YouMed

Cây hoa Cứt lợn: Vị thuốc trị viêm xoang hiệu quả

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Cứt lợn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Đặc biệt, vị thuốc có khả năng điều trị viêm xoang, viêm mũi, viêm họng rất hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Cây Cứt lợn

  • Tên thường gọi: Cỏ hôi, cây Hoa cứt lợn, cây Bù xít, Thắng hồng kế, Bù xích, cây Hoa ngũ sắc…
  • Tên khoa học: Ageratum conyzoides L.
  • Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Cứt lợn mọc hoang ở khắp nơi trên cả nước do có thể thích nghi được với mọi loại đất đai. Từ các khu đất trống, bên vệ đường, bờ ruộng hay trong vườn nhà…

Do mọc quanh năm nên có thể thu hái bất cứ lúc nào. Những cây trưởng thành được nhổ về, cắt bỏ rễ và loại bỏ các lá sâu bệnh, héo úa. Tiếp đó, dược liệu được rửa đi rửa lại qua nhiều lần nước để loại bỏ đất cát và bụi bẩn. Có thể dùng tươi hoặc khô.

Nếu dùng tươi, cần ngâm với nước muối pha loãng để khử trùng. Trường hợp dùng khô, băm nhỏ cây hoa Cứt lợn thành những khúc ngắn cỡ 2 – 3 cm trước khi đem phơi hoặc sấy khô.

Cây hoa cứt lợn
Cây Cứt lợn mọc hoang ở khắp nơi, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu khác nhau

1.2. Mô tả toàn cây

Cây nhỏ, có thân mềm, mọc thẳng, chiều cao trung bình của cây khoảng 25 – 50 cm. Thân màu xanh hoặc tím, bên ngoài bao phủ một lớp lông ngắn màu trắng.

Lá có hình trứng, mọc đối xứng, có cuống ngắn, một đầu ngọn. Kích thước mỗi lá tầm 2 – 6 cm (chiều dài) và 1 – 3 cm (bề ngang). Hai bên mép lá có hình răng cưa tròn. Mặt trên và dưới lá đều có lông. Lá màu xanh nhưng mặt dưới nhạt hơn. Vò lá đưa lên mũi ngửi thấy có mùi rất hắc.

Hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn, màu tím, trắng hay tím xanh. Mỗi bông được tạo thành bởi nhiều cánh nhỏ li ti. Dựa vào màu sắc của hoa mà dân gian chia thảo dược này thành 2 loại gồm cây Hoa cứt lợn trắng và cây Hoa cứt lợn tím.

Quả bế, màu đen, có 3 – 5 sống dọc.

1.3. Bộ phận làm thuốc – bào chế

Toàn bộ cây, trừ rễ đều được sử dụng làm thuốc. Dùng dưới dạng cây tươi hoặc cây khô đều được.

Nếu dùng để điều trị bệnh viêm xoang, ta thường dùng ở dạng cây tươi.

Toàn bộ cây hoa cứt lợn, trừ rễ đều được sử dụng làm thuốc
Toàn bộ cây cứt lợn, trừ rễ đều được sử dụng làm thuốc

1.4. Bảo quản

Với dược liệu tươi, nên dùng ngay để giữ được trọn vẹn dược tính, tránh ẩm ướt. Nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì phải để thật ráo nước, cho vào túi ni lông rồi đục vài lỗ nhỏ. Tuy nhiên, làm như vậy cũng chỉ tích trữ được thuốc 2 – 3 ngày.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Hàm lượng tinh dầu trong cây hoa Cứt lợn là 0,7% – 2%. Tinh dầu hơi sánh đặc, màu vàng nhạt đến màu vàng nghệ, mùi thơm dễ chịu. Thành phần chính của tinh dầu gồm Caryophllen, Demetoxygeratocromen và Ageratochromen. 3 thành phần này chiếm 77% tinh dầu.

Ngoài ra còn có alcaloid, saponin.

