YouMed

Những kiến thức bạn cần biết về bướu cường giáp 

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bướu giáp là bệnh lý nội tiết thường gặp hiện nay. Bướu giáp có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau như suy giáp hay cường giáp. Đa số người mắc bệnh thường gặp phải bướu cường giáp. Vậy bướu cường giáp là gì? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bướu tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp to ra một cách bất thường sẽ tạo ra một khối lớn trên cổ. Khối này gọi là bướu tuyến giáp, chủ yếu là mô tuyến giáp. Đây là dấu hiệu của một bệnh lý tuyến giáp cần điều trị. Có khi sẽ phát hiện những khối tròn nhỏ, cứng trong tuyến – là nhân giáp.

Người bệnh không những có bướu giáp to mà còn bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Chính sự rối loạn này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến bệnh nhân. Hai triệu chứng điển hình thường gặp của bướu giáp là suy giáp và cường giáp.

Phân biệt bướu cường giáp và suy giáp

Có nhiều cách phân biệt giữa hai triệu chứng trên cũng như phân độ bướu giáp. Để chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được làm xét nghiệm và chẩn đoán.

  • Nếu hormone tuyến giáp tăng, bạn đang mắc cường giáp.
  • Nếu hormone giảm, bạn đang mắc suy giáp.

Tuy nhiên, có thể phân biệt cường giáp và suy giáp dựa vào triệu chứng của người bệnh đang mắc.

Triệu chứng do bướu cường giáp

Nếu người bệnh có bướu giáp và những triệu chứng sau đây thì nghĩ đến bướu cường giáp:

  • Triệu chứng tim mạch: hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh,…
  • Triệu chứng tiêu hóa: tiêu chảy, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân,…
  • Triệu chứng thần kinh: lo lắng quá mức, kích thích, vật vã,…
  • Triệu chứng hô hấp: khó thở, thở nhanh, mau mệt,…
  • Triệu chứng cơ xương khớp: mỏi cơ, yếu cơ,…
  • Triệu chứng khác như rối loạn kinh nguyệt, vú to ở nam giới,…

    Mau mệt mỏi là một trong những triệu chứng của bướu cường giáp.
    Mau mệt mỏi là một trong những triệu chứng của bướu cường giáp

Khi gặp những triệu chứng này, người bệnh nên đi đến bệnh viện để được xét nghiệm chẩn đoán.

Triệu chứng do suy giáp

Các triệu chứng của suy giáp lại rất ít biểu hiện ra bên ngoài. Nếu có thì dấu hiệu thường gặp là mệt mỏi, da khô, táo bón, tăng cân, sợ lạnh,…

Những nguyên nhân gây ra bướu cường giáp

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bướu giáp. Tuy nhiên, chỉ có một số bệnh lý có bướu gây ra cường giáp. Bướu cường giáp xuất hiện với tỷ lệ cao hơn suy giáp. Những nguyên nhân có thể kể tới là:

Bệnh Graves

Bệnh Graves là nguyên nhân gây cường giáp thường gặp nhất. Đây là một bệnh lý tự miễn kích thích tuyến giáp phát triển và chế tiết nhiều hormone.

Stress và một số thuốc là yếu tố khởi phát bệnh Graves. Những triệu chứng về mắt và phù cẳng chân là những dấu hiệu điển hình nhất của bệnh này.

Nhiễm độc giáp do bệnh Hashimoto

Đây cũng là bệnh lý tự miễn giống như bệnh Graves. Tuy nhiên, chỉ một số người bệnh có biểu hiện của bướu cường giáp. Đa số người mắc bệnh này thường có triệu chứng suy giáp nhiều hơn.

Xem thêm: Viêm giáp Hashimoto và những điều bạn cần biết

Bướu đa nhân độc tuyến giáp

Bệnh lý này là do sự đột biến gen gây nên. Do đó, nếu người bệnh thường xuyên tiếp xúc với những nguồn có yếu tố nguy cơ nhiễm xạ cao rất dễ mắc bệnh. Bệnh này cũng có thể xảy ra ở những vùng thiếu iod.

Cường giáp do thiếu iod

Bệnh dù không thường gặp, nhưng người mắc bệnh thường tiến triển cường giáp sau một đợt hấp thu nhiều iod. Iod có nhiều trong muối biển, hải sản,… và là thành phần quan trọng của thuốc cản quang dùng trong y học. Do bệnh nhân đã quen với tình trạng thiếu iod, nên khi nhập một lượng lớn iod sẽ làm tuyến giáp tăng hoạt động gây bướu cường giáp.

