YouMed

Chân vòng kiềng: Nguyên nhân và các bài tập khắc phục

BS Lâm Thị Xuân Nguyệt
Tác giả: BS.CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng

Chân vòng kiềng là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Đa số các trường hợp là sinh lý phát triển bình thường của xương nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu bị chân vòng kiềng thì khi nào cần đi khám bác sĩ? Nguyên nhân của chân vòng kiềng là gì? Có thể điều trị hay phòng ngừa chân vòng kiềng hay không? Để trả lời các câu hỏi trên, xin mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây của BS.CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt.

Chân vòng kiềng là gì?

Định nghĩa

Chân vòng kiềng (bow legs) là tình trạng một hoặc hai chân bị cong vòng ra ngoài. Khi hai bàn chân khép sát, hai mắt cá bên trong chạm vào nhau, trục hai chi dưới sẽ tạo thành hình dạng một vòng tròn nên gọi là vòng kiềng. Tình trạng này đôi khi còn được gọi là chân chữ O. Khi đó, sẽ có một khoảng trống rộng giữa hai gối trong tư thế đứng thẳng và cả khi chúng ta đi lại.1

Hình ảnh chân vòng kiềng
Hình ảnh chân vòng kiềng

Ai có thể bị chân vòng kiềng?

Trẻ sơ sinh thường xuất hiện tình trạng chân vòng kiềng trong những tháng đầu đời do tư thế chật hẹp trong tử cung. Không có số liệu thống kê tần suất gặp phải là bao nhiêu. Tuy nhiên, con số đủ lớn để người ta chấp nhận đây là tình trạng sinh lý phát triển bình thường của trẻ. Diễn tiến sẽ trở về tư thế bình thường theo thời gian.1

Ngoài ra, người trưởng thành cũng có thể bị chân vòng kiềng. Thường xuất hiện sau tổn thương bệnh lý ở vùng khớp gối.

Chân vòng kiềng nguyên nhân từ đâu?

Chân vòng kiềng ở trẻ em thường là do quá trình phát triển tự nhiên. Thời điểm chẩn đoán là vào giai đoạn bé mới tập đi, vì khi đó hình dạng vòng kiềng mới được bộc lộ rõ. Chân vòng kiềng sinh lý thường không có triệu chứng đau, nó đối xứng hai bên và tự điều chỉnh tới lúc 2 tuổi.2 Nếu đứa trẻ tiếp tục bị vòng kiềng sau 2 tuổi, đó có thể là kết quả của tình trạng bệnh lý. Các tình trạng bệnh lý bao gồm:1 3 4

Bệnh Blount

Tình trạng này xảy ra do sự bất thường tại đĩa sụn tiếp hợp được tìm thấy ở đầu trên xương chày. Trước 3 tuổi, bác sĩ có thể khó xác định chẩn đoán. Sau độ tuổi đó, tình trạng này sẽ có các triệu chứng rõ ràng hơn và có thể nhìn thấy trên phim X-quang.

Hình ảnh X quang của bệnh Blount
Hình ảnh X quang của bệnh Blount

Còi xương

Còi xương là căn bệnh gây ra biến dạng cũng như là sự mềm yếu của xương. Nó có thể dẫn đến một số triệu chứng khác nhau, bao gồm cả chân vòng kiềng. Bệnh lý này thường được gọi là còi xương dinh dưỡng vì nó thường xảy ra ở trẻ em không nhận đủ vitamin D, canxi hoặc phốt pho, những thứ mà cơ thể cần cho sự tăng trưởng và phát triển của xương.

Các nguyên nhân khác

  • Một số bệnh nhiễm trùng, chứng loạn sản xương (thường được gọi là chứng lùn) hoặc hemimelia (ngắn xương chày).
  • Cân nặng quá mức hoặc bị béo phì ở trẻ em.
  • Thoái hóa khớp ở người lớn. Khi thoái hóa khớp xảy ra, sụn và xương ở khớp gối bị mài mòn dần theo thời gian dẫn đến hình thành chân vòng kiềng. Tổn thương vùng khớp gối.
  • Nhiễm trùng quanh cẳng chân.
  • Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến sự phát triển của xương xung quanh khớp gối.

