh giúp bà bầu tránh trào ngược axit dạ dày hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.
Hạt vừng
Trong 100 g hạt vừng, nồng độ kẽm là khoảng 7,8 mg. Vừng cũng được tìm thấy là một nguồn phytosterol tốt. Đó là một hợp chất giúp kiểm soát cholesterol và sesamin, tức là một hợp chất giúp cân bằng nội tiết tố.
Đậu thận (đậu đỏ tây)
Đậu thận là một lựa chọn tốt nếu bạn là người ăn chay. Nguồn thực phẩm này giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Ngoài ra, chúng còn cung cấp cho bạn một chế độ ăn uống hợp lý giàu kẽm.
Sữa chua
Sữa chua được biết đến là một sản phẩm sữa có chứa nhiều chất sinh học và giàu kẽm. Trong một cốc sữa chua có đến 1,4 mg kẽm. Ăn sữa chua sẽ giúp bạn cải thiện khả năng miễn dịch, kiểm soát sự thay đổi tâm trạng và tăng cường sức khỏe tim mạch.
Thịt cừu hoặc thịt bò
Thịt cừu và thịt bò là nguồn cung cấp kẽm tốt nhất. Phụ nữ mang thai ăn thịt sẽ không có khả năng bị thiếu kẽm. Nhưng lưu ý phải chế biến thịt thật kỹ vì thịt sống có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ mang thai.
Hạt điều
Trong khoảng 30 g hạt điều sẽ có khoảng 1,6 mg kẽm được tìm thấy. Ngoài ra, chúng được tìm thấy có nhiều axit béo không bão hòa và protein. Việc ăn hạt điều sẽ giúp giảm viêm, duy trì sức khỏe xương tốt và giảm cảm giác đói vì nó giúp bạn no lâu hơn.
Bổ sung kẽm dạng viên
Khi chế độ ăn bình thường không đủ cho nhu cầu kẽm của cơ thể, nên bổ sung bằng các dạng chất bổ sung khác nhau. Thông thường có 3 dạng là: bổ sung qua đường uống, thuốc xịt mũi và dưới dạng vitamin trước khi sinh. Phụ nữ mang thai nên dùng dạng vitamin trước khi sinh.
Tuy nhiên, nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp viên kẽm cho bà bầu cùng với thức ăn. Điều này giúp giảm sự khó chịu khi sử dụng một mình viên kẽm. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ giúp mẹ lựa chọn loại cũng như liều lượng và cách thức sử dụng hợp lý để đảm bảo cho mẹ và bé.
Việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trong đó có kẽm trước và khi mang thai cũng như khi cho con bú rất quan trọng. Các mẹ bầu cần tìm hiểu kỹ và có chế độ ăn cũng như bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Luôn luôn ghi nhớ rằng phải đảm bảo tuân theo chế độ hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp tránh việc thiếu hụt hay sử dụng quá mức các chất, gây hại cho mẹ và bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Zinchttps://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-982/zinc
Ngày tham khảo: 30/05/2020