Khẩu phần ăn thiếu muối iod là một trong những nguyên nhân gây bướu cường giáp.
Khẩu phần ăn thiếu muối iod là một trong những nguyên nhân gây bướu cường giáp

Cường giáp do cường tuyến yên

Tuyến yên là tuyến nội tiết kiểm soát tuyến giáp. Do đó, một bệnh lý tuyến yên làm nó tăng hoạt động sẽ dẫn đến tuyến giáp cũng tăng hoạt động.

Có khi tuyến giáp phát triển thành bướu và khiến người bệnh mắc triệu chứng cường giáp. Khi điều trị bệnh này, bác sĩ thường tập trung vào tuyến yên nhiều hơn.

Viêm tuyến giáp

Tuyến giáp bị viêm nhiễm và phá hủy sẽ phóng thích một lượng lớn hormone giáp. Hiện tượng này sẽ gây ra tuyến giáp sưng to, đau và đồng thời gây ra triệu chứng cường giáp.

Viêm giáp còn được chia thành nhiều thể và loại bệnh. Trong vài trường hợp, sau khi tăng, hormone giáp sẽ bị đào thải thành bệnh suy giáp. Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp có thể là nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, thuốc.

Các phương pháp điều trị bướu cường giáp

Đa số người bệnh mắc bướu cường giáp được điều trị với thuốc. Một số người bệnh có thể sẽ phải có điều trị nâng cao hơn.

Thuốc kháng giáp

Thuốc kháng giáp giúp làm giảm hormone trong máu để tránh ảnh hưởng của nó lên cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ sẽ bổ sung thêm các thuốc khác như thuốc làm chậm nhịp tim, thuốc ức chế miễn dịch,… Thuốc không là cách điều trị dứt điểm ngay mà phải dùng lâu dài.

Xạ trị

Xạ trị giúp tiêu hủy bớt mô tuyến giáp để thu nhỏ kích thước bướu. Phần nào xạ cũng giúp cải thiện các triệu chứng cường giáp. Xạ đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân chống chỉ định với phẫu thuật và khó trị bằng thuốc.

Phẫu thuật

Tùy vào kích thước, nguyên nhân, tính chất nhân giáp sẽ có những phương pháp phẫu thuật khác nhau. Phẫu thuật giúp loại bỏ ngay khối bướu khỏi cơ thể sau mổ. Với những kỹ thuật hiện đại, ngày nay phẫu thuật đã cho thấy lợi ích cao và ít biến chứng xảy ra.

Phẫu thuật có thể cắt một phần hay toàn bộ tuyến giáp, được mổ nội soi hay mổ hở. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được bổ sung thuốc hormone giáp để tránh suy giáp sau mổ.

Phẫu thuật là một trong nhửng phương pháp điều trị bướu cường giáp hiệu quả.
Phẫu thuật là một trong nhửng phương pháp điều trị bướu cường giáp hiệu quả

Theo dõi định kỳ

Vài bệnh nhân nhẹ có thể không cần điều trị đặc hiệu. Những người này có thể tự theo dõi bệnh tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ và nhập viện khi cần thiết.

Bướu cường giáp đa phần không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Khi có những dấu hiệu bất thường kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ càng hơn. Ngoài ra, giữ một lối sống khỏe mạnh là một cách để bảo vệ tuyến giáp của bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypothyroidism (underactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

  2. Everything you need to know about a goiterhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/167559#symptoms

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

  3. Goiter & Thyroid Noduleshttps://endocrinesurgery.ucsf.edu/conditions-procedures/goiter.aspx

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

  4. Diagnosis of hyperthyroidismhttps://www.uptodate.com/contents/diagnosis-of-hyperthyroidism?search=hyperthyroidism&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1#H3

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

  5. Clinical presentation and evaluation of goiter in adultshttps://www.uptodate.com/contents/clinical-presentation-and-evaluation-of-goiter-in-adults?search=hyperthyroidism%20goiter&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

  6. Disorders that cause hyperthyroidismhttps://www.uptodate.com/contents/disorders-that-cause-hyperthyroidism?search=hyperthyroidism&topicRef=7847&source=see_link

    Ngày tham khảo: 08/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người