Cách giảm đau sau khi nhổ răng nhanh chóng, an toàn
Nội dung bài viết
Nhổ răng là chỉ định cuối cùng được thực hiện khi các phương pháp còn lại không mang lại hiệu quả phục hồi và bảo vệ răng miệng tốt. Vậy sau khi nhổ răng thì cơ thể sẽ phục hồi như thế nào? Có gây đau hay không? Có cách giảm đau sau khi nhổ răng nào có thể áp dụng không? Để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi trên, mời bạn cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Quá trình phục hồi sau khi nhổ răng
Sau khi nhổ răng, bạn thường gặp phải những cảm giác khó chịu ngay tại vị trí tổn thương. Cơn đau này có thể giảm đi nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào quá trình phục hồi sau khi nhổ răng.
Quá trình phục hồi này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phức tạp của ca nhổ răng. Tiến trình này thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần và hồi phục hoàn toàn sau vài tháng. Cụ thể của quá trình phục hồi như sau:1
1. Vài giờ đầu tiên
Huyết áp được cân bằng khi máu tại vị trí nhổ đông lại bởi quá trình đông máu. Quá trình đông máu được bắt đầu từ sớm và kéo dài thêm vài ngày cho đến khi cục máu đông hình thành hoàn toàn.
2. Giai đoạn viêm (1 – 3 ngày)
Giai đoạn này giúp kiểm soát quá trình chảy máu và ngăn ngừa nhiễm trùng. Đặc trưng bởi các triệu chứng như sưng, đỏ và đau. Đây là một giai đoạn bình thường của quá trình hồi phục nên không đáng lo ngại.
3. Giai đoạn tăng sinh (4 – 21 ngày)
Giai đoạn các tế bào mới được gia tăng số lượng nhanh chóng nhằm phục hồi lại cấu trúc và chức năng ban đầu của các mô. Vào thời điểm này các vết thương có trạng thái co cứng cùng với quá trình hình thành xương mới xảy ra.
4. Giai đoạn sửa chữa (21 ngày – 6 tháng)
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình phục hồi tổn thương sau nhổ răng. Cơ thể sẽ tự sửa chữa và loại bỏ những tế bào không cần thiết và hoàn thiện vào tháng thứ 6.
Bên cạnh đó, quá trình phục hồi tổn thương sau nhổ răng cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như là:
- Phương pháp nhổ răng phụ thuộc vào tình trạng của răng cần nhổ.
- Chuyên môn của y bác sĩ và các cơ sở vật chất nơi nhổ răng.
- Tình trạng sức khỏe thể chất, hệ miễn dịch của bệnh nhân.
- Các cách vệ sinh răng miệng sau nhổ răng tại nhà.
Cách giảm đau sau khi nhổ răng
Quá trình nhổ răng sẽ mang lại các cơn đau từ nhẹ đến trung bình, tùy thuộc vào độ tuổi nhổ răng. Đối với trẻ em khi cấu trúc răng chưa ổn định, việc nhổ răng sẽ không gây cảm giác đau quá mức và quá trình phục hồi cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cơn đau lúc này sẽ ở mức độ cao hơn ở người trưởng thành. Do đó, để giảm thiểu được cơn đau, bạn có thể thực hiện theo các phương pháp được đề xuất dưới đây. Cụ thể là:1 2
1. Chườm lạnh
Chườm lạnh có tác dụng vừa có tác dụng giảm đau, vừa có tác dụng hạ nhiệt nếu kèm sốt. Có thể chườm lạnh bằng các vật dụng như túi nước đá, khăn ẩm thấm nước lạnh, gel lạnh. Nên chườm lạnh trong khoản thời gian đầu. Sau đó, có thể phối hợp luân phiên với chườm ấm nếu cần thiết. Lưu ý không chườm lạnh quá 20 phút tại một thời điểm.
2. Cắn chặt bông gòn sau nhổ răng
Việc cắn chặt bông gòn mà bác sĩ cho bạn sau nhổ răng sẽ giúp cho quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn và giảm đau nhức hơn.
