Những điều bạn cần biết về chẩn đoán đái tháo đường
Nội dung bài viết
Chẩn đoán đái tháo đường chính xác là một điều cần thiết không chỉ dành riêng cho các nhân viên y tế. Đây còn là một thông tin mà mọi người cũng nên tìm hiểu để kịp thời phát hiện bệnh. Hãy cùng YouMed đọc qua bài viết sau đây để rõ hơn các bạn nhé!
Đái tháo đường là gì?
Thế nào là đái tháo đường?
Trước khi chẩn đoán đái tháo đường thì chúng ta nên biết đái tháo đường là gì. Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính kéo dài. Bệnh lý này ảnh hưởng đến cách chuyển hóa thức ăn trong cơ thể thành năng lượng.
Phần lớn thực phẩm con người ăn vào sẽ được phân giải thành đường đơn (còn gọi là glucose) và được phóng thích vào máu. Khi nồng độ glucose trong máu của chúng ta tăng lên, nó sẽ kích thích tuyến tụy bài tiết ra hormon insulin. Insulin sẽ chuyển glucose từ máu vào trong các tế bào của cơ thể con người để sử dụng sản sinh ra năng lượng.
Nếu một người bị bệnh đái tháo đường, cơ thể của người bệnh ấy sẽ sản xuất không đủ hormon insulin. Hoặc cơ thể người bệnh không thể sử dụng insulin một cách tốt nhất như bình thường. Khi ấy, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng cao và xuất hiện glucose trong nước tiểu. Chính vì vậy mà bệnh này có tên gọi là đái tháo đường hay tiểu đường.
Phân loại bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường được chia thành những loại chính sau đây:
Đái tháo đường tuýp I
Đái tháo đường tuýp I còn được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin. Bệnh lý này xuất phát từ nguyên nhân phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Tình trạng tự miễn này khiến cơ thể người bệnh ngừng hoặc giảm sản xuất insulin. Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp I chiếm tỷ lệ từ 5 đến 10%.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường diễn ra rầm rộ và tiến triển nhanh chóng. Bệnh đái tháo đường loại này thường được chẩn đoán ở những người trẻ tuổi và trẻ em. Nếu một người mắc bệnh đái tháo đường tuýp I, người đó sẽ phải dùng insulin hàng ngày để tồn tại.
Đái tháo đường tuýp II
Trong loại bệnh đái tháo đường này, cơ thể người bệnh sử dụng không tốt insulin và không thể điều chỉnh nồng độ glucose trong máu ở giới hạn bình thường. Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp II chiếm tỷ lệ khoảng 90 đến 95% trong số những bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường tuýp II tiến triển âm thầm trong một khoảng thời gian dài và thường được chẩn đoán ở người trưởng thành, trung niên, người cao tuổi. Người bệnh rất có thể không nhận ra bất kỳ triệu chứng nào nổi bật. Vì vậy, tốt nhất, bạn nên xét nghiệm đường huyết khi mình có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ xuất hiện ở những thai phụ chưa từng mắc bệnh đái tháo đường trước đó. Nếu một thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ, con của thai phụ ấy sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường chấm dứt sau khi sản phụ sinh em bé. Tuy nhiên, nó lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp II sau này. Con của người bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao bị béo phì. Đồng thời cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp II trong tương lai.
Tiền đái tháo đường
Khoảng hơn 1/3 người Mỹ trưởng thành bị tiền đái tháo đường . Bên cạnh đó, hơn 80% trong số họ không hề nhận ra mình đang mắc bệnh. Khi người bệnh ở giai đoạn tiền đái tháo đường, nồng độ đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, nó chưa đủ cao để đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán là đái tháo đường tuýp II. Tiền đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp II, bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chẩn đoán đái tháo đường
Khó khăn của việc chẩn đoán đái tháo đường
Việc chẩn đoán đái tháo đường phải dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp I thường xuất hiện rầm rộ và thường là nguyên nhân khiến người bệnh đi khám bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của các loại bệnh đái tháo đường khác và tiền tiểu đường thường không rõ ràng và tiến triển rất âm thầm.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đề ra tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường như sau: Để được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán sau đây:
- Có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường (bao gồm ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều). Đồng thời nồng độ đường trong máu ≥200 mg/dL. Việc kiểm tra nồng độ đường trong máu có thể được thực hiện bất kỳ. Vì vậy nên xét nghiệm này được gọi là đường huyết bất kỳ.
- Có mức đường huyết lúc đói ≥126 mg/dL. Xét nghiệm đường huyết lúc đói (glucose huyết tương lúc đói) cần được thực hiện sau khi người bệnh không ăn và không uống bất cứ thứ gì ngoài nước trong ít nhất 8 giờ.
- Nghiệm pháp dung nạp Glucose đường uống trong 2 giờ ≥200 mg/dL.
- Có nồng độ HbA1c trong máu từ 6,5% trở lên.
Chẩn đoán tiền đái tháo đường
Trong những trường hợp sau đây:
- Kết quả xét nghiệm đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/Dl.
- Nghiệm pháp dung nạp đường huyết đường uống của người bệnh từ 140 đến 199 mg/dL (2 giờ sau khi bắt đầu xét nghiệm).
- HbA1c của người bệnh từ là 5,7% đến 6,4%.
Những trường hợp này sẽ được chẩn đoán là tiền đái tháo đường. Điều này đồng nghĩa với tình trạng nồng độ đường trong máu của bạn cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, nó không đủ cao để trở thành bệnh đái tháo đường. Khi ấy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết về việc theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.
Những lưu ý trong thói quen sinh hoạt của người bệnh đái tháo đường
Để đường huyết trong máu luôn ở mức ổn định, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý những vấn đề sau:
- Ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn cần tăng cường chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc. Đồng thời duy trì một chế độ ăn với sữa không béo và thịt nạc. Hạn chế tối đa thức ăn ngọt, chứa nhiều đường, tinh bột cũng như mỡ động vật.
- Tập thể dục thường xuyên. Thói quen này không những giúp ổn định đường huyết mà còn giúp người bệnh hạn chế nguy cơ tim mạch.
- Khám sức khỏe định kỳ. Mục tiêu là để các bác sĩ phát hiện những biến chứng và xử trí kịp thời. Cũng như theo dõi những chỉ số xét nghiệm cần thiết bao gồm: HbA1c, mỡ máu, chức năng tim, gan, thận,…
- Ngừng hút thuốc lá. Việc làm này rất có lợi cho người bệnh. Nó vừa giúp người bệnh hạn chế những biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đồng thời hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
- Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn. Bởi vì những thức uống này có thể làm cho lượng đường trong máu của người bệnh không ổn định. Đồng thời ảnh hưởng đến chức năng gan.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề chẩn đoán đái tháo đường. Cũng như những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh. Mục đích là để phát hiện một cách sớm nhất để điều trị kịp thời. Đồng thời hạn chế được những biến chứng mà bệnh có thể gây ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
6 Lifestyle Changes to Control Your Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/diabetes-lifestyle-tips
Ngày tham khảo: 15/05/2021
-
Everything You Need to Know About Diabeteshttps://www.healthline.com/health/diabetes
Ngày tham khảo: 26/02/2020
-
Diabeteshttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diabetes
Ngày tham khảo: 13/04/2021
-
Diabeteshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444
Ngày tham khảo: 30/10/2020