Cát căn: Vị thuốc giải nhiệt trong mùa hè
Nội dung bài viết
Cát căn (Radix Puerariae thomsonii) là một vị thuốc rất phổ biến trong Y học cổ truyền. Ngoài ra, Cát căn (Sắn dây) còn là thức uống giải khát dân dã trong mùa hè, có tác dụng giải nhiệt, trị cảm rất tốt. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.
1. Giới thiệu Cát căn
Cát là sắn, Căn là rễ. Cây có củ như sắn nên gọi là Cát căn hay còn được gọi là Củ sắn dây, Phấn cát, Cam cát căn. Cát căn có tên khoa học là Radix Puerariae thomsonii, thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae).
1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái
Cây mọc hoang dại hay được trồng khắp nước ta. Cây trồng 2 năm thì ra hoa, thường vào tháng 9 – 10. Hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ biến chế thành dược liệu để bán hay dùng.
Từ cuối tháng 10 đến tháng 3 – 4 năm sau, người ta đào lấy rễ rửa sạch đất cát, bóc bỏ lớp vỏ giấy bên ngoài, cắt thành từng khúc dài khoảng 10cm, xông diêm sinh, sau đó phơi hoặc sấy khô. Nếu muốn chế bột sắn dây thì giã nhỏ, gạn lấy tinh bột, lọc đi lọc lại nhiều lần rồi phơi khô.
1.2. Mô tả toàn cây
Đây là cây thân thảo, dây leo. Thân hơi có lông, lá kép gồm 3 lá chét. Lá chét hình trứng, có mũi nhọn ngắn, nguyên hoặc chia 2 – 3 thùy có lông áp sát cả hai mặt. Hoa màu xanh lơ, có mùi thơm, xếp thành chùm ở kẽ lá. Quả đậu có lông dựng đứng màu vàng. Rễ phát triển to lên thành củ, phình dài ra, có thể nặng tới 20kg, ăn được.
1.3. Bộ phận làm thuốc bào chế
Thường dùng rễ (thường gọi là củ). Củ hình trụ, đường kính không đều, vỏ có màu trắng đục, vết nhăn dọc thành, thường cắt và bổ dọc thành từng khối vuông trắng vàng, nhiều xơ. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát và phơi khô. Dược liệu có màu trắng phấn mịn là thứ tốt.
1.4. Bảo quản
Đậy kín nơi khô ráo, tránh mốc mọt, tránh ẩm.
2. Thành phần hóa học
Tinh bột chiếm khoảng 15% (rễ tươi), ngoài ra còn chứa nhiều flavonoids (daizein, puerarin, formononetin, genistein, puerarol, kakkonein…), triterpenoids (sophoradiol, soyasapogenol…) và các hợp chất carbohydrate (tinh bột 10 – 14%, mannitol, pinitol) miroessterol, succinic acid, allantoin.
3. Công dụng
3.1. Y học hiện đại
- Tác dụng giải nhiệt, hạ sốt: Cách sử dụng rất đa dạng. Có thể hòa sống với nước uống giải khát, thêm một ít chanh để tăng hương vị hoặc nấu chín lên ăn như chè hay súp.
- Tác dụng đối với tim mạch: Bảo vệ thiếu máu cấp tính ở cơ tim, rối loạn ở động mạch vành, hạ huyết áp, giảm tiêu hao oxy cơ tim, điều hòa nhịp tim.
- Giãn mạch não, mạch ngoại vi, chống tình trạng thiếu oxy.
- Tác dụng giãn cơ, chống co giật, chống co thắt ruột, giảm đau đầu hay đau nhức cổ vai gáy.
- Giải độc cơ thể, bảo vệ tế bào gan, chống lão hóa.
- Nâng cao sức đề kháng, đồng thời tăng đề kháng với các loại virus đường hô hấp.
3.2. Y học cổ truyền
- Tính vị ngọt, cay, tính bình, không độc.
- Quy kinh Tỳ – Vị – Bàng quang.
- Công dụng: Giải khát, hạ sốt, cứng gáy, làm cho ra mồ hôi, khát nước, nhức đầu, tiêu chảy, lỵ ra máu, sởi thời kỳ đầu ra không hết. Hoa Cát căn còn có tác dụng giải độc của rượu.
3.3. Cách dùng và liều dùng
Ngày dùng 8 – 20g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày, nhất là trong mùa hè nóng nực, có thể dùng Cát căn (Sắn dây) hòa với nước để uống giải khát hay nấu chè, nấu súp… Tuy nhiên, để phòng ngừa nguy cơ đau bụng, tiêu chảy, tốt nhất là nên pha với nước sôi, không nên pha với nước nguội.
4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
4.1. Chữa cảm mạo, sốt
Cát căn thang (Trương Trọng Cảnh): Cát căn 8g, Ma hoàng 5g, Quế chi 4g, Đại táo 5g, Thược dược 4g, Sinh khương 5g, Cam thảo 4g, nước 600ml sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày.
4.2 Trị cảm mạo, lạnh ít, nóng nhiều, nhức đầu, đau mắt, khô mũi, khó ngủ
Sài hồ 4g, Cát căn 8g, Khương hoạt, Bạch chỉ, Hoàng liên, Thược dược mỗi thứ 4g. Cam thảo, Cát căn mỗi thứ 2g, Thạch cao 8g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 trái, sắc uống.
4.3. Trị sốt mới bắt đầu, khát nước, nóng nảy, bực dọc
Cát căn 12g, Sinh thạch cao 20g, Tri mẫu 8g, Cam thảo 8g sắc uống.
4.4. Trị tổn thương gân đến nỗi ra máu
Cát căn giã lấy nước uống, dùng khô thì sắc uống, còn bã đắp nơi đau.
4.5. Trị say rượu không tỉnh
Cát căn sống uống 2 thang, đi tiểu ra thì lành.
4.6. Trị sởi mới phát chưa mọc hết
Cát căn 12g, Ngưu bàng tử 12g, Kinh giới 12g, Thuyền thoái 12g, Liên kiều 16g, Uất kim 8g, Cam thảo 4g, Cát cánh 8g, sắc uống.
5. Kiêng kỵ
- Trẻ em, phụ nữ mang thai bị lạnh, cơ thể mệt mỏi, đang bị động thai hay người có bụng yếu, tiêu chảy, bụng đầy trướng, tay chân lạnh… không nên dùng Cát căn. Mỗi ngày không nên dùng quá 1 ly nước Sắn dây.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Âm hư hỏa vượng, thượng thực hạ hư cấm dùng.
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Âm hư, hỏa vượng hoặc sốt nóng mà sợ lạnh thì thận trọng khi dùng.
Như vậy, Cát căn là vị thuốc gần gũi và được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai.
- Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay cây thuốc và vị thuốc Đông y. Trường Đại học Y khoa Hà Nội.
- Zhang Z, Lam TN, Zuo Z (2013). "Radix Puerariae: an over views of chemistry, pharmacology and clinical use. J Clin Pharmacol tr 787-811.