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Theo các nghiên cứu, cây Cứt lợn có có tác dụng sau:

  • Ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, trực trùng coli và tụ cầu vàng.
  • Nghiên cứu trên động vật vật cho thấy có tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng.
  • Nồng độ thấp có tác dụng làm giãn mạch ngoại biên.
  • Loãng dịch đờm và tăng dẫn lưu dịch ra khỏi các hốc xoang, từ đó cải thiện tình trạng thở khò khè, nghẹt mũi và khó chịu.
  • Ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy sự tăng trưởng của các tế bào nhờ chứa hàm lượng chất xơ và protein dồi dào.

Khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) đã áp dụng các chế phẩm của cây Cứt lợn để điều trị các chứng bệnh viêm mũi xoang:

  • Có tác dụng tốt trong điều trị viêm mũi xoang mạn và viêm mũi xoang dị ứng.Tác dụng kéo dài làm giảm nghẹt mũi, giảm viêm, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi và sổ mũi nhức đầu.
  • Tác dụng kém đối với viêm mũi xoang có mủ đặc dù cấp hay mãn.
  • Không gây tác dụng phụ trên cơ thể người bệnh, trừ tác dụng gây sốt trong thời gian ngắn khi nhỏ mũi.
  • Nhân dân thường dùng Cứt lợn để điều trị rong huyết ở phụ nữ sau sinh.
Cây Cứt lợn có thể hỗ trợ trị viêm xoang rất hiệu quả
Cây hoa Cứt lợn có thể hỗ trợ trị viêm xoang rất hiệu quả

2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Tính vị: Vị hơi đắng, tính mát, mùi hôi.

Quy kinh: Thủ Thái âm Phế và Thủ quyết âm Tâm bào.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, sát trùng, trục ứ, cầm máu.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Có thể dùng khô hoặc tươi, sắc giã vắt lấy nước cốt uống, dùng ngoài hoặc nhỏ mũi…

Liều dùng:

  • Khi uống: 15 – 30 g khô (hoặc 30 – 60 g tươi).
  • Dùng ngoài không kể liều lượng.

Đối tượng sử dụng:

  • Người mắc viêm xoang ở thời kỳ đầu.
  • Phụ nữ sau khi sinh bị rong kinh.
  • Người bị nóng trong người, nhiễm trùng, bị mụn nhọt.
  • Người bị cảm sốt.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1 Hỗ trợ điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Lấy lá cây Cứt lợn tươi 100 g rửa sạch, giã nát lấy nước thấm vào bông gòn, nhét vào lỗ mũi. Để trong thời gian khoảng 20 đến 30 phút.

Hoặc cây Cứt lợn 30 g, Kim ngân hoa 20 g, Ké đầu ngựa 12 g, Cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

4.2 Hỗ trợ trị phụ nữ rong huyết sau sinh

Cây tươi 30 – 50 g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống trong 3 – 4 ngày.

4.3 Hỗ trợ điều trị viêm hô hấp, viêm họng

Cây Cứt lợn 20 g, Kim ngân hoa 20 g, lá Rẻ quạt 6 g, Cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

Hoặc cây Cứt lợn 20 g, lá Bồng bồng 12 g, Cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

4.4 Dùng ngoài

Lá Cứt lợn làm thuốc đắp chữa vết thương phần mềm vết lở loét, vết đứt, vết chém…

Dùng một nắm cây Cứt lợn (dùng cả thân, lá, hoa), rửa sạch với nước muối, cắt nhỏ. Thuốc đắp trực tiếp lên khu vực có nhọt độc. Băng gạc cố định lại, thay thuốc mỗi ngày 2 lần.

5. Kiêng kỵ

  • Không dùng cho các trường hợp bị dị ứng với thành phần của cây.
  • Dùng dược liệu đúng liều lượng, không nên nấu uống hằng ngày thay thế hoàn toàn cho nước lọc trong thời gian dài.

Cây hoa Cứt lợn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.

  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người