YouMed

Tiền đái tháo đường: Kiểm soát nguy cơ chuyển sang đái tháo đường

Thạc sĩ, Bác sĩ CKI Võ Đình Bảo Văn
Tác giả: ThS.BS Võ Đình Bảo Văn
Chuyên khoa: Nội tiết

Đái tháo đường là bệnh nội khoa mãn tính rất phổ biến hiện nay. Giai đoạn đầu bệnh biểu hiện dưới dạng tiền đái tháo đường. Nhận biết được giai đoạn này có thể điều trị sớm, giảm tỷ lệ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Đình Bảo Văn tìm hiểu tiền đái tháo đường, cũng như cách kiểm soát nguy cơ này chuyển sang đái tháo đường nhé.

Tiền đái tháo đường là gì?

Định nghĩa1 2

Tiền đái tháo đường (ĐTĐ), hay còn gọi là tiền tiểu đường, là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn mức bình thường, nhưng không thỏa tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường. Bao gồm những người có rối loạn đường huyết lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucose (RLDNG), hoặc HbA1c có giá trị từ 5,7 – 6,4%.

Thời gian từ tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường

Tiền ĐTĐ là giai đoạn trung gian giữa người bình thường và đái tháo đường típ 2. Tiền ĐTĐ sẽ tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và nguy cơ chuyển sang ĐTĐ trong tương lai. Khoảng 5 – 10% bệnh nhân tiền ĐTĐ sẽ trở thành ĐTĐ hàng năm, và tổng cộng 70% bệnh nhân tiền ĐTĐ sẽ thành ĐTĐ thực sự.

Nếu bạn được chẩn đoán tiền ĐTĐ, các biến chứng mạn tính của bệnh ĐTĐ – đặc biệt là đối với tim, mạch máu và thận – có thể đã bắt đầu. Tuy nhiên, có một tin tốt rằng, quá trình tiến triển từ tiền tiểu đường thành ĐTĐ típ 2 không phải là không thể tránh khỏi.3

Tỷ lệ tiền đái tháo đường

Theo International Diabetes Federation – IDF (Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế) năm 2019, toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20 – 79 có RLDNG (tương ứng khoảng 7,5%). Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 548,4 triệu (8,6%), trong đó gần một nửa bệnh nhân (khoảng 48,1%) dưới 50 tuổi.4

Tại Việt Nam, cũng theo báo cáo của IDF 2019, tỉ lệ người bị RLDNG chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân ĐTĐ.1

Tầm soát tiền đái tháo đường2

Tầm soát tiền tiểu đường được khuyến khích vì giúp dự đoán trước khả năng có thể chuyển sang ĐTĐ típ 2 thật sự. Có từ 5 – 10% đối tượng tiền ĐTĐ chuyển sang ĐTĐ mỗi năm, so với 2% trong dân số chung có nồng độ đường huyết bình thường.

Những đối tượng kết hợp cả rối loạn đường huyết đói và rối loạn dung nạp glucose sẽ chuyển sang ĐTĐ với tỷ lệ cao hơn đối tượng chỉ có rối loạn đường huyết đói đơn thuần.

Mỗi năm có khoảng 5% đối tượng tiền tiểu đường với HbA1c từ 5,7 – 6% chuyển sang ĐTĐ. Nếu HbA1c từ 6,1-6,4% thì tỷ lệ này sẽ là 10%. Nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác thì tỷ lệ chuyển từ tiền ĐTĐ sang ĐTĐ có thể lên đến 30% mỗi năm. Những yếu tố nguy cơ cần tầm soát tiền ĐTĐ sẽ được đề cập chi tiết bên dưới.

Nguyên nhân tiền đái tháo đường

Cơ chế bệnh sinh

Tiền ĐTĐ được xem là hậu quả của tình trạng đề kháng insulin và suy giảm chức năng của tế bào beta tụy (có nhiệm vụ sản xuất insulin). Ở chủng tộc da trắng và châu Phi, tình trạng đề kháng insulin có thể xuất hiện trước; tuy nhiên trên chủng tộc da vàng châu Á sự suy giảm chức năng tế bào beta tụy có thể xuất hiện trước, hay đồng thời với tình trạng đề kháng insulin. Vì vậy, rối loạn glucose máu lúc đói có thể xuất hiện trước và diễn tiến dần sang rối loạn dung nạp glucose hay ngược lại; hoặc cả hai đều có thể xuất hiện đồng thời khi chẩn đoán tiền tiểu đường.2