Làm thế nào điều trị chân vòng kiềng ở trẻ em?

Mặc dù chân vòng kiềng sinh lý sẽ không có triệu chứng đau hay khó chịu nào, nhưng thỉnh thoảng sẽ có các tật đi kèm như bàn chân vẹo trong khiến các ngón chân chạm nhau gây tình trạng té ngã ở trẻ. Ở tình huống đó có thể mang giày, dép ngược bên để hỗ trợ đi lại.

Theo sự phát triển sinh lý cơ thể, trục chân sẽ điều chỉnh lại bình thường sau khi bé biết đi. Tuy nhiên, có thể không điều chỉnh được và ngày càng biến dạng nặng hơn trong trường hợp bệnh lý. Vì vậy cần theo dõi và tái khám mỗi 6 tháng để kiểm tra sự cải thiện về mức độ cong.

Khi nguyên nhân là bệnh còi xương hoặc bệnh Blount, sự cong vòng sẽ trở nên trầm trọng hơn chứ không cải thiện. Chúng ta cần sử dụng các phương pháp điều trị khác để giải quyết, bao gồm: đeo nẹp, dùng thuốc (cho bệnh còi xương), chỉnh sửa bằng phẫu thuật. Chỉnh sửa phẫu thuật có hai loại:5

  • Thứ nhất là tăng trưởng có hướng dẫn, đây hình thức điều chỉnh trục xương phổ biến nhất. Nó sử dụng một chiếc kim ghim hoặc tấm kim loại để làm chậm sự phát triển của bên lành của xương chày và tạo cơ hội cho bên tổn thương tăng trưởng kịp.
  • Thứ hai là phẫu thuật cắt xương chày, bao gồm việc cắt đầu trên xương chày và sau đó tái tạo hình dạng để định hướng xương phát triển theo trục sinh lý.

Biến chứng của chân vòng kiềng

Ở người có chân vòng kiềng, có thể bị gia tăng áp lực và căng dãn các cấu trúc ở khớp gối trong vận động. Điều này sẽ xảy ra ở các hoạt động thông thường như đi lại và áp lực này sẽ bị tăng lên khi tập các bài tập tác động cao như chạy bộ.

Chân vòng kiềng sẽ tăng khoảng trống ở phía bên ngoài của khe khớp gối. Đồng thời, phía bên trong khe khớp gối có thể bị nén lại. Sự tách rộng ở phía ngoài của khớp gối có thể gây căng giãn quá mức các dây chằng cùng bên. Những dây chằng này có chức năng liên kết đầu dưới xương đùi với đầu trên xương cẳng chân. Chúng ngăn chặn chuyển động quá mức ở phần bên ngoài của khớp gối. Sự nén ép ở mặt trong khớp gối có thể gây đau hoặc làm tăng độ mài mòn và rách sụn chêm bên trong. Sụn này như là tấm đệm giữa xương đùi và xương chày trong khớp gối. Khi lực nén quá nhiều có thể gây ra các vấn đề như rách sụn chêm, viêm mặt khớp bên trong của khớp gối.

Ngoài ra, chân vòng kiềng cũng có thể ảnh hưởng đến khớp hông và cổ chân trong quá trình di chuyển. Do đó người có tình trạng ở khớp gối có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề ở các khớp hông và cổ chân khi vận động. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các vận động viên chân vòng kiềng có nguy cơ cao bị viêm gân gót hoặc một tổn thương gân gần gót chân. Điều này có thể là do lực xoay tăng lên ở xương chày trong các hoạt động chịu trọng lượng như chạy và squat.

