Chân răng là gì? Có vai trò như thế nào?
Nội dung bài viết
Chân răng là một trong những yếu tố cấu thành nên một chiếc răng hoàn chỉnh. Yếu tố này có vai trò giúp cho răng bám chắc vào nướu. Một số bệnh lý tại vị trí này có thể ảnh hưởng từ ít đến nhiều chức năng ăn nhai. Vậy thì bộ phận này có cấu tạo như thế nào? Có vai trò ra sao? Mời bạn cùng cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
Khái niệm
Chân răng là một yếu tố cấu thành nên một chiếc răng hoàn chỉnh. Mỗi chiếc răng được cấu tạo bởi hai phần chính là thân răng và phần chân của răng. Cổ răng giải phẫu chính là phần phân cách giữa hai bộ phận này của răng.
Thân răng chính là phần thấy được nằm phía trên cổ răng giải phẫu. Trong khi phần chân của chiếc răng được chôn sâu trong nướu và cắm sâu và xương ổ răng. Bất kỳ nguyên nhân nào gây nên tình trạng lộ chân răng đều là bệnh lý.
Số chân của mỗi chiếc răng là bao nhiêu?
Răng sữa
Số chân của các răng sữa được xác định như sau:
- Những răng sữa có 1 chân gồm: Các răng cửa, răng nanh.
- Các răng có 2 chân gồm: Các răng hàm dưới (gồm có 1 chân gần và 1 chân xa).
- Những răng có 3 chân gồm: Các răng hàm trên (gồm 2 chân ngoài và 1 chân trong).
Răng vĩnh viễn
Mỗi răng có thể bao gồm từ 1 đến nhiều chân. Những răng có 1 chân bao gồm: Các răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ từ hai hàm trên và răng hàm nhỏ ở hàm dưới.
Những răng có 2 chân bao gồm: Răng hàm nhỏ thứ nhất hàm trên, răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai ở hàm dưới. Trong khi các răng có 3 chân gồm: Răng hàm lớn thứ nhất và thứ hai ở hàm trên. Ngoài ra, răng khôn là loại răng có số chân thay đổi (3 hoặc 4 chân).
Răng sữa có chân không chắc bằng răng vĩnh viễn. Do đó, răng sữa rất dễ lung lay. Đồng thời, nó dễ bị gãy trong quá trình nhổ răng.
Cấu tạo của chân răng
Phần chân của răng được cấu thành bởi 3 bộ phận là: Xi măng gốc răng, ngà răng và tủy răng.
Thứ nhất, chúng ta sẽ bàn về xi măng gốc răng. Nó không giống như men răng bao phủ bên ngoài thân răng. Xi măng gốc răng có bản chất là một lớp xương. Nó do mô liên kết tạo ra, có nguồn gốc trung bì. Đây là nơi các dây chằng nha chu bám để nối răng vào xương ổ răng.
Thứ hai là ngà răng. Ngà răng nằm bên trong lớp xi măng gốc răng. Đây là nơi có mạch máu nuôi dưỡng và có những dây thần kinh cảm giác chạy qua. Chính vì vậy, ngà răng rất nhạy cảm với nhiệt độ nóng lạnh.
Sâu trong cùng là tủy răng. Phần tủy nằm ở chân của răng được gọi là ống tủy. Nếu như ở thân răng thì tủy răng được gọi là buồng tủy. Đây là nơi chứa các mạch máu và dây thần kinh có vai trò nuôi răng. Bất kỳ một sự viêm nhiễm nào ở tủy răng cũng sẽ gây nên cảm giác rất đau nhức.
Chân của răng có chức năng gì?
Chân của răng được các dây chằng nha chu bao quanh. Những dây chằng này có tác dụng nối phần chân của răng vào xương ổ răng ở xương hàm. Từ đó, chúng giữ cố định và giúp những chiếc răng trụ vững trên cung hàm.
Tận cùng của chân răng có cấu trúc chóp. Đây chính là nơi mà những mạch máu và dây thần kinh đi vào để đến tủy răng. Có tác dụng giúp cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi răng.
Bệnh của chân răng
Bệnh lý thường gặp nhất ở phần chân của răng chính là viêm chân răng. Đây là là biến chứng của sự nhiễm trùng răng miệng. Nguyên nhân chính là do chúng ta không giữ gìn vệ sinh răng miệng gây ảnh hưởng đến nướu.
Xem thêm: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
Những triệu chứng của bệnh lý này bao gồm:
- Nướu răng đổi màu, chuyển sang màu đỏ sẫm.
- Đau nhức ở gốc răng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Chảy máu chân răng.
- Một số trường hợp có thể bị sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ khớp.
Khi phần chân của răng bị viêm, người bệnh nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa Rang Hàm Mặt. Nếu không được khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:
- Lộ phần chân của răng, răng tách rời khỏi nướu.
- Tổn thương khoang miệng.
- Viêm nha chu.
- Răng bị suy yếu và dễ gãy rụng.
- Chức năng ăn nhai bị suy giảm dẫn đến tình trạng ăn khó tiêu, đau bụng.
- Biến chứng viêm lên vùng xoang hàm, mặt, não, thậm chí là nhiễm trùng huyết.
Những lưu ý trong vấn đề vệ sinh răng miệng
Để bảo vệ toàn hàm răng, cũng như bảo vệ sức khỏe răng miệng, chúng ta nên thực hiện những khuyến cáo sau:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nên chà kỹ các kẽ răng để loại sạch thức ăn và mảng bám.
- Dùng thêm nước súc miệng để hiệu quả vệ sinh được tốt hơn.
- Sử dụng chỉ nha khoa để lấy những thức ăn, mảng bám bị kẹt trong các kẽ răng.
- Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn kẹo và bánh ngọt để phòng sâu răng.
- Không nên ăn thức ăn quá cứng cũng như quá nóng nhằm bảo vệ men răng.
- Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
- Khi có các bệnh lý về răng miệng thì nên đi khám ngay. Tránh những biến chứng nặng hơn có thể xảy ra.
Nói tóm lại, chân răng là một bộ phận rất cần thiết đối với con người. Nó góp phần giúp cho chức năng ăn nhai được diễn ra thuận lợi. Vì vậy, chúng ta nên giữ vệ sinh răng miệng, đồng thời đi khám ngay khi có bất thường về răng miệng để tránh những hậu quả phức tạp có thể xảy ra.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gum diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/gum-disease/
Ngày tham khảo: 10/08/2020
-
6 Ways to Keep Your Gums Healthyhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/ways-to-keep-gums-healthy
Ngày tham khảo: 10/08/2020
-
Gum Disease (Gingivitis and Periodontitis)https://www.healthline.com/health/gingivitis
Ngày tham khảo: 10/08/2020