Cảm lạnh ở trẻ: Điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Cảm lạnh thường không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nhưng nếu không phải cha mẹ nào cũng biết cách điều trị hay chăm sóc hợp lý khi trẻ bị bệnh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các thông tin cơ bản về cách điều trị và phòng ngừa bệnh cảm lạnh cho trẻ.
1. Những lưu ý để chăm sóc trẻ bị cảm lạnh
Không có cách nào ngăn chặn diễn tiến của bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp trẻ giảm các triệu chứng.
1.1. Làm sạch mũi
Điều trị tốt nhất là làm sạch mũi trong một hoặc hai ngày. Hít ngược và nuốt dịch tiết vào trong thì tốt hơn là xì mũi. Bởi vì xì mũi có thể làm chất tiết vào tai hoặc các xoang gây nhiễm trùng. Đối với trẻ nhỏ, sử dụng hút mũi bằng cao su mềm để loại bỏ dịch tiết nhẹ nhàng.
Loại bỏ nước nhầy ở mũi cũng được xem là cách loại bỏ virus. Thuốc kháng histamine chỉ hữu ích khi con bạn có tình trạng viêm mũi dị ứng.
1.2. Rửa mũi cho trẻ khi bị nghẹt
Nếu nghẹt mũi do tắc nghẽn bởi chất nhầy khô, bạn cần phải rửa mũi cho trẻ. Sử dụng thuốc nhỏ mũi, sau đó hút chất lỏng trong mũi có thể giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu.
Cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho trẻ hoặc dùng nước ấm đúng cách được xem là cách tốt nhất để làm sạch chất nhầy trong mũi. Bạn có thể pha nước muối nhỏ mũi bằng cách trộn 1/2 muỗng cà phê muối trong khoảng 250ml nước. Pha mới dung dịch muối mỗi ngày và bảo quản trong một chai sạch. Sử dụng ống nhỏ giọt hay tăm bông sạch thấm ướt để nhỏ nước vào mũi.
Đối với trẻ nhỏ không thể xì mũi
Bạn có thể nhỏ 3 – 4 giọt nước ấm hoặc nước muối sinh lí vào mỗi bên mũi. (Nếu con bạn nhỏ hơn 1 tuổi, chỉ sử dụng 2 giọt mỗi lần và nhỏ 1 lỗ mũi mỗi lần). Sau 1 phút sử dụng bóng hút cao su mềm để hút chất nhầy lỏng ra.
Để loại bỏ dịch tiết ra từ phía sau mũi, bạn cần phải bịt kín hoàn toàn cả hai lỗ mũi bằng đầu của một bóng hút ở một bên và ngón tay của bạn đè nhẹ mũi còn lại của trẻ. Nếu trẻ bị chảy máu mũi, có thể bạn đang đẩy đầu của bóng hút quá sâu. Hút mũi không quá 6 lần mỗi ngày.
Đối với trẻ lớn hơn có thể xì mũi
Bạn cho 3 giọt mỗi bên mũi trong khi trẻ nằm ngửa trên giường với đầu hơi nghiêng qua một bên. Đợi 1 phút cho nước thấm làm mềm chất nhầy khô. Sau đó hướng dẫn trẻ xì mũi. Có thể lặp đi lặp lại nhiều lần để làm sạch hoàn toàn các nhầy trong mũi.
1.3. Những sai lầm khi sử dụng nước ấm hoặc nước muối nhỏ mũi
Lỗi thường gặp là bạn không chờ đủ lâu để dịch mũi được tiết ra trước khi hút hoặc xì mũi. Hay không lặp lại quy trình cho đến khi con bạn thở dễ dàng hơn. Mặt trước của mũi có thể trông thông thoáng trong khi phía sau mũi lại khò khè với chất nhầy khô. Rửa mũi ít nhất 4 lần một ngày hoặc bất cứ khi nào trẻ không thể thở bằng mũi.
1.4. Tầm quan trọng của việc làm sạch mũi cho trẻ sơ sinh
Nếu trẻ nghẹt mũi, trẻ không thể thở bằng miệng đang bú sữa mẹ hoặc bú bình. Do đó, bạn phải làm sạch mũi trước để trẻ có thể thở trong khi bú. Ngoài ra, bạn cũng nên làm sạch mũi trước khi cho trẻ đi ngủ.
1.5. Điều trị các triệu chứng cảm lạnh khác
- Sốt: cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen khi sốt hơn 38°C.
- Đau họng: Sử dụng kẹo ngậm cho trẻ trên 6 tuổi và cho trẻ ngậm nước muối ấm nếu trên 1 tuổi.
- Ho: Dùng thuốc ho thảo dược để hỗ trợ. Có thể sử dụng 1/2 đến 1 muỗng cà phê mật ong cho trẻ em trên 1 tuổi. Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm cho không khí trong phòng bớt khô.
- Ăn uống kém: Khuyến khích trẻ uống bất kì loại nước phù hợp mà trẻ thích. Cho trẻ uống đủ nước là cần thiết để ngăn ngừa mất nước.
2. Phòng ngừa cảm lạnh như thế nào?
Cảm lạnh là do tiếp xúc trực tiếp với người đã bị cảm. Trong giai đoạn bị cảm lạnh, trẻ có cơ hội tăng cường một số khả năng miễn dịch đối với những loại virus. Nhắc trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bị cảm lạnh.
Biến chứng nhiễm trùng sau cảm lạnh thường phổ biến hơn ở trẻ nhỏ trong năm đầu đời. Cố gắng tránh để trẻ tiếp xúc với những đứa trẻ khác hoặc người lớn bị cảm lạnh.
Vitamin C được chứng minh là không ngăn ngừa hoặc rút ngắn thời gian cảm lạnh. Vitamin C liều cao (ví dụ 2 gram) có thể gây tiêu chảy.
3. Khi nào đưa trẻ đi khám?
Hầu hết các loại thuốc cảm lạnh không kê đơn đều vô ích. Trẻ không cần điều trị vì thường tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu trẻ có những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời:
- Thở mệt, thở nhanh.
- Con bạn bắt đầu có dấu hiệu ốm yếu.
- Cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày.
- Các triệu chứng cảm lạnh kéo dài hơn 14 ngày.
- Bạn không thể loại bỏ hết chất nhầy trong mũi trước khi cho trẻ bú.
- Bạn nghĩ rằng con bạn có thể bị viêm tai giữa.
- Đau họng kéo dài hơn 5 ngày.
Mặc dù cảm lạnh không cần điều trị gì, nhưng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy cha mẹ hãy lưu ý những “tips” nhỏ này để giúp con mình được thoải mái nhất có thể khi trẻ bị cảm lạnh nhé. Bệnh cảm lạnh tuy không cần điều trị gì nhưng khiến trẻ rất khó chịu. Các bậc phụ huynh nên nhận ra những điểm bất thường mà đó có thể là dấu hiệu của bệnh cảm lạnh cũng như tìm ra nguyên nhân để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn hãy tham khảo bài viết của bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm về: Cảm lạnh: Triệu chứng – Nguyên nhân – Diễn tiến để hiểu rõ hơn về chứng bệnh này nhé!