Vậy để giảm thiểu nguy cơ tổn thương, chúng ta cần điều chỉnh hoặc bù trừ các lực này ở cẳng chân. Người có chân vòng kiềng khi chạy bộ, bàn chân và cổ chân của họ có xu hướng bị lật ngửa, hai lòng bàn chân xoay vào trong. Điều này tạo áp lực lên cạnh ngoài của bàn chân và các ngón chân phía bên ngoài. Vì vậy chúng ta có thể dùng miếng lót giày hoặc dụng cụ chỉnh hình (dụng cụ y tế đặt trong giày) để khắc phục điều này.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có chân vòng kiềng có thể gặp nhiều vấn đề hơn trong việc giữ thăng bằng, đặc biệt là di chuyển theo hướng sang bên. Điều này có thể là do sự thay đổi trọng tâm cơ thể vì vị trí bàn chân, cổ chân và hông bị thay đổi ở người có chân vòng kiềng.5

Lợi ích của các bài tập giúp cải thiện chân vòng kiềng

Vận động có thể tác động xấu đến cấu trúc khớp gối ở người có chân vòng kiềng. Thế nhưng, vận động là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Nhiều người có chân vòng kiềng vẫn có thể hoạt động và tập thể dục mà không bị đau hoặc gặp vấn đề gì. Thậm chí nếu biết cách chăm sóc khớp gối và vận động đúng cách có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương và chấn thương khớp gối.

Tập thể dục còn có thể giúp kiểm soát cân nặng, giúp ngăn ngừa các vấn đề về khớp. Bởi vì béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ cho thoái hóa khớp gối. Nếu bị béo phì và có chân vòng kiềng, nguy cơ thoái hóa khớp cao gấp 5 lần so với những người béo phì không có chân vòng kiềng.

Những người có chân vòng kiềng cần tham gia một số buổi tập để cải thiện khả năng giữ thăng bằng và chức năng cảm thụ bản thể, tức là cảm nhận chuyển động của cơ thể. Điều này giúp cải thiện chức năng trong các hoạt động hàng ngày và có thể giúp ngăn ngừa té ngã.

Tóm lại, người bị chân vòng kiềng vẫn có thể tập thể dục. Tuy nhiên nên chọn các môn có tác động thấp hơn và ít có khả năng dẫn đến các vấn đề về khớp gối trong tương lai. Điều quan trọng là cần tập các bài tập để giữ cho chân và khớp gối thẳng trục. Các bài tập này là phương pháp huấn luyện thần kinh cơ, giúp cải thiện các chuyển động và sự ổn định của cơ thể.

Một số nghiên cứu đã công bố rằng tập thể dục có thể làm giảm khoảng trống khe khớp gối khi bị chân vòng kiềng. Tuy nhiên, nếu biến dạng là cố định, nghĩa là chân vòng kiềng không góp phần bởi sự co thắt hoặc yếu cơ và co rút hoặc kéo dãn của dây chằng bao khớp xung quanh thì điều trị duy nhất là phẫu thuật để chỉnh trục xương về tư thế bình thường. Khi chân vòng kiềng nặng lên do một số vấn đề từ mô mềm thì áp dụng một số bài tập sẽ giúp cải thiện độ cong ở vùng gối.

Các bài tập có thể giúp chỉnh sửa chân vòng kiềng

Bài tập kéo dãn cơ6

Các bài tập để kéo dãn cơ vùng háng, cơ đùi và tập mạnh cơ vùng háng đã được chứng minh là giúp điều chỉnh chân vòng kiềng. Chúng cũng có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương. Các bài tập bao gồm: kéo dãn cơ đùi sau, kéo dãn háng, kéo dãn cơ hình lê (cơ nằm ở vùng mông), tập mạnh cơ mông nhỡ (cơ hông bên) bằng băng kháng lực.

1. Kéo dãn cơ đùi sau

Có nhiều bài tập để kéo dãn cơ đùi sau, trong bài viết này tôi sẽ đề cập tới bài chạm ngón chân vì nó dễ áp dụng (có thể tập tư thế đứng hoặc ngồi). Ở tư thế đứng, bạn cúi gập người về phía trước ngang mức hông, sau đó dùng các ngón tay cố gắng chạm và các ngón chân.

