YouMed

Cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm tại nhà

chuyên viên tâm lý nguyễn thị hương
Tác giả: Chuyên viên Tâm lý Nguyễn Thị Hương
Chuyên khoa: Tâm thần

Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm là một điều không dễ dàng. Đôi khi bạn sẽ phải đối mặt với cảm giác băn khoăn và không biết làm gì tiếp theo. Đừng quá lo lắng về điều này, bởi bạn không hề đơn độc. Có rất nhiều người cũng phải đối mặt với cảm giác tương tự khi có người thân bị trầm cảm. Một số hướng dẫn trong bài viết của Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Hương sẽ giúp bạn làm được điều đó. Hãy cùng YouMed theo dõi nhé!

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây buồn, thấp thỏm và tuyệt vọng thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi hằng ngày của người bệnh như ngủ, ăn uống, học tập, làm việc,… Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm, bất kể tuổi tác, thu nhập, văn hóa,…

Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, có hành vi làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.1

Nhận biết các triệu chứng trầm cảm

Trầm cảm thường có những triệu chứng sau:2 3

  • Cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng.
  • Dễ bị kích thích, cáu kỉnh.
  • Mất niềm vui, hứng thú với các sở thích hoặc hoạt động hằng ngày.
  • Khó tập trung, ghi nhớ.
  • Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, tuyệt vọng về tương lai.
  • Có những suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều.
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn, thay đổi cân nặng.
  • Đặc biệt mệt mỏi, không có năng lượng.
  • Đau đầuchuột rút hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa mà không có nguyên nhân rõ ràng và không thuyên giảm dù đã điều trị.

Người mắc trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc, bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Ngoài điều trị chuyên nghiệp, người bệnh cũng có thể thực hiện một số cách hỗ trợ và giúp ích cho việc chữa trầm cảm tại nhà.4 Lúc này, sự quan tâm, giúp đỡ của người thân và bạn bè cũng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị trầm cảm ở người bạn.

Cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm

Lắng nghe5

Lắng nghe là một cách thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm đến người bệnh và bạn đang hiện diện ở đây. Hãy tương tác với họ bằng những kỹ thuật lắng nghe tích cực. Để làm được điều này, bạn hãy đặt câu hỏi với họ để có thêm thông tin. Hãy chú ý dùng những câu hỏi mở và đừng thúc ép họ trả lời. Cùng với đó, hãy bày tỏ sự đồng cảm với họ thông qua lời nói và ngôn ngữ cơ thể.

Trò chuyện với người bị trầm cảm có thể khó khăn, bởi đôi khi họ không muốn trả lời. Tuy nhiên, bạn hãy kiên nhẫn và trò chuyện trực tiếp bất cứ khi nào có thể. Điều này sẽ giúp họ nhận biết rằng họ đang được quan tâm và có thể nói ra những cảm xúc khiến họ khó chịu.

Lắng nghe là một cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm
Lắng nghe là một cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm

Giúp đỡ người bị trầm cảm tiếp nhận việc trị liệu5 6

Một trong những điều cần làm khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm là khuyến khích họ tiếp nhận trị liệu. Người mắc căn bệnh này có thể không cảm nhận được vấn đề của mình. Hoặc có thể họ không biết nên tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu. Hoặc, dù biết tất cả những điều đó nhưng việc liên hệ với bác sĩ, chuyên gia là một khó khăn với họ. Khi đó, bạn có thể sẽ là cầu nối và giúp đỡ họ. Hãy giúp họ liệt kê những điều cần phải trao đổi với bác sĩ, khuyến khích họ đặt lịch hẹn đầu tiên. Tất cả những điều này đều sẽ rất hữu ích với người bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm trong quá trình trị liệu5

Dù đã tiếp nhận việc trị liệu, người bị trầm cảm vẫn có thể gặp vấn đề trong suốt quá trình đối mặt với căn bệnh này. Lúc này, với vai trò là người thân hay người chăm sóc, bạn hãy hỗ trợ để họ tiếp tục. Nếu người bệnh muốn hủy bỏ buổi hẹn với chuyên gia, bạn hãy ghi nhận sự cố gắng của họ ở những lần hẹn khám trước. Đồng thời, hãy gợi mở những điều tích cực có thể xảy ra ở buổi trị liệu này.

Ngoài ra, hãy giúp họ uống thuốc đúng liều và đúng giờ. Nếu họ cảm thấy quá khó chịu với những tác dụng phụ của thuốc, bạn có thể hỗ trợ họ nói với bác sĩ.

Đặc biệt lưu ý, chúng ta không nên tự ý giúp người bệnh ngưng uống thuốc trầm cảm. Việc tự ngưng thuốc có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Hỗ trợ những công việc thường ngày5 7

Để chăm sóc bệnh nhân trầm cảm, bạn hãy chủ động giúp đỡ họ trong những công việc thường ngày. Với người bệnh, những hoạt động như thức dậy, giặt quần áo, nấu ăn,… đều trở nên khó khăn. Thậm chí họ cũng không biết cách mở lời nhờ đến sự giúp đỡ như thế nào. Vì thế, bạn hãy chủ động hỏi xem họ cần giúp điều gì nhất và hỗ trợ theo lời đề nghị đó.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể quan sát xem họ đang cần điều gì và đề nghị làm điều đó cùng với họ. Một công việc như đi mua đồ ăn, cùng rửa bát hoặc giặt giũ,… Điều đó vừa giúp họ bớt đi việc tự cô lập bản thân vừa giúp công việc được hoàn thành tốt hơn.

