YouMed

Tìm hiểu cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em hiện nay

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Nhiễm trùng tai, hay còn gọi là viêm tai giữa cấp tính, là một vấn đề thường gặp ở trẻ em. Khoảng 1/4 trẻ nhỏ bị viêm tai giữa ít nhất một lần trước ngày sinh nhật đầu tiên của chúng. Nhiễm trùng tai có thể gây đau tai, sốt, và mất thính giác tạm thời cùng các dấu hiệu chung như chán ăn và cáu kỉnh. Đa số trường hợp đều diễn tiến tốt vì có nhiều cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em. Nếu được áp dụng sớm có thể ngăn ngừa biến chứng nặng. Hãy cùng bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm tìm hiểu những cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em trong bài viết dưới đây.

Viêm tai giữa ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cảm lạnh hoặc cảm cúm. Những bệnh nhiễm trùng này có thể gây viêm lớp nhầy ở mũi và cổ họng. Do đó, làm giảm khả năng bảo vệ bình thường của lớp nhầy này như loại bỏ vi khuẩn khỏi mũi. 

Cảm cúm thường xảy ra trước khi trẻ bị viêm tai giữa
Cảm cúm thường xảy ra trước khi trẻ bị viêm tai giữa

Tùy vào triệu chứng và tình trạng viêm khi bác sĩ khám tai của trẻ mà chẩn đoán mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Một trong những biến chứng thường gặp của nhiễm trùng tai là thủng màng nhĩ. Màng nhĩ có thể bị thủng khi lượng dịch viêm trong tai quá nhiều, làm giảm lưu lượng máu và khiến mô màng nhĩ yếu đi. May mắn thay, màng nhĩ thường nhanh chóng lành lại sau khi thủng, trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Ngoài ra, biến chứng khác của bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể xuất hiện là mất thính giác. Chất lỏng tích tụ sau màng nhĩ có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, dù trẻ đã hết đau tai. Hậu quả dẫn đến nghe kém, thường là tạm thời. Tuy nhiên, nếu chất lỏng vẫn còn, điều này có thể cản trở việc học hoặc giao tiếp bằng lời nói.1

Bệnh viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ em
Bệnh viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ em

Viêm tai giữa ở trẻ khi nào cần chữa trị?

Để chọn cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, các bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều vấn đề, bao gồm:2

  • Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng tai như có các biến chứng thủng màng nhĩ hay mất thính giác không.
  • Số lần trẻ bị bệnh trước đây.
  • Thời gian diễn tiến bệnh.
  • Những yếu tố nguy cơ như tuổi, bệnh lí kèm theo.

Những cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Thuốc kháng sinh1

Thuốc kháng sinh được dùng thường xuyên cho trẻ bị viêm tai giữa dưới 24 tháng tuổi. Hoặc nếu trẻ bị sốt cao hay nhiễm trùng ở cả hai tai. Trẻ em trên 24 tháng tuổi và có các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc cho theo dõi tại nhà.

Thuốc kháng sinh có thể có các tác dụng phụ như tiêu chảy và phát ban. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến khó điều trị hơn ở những lần mắc bệnh sau. Hay còn gọi là tính kháng thuốc kháng sinh. Kháng thuốc có nghĩa là một loại kháng sinh cụ thể không còn tác dụng. Hoặc lần sau cần phải dùng liều cao hơn.

Xem thêm: Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn và hiệu quả

Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị viêm tai giữa ở trẻ
Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để điều trị viêm tai giữa ở trẻ

Theo dõi

Mức độ bệnh viêm tai giữa ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị. Không phải tất cả các trường hợp đều cần được điều trị bằng kháng sinh. Vì hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai có thể tự khỏi. Vậy nên nhiều bác sĩ thường hướng dẫn bố mẹ theo dõi tại nhà. Trẻ sẽ được dùng thuốc giảm đau mà không cần dùng kháng sinh trong vài ngày; để xem tình trạng nhiễm trùng có cải thiện hay không. Nên dùng thuốc giảm đau dù con bạn đang dùng thuốc kháng sinh hay đang được theo dõi.2 