Sự khác biệt tương đối giữa rối loạn glucose máu lúc đói và rối loạn dung nạp glucose được tóm tắt trong bảng sau:

Đặc điểm Rối loạn đường huyết đói Rối loạn dung nạp glucose
Giới Thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới Thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới
Độ tuổi Trẻ Cao tuổi
Rối loạn mỡ máu Tăng triglyceride hoặc giảm HDL-Cholesterol
Vị trí đề kháng insulin Gan
Khiếm khuyết chức năng tế bào beta tụy Rối loạn pha tiết sớm Rối loạn pha tiết muộn

Insulin là một loại hormone được tiết ra bởi tuyến tụy, hoạt động giống như một chiếc chìa khóa giúp đưa đường từ trong máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Nếu bị tiền ĐTĐ, các tế bào trong cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng đề kháng với insulin. Lúc này, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để cố gắng khiến các tế bào đáp ứng với tình trạng này. Cuối cùng, tình trạng đề kháng insulin tăng lên, tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin. Do đó lượng đường trong máu người bệnh tăng lên, tạo tiền đề cho bệnh tiền tiểu đường, cũng như nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ típ 2.5

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của tiền ĐTĐ hiện tại vẫn chưa được biết rõ. Nhưng tiền căn gia đình và yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò quan trọng. Có một điều rõ ràng là những bệnh nhân bị tiền ĐTĐ thì quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể không còn diễn ra như bình thường nữa.5

Yếu tố di truyền có thể liên quan đến việc hình thành tiền đái tháo đường
Yếu tố di truyền có thể liên quan đến việc hình thành tiền đái tháo đường

Yếu tố nguy cơ tiền tiểu đường

Các yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ típ 2 cũng làm tăng nguy cơ tiền ĐTĐ. Những yếu tố này bao gồm:1 3

  • Cân nặng: Béo phì hay thừa cân (BMI ≥ 23 kg/m2 đối với người Việt Nam) là một yếu tố nguy cơ chính của tiền ĐTĐ. Người bệnh càng có nhiều mô mỡ (đặc biệt là mỡ bụng), các tế bào của người bệnh càng trở nên đề kháng với insulin.
  • Chu vi vòng bụng: Vòng bụng lớn có thể cho thấy tình trạng kháng insulin. Nguy cơ kháng insulin tăng lên đối với nam giới có vòng bụng lớn hơn 90 cm, và đối với phụ nữ có vòng bụng lớn hơn 80 cm.
  • Chế độ ăn. Ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, và uống các loại đồ uống ngọt có đường, có liên quan đến nguy cơ tiền ĐTĐ cao hơn.
  • Lối sống tĩnh tại: Người càng ít vận động, nguy cơ mắc tiền ĐTĐ càng cao.
  • Tuổi tác: Mặc dù bệnh ĐTĐ có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tiền tiểu đường sẽ tăng lên sau 35 tuổi.
  • Tiền căn gia đình: Nguy cơ tiền ĐTĐ của bạn tăng lên nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh ĐTĐ típ 2.
  • Chủng tộc hoặc sắc tộc: Mặc dù không rõ lý do, nhưng một số người – bao gồm người da đen, gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ và người Mỹ gốc Á – có nhiều khả năng bị tiền ĐTĐ hơn.
  • Đái tháo đường thai kỳ: Nếu mẹ bầu bị ĐTĐ khi đang mang thai (ĐTĐ thai kỳ), thì cả mẹ và bé có nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường cao hơn.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Những phụ nữ có tình trạng này – đặc trưng bởi kinh nguyệt không đều, tóc mọc nhiều và béo phì – có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ cao hơn.
  • Ngưng thở khi ngủ: Những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn – một tình trạng làm gián đoạn giấc ngủ lặp đi lặp lại – có nguy cơ đề kháng insulin cao hơn. Đặc biệt những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng tình trạng đề kháng insulin và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ típ 2 ở những người bị tiền tiểu đường. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị các biến chứng mạn tính của bệnh ĐTĐ.
  • Có tiền sử bệnh lý tim mạch: Các bệnh nhân có các bệnh lý như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim… cũng tăng nguy cơ mắc tiền ĐTĐ.
  • Tăng huyết áp: Các bệnh nhân có huyết áp cao ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị thuốc hạ áp có nguy cơ cao mắc tiền ĐTĐ.
  • Rối loạn mỡ máu: giảm HDL-cholesterol < 35 mg/dL hoặc tăng triglyceride > 250 mg/dL.
Người có lối sống tĩnh tại, ít vận động nên được tầm soát tiền đái tháo đường thường xuyên
Người có lối sống tĩnh tại, ít vận động nên được tầm soát tiền đái tháo đường thường xuyên

