YouMed

CẬP NHẬT MỚI NHẤT: Hỏi đáp về chủng vi rút Corona mới

thạc sĩ bác sĩ trần thanh long
Tác giả: ThS.BS Trần Thanh Long
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Số ca được xác định nhiễm vi rút Corona mới ở Việt Nam hiện tại (12/02) đã lên đến con số 15. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin về các thắc mắc thường gặp về tình trạng nhiễm vi rút này. Ai nên được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi rút Corona mới? Bệnh viện nào tiếp nhận điều trị bệnh này? Nhiễm vi rút này có chết không? Có cần đeo khẩu trang không? 

Cập nhật tình hình vi-rút Corona (12/2/2020)

Cập nhật tình hình 15 ca nhiễm vi-rút Corona tại Việt Nam

  • 1 bệnh nhân nam tên Li Ding (quốc tịch Trung Quốc), 66 tuổi; nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngày 22/1.
  • 1 bệnh nhân nữ, 28 tuổi (quốc tịch Trung Quốc), con của ông Li Ding, sinh sống và làm việc tại Long An, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ngày 22/1. Đã khỏi bệnh.
  • 1 bệnh nhân nữ, 25 tuổi (Khánh Hoà), lễ tân tại khách sạn có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Đã khỏi bệnh.
  • 06 người Việt Nam đều trở về đợt tập huấn do công ty TNHH Nihon Plast Nhật Bản cử sang Vũ Hán, Trung Quốc (04 người đã khỏi và xuất viện);
  • 1 bệnh nhân nam, 73 tuổi (quốc tịch Mỹ), trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc. Phát bệnh ngày 26/1, vào viện ngày 31/1, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
  • 05 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19 (01 người đã khỏi và xuất viện);
  • 01 bệnh nhi 3 tháng tuổi, có tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19.

Các tỉnh có người mắc Covid-19: Vĩnh Phúc (10); TP.HCM (03); Khánh Hòa (01); Thanh Hóa (01).

Như vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã có 15 ca dương tính với nCoV, trong đó có 6 trường hợp đã điều trị khỏi và được ra viện. Cập nhật lúc 10h00 ngày 12-2-2020

Cập nhật tình hình bệnh nhiễm trên thế giới (12/02/2020)

Thế giới: 45.171 người mắc, 1.115 người tử vong, trong đó:

  • Lục địa Trung Quốc: 1.113 người tử vong;
  • Phillippines: 01 người tử vong;
  • Hồng Kông: 01 người tử vong

Theo nhận định của các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc nCoV đang giảm ngày thứ 2 liên tiếp ở Trung Quốc, tỉ lệ tử vong của căn bệnh này xấp xỉ 2%, trong khi 82% số trường hợp mắc bệnh đều bị nhẹ.

Ngày 11/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút nCoV-2019 là Covid-19. 2019 là năm mà vi-rút xuất hiện.

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về dịch vi-rút Corona

1. Ở đâu xét nghiệm chẩn đoán được vi rút Corona mới? 

Ở Việt Nam hiện có 3 nơi xét nghiệm người nhiễm virus nCoV:

  • 1 là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc
  • 2 là Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực Miền Trung
  • 3 là Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh khu vực phía Nam.

Xét nghiệm vi rút Corona hiện nay sau 24 giờ từ khi nhận mẫu bệnh phẩm sẽ có kết quả.

2. Bệnh viện nào tiếp nhận điều trị nhiễm vi rút Corona mới? 

2.1. Khu vực miền Bắc

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận người bệnh từ Hà Tĩnh trở ra. Trường hợp giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương quá tải, người bệnh sẽ được chuyển đến: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

2.2. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Bệnh nhân ở khu vực các tỉnh miền Trung và Tây nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên) sẽ được tiếp nhận cách ly điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

2.3. Khu vực miền Nam

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận người bệnh thuộc các tỉnh từ Khánh Hòa trở vào. Trong trường hợp hết giường bệnh dự phòng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người bệnh sẽ được chuyển đến các bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).

3. Có sốt, ho, khó thở là phải đi xét nghiệm tìm vi rút ngay? 

Nếu bạn chỉ có sốt, thì có vô vàn nguyên nhân gây nên sốt. Bạn cần nghĩ đến các nguyên nhân thường gặp khác. Nếu bạn có sốt + ho thì tương tự như trên có rất nhiều bệnh lý khác gây nên 2 dấu hiệu này. Chỉ khi có các yếu tố dịch tễ rõ ràng như tiếp xúc với người từ Vũ Hán về chẳng hạn thì mới nên tính tới chuyện nhập viện cách ly. Tuy vậy, khi có ho, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng bạn nên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Trong trường hợp có cả sốt + ho + khó thở thì bạn nên đi khám ngay. Khó thở vốn dĩ là một dấu hiệu nặng, cần được đánh giá kĩ càng. 

