Chấn thương thể thao: Nhận biết và cách xử trí
Nội dung bài viết
Thể thao là một hoạt động thể chất hằng ngày phổ biến trong xã hội. Đây là một kiểu hình vận động có thể phù hợp cho cả đối tượng nghiệp dư và chuyên nghiệp. Vì số lượng môn thể thao rất nhiều, cùng cách thức tiếp cận khá dễ dàng và lợi ích mang lại đã được chứng minh, nên số lượng người chơi thể thao ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại, rủi ro chấn thương khi chơi thể thao vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hãy cùng Bác sĩ Lê Đức Đôn tìm hiểu cách phòng tránh và sơ cứu những chấn thương thể thao thường gặp.
Các loại hình chấn thương thể thao
Có nhiều kiểu chấn thương khi chơi thể thao, tuy nhiên, đa phần trong số đó được chia là hai loại chính:1
- Chấn thương cấp tính: thường xảy ra một cách đột ngột, ngay lúc va chạm khi chơi thể thao. Chúng bao gồm những chấn thương trải dài từ nhẹ đến nặng và rất nặng như: đụng giập, bong gân, căng cơ, vết đứt da, gãy xương, trật khớp,…
- Chấn thương mạn tính: đây là các dạng chấn thương xảy ra do sử dụng quá mức một cơ quan vận động và có tính lặp đi lặp lại nhiều lần. Các ví dụ có thể kể đến như: đứt dây chằng, thoái hóa khớp, hội chứng cấn gần khớp,…
Đối với các chấn thương mạn tính, bạn có thể phát hiện chúng thông qua những triệu chứng âm ỉ và kéo dài như đau dai dẳng tại khớp hoặc vùng cơ sử dụng nhiều, hạn chế vận động do cứng hoặc đau. Những triệu chứng này không làm bạn mất chức năng vận động ngay lập tức nhưng dần dần cản trở hoạt động thể thao của bạn. Do đó, bạn có thể đến gặp bác sĩ khi dần cảm thấy bản thân không chịu đựng được các triệu chứng này.
Tuy nhiên, đối với chấn thương cấp tính, bạn cần phải ngay lập tức có sự trợ giúp của nhân viên y tế để sơ cứu kịp thời và tránh làm tổn thương thêm. Ngoài ra, nếu bạn hoặc đồng đội của bạn có những kiến thức về sơ cứu chấn thương thể thao có thể giúp cho việc xử trí ban đầu trở nên chính xác và hữu ích hơn. Bài viết này tập trung vào những sơ cứu ban đầu của các chấn thương thể thao cấp tính.
Sơ cứu ban đầu trong chấn thương thể thao
Mục tiêu ban đầu của sơ cứu là ngưng các hoạt động thể thao là ngăn ngừa gây thêm tổn thương cho bệnh nhân. Người sơ cứu cần xử trí những triệu chứng rõ ràng trước khi có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế.
Những triệu chứng biểu hiện bạn đã bị chấn thương thể thao bao gồm:2
- Xương hoặc khớp bị gãy và lộ ra ngoài.
- Biến dạng tay hoặc chân: gập khúc, dấu lò xo,…
- Những vết cắt hoặc bầm trên da.
- Yếu tay hoặc chân ngay tức thì.
- Mất khả năng vận động khớp.
- Không thể chống chân, đứng dậy hoặc bước đi.
- Sưng nề và đau đột ngột sau va chạm.
Việc ngay lập tức cần làm là ngưng hoạt động thể thao lại.3 Sau đó cần người đi gọi sự hỗ trợ của đội ngũ y tế hoặc gọi 115, những người có kinh nghiệm sơ cứu sẽ thực hiện những thao tác tại chỗ để giảm đau, cố định và hạn chế tổn thương cho bệnh nhân.
Trật khớp
Khớp vai là khớp thường bị trật nhất khi chơi chấn thương thể thao, những trường hợp khác bao gồm: trật khớp khuỷu, khớp ngón tay, khớp cùng đòn,…
Khi nghi ngờ bệnh nhân trật khớp, ngay lập tức cho bệnh nhân nằm xuống ở vị trí thoải mái, hạn chế tụ tập đông người khi đang sơ cứu. Nên nhớ rằng, nếu bạn không thể hỗ trợ, thì nên tránh xa để thuận tiện nhất cho việc cấp cứu chấn thương.
Sau khi gọi 115 và chắc chắn rằng không có nguy hiểm cho người sơ cứu, bạn nên chườm lạnh tại vị trí nghi ngờ trật khớp để giảm đau và giảm sưng nề. Đá lạnh nên được đặt trong túi vải sạch để tránh bỏng lạnh. Sau đó, sử dụng những vận dụng có sẵn như băng vải, cây gỗ để cố định khớp ở vị trí bệnh nhân cảm thấy dễ chịu nhất.
Cần lưu ý một điều, không ráng nắn trật nếu bạn chưa có chẩn đoán xác định vì việc này có thể gây tổn thương thêm cũng như làm đau đớn bệnh nhân rất nhiều.4
Cố định trong trật khớp vai
Gãy xương
Đây là một chấn thương nghiêm trọng trong thể thao, vì nó thể hiện một sự va chạm rất mạnh và có thể ảnh hưởng đến vận động sau này của bệnh nhân. Gãy xương khi chơi thể thao thường là gãy xương kín (biến dạng chi nhưng không lộ xương ra ngoài).
