Cách ngủ ngon và sâu theo lời khuyên từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Giấc ngủ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp bạn hồi phục năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng đi vào giấc ngủ. Rất nhiều người dù đã thử mọi cách nhưng vẫn gặp tình trạng nằm trằn trọc trên giường đến gần sáng. Biết được nhu cầu của mọi người, bài viết dưới đây của bác sĩ chuyên khoa Nội Tổng quát Nguyễn Lâm Giang sẽ gợi ý cho bạn cách ngủ ngon và sâu giấc.
Ngủ không đủ giấc có hại như thế nào?
Ngủ là một phần tất yếu của cuộc sống. Theo các chuyên gia y tế, người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng/ngày để đảm bảo các hoạt động của cơ thể được diễn ra bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, bao gồm:
- Giảm khả năng tập trung.
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, mệt mỏi.
- Dễ gặp phải các vấn đề tâm lý như trầm cảm,…
- Nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và dẫn đến tử vong sớm.
Dù biết được tầm quan trọng của giấc ngủ song nhiều người cảm thấy khó khăn để có được giấc ngủ chất lượng. Nguyên nhân một phần là do cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực, khiến chúng ta khó thư giãn và lên giường ngủ. Song một phần còn lại có thể là do bạn chưa biết cách ngủ ngon và sâu hiệu quả. Do đó, hãy tham khảo một vài lời khuyên dưới đây để giúp bạn cải thiện giấc ngủ.
Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ và những điều nên biết
Cách ngủ ngon và sâu
Cố gắng đi ngủ đúng giờ
Bạn nên tập thói quen đi ngủ vào một giờ cố định trong ngày. Nếu đã gần tới giờ ngủ mà vẫn còn nhiều việc chưa giải quyết xong, bạn hãy tạm gác lại công việc. Tuy nhiên, bạn có thể đi ngủ muộn hơn nhưng vẫn nên cố gắng dậy đúng giờ vào sáng hôm sau. Bạn nên tránh ngủ bù do tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể. Lâu dần, bạn sẽ quen với việc đi ngủ muộn và trở nên trằn trọc, thao thức khi đi ngủ đúng giờ.
Song nếu bạn không thể đi vào giấc ngủ trong 20 phút, bạn nên đọc sách hoặc nghe nhạc để thư giãn. Đừng cố ép bản thân phải đi ngủ khi cơ thể bạn không muốn.
Chú ý đến chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Nguyên tắc ăn uống được các bác sĩ gợi ý như sau:
- Không đi ngủ khi bụng đói.
- Không ăn quá no trong vài tiếng trước khi ngủ.
Ngoài ra, để có giấc ngủ chất lượng, bạn cần tránh một số thực phẩm như:
- Cà phê, trà.
- Đồ uống có cồn như bia, rượu,…
Các chất trên có thể kích thích não bộ và khiến bạn thao thức suốt đêm.
Tạo môi trường thư giãn
Cách ngủ ngon và sâu hiệu quả nhất chính là tạo môi trường ngủ thư giãn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên giữ nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ, giảm ánh sáng và yên tĩnh. Đồng thời, bạn nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong ít nhất 1 giờ trước khi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ. Bạn cũng nên chú ý giữ vệ sinh môi trường xung quanh, đặc biệt là phòng ngủ. Một bộ mền, gối sạch sẽ, thơm tho sẽ giúp bạn thoải mái hơn, từ đó nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Nếu bạn là người khó ngủ, các bác sĩ khuyên bạn nên tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền hoặc hít thở. Ngoài ra, việc ngâm mình trong bồn nước ấm, kèm theo vài giọt tinh dầu cũng là cách để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Xem thêm: Lợi ích của yoga đến tim mạch, huyết áp và sức khỏe của bạn và 1 số bài tập
Không ngủ quá nhiều trong ngày
Mất ngủ về đêm có thể là hệ quả của tình trạng ngủ ngày quá mức. Do đó, trong ngày bạn chỉ nên chợp mắt tối đa 30 phút. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế chợp mắt sát giờ đi ngủ.
Tập thể dục đều đặn
Tăng cường vận động là cách ngủ ngon và sâu được nhiều bác sĩ khuyến cáo. Tập thể dục đều đặn không chỉ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà còn hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏe của bạn. Do đó, việc xây dựng thói quen tập thể dục hằng ngày là điều nên làm. Song bạn cần tránh vận động mạnh sát giờ đi ngủ. Thời gian lý tưởng để tập là trước khi đi ngủ ít nhất 90 phút. Ngoài ra, nếu có thể, hãy xen kẽ thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời thay vì chỉ ở trong nhà.
Kiếm soát lo lắng
Nhiều người chia sẻ họ thường mất ngủ do hay nghĩ về những nỗi lo, những vấn đề còn tồn đọng khi lên giường ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến họ mất ngủ ngày càng nghiêm trọng.
Xem thêm: Rối loạn lo âu lan toả
Để có giấc ngủ ngon, bạn nên viết ra những suy nghĩ, những vướng bận vào một cuốn sổ nhỏ và giải quyết chúng vào hôm sau. Bạn có thể thử một số cách kiểm soát lo âu như:
- Sắp xếp lại công việc.
- Đặt thứ tự ưu tiên cho những việc cần làm.
- Giảm bớt lượng công việc hiện có.
Khi nào bạn nên liên hệ bác sĩ?
Mất ngủ là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở người trưởng thành. Một số cách ngủ ngon và sâu trên đây có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ phần nào. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên mất ngủ dù đã thử mọi cách, bạn nên liên hệ bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Ông bà ta có câu “Ăn được, ngủ được là tiên.” cho thấy tầm quan trọng của giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon là điều mà bất cứ ai cũng xứng đáng có được. Do đó, ngay từ bây giờ, hãy đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giấc ngủ. Hi vọng qua bài viết trên, bạn có thể áp dụng được một số cách ngủ ngon và sâu để có được giấc ngủ tuyệt vời nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleep tips: 6 steps to better sleephttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/sleep/art-20048379
Ngày tham khảo: 09/10/2021
-
Why Do We Need Sleep?https://www.sleepfoundation.org/how-sleep-works/why-do-we-need-sleep
Ngày tham khảo: 09/10/2021