4. Nếu nhiễm vi rút Corona mới là chết chắc? 

Sai. Thống kê chỉ có 2% người nhiễm được phát hiện bị tử vong. Con số này thấp hơn so với đại dịch SARS trước đây với tỷ lệ tử vong là 9,6%. Nhiều người trẻ khỏe bị nhiễm vi rút thậm chí không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, điều quan tâm chính đó là sức khỏe cộng đồng. Nếu để bệnh lây lan mạnh thì con số tử vong sẽ còn tăng lên. Đối tượng tử vong đó chính là những người già, sức đề kháng kém, có các bệnh nền khác kèm theo. 

5. Bạn nên làm gì lúc này để phòng ngừa bệnh? 

  • Rửa tay trong vòng ít nhất 20 giây;
  • Ngủ đủ giấc, uống nước đầy đủ;
  • Tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;
  • Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ lây nhiễm;
  • Đeo khẩu trang đúng cách (khẩu trang y tế hay N95, loại nào cũng được) bằng cách che toàn bộ mũi miệng, dùng chỉ 1 lần;
  • Tháo khẩu trang đúng cách bằng cách tháo sợi dây từ phía lỗ tai và quăng vào thùng rác, chú ý không đụng tay vào phần che mũi miệng của khẩu trang.

6. Tôi không có triệu chứng gì, vậy tôi có cần đeo khẩu trang không? 

Theo hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO:

  • Người bình thường không có triệu chứng hô hấp như không ho, không hắt xì, hay không sốt hay, không từ vùng bệnh, không tiếp xúc với bệnh nhân hay người thân có liên quan đến virus Corona thì không cần đeo khẩu trang
  • Người bình thường có các triệu chứng hô hấp (ho, sốt, ắt xì..) nên mang mặt nạ, và mang đúng, không có sự khác bịệt giữa N95 và loại khẩu trang y tế trong việc giảm thiểu phát tán virus và ho. Điều quan trọng là kết hợp mang khẩu trang với rửa tay kỹ và các biện pháp phòng ngừa khác.
  • Nhân viên y tế tiếp xúc và chữa trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm đường hô hấp (như Corona Virus) nên mang N95 và có đồ bảo hộ, cũng như rửa tay, và các biện pháp phòng ngừa khác.

TP.HCM vừa xác định có 5 nhóm ưu tiên bắt buộc phải sử dụng khẩu trang hằng ngày để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV, bao gồm:

  • Các cán bộ, công chức, trong đó có 2.960 người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các quận, huyện; phường, xã thường xuyên tiếp xúc với người dân đến làm thủ tục hành chính.
  • Các tiểu thương, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ (chợ đầu mối và chợ truyền thống), siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
  • Các nhân viên của cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn.
  • Nhân viên bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt.
  • Nhân viên của bếp ăn tập thể (bệnh viện, trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất).

7. Bạn có thuộc đối tượng có khả năng nhiễm vi rút Corona mới? 

Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV)”, các bạn có thể tham khảo tại đây. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thang điểm sau, dễ nhớ và dễ sử dụng hơn (Lưu ý thang điểm này không phải là văn bản chính thức của bộ Y tế)

Vi rút Corona thực ra cũng là một loại vi rút cảm lạnh. Điều nguy hiểm của nó đó là vì nó “mới” và có khả năng lây từ người sang người. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Vì vậy chúng ta cần nắm được các thông tin chính xác về vấn đề này để không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn của cả cộng đồng.


Đọc thêm thông tin y tế chính thống về đại dịch viêm phổi Vũ Hán:

Infographic: Cập nhật tình hình Corona và cách phòng ngừa

Quá trình xâm nhập và truyền từ người sang người của Coronavirus mới tại Việt Nam 

Khẩu trang nào có thể giúp ngăn ngừa nhiễm viêm phổi cấp do vi rút Vũ Hán 2019-nCoV?

Viêm phổi cấp do vi rút Corona 2019-nCoV: Tổng hợp những điều cần biết

Xem thêm về YouMed:

Thông tin sức khỏe YouMed: Yên tâm với trang tin tức chính thống được tham vấn y khoa bởi đội ngũ bác sĩ, dược sĩ.

Hướng dẫn đặt lịch khám các bác sĩ, phòng khám dễ dàng qua YouMed

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người