Nếu con bạn đang được theo dõi thay vì điều trị bằng thuốc kháng sinh, bạn nên cho trẻ tái khám sau 24 giờ để được bác sĩ kiểm tra. Nếu cơn đau hoặc cơn sốt của con bạn vẫn tiếp tục hoặc trầm trọng hơn, thuốc kháng sinh thường được khuyến nghị. Việc tiếp tục theo dõi có thể thích hợp nếu các triệu chứng đang tiến triển tốt.1

Trẻ em dưới 2 tuổi và những trẻ có vấn đề về ngôn ngữ hoặc học tập nên khám tai theo dõi từ 2 đến 3 tháng sau khi được điều trị nhiễm trùng tai. Những trẻ này có nguy cơ bị chậm nói về sau. Việc theo dõi này giúp đảm bảo rằng tình trạng tụ dịch (có thể ảnh hưởng đến thính giác) đã được giải quyết.1

Phẫu thuật1

Một số nghiên cứu cho thấy rằng phẫu thuật đặt các ống thông màng nhĩ trong tai giúp ngăn ngừa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em tái phát. Dụng cụ này cho phép dẫn chất lỏng chảy ra từ tai giữa. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện sẽ tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ đánh giá về tình trạng của con bạn.

Chăm sóc trẻ viêm tai giữa đúng cách

Không lấy ráy tai tại nhà3

Bên trong tai thường không cần phải làm sạch. Tai có các lông mao giúp ngăn bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập. Việc dùng tăm bông đưa vào tai có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn và tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng.

Bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ định kì để được kiểm tra và lấy ráy tai một cách an toàn. Bác sĩ có thể dùng thuốc nhỏ tai để làm mềm ráy tai và giúp chúng thoát ra ngoài dễ dàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng một dụng cụ đặc biệt để loại bỏ ráy tai.

Xem thêm: Lấy ráy tai trẻ em đúng cách, cha mẹ nên biết

Uống thuốc và tái khám đúng hẹn

Việc uống kháng sinh đủ ngày và thuốc giảm đau đúng thời điểm sẽ giúp trẻ cải thiện triệu chứng. Bên cạnh đó, theo dõi những dấu hiệu có diễn tiến nặng cũng rất quan trọng để đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời:1 2

  • Sốt.
  • Còn chảy dịch tai hoặc đau tai sau 24 – 48 giờ uống thuốc.
  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi, triệu chứng đau tai thường biểu hiện qua quấy khóc khó dỗ.
  • Lừ đừ.
  • Bú giảm hoặc ăn uống kém.

Tiêm chủng và tránh yếu tố nguy cơ

Một số trẻ em bị nhiễm trùng tai thường xuyên. Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em được xem là tái phát khi bị hơn 3 đợt trong 6 tháng. Hoặc hơn 4 đợt trong vòng 12 tháng.4

Ngoài việc tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh viêm tai giữa do phế cầu và vắc xin cúm phòng nhiễm trùng hô hấp. Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) và Học viện Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (American Academy of Family Physicians), một số can thiệp có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát. Bao gồm tránh khói thuốc, cho trẻ bú mẹ, dùng kháng sinh liều thấp liên tục (được gọi là dự phòng) hoặc phẫu thuật đặt ống thông màng nhĩ trong tai.1 5

Nhiễm trùng tai xảy ra khi vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tai giữa. Bệnh thường tự khỏi với những cách điều trị viêm tai giữa ở trẻ em cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có những biến chứng nặng có thể xuất hiện như ảnh hưởng đến thính lực. Bố mẹ cần theo dõi trẻ cẩn thận để kịp thời đưa con đến gặp bác sĩ nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Patient education: Ear infections (otitis media) in children (Beyond the Basics)https://www.uptodate.com/contents/ear-infections-otitis-media-in-children-beyond-the-basics

    Ngày tham khảo: 24/03/2022

  2. Middle Ear Infections (Otitis Media)https://kidshealth.org/en/parents/otitis-media.html

    Ngày tham khảo: 24/03/2022

  3. Dealing With Earwaxhttps://kidshealth.org/en/parents/earwax.html

    Ngày tham khảo: 24/03/2022

  4. Recurrent Acute Otitis Media: What Are the Options for Treatment and Prevention?https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5446546/

    Ngày tham khảo: 24/03/2022

  5. The Diagnosis and Management of Acute Otitis Media https://publications.aap.org/pediatrics/article/131/3/e964/30912/The-Diagnosis-and-Management-of-Acute-Otitis-Media

    Ngày tham khảo: 24/03/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người