Do đó, cần tầm soát tiền ĐTĐ cho những đối tượng có các yếu tố nguy cơ kể trên. Nếu kết quả bình thường, nên tầm soát lại trong vòng 1 – 3 năm sau; hoặc sớm hơn phụ thuộc vào kết quả trước đó và các yếu tố nguy cơ.1

Triệu chứng tiền đái tháo đường

Tiền ĐTĐ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một dấu hiệu có thể có của tiền ĐTĐ là dấu gai đen –  là tình trạng da ở một số bộ phận trên cơ thể bị sẫm màu, gây ra bởi tình trạng đề kháng insulin. Các vị trí thường quan sát thấy dấu gai đen trên cơ thể bao gồm cổ, nách và bẹn.3

Dấu gai đen xuất hiện ở vùng nách
Dấu gai đen xuất hiện ở vùng nách

Các triệu chứng kinh điển cho thấy bạn đã chuyển từ giai đoạn tiền tiểu đường sang bệnh ĐTĐ típ 2 bao gồm:3

  • Khát nước nhiều.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Tăng cảm giác đói.
  • Mệt mỏi.
  • Nhìn mờ.
  • Cảm giác tê hoặc châm chích ở bàn chân hoặc bàn tay.
  • Dễ bị nhiễm trùng.
  • Vết loét chậm lành.
  • Sụt cân ngoài ý muốn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu chưa được chẩn đoán tiền ĐTĐ, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có các yếu tố nguy cơ đã được đề cập ở trên của tiền tiểu đường, để được tiến hành tầm soát bệnh.

Nếu đã được chẩn đoán tiền ĐTĐ, người bệnh cần phải liên hệ bác sĩ khi có các triệu chứng kinh điển cho thấy bạn đã chuyển từ giai đoạn tiền ĐTĐ sang bệnh ĐTĐ típ 2. Khi đó, bác sĩ sẽ phải thực hiện các xét nghiệm máu để chẩn đoán xác định.

Hiện nay, các bệnh viện công lẫn bệnh viện tư đều có tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán tiền tiểu đường. Người bệnh có thể chọn những bệnh viện gần ở địa phương để thuận tiện cho việc di chuyển.

Người bệnh nên khám ở chuyên khoa Nội tiết hoặc Nội tổng quát. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đến cơ sở y tế để tầm soát tiền ĐTĐ, bệnh nhân cần nhịn ăn trong ít nhất 8 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm đường huyết đói. Nhịn ăn có nghĩa bạn không nhập calo vào cơ thể, hay nói cách khác là không ăn hoặc uống gì ngoại trừ nước lọc/nước tinh khiết trong ít nhất 8 giờ.

Chẩn đoán tiền đái tháo đường

Các xét nghiệm chẩn đoán3

Các xét nghiệm có thể được chỉ định bao gồm:

1. Xét nghiệm định lượng nồng độ Hemoglobin A1c (HbA1c)

Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong vòng 2 – 3 tháng qua. Khi thực hiện xét nghiệm này, bạn không cần nhịn đói và có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Kết quả:

  • HbA1c < 5,7% là bình thường
  • HbA1c từ 5,7% đến 6,4% được chẩn đoán là tiền tiểu đường.
  • HbA1c ≥ 6,5% trong 2 mẫu xét nghiệm riêng biệt giúp chẩn đoán đái tháo đường.

Lưu ý: HbA1c không có giá trị để chẩn đoán và theo dõi, nếu có một trong các tình huống sau:1

  • Bệnh hồng cầu hình liềm.
  • Thai kỳ (3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ và giai đoạn hậu sản).
  • Thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD).
  • Nhiễm HIV.
  • Lọc máu.
  • Mới bị mất máu hoặc truyền máu.
  • Đang điều trị với erythropoietin ở bệnh nhân suy thận mạn.

2. Xét nghiệm đường huyết đói

Đường huyết đói là lượng đường trong máu được đo sau khi bạn nhịn ăn (không nhập calo vào cơ thể, hay nói cách khác là không ăn hoặc uống gì ngoại trừ nước lọc/nước tinh khiết) trong ít nhất 8 giờ. Do đó, bạn cần phải nhịn đói qua một đêm, trước khi lấy máu tĩnh mạch để thực hiện xét nghiệm này.