Việc cần làm ngay là phải chắc chắn rằng bệnh nhân không bị sốc sau chấn thương, bằng cách xác định: Bệnh nhân có còn tỉnh táo? Sờ bàn tay, bàn chân có bị lạnh hay không? Và các đầu ngón có còn hồng hào hay không? Tiếp đến cần cố định xương gãy bằng nẹp gỗ chuyên dụng hoặc nẹp vải nếu có sẵn.
Đối với gãy xương chi dưới, nếu không có bất kì vật cứng nào xung quanh, bạn có thể dùng chân đối diện làm vật cố định, tức là buộc dây vào cả hai chân để hạn chế cử động.5 Trong khi chờ đợi cứu thương, bạn phải luôn kiểm tra có tổn thương mạch máu đi kèm hay không bằng việc hỏi bệnh nhân có đau nhiều, tím tái, mất cảm giác vùng tay hoặc chân bên dưới. Ngoài ra, bạn có thể bắt mạch để khẳng định lại nếu đã được huấn luyện.
Đối với gãy xương hở (xương bị lộ ra ngoài hoặc có vết thương hở lớn gần chỗ gãy), ngoài những việc nêu trên, bạn cần đắp gạc vô trùng và băng lại vết thương với băng thun sạch. Điều này giúp hạn chế nhiễm trùng cho những phẫu thuật sau này. Đối với việc rửa vết thương, những khuyến cáo gần đây cho thấy không cần thiết phải rửa bằng nước tại chỗ do có thể bị nhiễm bẩn, bạn có thể rửa bằng nước muối sinh lý ở tại các hiệu thuốc hoặc không cần rửa nếu không đảm bảo nguồn nước sạch.
Bong gân và căng cơ
Đây là hai trường hợp chấn thương mô mềm thường gặp khi chơi thể thao. Vị trí thường gặp nhất là cổ chân, kế đến là cổ tay, vùng khuỷu, gối,…
Bong gân bản chất là tổn thương dây chằng giữ vững khớp còn căng cơ là căng giãn các gân cơ (nơi bám của cơ vào xương). Hiện nay, phương pháp sơ cứu bong gân và căng cơ thường được khuyến cáo nhiều nhất là RICE.
Phương pháp RICE là gì?
Phương pháp RICE là từ viết tắt của 4 bước sơ cứu khi gặp chấn thương thể thao. Phương pháp RICE nên được bắt đầu thực hiện sớm nhất có thể:1
Rest (Nghỉ ngơi)
- Tránh đau do vận động.
- Vùng bị tổn thương nên được cố định, bảo vệ và nghỉ ngơi ít nhất 48 giờ sau chấn thương, tùy mức độ đau.
- Bất động bằng bó bột (Quấn tròn) không được chỉ định để điều trị thì đầu cho bong gân hoặc căng cơ.
- Đệm hơi và băng quấn đàn hồi được khuyến cáo cho tổn thương độ 1 và độ 2. Kể cả độ 3, nẹp chức năng vẫn được khuyến cáo tốt hơn nhiều so với bó bột tròn.
Ice (Chườm đá)
- Giúp giảm đau.
- Vùng bị tổn thương nên được ngâm trong nước đá 10 phút, hoặc chườm túi đá từ 10 đến 30 phút. Nên tránh bỏng lạnh, và vùng tổn thương nên được làm ấm trước khi lặp lại việc chườm lạnh. Động tác này có thể được thiết kế theo chu kì, ví dụ, mỗi 2 giờ lập lại sau khi bệnh nhân ngủ dậy.
Compression (Băng ép)
- Tạo ra sự thoải mái bằng việc hạn chế vận động và làm giảm sưng nề.
- Tuy nhiên hạn chế băng quá chặt gây ảnh hưởng dòng máu nuôi phía dưới. Nếu vùng mô phía dưới trở nên đau hoặc tím tái, băng ép nên được nới lỏng hoặc băng lại với mức độ nhẹ nhàng hơn.
- Nên cẩn thận với bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc có bệnh động mạch ngoại biên (người già, bệnh nhân tiểu đường).
Elevation (Kê cao chi)
- Giúp kiểm soát sưng nề.
- Vùng bị tổn thương nên được nâng cao hơn tầm mức của tim.
Một số nghiên cứu cho thấy có thể thêm P (Protection: Bảo vệ) vào phương pháp nói trên và trở thành PRICE.1 “Proctection” bao gồm mang nẹp bảo vệ hoặc đệm hơi mắc cá đối với bong gân cổ chân. Ngoài ra, khuyến cáo về PRICE chỉ ra rằng bệnh nhân nên dùng nạng để đi và chỉ chống chân tới mức độ đau có thể chịu đựng được.
Phương pháp này nên được thực hiện ngay lập tức và hầu như có hiệu quả giúp lành dây chằng đối với tổn thương độ 1 và độ 2. Đối với tổn thương độ 3, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để phục hồi thương tổn.