Một số mẹo để giúp tập hiệu quả và an toàn:

  • Không được nhún khi cúi gập người. Nhún làm kích hoạt cơ chế phản xạ kéo căng, dẫn đến co cơ nhiều hơn.
  • Nâng xương ngồi (vùng đỉnh mông) hướng lên trần nhà giúp kéo dài cơ đùi sau hiệu quả hơn.
  • Đảm bảo hông của bạn thẳng trục với bàn chân, không nên để mông phía sau bàn chân vì làm giảm hiệu quả của kéo dãn.
  • Nếu cơ lõi (cơ thân mình) yếu, nên sử dụng bàn hoặc ghế để hỗ trợ vịn khi đứng dậy.
Bài tập chạm ngón chân tư thế đứng
Bài tập chạm ngón chân tư thế đứng

2. Kéo dãn háng

Bài tập này sẽ tập trung kéo dãn cơ đùi trong, giúp mở hông và tăng tính linh hoạt cơ khép.

Các bước thực hiện bao gồm:

  • Ngồi trên sàn hoặc trên giường. Sàn nhà tốt hơn vì nó là bề mặt cứng hơn, có thể giúp bạn tránh bị co thắt cơ quá mức.
  • Đặt hai lòng bàn chân vào nhau và thả 2 đầu gối sang bên.
  • Giữ nguyên tư thế này trong khoảng 5 giây. Duy trì nhịp thở.
  • Duỗi 2 chân thẳng ra để cho cơ khép thư giãn.
  • Lặp lại 3 đến 5 lần.
  • Khi mới bắt đầu, bạn có thể thấy gối của mình không hạ xuống sàn. Đừng lo lắng, bạn cứ làm đến mức tối đa có thể.
Kéo dãn cơ khép 
Kéo dãn cơ khép

3. Kéo dãn cơ hình lê

Cơ hình lê là một cơ ở vùng mông có chức năng dạng hông, bài tập kéo dãn hình số 4 (Figure 4 stretch) giúp kéo dãn cơ hình lê gồm các bước sau:

  • Bắt đầu tư thế nằm ngửa, sau đó gấp gối bên phải và đặt bàn chân phải trên mặt đất.
  • Tiếp theo, đặt cổ chân trái lên trên đùi chân phải rồi đẩy đầu gối trái ra ngoài, xa lồng ngực.
  • Dùng 2 tay ôm đùi phải kéo đầu gối phải về phía ngực cho tới khi có cảm giác găng vùng mông trái.
  • Giữ tư thế kéo căng này trong ít nhất 10 giây và sau đó trở lại vị trí bắt đầu.
  • Thực hiện bài tập kéo giãn này trong khoảng 15 lần, sau đó chuyển sang chân còn lại và lặp lại các bước trên.
Kéo dãn cơ hình lê
Kéo dãn cơ hình lê

Tập mạnh cơ mông nhỡ với băng kháng lực (Clamshell). Cơ mông nhỡ có chức năng làm dạng hông. Bài tập Clamshell không những có tác dụng làm mạnh cơ mông nhỡ, mà còn mạnh cơ vùng đùi sau và cơ lõi. Để thực hiện bài tập này, hãy làm theo các bước dưới đây:

  • Đầu tiên, vòng dây kháng lực vào 2 chân, đặt nó phía trên đầu gối.
  • Sau đó, nằm nghiêng sang bên trái, giữ chân và hông chồng lên nhau.
  • Gập 2 gối một góc 90 độ và gấp nhẹ hông.
  • Co cơ bụng của bạn để ổn định lõi.
  • Giữ hai bàn chân tiếp xúc với nhau khi bạn nâng đầu gối phải trên lên cao hết mức có thể mà không di chuyển hông hoặc xương chậu. Không cho phép cẳng chân trái di chuyển khỏi sàn.
  • Giữ tư thế kéo căng này trong ít nhất 5 giây trước khi trở lại vị trí bắt đầu.
  • Thực hiện bài tập này trong khoảng 15 lần lặp lại và sau đó đổi bên.
Bài tập Clamshell với băng kháng lực
Bài tập Clamshell với băng kháng lực

Các bài tập để cải thiện sự cân bằng

Nghiên cứu chỉ ra rằng chức năng thăng bằng giảm nhẹ nếu bị chân vòng kiềng.6 Do đó, chúng ta nên thêm các bài tập thăng bằng vào chương trình tập luyện. Một số bài tập bao gồm: đứng một chân, đứng nối gót chân này vào mũi chân kia, tập luyện với bóng BOSU, dùng ván thăng bằng hoặc ván BAPS.