Kết quả đường huyết được biểu thị bằng đơn vị mg/dL hoặc mmol/L tùy cơ sở xét nghiệm.

  • Đường huyết đói < 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường.
  • Đường huyết đói từ 100 mg/dL đến 125 mg/dL (5,6 mmol/L đến 6,9 mmol/L) được chẩn đoán là tiền đái tháo đường.
  • Đường huyết đói ≥ 126 mg/dL (7,0 mmol/L) trong hai mẫu xét nghiệm riêng biệt giúp chẩn đoán đái tháo đường.

3. Nghiệm pháp dung nạp glucose

Xét nghiệm này ít được sử dụng hơn các xét nghiệm khác, ngoại trừ khi đang mang thai. Khoảng 2 – 3 ngày trước khi thực hiện nghiệm pháp, bạn cần ăn chế độ ăn có 200 – 300 g carbohydrate mỗi ngày. Trước ngày làm xét nghiệm, bạn cần nhịn ăn qua đêm và sau đó uống 75 g glucose hòa tan trong 250 – 300 ml nước, uống trong 5 phút tại cơ sở xét nghiệm. Đường huyết sẽ được đo sau đó 2 giờ.

Kết quả:

  • Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose < 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường.
  • Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,0 mmol/L) phù hợp với chẩn đoán tiền đái tháo đường.
  • Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) giúp chẩn đoán đái tháo đường.

Chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose khi: Đường huyết đói < 100 mg/dL (5,6 mmol/L), hoặc HbA1c < 5,7% ở người có kèm theo các nguy cơ tiền tiểu đường, hay ĐTĐ được đề cập ở trên (do nghiệm pháp dung nạp glucose giúp chẩn đoán tiền ĐTĐ và ĐTĐ nhạy hơn).1

Tiêu chí chẩn đoán tiền đái tháo đường

Chẩn đoán tiền đái tháo đường dựa vào một trong các tiêu chí sau:6

  • Rối loạn đường huyết đói: Đường huyết đói từ 100 – 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L).
  • Rối loạn dung nạp glucose: Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp 75 g glucose từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 đến 11,0 mmol/L).
  • HbA1c từ 5,7 đến 6,4%.

Biến chứng của tiền đái tháo đường

Nếu bạn không được điều trị, tiền tiểu đường có thể tiến triển thành ĐTĐ típ 2 và gây ra một số biến chứng mạn tính như:7

  • Bệnh tim.
  • Đột quỵ.
  • Tổn thương thần kinh.
  • Tổn thương thận.
  • Tổn thương mắt.
  • Loét chân, thiếu máu nuôi chân và có nguy cơ dẫn đến cắt cụt.
  • Nhiễm trùng da.
  • Vấn đề về thính giác.
  • Bệnh Alzheimer.

Điều trị tiền đái tháo đường

Mục đích của điều trị tiền đái tháo đường1 2 3

  • Đưa đường huyết trở về bình thường, ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến tiến thành ĐTĐ típ 2, ngăn chặn và làm giảm các biến chứng do tăng đường huyết.
  • Giảm nguy cơ bệnh tim mạch thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm.

Mục tiêu điều trị1 2 3

  • Mục tiêu HbA1c: < 5,7%.
  • Giảm cân được ít nhất 3 –  7% cân nặng ở người thừa cân/béo phì và duy trì ở mức đó.
  • Vòng bụng < 80 cm với nữ giới, < 90 bụng với nam giới.
  • Đạt được hoạt động thể lực cường độ trung bình tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch (nếu có) bao gồm tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và bỏ hút thuốc lá.

Các phương pháp điều trị1 2 3

1. Thay đổi lối sống

  • Can thiệp dinh dưỡng

Người bệnh nên được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng. Can thiệp giảm cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân tiền ĐTĐ là cốt lõi; nhằm ngăn ngừa diễn tiến đến ĐTĐ đối với người thừa cân, béo phì. Chế độ giảm cân thường khó duy trì lâu dài. Do đó, sau những can thiệp tích cực ban đầu, người bệnh cần được tư vấn dùng thêm thuốc, hỗ trợ tâm lý.

Khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì. Khuyến cáo lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp, chất béo không no (dầu thực vật, cá).

Bên cạnh chế độ ăn giảm tổng năng lượng, một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền tiểu đường, ĐTĐ như các loại hạt, đậu, sữa chua, cà phê, trà được khuyến khích sử dụng.