Rách chóp xoay
Chóp xoay là khối gân cơ bao quanh chỏm xương cánh tay, chịu trách nhiệm cho hầu hết các vận động ở khớp vai. Chúng bao gồm: gân cơ trên gai, dưới gai, tròn bé và dưới vai. Khi bị rách chóp xoay, bạn sẽ cảm thấy sưng đau vùng vai và yếu trong các động tác sử dụng cánh tay.
Khi nghi ngờ bị rách chóp xoay, bạn nên dừng ngay các hoạt động thể thao đang tham gia, sau đó chườm lạnh và để cho khớp vai nghỉ ngơi. Nếu cố gắng vận động, tổn thương có thể nặng hơn. Bạn có thể mang nẹp vải nếu điều này giúp cảm thấy dễ chịu. Nếu các triệu chứng không giảm sau 1 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.6
Vết cắt và xước trên da
Đây là những tổn thương thường gặp khi chạy bộ, đạp xe đạp hoặc trượt ván. Chảy máu hoặc vết thương hở có thể xảy ra với nhiều kiểu: vết trầy xước, vết thủng trên da, hoặc nặng nề hơn là những tổn thương mạch máu tại chỗ.
Những vết trầy xước có thể được rửa với xà phòng và nước, sau đó được sát khuẩn lại với betadine hoặc cồn y tế. Một điều quan trọng là phải dùng nước muối sinh lý vô trùng để rửa và không được đổ trực tiếp betadine hoặc cồn lên bề mặt vết thương. Những dung dịch sát khuẩn chỉ được dùng ở mép vết thương nhằm tránh nhiễm trùng từ xung quanh. Sau đó, cần đắp gạc và quấn băng thun sạch. Những hành động này có thể được lặp lại 1 – 2 lần/ngày cho đến khi vết thương lành hẳn.7
Đối với ổ chảy máu kéo dài và có vòi phun, bạn nên băng ép có trọng điểm vết thương nếu đã được huấn luyện, không nên garrot gốc chi nếu chưa có sự xác nhận của nhân viên y tế vì điều này có thể làm tổn thương trầm trọng hơn.7
Một vấn đề cần quan tâm khi sơ cứu cho bệnh nhân có dịch tiết hoặc máu là người sơ cứu cần dùng găng tay sạch để bảo vệ cho bản thân và tránh làm nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Phòng ngừa chấn thương thể thao
Để phòng tránh những chấn thương không mong muốn, bạn cần đeo đồ bảo hộ đầy đủ khi chơi thể thao. Kiểm tra điều kiện sân bãi cũng như thời tiết để tránh trơn trượt, các mảng cỏ bị bong ra hoặc nhô lên. Ngoài ra cần phải cung cấp nước đầy đủ khi chơi thể thao, điều này giúp bạn tránh được sốc nhiệt, từ đó có tinh thần tinh táo để không va chạm do bất cẩn.8
Ngoài ra, đối với những người đã từng bị chấn thương thể thao, cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị cũng như tập vật lí trị liệu. Cố gắng trở lại thể thao sớm hơn khi cơ thể chưa cho phép có thể làm bạn bị chấn thương nặng nề hơn.8
Một điều cần lưu ý nữa là không bôi bất kì loại thuốc gì lên các vị trí bị chấn thương, đặc biệt là lá cây, bột thuốc, củ hành,… lên các vết thương hở. Các cách này chưa được chứng minh hiệu quả nhưng đã có nhiều trường hợp báo cáo làm nhiễm trùng vết thương. Không nên bôi dầu nóng lên vết thương ngoại từ một số thuốc giảm đau được bác sĩ kê toa dưới dạng gel. Luôn nhớ rằng, chườm lạnh sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và giúp lành vết thương tốt hơn chườm nóng.
Tóm lại, chấn thương thể thao là một vấn đề thường gặp. Nếu muốn sơ cứu, bạn cần phải có hiểu biết và đã được huấn luyện, vì nếu làm không đúng cách, có thể sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và tổn thương thêm cho người bị nạn. Cố gắng gọi cứu thương sớm nhất có thể, trong thời gian chờ đợi, hãy làm những điều bạn có thể để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và bớt đau đớn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sports Injury First Aid Treatmenthttps://www.verywellfit.com/sports-injury-first-aid-treatment-3120820
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Sports Injurieshttps://www.niams.nih.gov/health-topics/sports-injuries
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Sports Injurieshttps://medlineplus.gov/sportsinjuries.html
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
First Aid: Dislocationshttps://kidshealth.org/en/parents/dislocations-sheet.html
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Fractureshttps://medlineplus.gov/fractures.html
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Rotator Cuff Injuryhttps://www.health.harvard.edu/a_to_z/rotator-cuff-injury-a-to-z
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
MANAGEMENT OF BLEEDING AND OPEN WOUNDS IN ATHLETEShttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3362987/
Ngày tham khảo: 25/08/2022
-
Common First Aid for Sportshttps://www.aedcpr.com/articles/common-first-aid-for-sports/
Ngày tham khảo: 25/08/2022