Hãy hỗ trợ người bệnh những công việc thường ngày
Hãy hỗ trợ người bệnh những công việc thường ngày

Nâng cao sự hiểu biết về bệnh trầm cảm5 7

Việc hiểu về bệnh trầm cảm không chỉ có ích trong việc chăm sóc người bệnh mà còn tốt đối với chính bạn. Khi hiểu rõ những triệu chứng cũng như nguy cơ mà căn bệnh mang lại, bạn sẽ chủ động hơn khi chăm sóc.

Ngoài ra, kiến thức về bệnh trầm cảm sẽ giúp bạn dễ dàng có những cuộc trò chuyện sâu với người bệnh. Bạn sẽ dễ nắm bắt những cảm xúc tiêu cực mà người bệnh đang gặp phải. Điều này còn đặc biệt hữu ích nếu người bệnh bị ám ảnh bởi cái chết và có ý định tự tử.

Hạn chế các hành động và suy nghĩ cá nhân5

Một điều cần nhớ khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm là bạn nên hạn chế lại những hành động hay suy nghĩ cá nhân. Điển hình là việc đưa ra lời khuyên, cố gắng sửa chữa tình trạng trầm cảm hay coi việc mắc bệnh là một tội lỗi.

Trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng và cần được chữa trị một cách nghiêm túc. Bệnh sẽ không biến mất chỉ bằng vài câu nói mang tính tích cực. Người bệnh cũng chưa chắc đã có thể tiếp thu những lời khuyên dù chúng tốt như thế nào.

Ngoài ra, đừng cố so sánh bệnh tình của họ với ai khác hoặc coi trải nghiệm của họ là điều thông thường. Thay vào đó, bạn chỉ cần hiện diện và đồng cảm với tất cả những gì người bệnh đang trải qua.

Tránh việc đưa ra lời khuyên khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm
Tránh việc đưa ra lời khuyên khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm

Tìm hiểu và cảnh giác với các dấu hiệu tự tử7

Những người mắc trầm cảm có khả năng tìm đến tự tử. Hãy tìm hiểu các dấu hiệu của hành vi này một cách nghiêm túc và có những hành động ngăn chặn kịp thời.

Một số dấu hiệu cảnh báo phổ biến về tự sát hoặc suy nghĩ tự tử:

  • Nói về tự tử. Ví dụ: tuyên bố “Tôi sẽ tự sát”, “Ước gì tôi đã chết” hoặc “Tôi ước mình đã không được sinh ra”,…
  • Sử dụng các phương tiện để cố gắng tự sát, chẳng hạn như việc dự trữ thuốc.
  • Không tiếp xúc xã hội và muốn ở một mình.
  • Thay đổi tâm trạng, cảm xúc dâng cao vào một ngày nào đó và chán nản sâu sắc vào ngày hôm sau.
  • Cảm thấy tuyệt vọng quá mức về một sự việc.
  • Uống rượu, bia nhiều hơn.
  • Thay đổi thói quen bình thường, bao gồm cả thói quen ăn, uống hoặc ngủ nghỉ.
  • Thực hiện những hành vi mạo hiểm (lái xe nhanh, ẩu).
  • Cho tặng đồ đạc hoặc sắp xếp công việc mà không có lý do.
  • Chia tay mọi người như thể họ sẽ không bao giờ gặp lại.

Chăm sóc bản thân cũng là chăm sóc người bệnh5 7

Chăm sóc bệnh nhân trầm cảm cần nhiều sự kiên nhẫn và công sức. Và để làm tốt những điều này, bạn cũng cần phải chăm sóc tốt bản thân mình. Đừng dành tất cả thời gian cho người bệnh vì việc này có thể khiến bạn kiệt sức và cảm thấy mệt mỏi. Do đó, đừng quên quan tâm bản thân và dành cho mình những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Hãy biết giới hạn của bản thân ở đâu và luôn bảo đảm rằng bạn có thời gian để nạp năng lượng lại cho cơ thể. Chỉ khi chúng ta thực sự ổn với bản thân mình thì mới có thể chăm sóc người khác được tốt nhất.

Việc chăm sóc bệnh nhân trầm cảm có thể không dễ dàng ngay từ ban đầu. Bản thân việc này đôi khi cũng sẽ rút cạn năng lượng và tổn hại đến tinh thần bạn. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và những kiến thức cần thiết, hãy tin rằng bạn có thể vượt qua chúng và giúp người bệnh tiến triển tốt hơn. Nếu có khó khăn, bạn cũng đừng ngần ngại tìm đến sự trợ giúp của những người khác. Và quan trọng nhất, bạn đừng bỏ quên chính mình. Đó cũng là cách để bạn giúp người bệnh được lâu dài. Hy vọng bài viết đã chia sẻ những thông tin về cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm hữu ích cho bạn đọc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Depressionhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9290-depression

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

  2. Depressionhttps://www.nimh.nih.gov/health/publications/depression

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

  3. Depressionhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

  4. Depression (major depressive disorder)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

  5. How to Help a Depressed Friendhttps://www.healthline.com/health/how-to-help-a-depressed-friend

    Ngày tham khảo: 29/07/2021

  6. Depression: Supporting a family member or friend Printhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression/art-20045943

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

  7. How can you help a loved one with depression?https://www.medicalnewstoday.com/articles/326863

    Ngày tham khảo: 29/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người