YouMed

Cây Dung: Không chỉ là một loại chè uống

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Cây Dung là một loại cây phổ biến, thường được hãm làm nước chè với tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, trị đau dạ dày, tiểu chảy. Ngoài ra, cây thuốc này còn có nhiều tác dụng trị bệnh khác. Hãy cùng tìm hiểu về kinh nghiệm dùng cây Dung trị bệnh cũng như những công dụng đã được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học qua bài viết sau đây.

1. Giới thiệu về cây Dung

Cây dung còn có tên là Chè dung, Chè lang, Chè dại, Duối gia.

1.1. Nhận diện cây thuốc

Dung là cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao 1,5 – 2m, có thể cao đến 8 – 9m (nếu không bị đốn chặt), vỏ cây nứt sâu. Lá mọc so le, dày, cuống ngắn, hình trứng thuôn dài, mép có răng cưa. Mặt trên lá màu xanh đậm, lúc khô vàng xanh hay vàng nâu.

Hoa nhiều, màu trắng hay vàng lục nhạt, mọc thành chùm, trên mặt có lông mịn. Hoa có mùi thơm. Cây ra hoa khoảng tháng 2 đến tháng 12, kết quả tháng 3 – 5.

Bộ phận cây dung có thể dùng lá hoặc vỏ thân, vỏ rễ
Bộ phận có thể dùng lá hoặc vỏ thân, vỏ rễ

1.2. Nơi phân bố và thu hái

Ở nước ta, cây Dung mọc ở nhiều tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, cây còn phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Lá và quả của cây Dung
Lá và quả của cây Dung

Bộ phận dùng: vỏ cây, vỏ rễ, lá cây. Lá được thu hái quanh năm, mang về phơi hay sấy khô dùng dần. Vỏ thân hay vỏ rễ được bóc vỏ về phơi hay sấy khô. Vỏ mềm, dễ gãy vụn, màu vàng hay nâu nhạt, cắt ngang có lớp màu đỏ ở giữa.

>> Tìm hiểu thêm về một vị thuốc có công dụng tốt cho tiêu hóa tương tự: Vả: Vị thuốc quý giúp hỗ trợ tiêu hoá.

2. Thành phần hoá học

Vỏ cây và vỏ rễ chứa các alcaloid loturin, colloturin và loturidin. Vỏ có vị se và hơi thơm. Do có tính se mà người ta thường dùng tán bột uống hay sắc uống.

Trong lá có tanin và các hợp chất flavonoid.

3. Công dụng và cách dùng

Công dụng

  • Chữa đau bụng, tiêu chảy, bệnh về mắt, mụn nhọt lở, tiểu ra dưỡng trấp, rong kinh….
  • Người dân thường dùng làm chè uống cho tiêu cơm, chữa đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra còn dùng nhuộm vải, sau đó nhuộm cánh kiến đỏ cho có màu đỏ.
  • Tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, sử dụng dùng nước sắc và xirô lá Dung đất chữa đau dạ dày có tăng axit cho người lớn, với liều 15 – 30g lá khô mỗi ngày, đạt kết quả tốt.
  • Ở Ấn Độ, vỏ cây Dung đất được dùng dưới dạng bột hay thuốc sắc trị đau bụng, các bệnh đau mắt và các vết loét, rong kinh do cơ tử cung bị giãn, tiểu tiện ra dưỡng trấp. Ở Trung Quốc, lá được dùng trị đau mắt nhiệt, rễ dùng trị đòn ngã.

Cách hãm nước chè lá Dung

Mỗi lần dùng 1 – 2 nắm lá Dung, rửa sạch. Cho nắm lá vào 2 lít nước, đun sôi, đun thêm khoảng 5 phút.

Hoặc cho nắm lá vào 2 lít nước đã đun sôi, hãm trong vòng 10 – 15 phút. Ta được 2 lít nước chè Dung. Nên uống trong ngày, không để qua đêm.

Lá Dung khô
Lá Dung khô

4. Kinh nghiệm sử dụng lá Dung trị bệnh

4.1. Trị rong kinh

Vỏ Dung tán bột, trộn với đường, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g, liên tục trong 3 – 4 ngày.