Hình ảnh bóng Bosu
Hình ảnh tập luyện với bóng Bosu

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, hãy đến khám và nhận tư vấn từ các bác sĩ phục hồi chức năng và nhà vật lý trị liệu. Họ có thể hỗ trợ để đảm bảo các bài tập của bạn là an toàn khi bạn thực hiện.

Lưu ý khi tập các bài tập giảm tình trạng chân vòng kiềng

Chọn hoạt động và môn thể thao an toàn4

Các môn thể thao có tác động thấp hơn hoặc không có tác động sẽ bảo vệ sức khỏe khớp gối tốt hơn, vì chúng hạn chế lực tác động qua khớp gối và ngăn ngừa các vấn đề mài mòn sụn khớp. Trường hợp đã bị đau chân, bạn có thể tìm các bài tập không tác động để thực hiện hoặc có thể chọn đạp xe hoặc bơi lội như một hình thức tập thể dục thay thế. Các bài tập thăng bằng và linh hoạt, chẳng hạn như yoga, thái cực quyền và Pilates cũng có thể có lợi. Hạn chế những bài tập tác động mạnh như: chạy bộ, đá bóng, tập aerobic, bóng rổ, tennis, bóng chuyền.

Các lời khuyên cho việc giữ an toàn4

Để đảm bảo an toàn khi vận động, người bị chân vòng kiềng có thể tham khảo một số tip sau đây:

  • Khi chạy, bạn hãy đảm bảo rằng đầu gối vẫn ở ngay trên các ngón chân mỗi khi bàn chân tiếp đất.
  • Khi ngồi xổm, bạn không nên ngồi xổm sâu đến mức hông xuống dưới thấp hơn vị trí đầu gối. Giữ gối của bạn trên các ngón chân.
  • Nên mang giày có sự hỗ trợ, chêm lót thích hợp.
  • Tham khảo ý kiến của chuyên gia về giày dép hoặc bác sĩ chuyên khoa bàn chân để xác định loại giày hoặc miếng lót nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho bàn chân.

Chân vòng kiềng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên khác với trẻ em diễn tiến thường là tự nhiên và tự hồi phục, còn ở người lớn thì biến dạng này thường là vấn đề bệnh lý và cần được điều trị. Nếu trẻ em sau 2 tuổi vẫn còn chân vòng kiềng, nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị sớm. Ở người lớn bị chân vòng kiềng thì nguyên nhân thường gặp là thoái hóa khớp gối và có thể đi kèm tình trạng béo phì. Để chỉnh sửa chân vòng kiềng cho người lớn thường phải áp dụng phương pháp phẫu thuật.

Chân vòng kiềng không chỉ làm ảnh hưởng về thẩm mỹ mà còn cả chức năng vận động. Tuy nhiên, nếu tập vận động đúng cách sẽ giúp phòng ngừa tác động xấu do chân vòng kiềng, cũng như là duy trì chức năng của hệ cơ xương khớp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bow Leggedhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22049-bow-legged

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  2. Pediatric Genu Varumhttps://emedicine.medscape.com/article/1355974-overview#a1

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  3. What to know about bow legshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/bow-legs

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  4. Exercising When You Have Bow Legshttps://www.verywellhealth.com/exercise-with-bow-legs-or-knock-knees-3119242

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  5. How to Correct Bowlegs in Adultshttps://www.hss.edu/conditions_correct-bowlegs-adults.asp

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  6. 7 Great Hamstring Stretcheshttps://www.verywellhealth.com/great-hamstring-stretches-296849

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

  7. Thigh Stretches That Focus on Groin Flexibilityhttps://www.verywellhealth.com/groin-and-inner-thigh-muscle-stretches-296854

    Ngày tham khảo: 04/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người