Bên cạnh đó, các thực phẩm cần hạn chế bao gồm thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (mỡ động vật).

Với người không thừa cân, béo phì: không cần giảm cân, chỉ thay đổi sự lựa chọn thực phẩm như trên.

  • Tăng hoạt động thể lực

Bệnh nhân tiền ĐTĐ cần duy trì tập luyện và hoạt động thể lực nhằm đích tiêu hao khoảng 700 kcalo/tuần. Tương đương với mức độ tập luyện cường độ trung bình khoảng 150 phút/tuần như đi bộ nhanh, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, mỗi lần tập không dưới 10 phút.

Người bệnh nên giảm thời gian ngồi tĩnh tại, tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ… Lựa chọn bài tập và mức độ tuỳ từng cá thể.

Tập luyện giúp cải thiện tình trạng đề kháng insulin, cải thiện mỡ máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực, ngăn ngừa/làm chậm diễn tiến đến ĐTĐ típ 2.

Tập luyện có tác dụng tốt cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Lưu ý với người có bệnh tim mạch, cần được bác sĩ đánh giá bệnh lý tim mạch trước khi bắt đầu luyện tập.

Người bệnh nên cố gắng tập luyện thường xuyên. Mục đích là để bệnh nhân cam kết theo đuổi chương trình tập luyện lâu dài, không nản và bỏ cuộc.

  • Bỏ hút thuốc lá

Bỏ hút thuốc có thể cải thiện tình trạng đề kháng insulin, giúp cải thiện nồng độ đường huyết của bạn.

Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh được khuyến khích trong điều trị tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ
Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh được khuyến khích trong điều trị tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ

2. Can thiệp bằng thuốc

Sau can thiệp lối sống tích cực, Metformin được xem là thuốc có hiệu quả an toàn và tiết kiệm nhất.

Thuốc có thể chỉ định ở bệnh nhân tiền ĐTĐ sau 3 – 6 tháng thay đổi lối sống tích cực. Cùng với kết quả không cho thấy sự cải thiện về đường huyết.

Metformin khởi đầu khi phát hiện tiền ĐTĐ nếu kèm theo 1 trong các tiêu chí sau:

  • BMI ≥ 25 kg/m².
  • Bệnh nhân < 60 tuổi.
  • Phụ nữ có tiền sử ĐTĐ thai kỳ.
  • Có cả rối loạn đường huyết đói và rối loạn dung nạp glucose.
  • Có các yếu tố nguy cơ khác: có 1 trong các yếu tố bao gồm HbA1c > 6%, tăng huyết áp, HDL cholesterol thấp (<0,9 mmol/L), triglyceride cao (> 2,52 mmol/L); tiền sử gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh ĐTĐ típ 2.

Một số thuốc khác cân nhắc sử dụng thuốc thay thế nếu người bệnh không dung nạp với Metformin. Ví dụ nhóm ức chế alpha-glucosidase, thuốc đồng vận thụ thể GLP-1, Thiazolidine (TZD).

Có thể thấy, tiền đái tháo đường là một bệnh cần thời gian điều trị lâu dài, cần tái khám định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu không điều trị, tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ típ 2 và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, đột quỵ, tổn thương thần kinh, mắt, thận… Một điều may mắn là chúng ta có thể ngăn chặn và điều trị bằng cách thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn. Ngoài việc tuân theo một chế độ ăn uống đầy đủ để tăng cường sức khỏe, hoạt động thể chất thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiền ĐTĐ tiến triển.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2020 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường”Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16 tháng 7 năm 2020 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường”https://kcb.vn/van-ban/quyet-dinh-so-3087-qd-byt-ngay-16-thang-7-nam-2020-ve-viec-ban-hanh-tai-lieu-chuyen-mon-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-.html

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

  2. Nội tiết học lâm sàng (2021), Đại học Y Dược TP. HCM. NXB Y học. Trang 13-21.

  3. Prediabeteshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/symptoms-causes/syc-20355278

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

  4. IDF DIABETES ATLAS Ninth edition 2019https://diabetesatlas.org/idfawp/resource-files/2019/07/IDF_diabetes_atlas_ninth_edition_en.pdf

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

  5. Prediabetes – Your Chance to Prevent Type 2 Diabeteshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/prediabetes.html

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

  6. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2022https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S17/138925/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

  7. What Is Prediabetes?https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/what-is-prediabetes#complications

    Ngày tham khảo: 02/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người