4.2. Trị đau dạ dày

Kết hợp 120g lá Dung, Hương phụ tử 60g, Ô tặc cốt 40g, Mộc hương 40g, Kê nội kim 20g.

Tất cả nguyên liệu đem sao vàng và tán thành bột, trộn lại với nhau. Mỗi lần dùng 8g, uống với nước ấm, trước bữa ăn khoảng 1 giờ.

4.3. Trị vết thương, bệnh ngoài da

Dùng 20g lá Dung, cùng với 200ml nước, đun sôi đến khi còn khoảng 100ml. Dùng để uống hoặc rửa vết thương, bã có thể đắp lên vết thương (cần chú ý vệ sinh để tránh nhiễm trùng).

5. Các nghiên cứu gần đây về tác dụng điều trị của lá Dung

Trong 1 nghiên cứu trên chuột, người ta nhận thấy chiết xuất của lá Dung có thể giúp hạ lipid máu, chống oxy hóa, với cơ chế tương tự các thuốc điều trị tăng lipid máu hiện tại.

Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất của cây thuốc này có tác dụng kháng khuẩn. Có tác động ức chế phát triển một  số vi khuẩn thường gây bệnh ở người như P. aeruginosa, E. coli.

Nghiên cứu trên chuột cái, chiết xuất của cây Dung làm tăng đáng kể FSH và LH, là 2 loại hormone sinh sản. Bên cạnh đó, ở nhóm chuột uống dịch chiết cây Dung còn thấy tăng khối lượng buồng trứng. Những kết quả này phù hợp với kinh nghiệm dùng cây Dung để điều trị các rối loạn ở phụ nữ. Nó cũng cho thấy tiềm năng điều trị các rối loạn sinh sản phụ nữ.

Dịch chiết cây Dung còn cho thấy tác dụng chống ung thư, chống oxy hóa trên chuột, giúp giảm thể tích khối u, tăng tuổi thọ chuột ung thư. Còn tác dụng điều trị tiêu chảy, chống viêm và giảm đau của cây được chứng minh qua nghiên cứu trên thỏ.

Cây Dung là một cây thuốc thông dụng. Thường dùng lá, vỏ cây, vỏ rễ để trị các bệnh đường tiêu hóa, các bệnh ngoài da, rong kinh và những rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Các nghiên cứu hiện đại còn gợi ý tiềm năng điều trị tăng lipid máu, ức chế vi khuẩn, ức chế ung thư của cây Dung.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Võ Văn Chi (1991). Cây thuốc An Giang. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang.

  2. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội.

  3. A M Durkar, R R Patil, S R Naik (2014), “Hypolipidemic and antioxidant activity of ethanolic extract of  Symplocos racemosa Roxb. in hyperlipidemic rats: An evidence of  participation of oxidative stress in hyperlipidemia”, Indian Journal of Experimental Biology, volume 52, pp.36-45

  4. Devmurari V P (2010), “Antibacterial Evaluation and Phytochemical Screening of Symplocos racemosa Roxb”, International Journal of PharmTech Research, volume 2, No.2, pp.1359-1363

  5. Kamlesh Kumar Bhutani, Atul N Jadhav, Vandana Kalia (2004), “Effect of Symplocos racemosa Roxb. on gonadotropin release in immature female rats and ovarian histology”, Journal of Ethnopharmacology, volume 94(1), pp.197-200

  6. Vijayabaskaran, M.,  Badkhal, A. K (2010), “Antitumor activity and antioxidant status of Symplocos racemosa Roxb against Ehrlich ascites carcinoma in Swiss albino mice”, Research Journal of Pharmaceutical Biological and Chemical Sciences, volume 1(3), pp.306-314

  7. Mehjabeen, Ahmad Mansoor (2014), “Antidiarrhoeal, Anti-inflammatory and analgesic activities of Symplocos racemesa roxb. Bark”, Pakistan Journal of Pharmaceutical Sciences, volume 27 (6), pp.2221-2226

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người