3. Chườm ấm
Tình trạng sưng sẽ đạt ngưỡng sau 2 – 3 ngày nhổ răng. Khi đó, bạn có thể bắt đầu chườm ấm để giảm sưng và đau. Hơi ấm từ chườm ấm sẽ giúp cho mạch máu giãn, làm tan máu bầm và giảm sưng má. Cách làm tương tự với chườm lạnh. Chuẩn bị một khăn thấm nước ấm hoặc túi chườm chứa nước ấm. Sau đó, chườm tại khu vực bị sưng trong vòng 15 – 20 phút. Lưu ý không được chườm quá nóng do có thể gây phỏng.
4. Uống thuốc theo đơn
Thông thường, sau khi nhổ răng bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau. Vì thế, bạn nên uống thuốc đầy đủ và đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác ngoài chỉ định.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các tình trạng bất thường sau khi nhổ răng, hay đến ngay phòng khám nha khoa uy tín hoặc bệnh viện để được điều trị sớm nhất. Một số tình trạng bất thường có thể gặp như:1 2
- Chảy máu sau khi nhổ răng nhưng không cầm được máu do máu không đông.
- Các cơn đau sau nhổ răng diễn ra từ 3 ngày trở lên mà không khỏi.
- Viêm huyệt ổ răng hay còn gọi là viêm ổ răng khô, là một tình trạng đau từ trong xương và thường gặp ở người hút thuốc lá, sử dụng thuốc tránh thai khi nhổ răng.
- Viêm tủy xương hàm với các biểu hiện như sốt, sưng tấy, đau kéo dài từ 1 tháng trở lên.
Lưu ý quan trọng sau khi nhổ răng
Sau khi nhổ răng thành công, bệnh nhân cần lưu ý giữ gìn sức khỏe cũng như quan tâm tới việc vệ sinh răng miệng cùng với chế độ ăn thích hợp. Dưới đây là một số lưu ý mà bệnh nhân có thể áp dụng để mau chóng phục hồi:1 2
1. Chú ý chế độ ăn uống
Sau khi nhổ răng, bạn nên ăn thực phẩm ở dạng lỏng (cháo, nước ép trái cây, sữa,…) để tránh va chạm vào vết thương khi nhai. Không ăn những thực phẩm cay nóng hay quá cứng. Bổ sung thêm canxi, protein và vitamin trong bữa ăn và không sử dụng các chất kích thích như rượu bia.
2. Nghỉ ngơi
Khi nghỉ ngơi, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tập trung làm việc giúp cho vết thương sẽ mau lành hơn. Bên cạnh đó, nên nằm nghỉ hoặc ngủ luôn kê cao gối nằm và giữ cho đầu thẳng. Vì khi làm như thế huyết áp sẽ không bị tăng lên, tránh tình trạng máu đọng lại ở nướu, không giống với trường hợp nằm bằng hoặc thấp hơn phần còn lại của cơ thể.
3. Cách chăm sóc răng miệng
Sử dụng nước muối sinh lý hằng ngày giúp ngăn chặn và tiêu diệt được các vi khuẩn có thể gây hại đến vết thương. Thêm vào đó, việc này cũng giúp giảm sưng tấy ở những vùng xung quanh vết thương.
Ngoài ra, bệnh nhân nên đánh răng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Khi đánh răng, không nên chà xát quá mạnh dễ gây hại đến vết thương. Nên sử dụng chỉ nha khoa để lấy thức ăn thừa bám lại ở kẽ răng. Bệnh nhân phải luôn giữ cho răng miệng được sạch nhằm tránh tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
Trên đây là những thông tin về cách giảm đau sau nhổ răng an toàn, hiệu quả mà Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích được cho các bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tooth extraction stages of healinghttps://www.mouthpower.org/tooth-extraction-support/tooth-extraction-stages-of-healing/
Ngày tham khảo: 20/08/2022
-
Wisdom tooth extractionhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/wisdom-tooth-extraction/about/pac-20395268
Ngày tham khảo: 20/08/2022